Đột quỵ có thể xảy ra ở mọi đối tượng, mọi thời điểm nhưng thường dễ khởi phát hơn khi trời trở lạnh, đặc biệt là ở người già. Tỷ lệ người cao tuổi nhập viện do đột quỵ vào mùa lạnh thường chiếm 70 – 80% tổng số bệnh nhân điều trị trong năm. Vậy đột quỵ ở người già tại sao thường xảy ra khi trời lạnh và cách phòng tránh là gì?
Bạn đang đọc: Cách phòng tránh đột quỵ ở người già khi trời lạnh
1. Người già dễ bị đột quỵ khi trời lạnh
Đột quỵ là bệnh lý cấp tính, thường xảy ra đột ngột và gây nguy hiểm cho người bệnh. Đột quỵ tồn tại ở 2 dạng là đột quỵ do thiếu máu não (chiếm 80 – 85%) và đột quỵ chảy máu não (chiếm 15 – 20%).
Đột quỵ có thể xảy ra ở mọi đối tượng, mọi thời điểm nhưng thường gặp nhiều hơn khi trời trở lạnh. Bởi thời tiết lạnh tác động xấu đến mạch máu, gây rối loạn quá trình lưu thông của máu đến nuôi các cơ quan trong cơ thể, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, dẫn đến đột quỵ.
Đột quỵ khi thời tiết lạnh đặc biệt dễ xảy ra ở người già. Các thống kê cho thấy, tỷ lệ người cao tuổi nhập viện do đột quỵ vào mùa lạnh thường rất cao, chiếm 70 – 80% tổng số bệnh nhân điều trị trong năm.
Đột quỵ ở người lớn tuổi, nhất là khi thời tiết trở lạnh dễ khiến nguy cơ tử vong ở đối tượng này rất cao.
Người già dễ bị đột quỵ hơn khi trời lạnh.
2. Vì sao người già dễ bị đột quỵ vào mùa lạnh?
Sở dĩ, người lớn tuổi dễ bị tác động và gặp đột quỵ vào mùa lạnh là do:
– Ảnh hưởng của quá trình lão hóa khiến các mạch máu của người già trở nên xơ cứng, giảm đàn hồi. Khi gặp thời tiết lạnh, các mạch máu co lại, trong khi sức cản lòng mạch cao do sự tích tụ của các mảng bám và cục máu đông. Điều này khiến máu không thể lưu thông một cách bình thường, dễ dẫn đến tắc nghẽn.
– Người cao tuổi dễ mắc các bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu, tim mạch. Đây đều là những yếu tố nguy cơ quan trọng gây đột quỵ.
– Khả năng tự điều hòa tuần hoàn não của người cao tuổi khi trời lạnh trở kém hơn, dễ dẫn đến thiếu hụt lượng máu lên não.
Đặc biệt, việc ngồi dậy đột ngột, kết hợp thời tiết lạnh lúc nửa đêm về sáng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người cao tuổi.
Sáng sớm là lúc thời tiết lạnh nhất, cơ thể đang từ trong nhà ấm, nếu ra ngoài đột ngột có thể không kịp thích nghi, dễ gây đột quỵ hoặc làm tăng nặng các bệnh lý vốn có.
3. Các biểu hiện đột quỵ ở người già
Cũng giống như các trường hợp nói chung, tình trạng đột quỵ ở người già thường biểu hiện như sau:
– Cơ thể đột nhiên mệt mỏi, kiệt quệ, thậm chí không còn sức lực
– Tê cứng, yếu một nửa mặt, cười méo mó
– Liệt một bên cơ thể, khó cử động chân tay, không thể nâng hai cánh tay qua đầu cùng một lúc
– Gặp khó khăn trong việc phát âm, nói không rõ chữ, bị dính chữ, nói ngọng, nói lắp, không thể nhắc lại những câu đơn giản
– Đột nhiên chóng mặt, cảm thấy hoa mắt, mất thăng bằng đột ngột, khó phối hợp các hoạt động
– Thị lực giảm đột ngột, mắt mờ, không nhìn rõ
– Đau đầu dữ dội, có thể kèm theo buồn nôn hoặc nôn
Nếu thấy một vài dấu hiệu kể trên, cần gọi cấp cứu hoặc đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.
Tìm hiểu thêm: Cập nhật điều trị nhồi máu não sau chấn thương động mạch cảnh
Yếu, liệt, khó cử động tay chân có thể là dấu hiệu đột quỵ ở người cao tuổi.
4. Các biện pháp bảo vệ người cao tuổi trong thời tiết lạnh, tránh đột quỵ
4.1 Giữ ấm cơ thể để phòng tránh đột quỵ ở người già khi trời lạnh
Giữ ấm cơ thể trong mùa lạnh là rất quan trọng đối với tất cả mọi người. Đặc biệt người cao tuổi càng cần chú ý điều này hơn. Cụ thể, nên giữ ấm cơ thể bằng cách mặc nhiều quần áo, đi tất, quàng khăn khi đi ngủ hoặc mỗi khi ra khỏi phòng. Hạn chế đi bộ vào buổi sáng tránh để cơ thể phải tiếp xúc với cái lạnh đột ngột. Nếu có tập thể dục vào thời điểm này cũng nên giữ ấm cơ thể.
Người già không ra ngoài hay hoạt động ngoài trời quá lâu hoặc khi thời tiết lạnh, không tắm nước lạnh hay uống nước lạnh. Nếu cần có thể sử dụng các thiết bị hỗ trợ giữ ấm như túi sưởi, quần áo giữ nhiệt…
4.2 Ăn uống lành mạnh
Do thường mắc nhiều bệnh lý nền cùng lúc nên người già cần đặc biệt chú ý đến chế độ ăn uống. Cần ăn đủ bữa trong ngày, đặc biệt là bữa sáng. Ăn nhiều các loại rau xanh, hoa quả, đậu nành, ăn nhiều cá, ít thịt. Ngoài ra, người cao tuổi cần ăn nhạt, giảm mỡ trong các món ăn, ưu tiên chế biến bằng cách luộc, hấp. Thực hiện những điều này giúp người già tăng sức đề kháng, ổn định huyết áp, mỡ máu, từ đó phòng chống đột quỵ.
4.3 Sinh hoạt điều độ giúp phòng ngừa đột quỵ ở người già
Người già nên đi ngủ và thức dậy đúng giờ. Ngoài ra nên tập thể dục đều đặn, tuy nhiên cần tránh tập vào buổi sáng để tránh sốc nhiều. Nếu tập vào thời điểm này, nên đảm bảo cơ thể đủ ấm.
4.4 Bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia
Đây là điều rất quan trọng để người cao tuổi có thể duy trì sức khỏe tốt và chống chọi với các loại bệnh tật, trong đó có đột quỵ. Thay vào đó, nên uống nhiều nước vào sáng sớm lúc ngủ dậy để giảm độ nhớt của máu, phòng ngừa đột quỵ.
>>>>>Xem thêm: Bệnh tim đập nhanh có nguy hiểm không điều trị thế nào?
Để phòng tránh đột quỵ và hạn chế những ảnh hưởng do đột quỵ gây ra, người trung và cao tuổi nên tầm soát và kiểm soát tốt các bệnh lý nguy cơ gây đột quỵ.
4.5 Tầm soát sớm các yếu tố nguy cơ đột quỵ
Trong trường hợp đã có sẵn bệnh nền, người bệnh cần tuân thủ đơn thuốc và chế độ ăn uống, tập luyện được bác sĩ tư vấn để kiểm soát bệnh, tránh biến chứng thành đột quỵ.
Dù chưa có tiền sử bệnh, người cao tuổi cần chủ động tầm soát nguy cơ đột quỵ, qua đó phát hiện được sớm các yếu tố gây bệnh, đặc biệt là các bệnh lý như tim mạch, tiểu đường, huyết áp, mỡ máu để kiểm soát kịp thời.
Như vậy, chúng ta vừa tìm hiểu về tình trạng đột quỵ khi trời lạnh ở người già. Hi vọng qua những thông tin này, bạn đã hiểu hơn về nguyên nhân và cách phòng tránh tình trạng này, nhằm bảo vệ sức khỏe cho người cao tuổi.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.