Răng miệng là bộ phận rất quan trọng của con người, tham gia vào các hoạt động nạp năng lượng hàng ngày và gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống nếu chẳng may gặp vấn đề. Bên cạnh vấn đề về răng miệng phổ biến là sâu răng, nướu răng đỏ cũng là tình trạng thường gặp ở nhiều người. Mặc dù nghe không nghiêm trọng nhưng nó lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng.
Bạn đang đọc: Nướu răng đỏ và những nguyên nhân khó ngờ tới
1. Nướu răng đỏ là bệnh gì?
Trước hết, chúng ta cần xác định nướu răng – đây là phần mô lợi bao bọc quanh răng, giữ răng chắc khỏe. Nướu răng, dây chằng răng và xương ổ răng kết hợp tạo thành một thể thống nhất giúp nâng đỡ răng vững chắc.
Viêm nướu là 1 trong những nguyên nhân khiến nướu răng bị đỏ
Khi bạn thấy nướu xuất hiện tình trạng bị đỏ dài ngày và trở nên rất nhạy cảm. Nướu răng thậm chí có thể nhạy cảm đến mức chảy máu khi có tác động nhẹ hoặc khi chải răng. Đây chình là biểu hiện đầu tiên của bệnh lý về nướu giai đoạn đầu hay còn gọi là viêm nướu.
Tuy nhiên, không phải cứ nướu răng bị đỏ là viêm nướu mà nó chỉ là một trong số nhiều nguyên nhân khiến nướu răng đỏ. Có một số nguyên nhân cả khách quan và chủ quan khác cũng có thể khiến nướu rơi vào tình trạng này.
1.1 Nướu răng đỏ do chải răng không đúng:
Nướu răng là bộ phận vô cùng nhạy cảm và dễ tổn thương, do đó để tránh nướu răng đỏ cần lựa chọn loại bàn chải có lông mềm, đầu lông đã được mài tròn, đầu bàn chải hình tròn và có đệm cao su. Lông bàn chải cứng không chỉ khiến nướu răng sưng đỏ, xây xước, chảy máu mà thậm chí có thể phá hỏng men răng.
Hơn nữa cần đặc biệt nhẹ nhàng khi chải răng, chải răng đúng cách theo chuyển động lên xuống hoặc vòng tròn sẽ giúp loại bỏ hết vi khuẩn trong kẽ răng mà không làm tổn thương đến nướu.
1.2 Sử dụng chỉ nha khoa sai cách:
Dùng chỉ nha khoa sai cách không những không làm sạch mà còn ảnh hưởng đến nướu răng
Chỉ nha khoa được xem là giải pháp hiện đại và tân tiến thay thế tăm tre trong việc loại bỏ thức ăn thừa ra khỏi kẽ răng mà không làm thưa răng hay tổn thương nướu. Tuy vậy, chúng ta vẫn cần chú ý khi sử dụng nếu không cũng vẫn có thể gây tổn thương cho nướu răng.
Nếu sử dụng cần đưa chỉ nhẹ nhàng vào các kẽ răng rồi kéo để lấy thức ăn thừa còn sót trong đó ra. Thói quen giật mạnh để sợi chỉ lọt vào kẽ răng sẽ khiến cho nướu răng bị xước, tổn thương, chảy máu, nguy cơ vi khuẩn sẽ dễ tấn công vết thương, gây đỏ nướu, viêm nướu.
1.3 Nướu răng đỏ do bị viêm nướu:
Nướu răng bị đỏ, sưng tấy, không bám răng và dễ chảy máu khi có tác động nhẹ chính là những dấu hiệu điển hình của bệnh viêm nướu. Viêm nướu là một bệnh lý nguy hiểm đối với sức khỏe răng miệng nói riêng và sức khỏe tổng thể nói chung nếu không được điều trị sớm. Những biến chứng có thể gặp phải khi viêm nướu nặng là: viêm nha chu, gây mất răng, tiêu xương hàm, nguy cơ bị tiểu đường, mắc bệnh tim mạch, nhiễm trùng huyết,…
Tìm hiểu thêm: Những điều mẹ bầu nên làm khi mắc cúm
Mảng bám gây nên viêm và sưng đỏ nướu
Nguyên nhân gây viêm nướu răng là do mảng bám gây nên. Những mảng bám chứa đầy vi khuẩn bao quanh chân răng chính là thủ phạm tấn công răng gây sâu răng, viêm nướu. Vì vậy để tránh tình trạng này, chúng ta nên vệ sinh răng thật kĩ để ngăn ngừa hình thành mảng bám răng.
1.4 Nhiệt miệng (lở loét miệng):
Nhiệt miệng cũng là một trong những nguyên nhân khiến nướu răng đỏ và đau. Nhiệt miệng thường gặp dưới dạng nốt đỏ xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên niêm mạc miệng. Nếu nốt nhiêt xuất hiện ở nướu răng thì viền nướu răng thường bị đỏ bao quanh chấm màu trắng và gây xót khi ăn uống, đau rát, khó chịu.
Nguyên nhân gây ra tình trạng này không được xác nhận chắc chắn vì có thể do miễn dịch bị suy yếu, do điều trị ung thư, do stress hoặc do chế độ ăn không đảm bảo đủ vitamin.
1.5 Nữ giới thay đổi hormone:
Sự thay đổi lượng hormone estrogen và progesterone ở phụ nữ trong một số độ tuổi cũng có thể là nguyên nhân. Sự thay đổi này sẽ làm nướu răng bị đỏ, đôi khi còn xuất hiện các vết loét ở miệng và sưng đau. Một số giai đoạn nữ giới thay đổi hormone bất thường:
– Tuổi dậy thì: lượng hormone có xu hướng tăng mạnh khiến cho lượng máu đến bề mặt nướu cũng tăng theo, làm cho nướu răng bị đỏ và sưng tức.
– Chuẩn bị hành kinh: đây cũng là thời điểm hormone tăng cao ở nữ giới, kích thích tuần hoàn máu và khiến các vùng niêm mạc dễ sưng tấy.
– Tiền mãn kinh: hormone thay đổi thất thường ở giai đoạn này cũng khiến cho niêm mạc miệng bị khô, nướu bị nhạy cảm, dễ gây sưng đỏ và chảy máu
– Khi mang thai: thường kéo dài từ tháng thứ 2 – 3 đến tháng thứ 8 của thai kỳ, tình trạng này được gọi và viêm nướu thai kỳ.
2. Những điều cần làm để ngăn nướu răng sưng đỏ
Nướu răng sưng đỏ có thể là biểu hiện của nhiều bệnh gây ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng. Để không gặp phải những trường hợp nướu răng bị đỏ hay sưng đau, chảy máu như vậy bạn cần chú ý một số điều dưới đây.
2.1 Đánh răng mỗi ngày:
Cần đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày để đảm bảo loại bỏ được hết các thức ăn còn tồn tại trong kẽ răng, tránh tạo môi trường cho vi khuẩn sinh sôi.
>>>>>Xem thêm: Ung thư vú có uống sữa được không?
Chải răng nhẹ nhàng, đúng cách giúp giảm tổn thương đến nướu răng
Khi đánh răng cũng cần đảm bảo di chuyển bàn chải đúng cách, nhẹ nhàng với một lực vừa phải để có thể lấy đi những chất cặn bẩn mà không làm tổn thương nướu răng. Bên cạnh đó bạn cũng nên sử dụng nước thêm nước súc miệng sau khi đánh răng để làm sạch và diệt những vi khuẩn còn sót lại trong miệng.
Dùng nước súc miệng kháng khuẩn sẽ góp phần ngăn ngừa vi khuẩn gây viêm nướu
Ngoài ra bạn có thể dùng chỉ nha khoa để làm sạch nếu kẽ răng bị đóng thức ăn và mảng bám mà không thể làm sạch bằng bàn chải.
2.2 Có chế độ ăn đủ chất, lành mạnh:
Nướu răng đỏ có thể là 1 biểu hiện của việc cơ thể đang thiếu chất. Chính vì vậy, có một chế độ ăn hợp lý, đủ chất dinh dưỡng là một cách giảm nguy cơ nướu răng bị sưng đỏ.
Thường xuyên bổ sung vitamin và các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể và uống nhiều nước cũng giúp cải thiện sức khỏe cho nướu răng. Ngoài ra bạn cũng nên lưu ý hạn chế sử dụng các loại đồ uống và thức ăn có tính chất kích thích như thức ăn quá cay nóng hoặc quá lạnh, chúng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe răng miệng và khiến nướu răng nhạy cảm hơn..
Một lưu ý nhỏ là khi bổ sung dưỡng chất cho cơ thể bạn nên đảm bảo đủ lượng vitamin C và canxi cơ thể cần mỗi ngày, điều này sẽ giúp hạn chế các bệnh về nướu và giúp xương, răng chắc khỏe hơn.
2.3 Thực hiện tập luyện thể dục và thư giãn:
Căng thẳng và stress là 2 yếu tố có thể khiến cho hormone trong cơ thể gia tăng, từ đó dẫn đến tình trạng nướu răng sưng đỏ, nhạy cảm. Không những thế, việc hormone tăng bất thường có thể thúc đẩy phản ứng viêm ở các cơ quan khác của cơ thể.
Nướu răng bị đỏ có thể do nguyên nhân khách quan và chủ quan, dù là vì lý do gì thì đây cũng là một dấu hiệu cảnh báo về vấn đề chăm sóc răng miệng nói riêng và sức khỏe tổng thể nói chung. Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa bài viết đã đề cập là cách đơn giản nhất đẩy lùi nguy cơ khiến nướu răng bị tổn thương, giảm rủi ro mắc các bệnh nha chu. Nếu tình trạng nướu răng sưng đỏ, thậm chí còn chảy máu vẫn kéo dài hoặc lặp đi lặp lại, bạn nên đến nha sĩ uy tín để thăm khám nhằm phòng tránh những rủi ro không mong muốn cho răng và nướu.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.