Không chỉ nữ giới, việc tiêm vacxin HPV cho nam giới là cực kì cần thiết và quan trọng, giúp phòng ngừa các bệnh ung thư sinh dục phổ biến như ung thư hầu họng, ung thư hậu môn, ung thư dương vật,… Từ năm 9 – 26 tuổi, nam giới nên thực hiện tiêm vacxin HPV để đảm bảo miễn dịch cao nhất, đặc biệt khi chưa quan hệ tình dục.
Bạn đang đọc: Vacxin HPV cho nam giới: 3 lý do bạn nên tiêm phòng
1. Tìm hiểu về virus HPV
1.1. Virus HPV là gì? Vacxin HPV cho nam giới là gì?
HPV là một loại virus gây u nhú ở con người. Các nghiên cứu khoa học đã xác định được hơn 100 chủng HPV khác nhau, trong đó có tới hơn 40 chủng có thể gây nên tình trạng nhiễm trùng đường sinh dục và hậu môn. Đặc biệt trong số này tồn tại 15 chủng HPV có nguy cơ cao gây ra các bệnh ung thư khác nhau từ ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn cho đến ung thư tại các bộ phận sinh dục khác. Những chủng HPV còn lại có thể gây ra mụn cóc ở tay, chân, mụn cóc sinh dục,…
Tiêm vacxin sớm khi chưa tiếp xúc với virus là phương pháp ngừa bệnh hiệu quả. Hiện nay đang lưu hành hai loại vacxin HPV phổ biến là Gardasil và Gardasil 9. Cả hai loại vacxin trên đều được sản xuất tại công ty dược phẩm nổi tiếng hàng đầu thế giới, có trụ sở chính tại Mỹ và có văn phòng đại diện tại khắp các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
– Vacxin Gardasil: Phòng ngừa 4 chủng HPV là 6, 11, 16 và 18, nguyên nhân gây ra ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, âm đạo, các tổn thương tiền ung thư, loạn sản, mụn cóc sinh dục,…
– Vacxin Gardasil 9: Phòng ngừa 9 chủng HPV là 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58, nguyên nhân gây ra ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, âm đạo, hậu môn, ung thư hầu họng, dương vật, các tổn thương tiền ung thư, loạn sản, mụn cóc sinh dục,… hiệu quả lên tới 94%.
Hiện nay, vacxin Gardasil và Gardasil 9 đều đã có mặt tại phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI.
1.2. Con đường lây nhiễm virus HPV ở nam giới
Cũng như nữ giới, nam giới có thể bị nhiễm HPV thông qua tiếp xúc trực tiếp như quan hệ tình dục. Virus HPV có thể lây từ người này sang người khác qua đường miệng, hậu môn, âm đạo hoặc tiếp xúc da với da thân mật. Nếu một người nhiễm HPV, virus có thể lây lan dễ dàng dù bệnh chưa biểu hiện triệu chứng. Nguy cơ nhiễm HPV gia tăng khi bạn có nhiều đối tác tình dục, quan hệ khi chưa đủ tuổi hoặc hệ thống miễn dịch suy giảm, niêm mạc da bị tổn thương.
Tuy hầu hết nam giới nhiễm HPV không bộc lộ triệu chứng, virus vẫn tiếp tục sinh trưởng với biểu hiện phổ biến nhất là xuất hiện mụn cóc. Có thể tìm thấy chúng tại dương vật, hậu môn, vùng da háng và đùi hoặc thành sau hầu họng. Do đó, nam giới cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa ngay khi phát hiện mụn cóc trên cơ thể.
Đặc biệt, nam giới có quan hệ đồng giới có nguy cơ mắc ung thư hậu môn cao gấp 17 lần so với bình thường. Đồng thời nam giới có hệ thống miễn dịch suy yếu do HIV/AIDS hoặc các nguyên nhân khác có nguy cơ cao mắc ung thư hậu môn liên quan đến HPV.
2. Vacxin HPV cho nam giới có cần thiết không? 3 lý do bạn nên thực hiện tiêm phòng
2.1. Số lượng nam giới mắc ung thư do HPV tăng qua từng năm
Nghiên cứu tại Mỹ chỉ ra HPV có liên quan đến hơn 42.000 ca ung thư, trong đó khoảng 18.300 ca bệnh nhân là nam giới. HPV được chỉ ra là nguyên nhân của:
– Hơn 90% ca ung thư hậu môn
– Hơn 60% ca ung thư dương vật
– Hơn 70% ca ung thư vòm mũi họng, hạ họng, ung thư vùng đầu cổ
Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng chỉ ra tại Mỹ, số lượng các ca ung thư hầu họng có xu hướng gia tăng vượt trội so với ung thư cổ tử cung. Đặc biệt lưu ý, tỉ lệ mắc ung thư hầu họng tại nam giới phổ biến gấp 4 lần so với nữ giới.
Các bệnh lý do HPV gây ra ảnh hưởng đến cả hai giới, tuy nhiên trong khi độ lưu hành HPV ở nam cao hơn nữ tại mọi lứa tuổi, miễn dịch cộng đồng HPV cho nam lại đang phụ thuộc nhiều vào việc bao phủ vacxin ở nữ giới. Do đó, các nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng nhấn mạnh vacxin HPV cần được cả nam và nữ giới quan tâm, chủ động tiêm phòng để giảm thiểu ảnh hưởng của virus.
2.2. Chưa có xét nghiệm tầm soát ung thư do HPV dành cho nam giới
Hiện nay ở nữ giới có các xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung như Pap smear, Thinprep hay xét nghiệm virus HPV. Trong khi đó, chưa có một xét nghiệm nào để tầm soát mụn cóc sinh dục, ung thư dương vật, hậu môn hoặc hầu họng cho nam giới.
Trong tương lai, việc phát triển một phương pháp như Pap cho ung thư vòm họng có thể sẽ trở thành chìa khóa phát hiện sớm bệnh và kịp thời điều trị. Tuy nhiên cho đến khi đó, cộng đồng nên chủ động dự phòng bệnh bằng vacxin và tự trang bị kiến thức về cách nhận biết sớm dấu hiệu bệnh để bảo vệ sức khỏe bản thân.
Tìm hiểu thêm: Vắc xin Avaxim: Đối tượng sử dụng – Lịch tiêm – Tác dụng phụ
Nếu nhận thấy sự xuất hiện của mụn cóc sinh dục tại bất kì vị trí nào trên cơ thể, bạn cần ngay lập tức thăm khám để nhận tư vấn từ bác sĩ.
2.3. Vacxin HPV cho nam giới được chứng nhận an toàn
Vacxin Gardasil đã trải qua nhiều kiểm nghiệm an toàn nghiêm ngặt để được phê duyệt lưu hành rộng rãi, hỗ trợ ngăn ngừa ung thư cổ tử cung ở nữ giới và các bệnh liên quan đến HPV ở nam giới bao gồm ung thư. Kể từ đó hàng trăm triệu liều vacxin HPV đã được tiêu thụ ở hơn 100 quốc gia và chứng minh được tính an toàn, hiệu quả đến 99% qua các thử nghiệm lâm sàng cũng như thực tế.
Các chuyên gia y tế nhấn mạnh việc tiêm vacxin HPV cho nam và nữ trên diện rộng cho thấy kết quả khả quan. Tương tự bất kì loại vacxin nào, vacxin HPV có thể xuất hiện một vài phản ứng phụ nhẹ như đau tại chỗ tiêm, mỏi cánh tay,… Ngoài ra không ghi nhận phản ứng phụ nghiêm trọng nào. Chính vì vậy bạn có thể hoàn toàn yên tâm khi thực hiện tiêm phòng vacxin HPV định kỳ. Lợi ích của việc tiêm chủng vượt xa mọi nguy cơ tiềm ẩn về tác dụng phụ.
>>>>>Xem thêm: Mức độ nguy hiểm khi bị uốn ván ai cũng cần biết
Bạn có thể hoàn toàn yên tâm khi thực hiện tiêm phòng vacxin HPV.
Trên đây là những thông tin chung về vacxin HPV cho nam cũng như 3 lý do nam giới nên thực hiện tiêm phòng HPV càng sớm càng tốt theo chương trình tiêm chủng. Hi vọng bài viết đã phần nào giúp bạn giải đáp được những thắc mắc liên quan tới vắc xin HPV. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào về tiêm chủng, bạn có thể liên hệ ngay đến Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được tư vấn nhanh nhất.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.