Vắc xin BCG tiêm khi nào là thích hợp nhất còn tùy thuộc vào các yếu tố khách quan như tình trạng sau sinh, điều kiện sức khỏe của trẻ. Thông qua thăm khám sàng lọc, bác sĩ sẽ chỉ định thời điểm tiêm phù hợp nhằm đảm bảo an toàn và đem lại hiệu quả cao nhất.
Bạn đang đọc: Cần căn cứ vào sức khỏe của trẻ để biết vắc xin BCG tiêm khi nào
1. Tiêm vắc xin phòng lao cho trẻ sơ sinh là việc làm cấp thiết
Nhiều năm về trước, khi chưa có vắc xin phòng bệnh thì lao được xem là “tứ chứng nan y” bởi sự nguy hiểm mà căn bệnh này gây ra, thậm chí đe dọa tới tính mạng con người. Lao là một dạng bệnh truyền nhiễm, gây ra bởi vi khuẩn lao có tên là Mycobacterium tuberculosis – MTB. Vi khuẩn này có thể tấn công bất kỳ bộ phận nào trong cơ thể, phổ biến nhất là phổi với tỷ lệ khoảng 80 – 85%. Lao phổi gây ra nhiều triệu chứng điển hình như: ho kéo dài, đau ngực, khó thở, sốt nhẹ về buổi chiều,… Bên cạnh đó, có khoảng 25% bệnh nhân không biểu hiện triệu chứng.
Nguy hiểm hơn, vi khuẩn lao có thể lây lan trong không khí khi người bị bệnh lao khạc nhổ, ho, hắt hơi, nói,… Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 15/30 nước có số ca mắc bệnh lao cao trên toàn cầu.
Tiêm vắc xin được các chuyên gia y tế đánh giá là giải pháp phòng ngừa bệnh lao hiệu quả hiện nay. Kể từ năm 1981, tiêm vắc xin phòng lao (BCG) đã trở thành một trong những nội dung tiêm chủng mở rộng. Trong đó, trẻ sơ sinh thuộc nhóm đối tượng có sức đề kháng còn non yếu được khuyến cáo nên tiêm vắc xin phòng lao, tránh những đe dọa lớn tới tính mạng.
Trẻ nhỏ thuộc nhóm đối tượng có sức đề kháng non yếu, cần tiêm vắc xin để phòng ngừa vi khuẩn lao
2. Vắc xin BCG tiêm khi nào để đạt hiệu quả tốt nhất?
Xung quanh những thắc mắc về việc tiêm vắc xin phòng lao thì câu hỏi thường gặp nhất là nên tiêm vào thời điểm nào. Bộ Y tế khuyến cáo vắc xin BCG nên được tiêm càng sớm càng tốt, ngay trong giai đoạn đầu đời của trẻ. Càng tiêm muộn thì khả năng phòng ngừa bệnh càng giảm đi.
Tuy nhiên, có vài trường hợp trẻ được chỉ định hoãn tiêm nếu như không đáp ứng được các yêu cầu về sức khỏe. Như vậy, bác sĩ sẽ dựa vào thể trạng sức khỏe hiện tại của trẻ để xác định thời điểm tiêm phù hợp, an toàn.
2.1. Đối với trẻ khỏe mạnh: Vắc xin BCG tiêm khi nào?
Theo Bộ Y tế, mũi tiêm vắc xin phòng lao (BCG) nên được thực hiện trong vòng 30 ngày sau sinh và áp dụng đối với trẻ nặng trên 2kg, thể trạng khỏe mạnh bình thường. Thực tế, những trẻ sinh ra đã đủ điều kiện sức khỏe, phát triển bình thường và không cần nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt thì sẽ được tiêm vắc xin BCG trong vòng 24 giờ sau sinh.
Khi bước vào giai đoạn 1 tuổi thì vắc xin chỉ có tác dụng nếu như trẻ chưa bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh. Trường hợp trẻ đã từng nhiễm vi khuẩn lao thì việc tiêm chủng cần có chỉ định trực tiếp từ bác sĩ, tránh những ảnh hưởng về sức khỏe sau này.
Tìm hiểu thêm: Địa chỉ tiêm phòng HPV an toàn và hiệu quả
Trẻ sinh đủ tháng, đủ cân và có sức khỏe bình thường sẽ được chỉ định tiêm ngay trong vòng 1 tháng đầu đời
2.2. Đối với trẻ sinh non: Vắc xin BCG tiêm khi nào?
Trường hợp trẻ sinh non dưới 34 tuần, cần phải chăm sóc đặc biệt thì bác sĩ sẽ chỉ định hoãn tiêm đến khi có thể trạng tốt hơn, tuy nhiên thời gian tiêm vẫn được khuyến cáo nên thực hiện càng sớm càng tốt trong vòng một năm đầu đời để đạt hiệu quả cao. Ngoài trẻ sinh non thì những trường hợp gặp vấn đề về sức khỏe đều sẽ được chỉ định hoãn tiêm. Cụ thể như sau:
– Trẻ mắc bệnh nhiễm trùng cấp tính, đang sốt cao, ốm hoặc điều kiện sức khỏe yếu.
– Trẻ bị suy dinh dưỡng, cân nặng dưới 2kg.
– Trẻ bị suy giảm miễn dịch, đang hoặc vừa kết thúc giai đoạn điều trị corticoid, globulin miễn dịch.
– Trẻ sinh ra từ người mẹ bị nhiễm HIV mà mẹ không được điều trị dự phòng tốt, dẫn đến tình trạng lây nhiễm sang con sẽ được chống chỉ định tiêm phòng lao.
Một số trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất sẽ được bác sĩ cân đối không thực hiện nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ.
3. Phản ứng thường gặp sau khi tiêm vắc xin BCG và cách xử lý
Tương tự các loại vắc xin phòng bệnh khác, trẻ sau khi tiêm BCG sẽ có hiện tượng sốt nhẹ, đi kèm với một số phản ứng khác như sưng đỏ, đau, áp xe tại vị trí tiêm. Trong vòng 2 tuần đến 1 tháng, nốt tiêm sẽ có dấu hiệu mưng mủ rồi tự vỡ và loét ra. Sau khi lành, chỗ tiêm sẽ hình thành vết sẹo hơi lõm xuống, có kích thước khoảng 5mm. Cha mẹ không cần quá lo lắng khi thấy những biểu hiện trên vì đây là phản ứng hoàn toàn bình thường, cho thấy cơ thể trẻ đã đáp ứng vắc xin và sản sinh ra miễn dịch chống lại vi khuẩn lao. Một vài trường hợp khác có thể xuất hiện hạch ở cổ hoặc nách. Đặc điểm là hạch mềm, không nguy hiểm và cũng sẽ tự biến mất sau một thời gian ngắn.
Nếu sau khi tiêm phòng lao mà trẻ bị sốt cao, bỏ bú kéo dài từ 1 đến 2 ngày, kèm theo triệu chứng vết tiêm sưng to, hạch sưng to và kéo dài hơn 6 tuần thì cha mẹ cần đưa trẻ quay lại cơ sở y tế để thăm khám. Trường hợp biểu hiện sốt cao kèm co giật, nôn trớ, khó thở, phát ban, da tím tái, quấy khóc kéo dài, hôn mê,… cần nhanh chóng chuyển đi cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất.
Ngoài ra, cha mẹ cần lưu ý tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình chăm sóc và theo dõi trẻ tại nhà:
– Cho trẻ ăn uống bình thường.
– Theo dõi sau tiêm chủng trong vòng 30 phút tại địa điểm tiêm và 24 giờ tại nhà.
– Trẻ sốt cao có thể dùng các phương pháp hạ sốt hoặc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
– Nếu nhận thấy những dấu hiệu bất thường ở trẻ, hoặc nghi ngờ về tình trạng sức khỏe của con mình sau tiêm thì cha mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế uy tín. Thông thường, các phản ứng nặng sau tiêm vắc xin lao khá hiếm gặp và sẽ an toàn nếu được phát hiện sớm, xử trí kịp thời.
>>>>>Xem thêm: Thời gian tiêm phòng viêm gan B cho người lớn và trẻ em
Vết sẹo ở vị trí tiêm là phản ứng thường gặp, cho thấy cơ thể đáp ứng vắc xin
Nắm vững thông tin về việc tiêm phòng lao sẽ giúp cha mẹ chuẩn bị tốt về tâm lý và cách thức chăm sóc trẻ tại nhà. Mọi thông tin về quy trình và chi phí tiêm vắc xin phòng lao, hãy liên hệ ngay với Phòng tiêm chủng TCI để được tư vấn đầy đủ.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.