Tật khúc xạ học đường từ lâu đã là một trong những vấn đề đáng lo ngại đối với lứa tuổi học sinh, đặc biệt là học sinh cấp 1 và 2. Trong những năm gần đây, lối sống hiện đại với việc sử dụng các phương tiện điện tử, cường độ học tập cao càng làm gia tăng tỉ lệ mắc tật khúc xạ mà phổ biến nhất là cận thị ở lứa tuổi này.
Bạn đang đọc: Tật khúc xạ học đường và 5 điều cần biết
1. Tìm hiểu về tật khúc xạ học đường
1.1. Định nghĩa
Bình thường khi nhìn một vật, ảnh của vật sẽ rơi đúng trên võng mạc cho ta thấy hình ảnh rõ ràng và sắc nét. Nếu vì một lý do nào đó khiến ảnh của vật không rơi vào võng mạc thì ta gọi đó là tật khúc xạ.
Có ba loại tật khúc xạ tương ứng với vị trí rơi của ảnh so với võng mạc:
– Nếu ảnh rơi trước võng mạc gọi là cận thị.
– Nếu ảnh rơi sau võng mạc gọi là viễn thị.
– Nếu ảnh không phải một điểm mà là một đoạn thẳng có thể ở trước, sau hoặc nửa trước nửa sau võng mạc gọi là loạn thị.
Đối với tật khúc xạ trong học đường, cận thị là loại phổ biến nhất. Xét theo cơ chế bệnh sinh, ta có thể chia cận thị thành 2 loại như sau:
– Cận thị khúc xạ
Tình trạng này xảy ra khi lực khúc xạ của mắt quá lớn trong khi chiều dài trục nhãn cầu bình thường. Đây là loại thường gặp của cận thị học đường. Khi mắt nhìn gần với cường độ lớn trong thời gian dài, thể thủy tinh bị phồng lên làm tăng độ hội tụ của mắt. Khi đó nếu muốn nhìn rõ cần đưa vật lại gần mắt. Đối với những vật ở xa, mắt nhìn rõ bao nhiêu phụ thuộc vào mức độ cận thị.
Bệnh thường xuất hiện ở lứa tuổi học sinh, xuất hiện càng sớm thì khả năng tiến triển càng nhanh và nặng. Thông thường cận thị học đường không vượt quá 6 độ và không kèm giãn mỏng võng mạc hay các nguy cơ đáy mắt khác.
– Cận thị trục
Tình trạng này xảy ra khi trục nhãn cầu quá dài trong khi lực khúc xạ của mắt bình thường. Nguyên nhân trục nhãn cầu dài là do cấu trúc thành nhãn cầu bị giãn mỏng. Loại cận thị này thường có tính di truyền và xảy ra rất sớm ngay cả khi trẻ chưa đi học.
Bệnh tiến triển nhanh, làm sa sút thị lực và khó điều chỉnh bằng kính. Bên cạnh đó các chức năng khác cũng bị ảnh hưởng như rối loạn cảm giác màu sắc, định vị không gian, sáng tối,… đồng thời giãn mỏng võng mạc dẫn đến nguy cơ thoái hóa, rách võng mạc thậm chí bong võng mạc dẫn đến mù lòa.
Tật khúc xạ là vấn đề đáng lo ngại với lứa tuổi học sinh.
1.2. Nguyên nhân
Có hai nguyên nhân chính gây nên các tật khúc xạ đó là yếu tố di truyền và môi trường. Trong đó yếu tố di truyền chiếm tỉ lệ khá ít. Ở những người có bố mẹ mắc tật khúc xạ thì khả năng cao đời sau cũng mắc phải. Môi trường là nguyên nhân chính dẫn tới các tật khúc xạ ở học đường. Có thể kể đến:
– Quá trình học tập, sinh hoạt không hợp lý như ngồi sai tư thế, thiếu ánh sáng, bàn ghế ngồi học không phù hợp, nhìn gần, đọc sách hay sử dụng thiết bị điện tử không hợp lý.
– Chế độ học tập quá căng thẳng, tập trung lâu không để mắt nghỉ ngơi, điều tiết.
– Chế độ dinh dưỡng không đủ chất, cơ thể thiếu vitamin và các vi chất.
1.3. Dấu hiệu
Tất cả các tật khúc xạ đều làm suy yếu thị lực. Các con có thể không nhận ra tầm nhìn của mình đang bị ảnh hưởng, vì vậy bố mẹ cần hết sức lưu ý những cử chỉ, hành động thường ngày trên để phát hiện sớm bệnh như:
– Nheo mắt, nghiêng đầu khi nhìn vật thể ở xa.
– Tiến lại gần khi xem TV hoặc bảng.
– Cúi mặt khi đọc sách.
– Viết sai nhiều.
– Chớp, dụi mắt nhiều dù không buồn ngủ.
– Mỏi, nhức mắt khi đọc sách, học tập.
Bố mẹ hãy lưu ý những dấu hiệu để phát hiện sớm tật khúc xạ ở trẻ.
2. Cách phòng ngừa và giảm thiểu ảnh hưởng của tật khúc xạ tại học đường
2.1. Những biện pháp phòng ngừa tật khúc xạ học đường
Các tật khúc xạ tuy không quá nguy hiểm đến sức khỏe của các con nhưng lại gây nhiều phiền toái trong cuộc sống và sinh hoạt. Do đó, bố mẹ cần chủ động chăm sóc, bảo vệ đôi mắt của con bằng cách chú ý quan tâm những điểm sau:
– Khám mắt định kỳ mỗi 6 tháng, nhất là đối với những trường hợp đã mắc các tật khúc xạ, không nên để khi có dấu hiệu mới tìm đến bác sĩ.
– Ngồi học đúng tư thế, cải thiện môi trường học tập đủ ánh sáng. Mắt cách sách hoặc các thiết bị điện tử cầm tay khoảng 50 – 60cm. Phụ huynh có thể áp dụng quy tắc 20 – 20 – 20 để mắt được nghỉ ngơi hợp lý. Cụ thể, sau 20 phút học tập hoặc chơi các thiết bị điện tử, cho mắt nghỉ 20 giây và nhìn xa 20 feet (khoảng 6m).
– Cột sống ở tư thế thẳng và vuông góc với mặt ghế. Chân thoải mái, tay đặt đúng điểm tựa quy định. Bàn ghế khi ngồi cần phù hợp theo từng độ tuổi, đèn để phía đối diện tay cầm bút.
– Kiểm soát thời gian sử dụng thiết bị điện tử, tốt hơn là không quá 2 tiếng liên tục. Bên cạnh đó nên cho trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa, vận động ngoài trời.
– Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, đa dạng các loại thực phẩm như khoai lang, cà rốt, cải bó xôi, trứng, sữa,… và ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày.
Tìm hiểu thêm: Trị đau mắt đỏ Trị đau mắt đỏ thể nào để đạt hiệu quả
Khám mắt định kỳ mỗi 6 tháng là hoạt động cần thiết để giữ gìn thị lực của trẻ.
2.2. Những biện pháp giảm thiểu ảnh hưởng của tật khúc xạ học đường
Khi đã bị tật khúc xạ, bắt buộc phải thăm khám để điều chỉnh mắt trở lại trạng thái thoải mái, hạn chế tăng độ và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Có hai cách được sử dụng phổ biến để điều chỉnh tật khúc xạ ở học đường bao gồm:
– Đeo kính
Tùy thuộc vào loại tật khúc xạ và mức độ cận mà bố mẹ cần điều chỉnh kính phù hợp cho con. Sử dụng kính là biện pháp thông dụng, tiện, rẻ nhất trong ba loại và dễ dàng thay đổi theo thẩm mỹ. Tuy nhiên, nhược điểm của biện pháp này là con chỉ nhìn rõ khi đeo kính, nếu tháo kính vẫn nhìn mờ như cũ nên cần phụ thuộc vào kính mọi nơi, gây bất tiện trong sinh hoạt. Chính vì vậy, trẻ bị tật khúc xạ cần đeo kính thường xuyên và tái kiểm tra mắt mỗi 6 tháng để điều chỉnh độ kính phù hợp.
– Đeo kính áp tròng
Kính áp tròng hay còn gọi là kính tiếp xúc là một miếng nhựa đặc biệt được đặt sát và giác mạc. Loại kính này chỉ phù hợp cho lứa tuổi thanh thiếu niên và người lớn, trẻ nhỏ không được khuyến khích sử dụng. Ưu điểm của kính áp tròng là nhỏ gọn. Tuy nhiên khi đeo cần tháo và ngâm rửa hàng ngày, không được đeo quá lâu hay đeo đi ngủ và khi lấy ra nếu không khéo có thể làm trầy xước giác mạc, nhiễm trùng.
Bên cạnh đó bố mẹ có thể cân nhắc cho trẻ thực hiện các phẫu thuật mắt như lasik, femto,… tuy nhiên những phương pháp này có thể gây một số rủi ro không mong muốn. Vì vậy trước khi lựa chọn phương pháp phẫu thuật bố mẹ cần đưa con đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám chuyên khoa và tham khảo ý kiến bác sĩ.
>>>>>Xem thêm: Mổ đục thủy tinh thể kiêng ăn gì? Lưu ý cần biết
Đeo kính là biện pháp thông dụng nhất giảm thiểu ảnh hưởng của tật khúc xạ ở trẻ.
Trên đây là những thông tin chung về tật khúc xạ tại học đường như nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và các biện pháp phòng tránh. Hi vọng bài viết này đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc về tật khúc xạ học đường. Nếu còn bất kỳ câu hỏi nào, bạn có thể liên hệ ngay tới Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được tư vấn và giải đáp nhanh nhất.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.