Viêm lợi có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào, gây ra nhiều mối nguy hại cho sức khỏe và tinh thần của người bệnh. Nghiêm trọng hơn, nếu không điều trị kịp thời, viêm lợi có thể dẫn tới mất răng và gây ra một số bệnh lý toàn thân nguy hiểm. Nhận biết sớm các dấu hiệu của viêm lợi để chủ động thăm khám là cách tốt nhất giúp ngăn ngừa biến chứng viêm lợi gây ra.
Bạn đang đọc: Nhận biết các dấu hiệu của viêm lợi và cách phòng ngừa
1. Tìm hiểu về bệnh viêm lợi
1.1. Viêm lợi là gì?
Lợi là tổ chức bao gồm các mô niêm mạc, bao bọc răng và xương hàm ở trong miệng. Mô nướu thường dính chặt vào khung xương hàm bên dưới, chống lại sự ma sát của thức ăn và bảo vệ răng. Lợi khỏe mạnh thường có màu hồng nhạt, có chứa sắc tố melanin.
Sự thay đổi về màu sắc sang đỏ thẫm, ửng đỏ kèm phù nề, dễ chảy máu là dấu hiệu cảnh báo lợi đang bị viêm nhiễm. Khi đó, người ta gọi tình trạng này là viêm lợi, thường gặp ở mọi người.
Ai cũng có nguy cơ mắc viêm lợi, đặc biệt là những người không vệ sinh răng miệng khoa học. Vi khuẩn, vi sinh vật có hại thường trú ngụ trong các mảnh vụn thức ăn, mảng bám, cao răng không được làm sạch hằng ngày. Chúng phát triển quá mức và gây ra tình trạng viêm nhiễm kéo dài trên lợi.
Viêm lợi là tình trạng viêm nhiễm mô nướu răng, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người bệnh
1.2. Giai đoạn của bệnh
Viêm lợi tiến triển thành hai giai đoạn cơ bản là: Viêm lợi cục bộ và viêm cận răng.
– Viêm lợi cục bộ: Giai đoạn ban đầu của bệnh, không gây đau đớn quá mức mà chỉ sưng tấy, đỏ nướu. Lúc này, viêm lợi chưa ảnh hưởng tới chân răng hay các tổ chức quanh răng. Viêm lợi cục bộ có thể điều trị dễ dàng, tuy nhiên, nguy cơ tái phát cao nếu mọi người không vệ sinh và chăm sóc răng miệng đúng cách.
– Viêm cận răng: Giai đoạn bệnh nghiêm trọng khiến lợi bị tụt, không còn bao bọc thân răng chắc chắn như trước. Tình trạng lợi sưng đỏ, chảy máu diễn ra nghiêm trọng hơn, kèm theo các cơn đau nhức. Khi lợi không thể bao bọc thân răng, nguy cơ răng bị tổn thương cao, trở nên suy yếu, lung lay và rụng.
1.3. Một số dạng viêm lợi phổ biến
– Viêm lợi trùm: Thường xảy ra đối với răng số 8 ở trong cùng của hàm. Lợi phát triển quá mức, bao bọc ngăn không cho răng mọc lên. Khi bị viêm nhiễm, mọi người thường gặp phải tình trạng lợi sưng đỏ, đau nhức.
– Viêm lợi có mủ: Không chỉ sưng tấy nướu mà viêm lợi còn hình thành các ổ mủ, dịch bất thường ở chân răng. Tình trạng này còn được gọi là áp xe nướu, ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt, ăn uống và còn có mùi hôi trong khoang miệng.
– Viêm lợi phì đại: Viêm lợi biến chứng sưng nề, phồng to kèm theo các cơn đau, hơi thở có mùi…
Viêm lợi trùm bao lên răng hàm số 8 gây sưng tấy, đau nhức
2. Nguyên nhân viêm lợi
Vi khuẩn có hại là tác nhân khiến nướu răng dễ bị viêm nhiễm. Vi khuẩn có thể dễ dàng phát triển trong môi trường khoang miệng do:
– Vệ sinh sai cách hoặc không vệ sinh răng miệng dẫn tới mảng bám, cao răng hình thành. Điều này tạo môi trường thuận lợi cho sự sinh sôi, phát triển của vi khuẩn và gây viêm lợi.
– Mắc bệnh lý nha khoa như sâu răng, viêm chân răng, viêm tủy răng… mà không điều trị kịp thời khiến lợi cũng bị ảnh hưởng, bị vi khuẩn, vi sinh vật có hại tấn công.
– Mắc bệnh lý toàn thân, bệnh mạn tính khiến sức đề kháng giảm sút, khả năng chống chọi với sự tấn công của vi khuẩn giảm đi.
– Ăn quá nhiều thực phẩm có chứa đường, thực phẩm có tính axit cao khiến vi khuẩn có điều kiện thuận lợi để phát triển.
– Lợi bị tổn thương do chải răng không đúng cách gây xước, chảy máu chân răng.
– Lạm dụng nước súc miệng làm mất cân bằng môi trường trong khoang miệng, gây khô, rát vùng nướu khiến vi khuẩn dễ tấn công.
– Hút thuốc, uống nhiều rượu bia chứa các chất kích thích có hại đối với sức khỏe răng nướu.
– Lão hóa răng miệng do tuổi tác ngày càng cao cũng khiến mọi người dễ bị viêm nướu răng.
3. Dấu hiệu của viêm lợi
Dấu hiệu của viêm lợi có thể dễ dàng nhận biết hơn nhiều so với các bệnh lý nha khoa khác. Người bị viêm lợi thường gặp phải các tình trạng có thể dễ dàng nhìn thấy hoặc cảm nhận như sau:
– Lợi sưng tấy
– Mẩn đỏ lợi
– Đau nhức
– Chảy máu
– Tụt lợi
– Răng ê buốt
– Nhiều cao răng
– Lở loét, mưng mủ
– Hôi miệng…
Tìm hiểu thêm: Ung thư đại trực tràng có xu hướng trẻ hóa dần
Sưng tấy nướu, tụt lợi, hôi miệng… là các dấu hiệu của viêm lợi
Khi phát hiện có các dấu hiệu kể trên, mọi người cần tới các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám. Tùy thuộc vào tình trạng, mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ tư vấn điều trị với phác đồ phù hợp.
Về cơ bản, viêm lợi giai đoạn khởi phát, mức độ nhẹ thường được điều trị bằng việc làm sạch cao răng, mảng bám và làm sạch khoang miệng. Nếu viêm nghiêm trọng, tổn thương lớn thì bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật, cắt, ghép vạt lợi. Ngoài ra, một số trường hợp có thể sử dụng thuốc điều trị viêm lợi theo chỉ định của bác sĩ.
4. Phòng ngừa viêm lợi
Viêm lợi ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Nghiêm trọng hơn, viêm lợi có thể gây biến chứng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Mọi người cần xây dựng chế độ vệ sinh và chăm sóc răng miệng khoa học để có thể bảo toàn sức khỏe răng miệng, ngăn ngừa viêm lợi.
– Dành khoảng 2-3 phút để chải răng kỹ lưỡng, đánh răng từ 2-3 lần mỗi ngày.
– Đánh răng bằng kem đánh răng có chứa Flour để bảo vệ men răng tốt hơn.
– Chải răng đều khắp các mặt một cách nhẹ nhàng, hạn chế chà sát quá mạnh để tránh tổn thương nướu.
– Súc miệng bằng nước súc miệng thật kỹ để làm sạch cả khoang miệng.
– Đối với kẽ răng, nên làm sạch bằng máy tăm nước hoặc chỉ tơ nha khoa.
– Thay mới bàn chải đánh răng thường xuyên, vệ sinh bàn chải và các dụng cụ vệ sinh răng miệng sạch sẽ sau khi sử dụng rồi cất ở những nơi khô ráo, sạch sẽ.
– Uống đủ nước để kích thích tuyến nước bọt hoạt động bình thường, bảo vệ khoang miệng tốt hơn.
– Hạn chế ăn những thực phẩm chứa đường, tính axit cao, đồ uống có cồn, có gas…
– Lấy cao răng thường xuyên để làm sạch bề mặt răng, hạn chế vi khuẩn phát triển.
– Thăm khám nha khoa với bác sĩ có chuyên môn từ 1-2 lần/năm để phát hiện sớm bệnh lý và điều trị kịp thời.
>>>>>Xem thêm: Những dấu hiệu của nhiễm độc thai nghén điều cần lưu ý
Lấy cao răng thường xuyên giúp phòng ngừa viêm lợi và các bệnh lý nha khoa nguy hiểm
Các dấu hiệu của viêm lợi có thể dễ dàng nhận biết trong quá trình sinh hoạt, vệ sinh răng miệng hằng ngày. Mọi người không nên chủ quan với các triệu chứng đó mà nên tới ngay nha khoa để thăm khám và điều trị sớm, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.