Lác mắt là tật thường gặp ở trẻ nhỏ, không chỉ ảnh hưởng xấu đến thẩm mỹ mà còn gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt của trẻ. Thậm chí lác còn có thể dẫn đến nguy cơ mất thị lực hoàn toàn ở bên lác. Tuy nhiên, nếu nhận biết kịp thời dấu hiệu bị lác mắt sẽ giúp trẻ được điều trị bệnh sớm, đem lại hiệu quả cao và đảm bảo thị lực không gặp ảnh hưởng. Hãy cùng theo dõi bài viết để biết các dấu hiệu trẻ bị lác mắt sớm và có phương hướng điều trị kịp thời.
Bạn đang đọc: Nhận biết sớm dấu hiệu trẻ bị lác mắt và hướng điều trị
1. Hiểu rõ về tình trạng mắt lác ở trẻ
1.1. Tật mắt lác ở trẻ là như thế nào?
Lác mắt hay còn gọi là lé mắt, là bệnh lý mà hai mắt không di chuyển theo hướng giống nhau khi nhìn vào một vật. Một mắt có thể nhìn đúng hướng cần nhìn nhưng một mắt còn lại hướng lên trên, xuống dưới, sang trái hoặc phải. Mắt lác là loại bệnh lý không hiếm gặp nhưng ảnh hưởng đến thẩm mỹ khá nhiều. Điều này khiến cho người mắc cảm thấy tự ti trong giao tiếp và ảnh hưởng khá nhiều đến thị lực cũng như sức khỏe đôi mắt. Lác mắt thường gặp ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và cũng có thể xảy ra ở trẻ lớn hơn.
Tật lác mắt được chia thành 4 loại chính dựa theo hướng bị lác.
– Mắt hướng lệch vào trong gọi là lác trong.
– Mắt hướng lệch ra ngoài gọi là lác ngoài.
– Mắt hướng lệch lên trên gọi là lác trên.
– Mắt hướng lệch xuống dưới gọi là lác dưới.
Các hướng lệch mắt khi trẻ bị lác
1.2. Những nguyên nhân khiến cho trẻ bị mắt lác là gì?
Hầu hết các trường hợp đều do tật khúc xạ hoặc do các yếu tố bẩm sinh. Tuy nhiên, đôi khi do một rối loạn nghiêm trọng như u nguyên bào võng mạc hay liệt dây thần kinh sọ não cũng khiến cho trẻ bị lác mắt.
Nhìn chung, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lác mắt được chia thành hai nguyên do chính, đó là:
Lác mắt do bẩm sinh
Lác mắt do bẩm sinh thường xuất hiện ngay khi sinh hoặc trong vòng 6 tháng đầu với những biểu hiện khá rõ ràng. Nguyên nhân chính dẫn đến lác mắt bẩm sinh đó là do bị liệt cơ vận nhãn (bao gồm 4 cơ trực và 2 cơ chéo bám xung quanh giúp mắt nhìn sang các hướng) một cách bẩm sinh.
Thường có khoảng 25% các trường hợp mắt lác là có liên quan đến các yếu tố di truyền. Bên cạnh đó, việc trẻ bị sinh non hoặc sinh thiếu cân cũng có thể là những yếu tố gây ra nguy cơ mắt lác ở trẻ.
Lác mắt do thứ phát
Lác mắt do thứ phát thường xảy ra thường do các bệnh lý toàn thân, bệnh lý tại mắt hoặc chấn thương vùng đầu mặt. Cụ thể như:
– Mắc các tật khúc xạ như cận, loạn, viễn nhưng không đeo kính sớm và không đeo đúng độ.
– Mắc các bệnh lý làm giảm thị lực như sẹo giác mạc, đục thủy tinh thể, các bệnh lý về võng mạc hoặc ung thư nguyên bào võng mạc.
– Mắc các tổn thương ở não ảnh hưởng đến các dây thần kinh và cơ vùng sọ mặt, từ đó gây ra các bất thường hoặc liệt cơ vận động mắt.
– Mắc các bệnh lý khác như tiểu đường, Basedow,…
– Do yếu tố môi trường như khi nhìn vào khoảng cách gần trong một thời gian quá dài cũng có khả năng mắc bệnh lác thứ phát.
2. Cách nhận biết sớm dấu hiệu trẻ bị lác mắt
2.1. Các dấu hiệu trẻ bị lác mắt
Mắt lác thông thường có thể nhận biết được ngay thông qua quan sát bên ngoài, bởi những đặc điệm nhận diện của bệnh rất khác biệt và được thể hiện ngay trên khuôn mặt trẻ như:
– Mắt trẻ khó có thể nhìn thẳng được vào một vật, hai mắt sẽ không nhìn theo một hướng mà sẽ nhìn theo hai hướng khác nhau. Trong đó, một mắt sẽ nhìn đúng hướng phía trước còn một mắt nhìn theo hướng lệch hoặc cả hai mắt đều nhìn lệch hướng.
– Có hiện tượng nhìn một thành hai do hai mắt không tập trung nhìn cùng một hướng do vậy hình ảnh gửi lại não bộ không trùng khớp.
– Thường trẻ sẽ có xu hướng nghiêng đầu để cả hai mắt có thể cùng nhìn một hướng và nhìn được chính xác.
– Mắt hay bị mệt mỏi và khó tập trung hơn những người khác.
Ngoài ra còn một số trường hợp lác nhẹ, lác không thường xuyên hoặc lác ẩn sẽ khó phát hiện hơn. Lúc này cha mẹ nên đưa trực tiếp trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám.
Tìm hiểu thêm: Tròng kính cận làm bằng gì? Loại nào chất lượng tốt?
Hai mắt sẽ không nhìn theo một hướng mà sẽ nhìn theo hai hướng khác nhau là dấu hiệu nhận biết dễ nhận thấy nhất ở trẻ khi có tật mắt lác
2.2. Dựa trên dấu hiệu trẻ bị lác mắt, khuyến nghị hướng điều trị phù hợp cho trẻ
Khả năng chữa lác mắt là khá cao nếu kịp thời phát hiện và điều trị sớm. Với những trẻ em bị lác mà được chữa trị trước 4 tuổi thì khả năng thành công gần như hoàn toàn. Với những trẻ chữa muộn hơn, khả năng thành công chắc chắn sẽ giảm dần đi.
Chính vì vậy, nếu phát hiện con bị lác thì cha mẹ nên đưa ngay trẻ đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị sớm nhất có thể.
Cách chữa mắt lác bằng chỉnh quang hoặc miếng che mắt
Với những trường hợp bị lác do tật khúc xạ và một số trường hợp bẩm sinh, việc chỉnh quang là điều không thể thiếu khi điều trị mắt lác. Đeo kính sẽ giúp cho mắt của trẻ bị lác nhìn rõ hơn, tạo điều kiện thuận lợi trong việc phối hợp thị giác hai mắt.
Ngoài ra có thể điều trị bằng miếng che mắt đối với mắt bên bình thường buộc bé phải sử dụng mắt yếu hơn để nhìn. Mục đích của cách điều trị này là để tăng cường các cơ vòng mắt bên yếu hơn và điều chỉnh thị lực.
>>>>>Xem thêm: Quét võng mạc: Quy trình và những lưu ý bạn nhất định phải biết
Chữa mắt lác bằng chỉnh quang là biện pháp cơ bản nhất để điều trị lác mắt
Cách chữa mắt lác bằng phẫu thuật
Ngoài những phương pháp điều trị trên thì có một cách chữa trị khác đó là phẫu thuật. Việc phẫu thuật có thể giúp điều chỉnh các cơ của nhãn cầu và giúp cho mắt nhìn thẳng. Khi thực hiện phẫu thuật, bác sĩ sẽ can thiệp vào vùng cơ mắt của trẻ để hướng nhìn của mắt bị lác được cân bằng. Tuy nhiên, sau phẫu thuật này, bên mắt bị lác có thể vẫn cần tập luyện, dùng băng che mắt để luyện tập cho bên mắt yếu hơn này. Phẫu thuật lác cho trẻ sẽ giúp trẻ có khả năng sớm hồi phục hoàn toàn những vấn đề về thị lực.
Trên đây là những dấu hiệu trẻ bị lác mắt và các thông tin liên quan. Mong rằng những thông tin trên phần nào đã giúp cha mẹ có thể nhận biết dấu hiệu lác ở trẻ và có hướng điều trị phù hợp. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan, cha mẹ có thể liên hệ ngay đến Thu Cúc TCI để được tư vấn và giải đáp kịp thời.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.