Răng khôn mọc lệch, mọc ngầm ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe và sinh hoạt của mọi người nên cần phải nhổ bỏ kịp thời để ngăn ngừa biến chứng. Một kế hoạch chăm sóc răng miệng khoa học có vai trò quan trọng trong việc giúp phục hồi vết thương hiệu quả sau khi nhổ. Hãy cùng tìm hiểu bí quyết chăm sóc răng số 8 sau khi nhổ ngay trong bài viết sau với sự cố vấn của các bác sĩ nha khoa hàng đầu TCI!
Bạn đang đọc: Bí quyết chăm sóc răng số 8 sau khi nhổ đúng cách
1. Vì sao phải nhổ răng khôn số 8
Răng số 8 còn được gọi là răng khôn, là những chiếc răng hàm mọc cuối cùng ở mỗi bên hàm. Răng khôn thường mọc khi mọi người đã đến tuổi trưởng thành, trong giai đoạn từ 18 đến 25 tuổi. Do mọc sau khi các răng khác đã ổn định trên cung hàm nên răng khôn thường bị xiên xẹo, mọc ngang do không còn chỗ. Vì vậy khi răng khôn mọc không đúng phương, mọi người thường cảm thấy sưng đau khó chịu.
Răng khôn mọc ngầm, mọc lệch có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe răng miệng của mọi người, gây ra tình trạng:
– Những cơn đau nhức ảnh hưởng tới khả năng ăn nhai và sinh hoạt hằng ngày của mọi người.
– Răng khôn mọc lệch có thể gây xiêu vẹo các răng khác, dẫn tới tình trạng lệch khớp cắn.
– Khớp cắn lệch làm cho khung xương mặt mất cân đối, lệch mặt khiến mọi người mất tự tin khi giao tiếp.
– Dễ khiến thức ăn dắt vào, hình thành mảng bám và cao răng gây sâu răng, hôi miệng…
– Những cơn đau do răng khôn mọc có thể ảnh hưởng tới các dây thần kinh xương hàm, thậm chí gây đau đầu.
– Nhiều trường hợp răng khôn mọc khiến nướu bị sưng, dễ bị vi khuẩn tấn công gây viêm lợi, viêm nha chu…
Bởi vậy, các bác sĩ nha khoa thường khuyến khích người bệnh nên nhổ bỏ răng sớm để ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Răng khôn mọc ngầm, mọc lệch có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe răng miệng nên cần phải nhổ bỏ
Hiện nay, có rất nhiều phương pháp nhổ răng khôn thường được áp dụng như nhổ bằng dụng cụ truyền thống, nhổ bằng máy siêu âm Piezotome… Việc áp dụng công nghệ hiện đại sẽ giúp làm giảm những cơn đau, tình trạng chảy máu và có thể giúp vết thương nhanh lành hơn. Người bệnh nên tới các cơ sở nha khoa để được thăm khám và tư vấn phương pháp nhổ với bác sĩ nha khoa có chuyên môn cao nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả điều trị.
2. Chăm sóc răng số 8 sau khi nhổ tại nha khoa
Sau khi nhổ răng khôn, mọi người có thể gặp phải các tình trạng sưng, đau nhẹ hoặc là chảy máu vị trí răng mới nhổ. Đây là những biểu hiện bình thường và bác sĩ có thể xử trí bằng một số phương pháp tại nha khoa như sau:
– Sưng đau: Chườm lạnh bằng túi đá để giảm sưng trong khoảng 25 phút đến 1 giờ sau khi phẫu thuật. Ngoài ra để giảm sưng đau, bác sĩ cũng có thể kê một số loại thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau để người bệnh uống ở nhà cho đến khi giảm triệu chứng này.
– Chảy máu: Đối với các phương pháp truyền thống, chảy máu là điều không tránh khỏi sau khi bác sĩ thao tác nhổ răng. Để giải quyết tình trạng này, bác sĩ sẽ nhét bông gạc vào vị trí răng mới nhổ trong khoảng 1 giờ đồng hồ để cầm máu. Nếu vẫn tiếp tục chảy máu, có thể bác sĩ sẽ sử dụng một số loại thuốc làm đông máu tại chỗ. Đối với các phương pháp hiện đại như sử dụng sóng siêu âm, tình trạng chảy máu rất ít khi diễn ra. Nếu có, chỉ cần giữ băng gạc trong một khoảng thời gian ngắn là có thể khắc phục được tình trạng này.
Tìm hiểu thêm: Có thai ngoài tử cung là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu
Bác sĩ sử dụng bông gạc để cầm máu tại vị trí răng khôn mới nhổ
3. Chăm sóc răng khôn sau khi nhổ tại nhà
Để giúp vết thương nhanh lành và giảm sưng đau thì một chế độ chăm sóc đặc biệt là cần thiết sau khi nhổ răng khôn. Theo các bác sĩ nha khoa TCI, người bệnh sau khi nhổ răng cần tuân thủ các nguyên tắc quan trọng sau đây:
– Dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi sau khi nhổ răng khôn để vết thương nhanh lành, không nên vận động quá mạnh để tránh va chạm vào vị trí răng mới nhổ.
– Hạn chế chải răng ngay sau khi nhổ răng bởi điều này có thể làm tổn thương nướu, gây chảy máu tại vị trí răng mới nhổ.
– Sử dụng chỉ nha khoa và tăm nước có thể giúp bạn loại bỏ thức ăn thừa trong kẽ răng. Tuy nhiên nên hạn chế sử dụng chúng trong vòng 24h đầu để tránh tác động vào mô nướu.
– Bạn có thể súc miệng nhẹ nhàng bằng nước ấm hoặc nước muối sinh lý 0,9% hay dung dịch súc miệng chuyên dụng để làm sạch khoang miệng.
– Sử dụng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm, cầm máu… chỉ khi có chỉ định của bác sĩ trong trường hợp tình trạng sưng đau không thuyên giảm sau khoảng 1-3 ngày nhổ răng khôn.
– Ăn thực phẩm mềm, dễ nhai và có thể ăn nhai ở bên không nhổ răng để hạn chế tác động vào vị trí răng sau khi nhổ.
– Hạn chế sử dụng thực phẩm chứa nhiều đường, đồ uống có cồn, tính axit cao để không làm hại men răng.
– Hạn chế đồ ăn cay nóng bởi chúng có thể làm tổn thương niêm mạc miệng, dễ bị vi khuẩn tấn công gây bệnh.
– Tăng cường sử dụng những thực phẩm tươi xanh như rau củ, trái cây để bổ sung vitamin giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
– Sử dụng thêm một số thực phẩm đặt biệt như sữa chua để cân bằng hệ vi sinh trong khoang miệng, ngăn chặn các loại vi khuẩn có hại phát triển.
– Uống đủ nước theo thể trọng của cơ thể để giữ cân bằng môi trường bên trong khoang miệng, tránh viêm nhiễm.
– Đồng thời, để đảm bảo sức khỏe răng miệng, người bệnh nên thăm khám định kỳ hoặc ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường như sưng đau kéo dài, chảy máu khó cầm…
>>>>>Xem thêm: Đau dạ dày cấp và những điều cần biết
Chăm sóc răng số 8 sau khi nhổ đúng cách bằng việc chải răng nhẹ nhàng, sử dụng chỉ nha khoa để loại bỏ thức ăn thừa trong kẽ răng…
Nhổ răng khôn sớm giúp khắc phục những khiếm khuyết của việc răng mọc ngầm, mọc lệch gây ra, ảnh hưởng tới sức khỏe và sinh hoạt của mọi người. Chăm sóc răng khôn sau khi nhổ đúng cách sẽ giúp vết thương nhanh hồi phục và mọi người có thể sớm quay lại với cuộc sống như bình thường.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.