Mắt là một cơ quan với cấu tạo phức tạp từ nhiều hệ thống mạch máu và dây thần kinh. Phía sau mắt có võng mạc, trong võng mạc có hệ thống vi mạch máu nhỏ và vô cùng phức tạp. Mọi chấn thương, sưng viêm hay sự tấn công của các tác nhân lạ đều có thể khiến máu từ mạch máu thoát ra ngoài võng mạc hay còn gọi là võng mạc xuất huyết.
Bạn đang đọc: Võng mạc xuất huyết: Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết
1. Tìm hiểu về bệnh xuất huyết võng mạc
1.1. Định nghĩa
Võng mạc (màng thần kinh) là một màng bên trong đáy mắt có nhiệm vụ tiếp nhận ánh sáng hội tụ từ thủy tinh thể. Khi ánh sáng đi vào mắt sẽ xuyên qua giác mạc, thủy tinh thể và hội tụ trên võng mạc. Lúc này võng mạc sẽ chuyển năng lượng ánh sáng thành tín hiệu thị lực và gửi về trung khu phân tích tại vỏ não thông qua các dây thần kinh thị giác.
Tình trạng xuất huyết là một trong những biến chứng của bệnh lý mạch máu võng mạc, xảy ra khi máu tại mạch máu thoát ra ngoài võng mạc gây giảm thị lực như nhìn mờ, đau và đỏ mắt. Tùy theo số lượng cũng như vị trí xuất huyết mà người bệnh mất thị lực nhiều hay ít.
Ngoài ra xuất huyết võng mạc cũng có thể là triệu chứng của một số vấn đề về mắt khác hoặc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường. Đây là một trong những dấu hiệu tiên lượng xấu vì tổn thương đã ảnh hưởng đến chức năng thị giác.
Xuất huyết võng mạc là một trong những biến chứng của bệnh lý mạch máu võng mạc.
1.2. Nguyên nhân võng mạc xuất huyết
Tình trạng xuất huyết tại màng thần kinh có thể do nhiều nguyên nhân nhưng hầu hết là bệnh lý hoặc tổn thương liên quan đến mạch máu như:
– Chấn thương đầu ảnh hưởng tới mắt.
– Chấn thương mắt do lực mạnh tác động lặp lại.
– Đái tháo đường.
– Tăng huyết áp.
– Viêm mạch máu võng mạc.
– Thay đổi áp suất đột ngột, ví dụ như leo núi hoặc lặn sâu dưới biển.
– Cận thị nặng.
– Bệnh bạch cầu.
– Thoái hóa điểm vàng.
– Phình mạch máu võng mạc.
Cần phải xác định chính xác nguyên nhân gây xuất huyết tại võng mạc mới có thể điều trị hiệu quả. Nếu không khắc phục tốt, bệnh tái phát nhiều lần có thể gây suy giảm thị lực, xuất hiện điểm mù và nghiêm trọng.
1.3. Dấu hiệu nhận biết
Một số dấu hiệu để nhận biết người bệnh bị xuất huyết võng mạc bao gồm:
– Mắt nhìn mờ, đỏ, đau nhức, ruồi bay (các chấm nhỏ li ti màu đen trong mắt), mạng nhện hoặc màu đỏ trong tầm nhìn. Nhìn thấy sương mù, ánh sáng lóe lên nhanh chóng trong tầm nhìn ngoại vi.
– Tầm nhìn bị bóp méo.
– Nghiêm trọng nhất là đột ngột bị mất thị lực.
– Một số người bệnh thường có cảm giác đau đầu.
1.4. Biến chứng
Cần phải xác định chính xác nguyên nhân gây xuất huyết màng thần kinh mới có thể điều trị hiệu quả. Nếu không khắc phục tốt, bệnh tái phát nhiều lần có thể gây suy giảm thị lực và để lại những biến chứng nguy hiểm như:
– Xuất hiện điểm mù và nặng nhất là mất thị lực vĩnh viễn.
– Tăng nhãn áp mạch máu hoặc tăng sinh xơ mạch ống kính.
– Xơ hóa dưới mô.
– Tân mạch hắc võng mạc.
Tìm hiểu thêm: Sụp mí mắt là bệnh gì, có nguy hiểm không?
Tình trạng xuất huyết có thể dẫn đến hình thành điểm mù trong mắt, nguy hiểm hơn là mất thị lực vĩnh viễn.
2. Võng mạc xuất huyết: Đối tượng có nguy cơ cao và cách phòng ngừa
2.1. Đối tượng có nguy cơ cao
– Trẻ nhỏ: Trẻ sơ sinh, đặc biệt là sinh non có hệ mạch máu non nớt hơn bình thường dẫn đến nguy cơ vỡ cao gây xuất huyết võng mạc.
– Người bị tắc tĩnh mạch tại võng mạc: Khi tình trạng tắc tĩnh mạch võng mạc xuất hiện, áp lực cao dễ khiến mạch máu vỡ gây xuất huyết.
– Người bị tiểu đường: Bệnh nhân tiểu đường nói chung rất dễ mắc các vấn đề liên quan đến mạch máu như rò rỉ hoặc tắc nghẽn. Tình trạng bệnh trên gây suy giảm vận chuyển oxy trong hồng cầu dẫn đến thiếu máu và tăng nguy cơ tổn thương võng mạc.
– Người bị cao huyết áp: Cao huyết áp là nguyên nhân chính của nhiều bệnh lý và biến chứng mạch máu, trong đó bao gồm tổn thương chảy máu mạch máu nhỏ võng mạc. Bên cạnh xuất huyết võng mạc, bệnh nhân cao huyết áo còn dễ bị phù gai thị và chảy máu trong mắt gây ảnh hưởng thị lực.
– Người bị cận thị nặng: Tình trạng này xảy ra phổ biến ở lứa tuổi học sinh và nhân viên văn phòng, về lâu dài có thể dẫn đến biến chứng xuất huyết võng mạc.
2.2. Cách phòng ngừa võng mạc xuất huyết
Tuy hầu hết trường hợp xuất huyết màng thần kinh không quá nguy hiểm song việc chủ động phòng ngừa vẫn rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe đôi mắt.
– Đảm bảo dinh dưỡng, theo dõi sức khỏe: Tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ mang thai nên bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, các vitamin và khoáng chất để củng cố độ bền mạch máu, đề phòng nguy cơ tiểu đường thai kỳ. Bên cạnh đó đặc biệt theo dõi sức khỏe thai nhi, lưu ý những triệu chứng để kịp thời thăm khám, tránh biến chứng.
– Kiểm soát tiểu đường và huyết áp: Bệnh nhân tăng huyết áp và đái tháo đường có nguy cơ xuất huyết võng mạc cao. Do đó các đối tượng này cần kiểm soát các chỉ số sức khỏe của bản thân bằng cách tập thể dục đều đặn, sống thư giãn lành mạnh và có chế độ ăn uống tốt.
– Điều trị bệnh về mắt: Những bệnh nhân có vấn đề về mắt nếu đồng thời xuất huyết màng thần kinh có nguy cơ dẫn đến biến chứng nặng hơn. Do đó những đối tượng này cần sớm thăm khám và điều trị bệnh để bảo vệ thị lực.
– Hạn chế sử dụng thiết bi điện tử liên tục: Sử dụng thiết bị điện tử thường xuyên, đặc biệt trong môi trường thiếu sáng là nguyên nhân hàng đầu gây suy giảm thị lực và tổn thương mắt. Do đó những đối tượng học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng cần có những biện pháp để bảo vệ mắt tốt hơn.
Hầu hết các trường hợp xuất huyết màng thần kinh nhẹ sẽ tự khỏi sau vài ngày khi các mô mắt hấp thu máu chảy ra. Tuy nhiên nếu tình trạng xuất huyết đi kèm với các bệnh lý khác và không được khắc phục, tình trạng này có thể lặp lại nhiều lần, gây ra những tổn thương khó phục hồi. Chính vì vậy, bạn không nên chủ quan nếu xuất huyết võng mạc kéo dài và không cải thiện sau nhiều ngày.
>>>>>Xem thêm: Điểm danh những bệnh mắt đặc trưng của dân văn phòng
Chủ động chăm sóc sức khỏe thị lực bắt đầu từ định kỳ kiểm tra mắt mỗi 6 tháng tại các cơ sở y tế uy tín.
Trên đây là những thông tin chung về tình trạng võng mạc xuất huyết như nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết bệnh, các đối tượng có nguy cơ cao và cách đề phòng. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, bạn có thể liên hệ ngay đến Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được tư vấn và giải đáp tận tình nhất.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.