Tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt trị đau mắt đỏ mà không có sự tư vấn từ bác sĩ chuyên môn có thể khiến tình trạng viêm nhiễm trở nên nặng hơn. Thời gian điều trị kéo dài dai dẳng gây ra không ít phiền toái cho cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người bệnh. Để giảm nhanh các triệu chứng bệnh một cách an toàn, đừng bỏ qua lời khuyên từ phía chuyên gia. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có cái nhìn đầy đủ về căn bệnh đau mắt đỏ và hậu quả khi tự ý chữa bệnh tại nhà.
Bạn đang đọc: Không nên tự ý dùng thuốc nhỏ mắt trị đau mắt đỏ
1. Bệnh đau mắt đỏ gia tăng vào mùa mưa
Đau mắt đỏ là tên gọi phổ biến của bệnh viêm kết mạc, xảy ra do sự xâm nhập của các loại vi khuẩn và virus dẫn đến nhiễm trùng. Chuyên gia y tế xác định 65% – 90% nguyên nhân là do virus Adenovirus, một phần có thể là do virus Enterovirus gây ra. Ở giai đoạn khởi phát, bệnh có dấu hiệu đặc trưng là đỏ một bên mắt, sau đó lây sang mắt kia trong khoảng 24 – 48h. Ngoài ra, người bệnh còn bị chảy nước mắt không kiểm soát, cộm như có cát trong mắt, sáng ngủ dậy thấy hai mắt khó mở do có nhiều gỉ dính chặt. Tình trạng đau mắt đỏ kéo dài còn khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, sốt, đau họng, mắt đau nhức, xuất hiện hạch sau tai,…
Từ người lớn đến trẻ nhỏ đều có thể bị đau mắt đỏ. Nguy hiểm hơn, bệnh còn có khả năng bùng phát thành ổ dịch và nhanh chóng lây lan từ người này sang người kia thông qua đường hô hấp, tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch gỉ mắt của người bệnh. Mùa mưa là thời điểm dịch đau mắt đỏ có nguy cơ bùng phát mạnh mẽ do thời tiết ẩm thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và lây lan nhanh của virus. Dịch thường xuất hiện vào tháng 6, tháng 7 hoặc chậm hơn là tháng 9, kéo dài khoảng hai tuần rồi qua đi.
Bệnh đau mắt đỏ thường không nghiêm trọng, không để lại di chứng về sau và có thể tự khỏi trong vòng một tuần. Tuy nhiên, bệnh có nguy cơ tái phát nhiều lần bởi cơ thể con người không thể sản sinh ra miễn dịch trọn đời với căn bệnh này.
Đau mắt đỏ dễ lây lan và gây ra nhiều phiền toái cho người bệnh
2. Lưu ý khi dùng thuốc nhỏ mắt trị đau mắt đỏ
2.1. Hậu quả đến từ việc tự ý dùng thuốc nhỏ mắt trị đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và sinh hoạt thường ngày của người bệnh, đặc biệt khi bệnh tiến triển đến giai đoạn nặng. Với mong muốn nhanh chữa khỏi bệnh, nhiều người có xu hướng tự mua thuốc về nhỏ hoặc xông lá theo chỉ dẫn của những người xung quanh.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo nên dừng việc tự chữa bệnh tại nhà vì nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh. Các bài thuốc dân gian như đắp lá trầu, lá dâu, lá nha đam,… có thể khiến nhiễm trùng nặng thêm; Hay từng có trường bị bỏng mắt do xông lá, tinh dầu. Tương tự, việc vô tình nhỏ thuốc có chứa thành phần cortizol có thể gây suy giảm miễn dịch, làm kéo dài thời gian điều trị. Nếu lạm dụng cortizol trong thời gian dài sẽ gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí mù lòa.
2.2. Tham khảo ý kiến của bác sĩ khi dùng thuốc nhỏ mắt trị đau mắt đỏ
Để đảm bảo an toàn, người bệnh nên thận trọng khi sử dụng thuốc và cần có sự tham vấn từ bác sĩ chuyên khoa mắt. Ngoài ra, người bệnh nên giảm dần liều lượng và ngưng thuốc khi đã đạt được mục đích điều trị, tránh lạm dụng thuốc trong thời gian dài.
Bằng kiến thức chuyên môn, bác sĩ có thể theo dõi tình trạng bệnh, xây dựng phác đồ điều trị phù hợp với mỗi người. Một số loại thuốc thường được kê đơn để điều trị bệnh đau mắt đỏ là nước muối nhỏ mắt, nước mắt nhân tạo, các loại vitamin giúp tăng cường sức đề kháng, thuốc kháng sinh (tùy theo tình trạng bệnh bác sĩ sẽ chỉ định đơn thuốc phù hợp).
Tìm hiểu thêm: Cẩm nang chọn kính mắt tốt đúng chuẩn chuyên gia
Sử dụng thuốc điều trị đau mắt đỏ theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn và nhanh khỏi
3. Lời khuyên dành cho người bị đau mắt đỏ
Phần lớn bệnh đau mắt đỏ thường tiến triển lành tính và có thể tự khỏi trong vòng một tuần. Tuy nhiên, có không ít trường hợp điều trị sai cách dẫn đến bệnh trở nặng, tổn thương giác mạc trên và ảnh hưởng thị lực. Chính vì thế, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Trong quá trình điều trị, người bệnh cần tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ. Cụ thể là sử dụng thuốc đúng loại, đúng liều lượng, theo dõi tiến triển bệnh và tái khám theo lịch hẹn. Ngoài ra, người bệnh nên duy trì việc vệ sinh mắt, không dụi mắt vì có thể gia tăng tổn thương giác mạc, hạn chế tối đa việc sử dụng các loại thiết bị điện tử trong suốt thời gian trị bệnh. Đừng quên xây dựng chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý. Tích cực bổ sung các loại trái cây chứa nhiều vitamin vào thực đơn hàng ngày.
Nên nhớ rằng, bệnh đau mắt đỏ có nguy cơ lây lan qua đường tiếp xúc, vậy nên hãy chủ động bảo vệ những người xung quanh bằng sử dụng khẩu trang y tế. Trang bị kính để giảm thiểu khả năng tiếp xúc với các loại khói bụi, dễ gây kích thích cho mắt.
Để phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ, mỗi người cần chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh mắt hàng ngày với nước muối sinh lý. Khi vào mùa dịch cần hạn chế tiếp xúc tại những nơi đông người, đeo khẩu trang khi ra ngoài để giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh. Thường xuyên giữ gìn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng khí, không dùng chung khăn mặt với các thành viên khác trong gia đình. Nếu gia đình có người bị đau mắt đỏ thì cần cách ly hợp lý, tránh lây nhiễm diện rộng.
>>>>>Xem thêm: Soi đáy mắt – tìm bất ổn phía sau cửa sổ tâm hồn
Người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời
Bệnh đau mắt đỏ tuy không nguy hiểm, nhưng cần được phát hiện và điều trị sớm để tránh gây trở ngại đến sức khỏe và cuộc sống thường ngày của người bệnh. Khi đã nghi ngờ mắc bệnh, hãy tới cơ sở y tế uy tín thăm khám để được hỗ trợ một cách đầy đủ. Tại Chuyên khoa Mắt của Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI có đầy đủ cơ sở vật chất và nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Đặc biệt, quy trình thăm khám được thiết kế khoa học, nhanh chóng với chi phí minh bạch. Nếu vẫn còn bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ ngay với TCI để được hỗ trợ tư vấn sớm nhất!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.