Mặc dù không phổ biến bằng cận thị, viễn thị vẫn là tật khúc xạ rất nhiều người mắc hiện nay. Sau thăm khám viễn thị, có người được chuyên gia tư vấn sử dụng kính đơn tròng, lại có người được tư vấn sử dụng kính đa tròng. Tại sao lại có sự khác biệt này, kính viễn đa tròng là gì? Nếu đây là vấn đề bạn đang quan tâm, đọc ngay bài viết sau của Thu Cúc TCI để được cung cấp câu trả lời bạn cần.
Bạn đang đọc: Giải đáp thắc mắc: Kính viễn đa tròng là gì?
1. Hiểu về viễn thị: Khái niệm, dấu hiệu nhận biết và biến chứng
1.1. Khái niệm viễn thị
Viễn thị hay Hyperopia/Hypermetropia/Farsightedness trong tiếng Anh là tật khúc xạ khiến người bệnh gặp khó khăn khi nhìn gần, mặc dù nhìn xa thì không. Tình trạng này là biểu hiện của sự sai lệch vị trí hình ảnh trên võng mạc. Bình thường, hình ảnh sau khi đi qua giác mạc và thủy tinh thể, sẽ nằm trên võng mạc. Ở người viễn thị, hình ảnh thay vì nằm trên võng mạc, lại nằm sau bộ phận này. Sự sai lệch đó có thể phát sinh do 3 nguyên nhân: Thứ nhất là trục nhãn cầu không đủ dài. Thứ hai là thủy tinh thể không đủ phồng. Và thứ ba là giác mạc không đủ cong.
Viễn thị là tật khúc xạ khiến người bệnh gặp khó khăn khi nhìn gần, mặc dù nhìn xa thì không.
Tương tự các vấn đề khác của cơ thể, viễn thị cũng có một số yếu tố nguy cơ, như:
– Di truyền: Di truyền là một yếu tố nguy cơ quan trọng của viễn thị. Người có bố mẹ viễn thị có nguy cơ mắc tật khúc xạ này cao hơn so với bình thường và ngược lại.
– Bẩm sinh: Trong nhiều trường hợp, tình trạng ngắn trục nhãn cầu hay phẳng giác mạc là bẩm sinh nên hiển nhiên, về yếu tố nguy cơ của viễn thị, không thể không nhắc đến bẩm sinh.
– Tuổi tác: Tình trạng xẹp thể thủy tinh xuất hiện nhiều ở người cao tuổi. Chính vì vậy, người cao tuổi có nguy cơ viễn thị cao hơn so với bình thường và ngược lại.
– Chấn thương vật lý: Chấn thương vật lý có thể làm biến đổi chức năng các thành phần cấu trúc mắt, bao gồm của chức năng của giác mạc, thủy tinh thể, võng mạc,… Bởi thế, chấn thương vật lý là một yếu tố nguy cơ phổ biến của các tật khúc xạ nói chung và viễn thị nói riêng.
– Stress
1.2. Dấu hiệu nhận biết viễn thị
Viễn thị là một vấn đề người bệnh có thể nhận biết dễ dàng ngay khi nó bắt đầu xuất hiện. Theo đó, bạn có thể nghĩ đến việc mình bị viễn thị, nếu bạn không thể nhìn rõ các vật ở gần. Ngoài biểu hiện này, bạn cũng có thể có các biểu hiện khác như:
– Mỏi mắt
– Nhức đầu đồng thời hoặc không đồng thời nhức hai bên thái dương
– Mống mắt và đồng tử gần như luôn ở trạng thái xoay vào trong hay còn có thể nói bạn có tình trạng lé trong: Mống mắt và đồng tử của người viễn thị thường ở trong trạng thái này bởi mắt họ phải điều tiết theo hướng quy tụ.
1.3. Biến chứng viễn thị
Khiến người bệnh gặp khó khăn khi nhìn gần, viễn thị mang đến nhiều phiền toái cho người bệnh trong cuộc sống. Cả học tập, công tác lẫn sinh hoạt của người bệnh đều bị hạn chế bởi viễn thị. Chưa hết, tật khúc xạ này nếu không được phát hiện sớm và kiểm soát kịp thời, có thể làm gia tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý nhãn khoa nguy hiểm ở người bệnh. Ví dụ như tăng nhãn áp. Theo chuyên gia, tăng nhãn áp là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Khi nghi ngờ bản thân bị viễn thị, người bệnh nên nhanh chóng thăm khám với chuyên gia và cắt, đeo kính. Để cải thiện thị lực và bảo vệ sức khỏe đôi mắt lâu dài, đây là việc rất cần thiết.
Tìm hiểu thêm: Viêm bờ mi mắt có nguy hiểm không?
Người bệnh nên nhanh chóng cắt, đeo kính khi nghi ngờ bản thân bị viễn thị.
2. Giải đáp chi tiết thắc mắc: Kính viễn đa tròng là gì?
2.1. 3 loại kính viễn: Kính viễn đa tròng, hai tròng, đơn tròng
Để cải thiện hệ lụy cũng như kiềm chế sự phát triển của viễn thị, chúng ta có thể đeo kính hoặc phẫu thuật. Trong đó, đeo kính là cách được ưu tiên áp dụng, do đeo kính vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm lại phù hợp với tất cả mọi người.
Sau thăm khám, có người viễn thị được chuyên gia tư vấn sử dụng kính đơn tròng, lại có người được tư vấn sử dụng kính đa tròng. Vậy, kính đơn tròng là gì, kính đa tròng là gì và chúng khác nhau như thế nào?
Thực tế, ngoài hai loại trên, chúng ta còn một loại nữa là kính hai tròng:
– Kính viễn đơn tròng: Kính viễn đơn tròng đơn giản là kính có khả năng cải thiện thị lực của người bệnh khi nhìn gần.
– Kính viễn thị hai tròng: Khác với kính viễn đơn tròng, kính viễn hai tròng không chỉ có khả năng cải thiện thị lực của người bệnh khi nhìn gần mà còn có khả năng cải thiện thị lực của người bệnh khi nhìn xa. Kính viễn loại này có một đặc điểm nổi bật. Đó là vạch ở giữa, chia kính thành hai phần. Trong đó, phần trên là thấu kính giúp cải thiện thị lực khi nhìn xa còn phần dưới là thấu kính giúp cải thiện thị lực khi nhìn gần. Kính viễn hai tròng không thể cải thiện thị lực khi nhìn ở tầm trung. Đây là nhược điểm “trí mạng” của kính loại này.
– Kính viễn đa tròng: Kính viễn đa tròng là kính có khả năng cải thiện thị lực của người bệnh ở cả 3 tầm: Gần, trung, xa. Kính viễn loại này sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội so với kính viễn hai tròng. Thứ nhất, nó có tính thẩm mỹ cao và thứ hai, dù người bệnh nhìn ở khoảng cách nào, nó cũng có thể cung cấp những hình ảnh sắc nét.
2.2. Đối tượng phù hợp với kính viễn đa tròng
Đến đây, có thể bạn sẽ băn khoăn: Nếu viễn thị là tật khúc xạ khiến người bệnh chỉ nhìn được xa mà không nhìn được gần, thì tại sao người bệnh còn cần kính viễn hai tròng và đa tròng – những loại kính giúp họ nhìn được xa? Câu trả lời nằm ở sự khác biệt về tuổi tác của người viễn thị.
Ngoài 40 tuổi, người viễn thị có thể mắc thêm một tật khúc xạ nữa là lão thị. Lúc này, để cải thiện thị lực cho đôi mắt vừa viễn thị vừa lão thị, với các độ nặng – nhẹ khác nhau, người bệnh cần sử dụng kính hai tròng hoặc đa tròng.
Như vậy, kính viễn đơn tròng là kính phù hợp với người dưới 40 tuổi. Người trên 40 tuổi phù hợp với kính viễn thị đa tròng. Riêng kính hai tròng ít được tư vấn sử dụng do nó có nhiều nhược điểm.
>>>>>Xem thêm: Kính loạn thị là gì và những lưu ý khi đo kính loạn thị
Người trên 40 tuổi phù hợp với kính viễn đa tròng.
Phía trên là câu trả lời cho câu hỏi kính viễn đa tròng là gì? Hy vọng rằng với những thông tin được chia sẻ trong bài, bạn sẽ chọn đúng kính viễn cho bản thân.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.