Cao răng là tác nhân chính gây ra một số bệnh lý nha khoa nguy hiểm như sâu răng, viêm nha chu, hôi miệng… Bởi vậy, các bác sĩ luôn khuyến cáo mọi người cần thực hiện lấy cao răng thường xuyên tại nha khoa để phòng ngừa bệnh lý. Việc tìm hiểu nguyên nhân hình thành cao răng đóng vai trò quan trọng giúp bác sĩ có thể xây dựng kế hoạch điều trị phù hợp và giúp mọi người có thể chủ động phòng ngừa cao răng hình thành để bảo vệ sức khỏe răng miệng.
Bạn đang đọc: Tìm hiểu về nguyên nhân hình thành cao răng
1. Cao răng là gì?
Cao răng là các mảng bám thường xuất hiện ở thân răng và mép lợi. Cao răng có màu sắc trắng đục, vàng nhạt, đôi khi là nâu thẫm hoặc đỏ thẫm. Cao răng màu đỏ thẫm là cao răng bị nhiễm máu do viêm nha chu nặng gây ra. Đối với những người uống nhiều rượu bia, hút thuốc, cao răng sẽ có màu thẫm hơn.
Cao răng hình thành từ lớp mảng bám, thức ăn thừa tồn tại trong kẽ răng, khoang miệng không được vệ sinh thường xuyên. Mảng bám hình thành sau khoảng 15-30 phút khi ăn, là nơi lý tưởng để vi khuẩn trú ngụ. Qua thời gian, mảng bám, cao răng bám chắc hơn và rất khó vệ sinh bằng phương pháp thông thường.
Vi khuẩn thường phát triển mạnh mẽ ở nơi có cao răng, mảng bám vì đây là môi trường lý tưởng. Sự phát triển quá mức của các vi khuẩn có hại sẽ làm mất cân bằng hệ vi sinh vật trong khoang miệng, từ đó gây ra nhiều bệnh lý nha khoa nguy hiểm.
Những người có cao răng càng nhiều thì nguy cơ mắc bệnh lý càng cao và mức độ cũng nghiêm trọng hơn so với những người ít cao răng. Do vậy, các bác sĩ thường khuyến khích mọi người lấy cao răng thường xuyên để bảo vệ sức khỏe răng miệng.
Cao răng bám chắc ở thân răng, mép lợi, là nơi vi khuẩn trú ngụ gây ra nhiều bệnh lý nha khoa nguy hiểm
2. Nguyên nhân hình thành cao răng
Thói quen vệ sinh răng miệng kém khoa học là nguyên nhân khiến cao răng hình thành nhiều trong khoang miệng của mỗi người. Cụ thể:
– Không đánh răng thường xuyên hằng ngày, đánh răng sau khi ăn khiến mảng bám hình thành.
– Chải răng theo chiều ngang không đúng cách, không làm sạch hết các bề mặt răng từ bên trong ra bên ngoài.
– Không sử dụng chỉ nha khoa, máy tăm nước để làm sạch kẽ răng hoặc các vị trí bàn chải khó tiếp cận tới.
– Không súc miệng hoặc súc miệng không kỹ sau khi đánh răng.
– Chế độ ăn uống chứa nhiều đường hóa học, dầu mỡ, thực phẩm có tính axit cao khiến men răng bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, việc không lấy cao răng thường xuyên khiến lớp cao răng hình thành ngày càng dày trên răng. Thời gian càng lâu, cao răng càng nhiều thì việc làm sạch lại càng khó hơn.
Vệ sinh răng miệng kém khoa học là một trong những nguyên nhân hình thành cao răng
3. Tác hại của cao răng
– Cản trở việc vệ sinh răng miệng, khiến mọi người chải răng khó sạch, đặc biệt là ở chân răng, mép lợi và kẽ răng.
– Gây viêm nhiễm do độc tố của vi khuẩn tích tụ trong cao răng. Lâu dần sẽ xuất hiện tình trạng tụt lợi, viêm lợi, viêm nha chu với các biểu hiện như sưng đỏ nướu, chảy máu nướu…
– Cao răng hình thành nhiều không được loại bỏ kịp thời khiến răng mắc bệnh lý nghiêm trọng có thể dẫn tới tình trạng lung lay, mất răng.
– Chất thải từ vi khuẩn có thể gây hôi miệng, khiến miệng có mùi khó chịu.
– Vi khuẩn có thể gây các bệnh liên quan tới hệ hô hấp, tiêu hóa, gây nhiễm trùng máu, đái tháo đường,… ảnh hưởng tới sức khỏe toàn thân.
– Ngoài ra, cao răng nhiều cũng sẽ gây tình trạng ố vàng, ngả màu men răng.
Tìm hiểu thêm: Sau mổ chửa ngoài tử cung nên ăn gì và không nên ăn gì?
Cao răng gây ra tình trạng sâu răng, viêm lợi, viêm nha chu, hôi miệng, thậm chí là có thể gây ra một số bệnh lý toàn thân
4. Phòng ngừa cao răng đúng cách
Để bảo vệ sức khỏe răng miệng, các bác sĩ nha khoa khuyến cáo mỗi người cần xây dựng chế độ sinh hoạt, vệ sinh răng miệng khoa học thông qua:
– Chải răng đều đặn mỗi ngày để làm sạch răng miệng bằng kem đánh răng có chứa flour.
– Sử dụng chỉ nha khoa, máy tăm nước để làm sạch kẽ răng thay cho tăm truyền thống để tránh làm xước, chảy máu nướu răng.
– Súc miệng thường xuyên, súc miệng kỹ sau khi đánh răng để làm sạch toàn bộ khoang miệng.
– Sử dụng bàn chải lông mềm, mảnh để vệ sinh răng miệng, giúp bảo toàn nướu và men răng một cách hiệu quả.
– Hạn chế ăn thức ăn chứa nhiều đường, tinh bột, dầu mỡ, các loại thức uống có gas.
– Tăng cường sử dụng thực phẩm lành mạnh, nhiều rau xanh, trái cây tươi để cung cấp các vitamin cần thiết cho cơ thể.
– Không hút thuốc, hạn chế uống rượu bia hoặc sử dụng chất kích thích vì các chất như nicotin có trong thuốc lá có thể làm ố vàng và hư hại men răng, ngoài ra còn ảnh hưởng tới sức khỏe của phổi, gan, thận,…
– Lấy cao răng thường xuyên từ 3-6 tháng/lần hoặc lấy theo chỉ định của bác sĩ nha khoa.
– Đồng thời, thăm khám sức khỏe răng miệng toàn diện định kỳ để có thể chủ động bảo vệ bản thân một cách tốt nhất.
>>>>>Xem thêm: Có nên nhổ răng số 6 hàm trên hay không?
Lấy cao răng thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ giúp làm sạch khoang miệng, bảo vệ sức khỏe hàm răng
Nhìn chung, vệ sinh răng miệng kém khoa học là nguyên nhân hình thành cao răng cơ bản ở mỗi người. Do vậy, mọi người cần phải xây dựng kế hoạch vệ sinh răng miệng đúng cách, khoa học để bảo vệ răng miệng trước các tác nhân có hại tấn công.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.