Răng viêm quanh cuống là bệnh lý răng miệng phổ biến chỉ sau sâu răng và viêm nha chu. Viêm cuống răng khởi phát do nhiều nguyên nhân, đôi khi nó lại là biến chứng của một bệnh lý răng miệng khác. Vậy rốt cuộc răng viêm quanh cuống là gì? có nguy hiểm không?
Bạn đang đọc: Răng viêm quanh cuống có nguy hiểm không?
1. Răng viêm quanh cuống là gì?
1.1 Cuống răng ở đâu?
Mọi chiếc răng thông thường của chúng ta đều gồm 3 phần chính là:
– Thân răng: hay còn được gọi là thân răng lâm sàng, là phần răng trồi lên phía trên nướu.
– Cổ răng: đây là phần ranh giới giữa thân răng và chân răng, nằm ở vị trí viền lợi tiếp xúc với răng.
– Chân răng: là phần nằm bên dưới nướu và được giữ chắc trên khung xương hàm bởi các dây chằng nha chu.
Vậy còn “cuống răng” nằm ở đâu trong một chiếc răng?
Vị trí của cuống răng
Cuống răng (chóp răng) là bộ phận nằm ở vị trí đỉnh của chân răng, là “cửa ngõ” cho mạch máu và dây thần kinh đi vào răng để nuôi dưỡng tủy răng và sửa chữa ngà răng, giúp răng luôn chắc khỏe.
1.2 Răng viêm quanh cuống và phân loại
Răng bị viêm quanh cuống là tình trạng khu vực tổn thương ở cuống răng bị vi khuẩn tấn công, gây nên viêm nhiễm. Các vi khuẩn tham gia vào quá trình tấn công này bao gồm cả vi khuẩn ái khí và yếm khí. Trong quá trình sinh sôi và phát triển, chúng sẽ tiết ra nội độc tố và ngoại độc tố; các enzyme tiêu protein, tiêu cấu trúc sợi tạo keo và sợi chun; Interleukin 6 và prostaglandin gây tiêu xương.
Viêm cuống răng được chia thành 3 phân loại là viêm cuống răng cấp, viêm cuống răng bán cấp và viêm cuống răng mạn:
– Răng viêm cuống cấp: cảm thấy đau răng tự nhiên, dữ dội, uống thuốc không đỡ, sốt cao ≥ 38˚C, cơ thể mệt mỏi, có dấu hiệu của nhiễm trùng, có cảm giác chồi răng, răng lung lay mạnh độ 3 – 4, vùng niêm mạc và lợi tương ứng răng bị viêm sưng đỏ, ấn đau, mô lỏng lẻo.
– Răng viêm cuống bán cấp: thường bị đau liên tục và âm ỉ, có sốt nhẹ dưới 38˚C hoặc không sốt, khiến người bệnh cảm thấy khó chịu và đau đầu, có cảm giác chồi răng, răng lung lay nhẹ độ 1 – 2, vùng lợi tương ứng răng bị viêm có tình trạng tấy đỏ nhẹ, căng tức, ấn đau, răng có tổn thương sâu rõ ràng.
– Răng viêm cuống mạn: xảy ra ở những trường hợp có tiền sử viêm cuống răng cấp hoặc áp xe cuống cấp, răng bị đổi màu xám đục, không sốt, không đau răng nhưng răng có thể lung lay nếu bị biến chứng tiêu xương, vùng lợi tương ứng răng viêm có thể hơi nề và có lỗ rò tùy vào vị trí áp xe.
2. Răng viêm quanh cuống có nguy hiểm không?
Viêm cuống răng không phải chỉ là những cơn đau răng thông thường như khi sâu răng mà nó nghiêm trọng hơn nhiều do đã có sự viêm nhiễm xảy ra. Không chỉ vậy, đây có thể là biến chứng của một số bệnh răng miệng như sâu răng quá nặng, viêm tủy hoặc hoại tử tủy,… khiến số lượng lớn vi khuẩn lan rộng và tấn công xuống tận vùng chóp răng gây nên nhiễm trùng.
Tìm hiểu thêm: Rối loạn kinh nguyệt kéo dài bao lâu thì nên khám?
Răng viêm quanh cuống có thể dẫn đến áp xe nướu
Vì đây là tình trạng tổn thương có viêm nhiễm bởi vi khuẩn nên cũng sẽ kéo theo các biến chứng do nhiễm trùng nếu không được điều trị sớm như:
– Áp xe vùng quanh cuống răng, dẫn đến áp xe má và lan rộng ra các vùng trong khoang miệng.
– Nhiễm trùng huyết nếu như áp xe bị vỡ hoặc ổ nhiễm khuẩn quá lớn
– Viêm xương tủy
– Biến chứng liên quan đến tim mạch, viêm thận, viêm khớp
– Đau nửa mặt giống đau dây thần kinh V
– Gây sốt kéo dài, khó chẩn đoán bệnh bởi các xét nghiệm máu cơ bản như công thức máu không thấy có sự thay đổi, cấy máu âm tính…
Vì các biến chứng do viêm cuống răng gây ra rất khó lường nên khi nhận thấy có một trong những dấu hiệu răng bị viêm cuống đã nêu, bạn nên thăm khám ngay tại các nha khoa uy tín để được xác định bệnh chuẩn xác và có phác đồ điều trị phù hợp.
Thông thường, để thấy rõ tình trạng răng và mức độ ổ viêm, bác sĩ sẽ chỉ định chụp Xquang xương hàm và xét nghiệm máu trước khi đưa ra kết luận điều trị cuối cùng.
3. Phương pháp điều trị răng bị viêm quanh cuống
Viêm quanh cuống răng là bệnh lý gây nên do nhiễm trùng, vậy nên để có thể điều trị dứt điểm bệnh, nguyên tắc hàng đầu của nha sĩ chính là loại bỏ ổ viêm và ngăn chặn nhiễm trùng lây lan sang các khu vực khác.
>>>>>Xem thêm: Giá niềng răng trong suốt hiện nay có cao không?
Điều trị viêm quanh cuống cần phải được thực hiện tại nha khoa uy tín và nha sĩ có tay nghề cao
Khi đã xác định được tình trạng và mức độ viêm cuống răng của người bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn ra phương pháp phù hợp nhất sao cho vẫn đảm bảo các nguyên tắc đã được nêu ra. Những phương pháp điều trị răng bị viêm cuống bao gồm:
– Điều trị toàn thân: sử dụng kháng sinh toàn thân để điều trị, đặc biệt là trong trường hợp bệnh nhân bị viêm mô tế bào hoặc áp xe quanh cuống cấp.
– Điều trị nội nha: làm sạch hệ thống ống tủy, loại bỏ các mô hoại tử và sát khuẩn, ngăn ngừa vi khuẩn phát triển trở lại.
– Phẫu thuật: ở một số trường hợp thực hiện các phương pháp trên không có hiệu quả, thì phẫu thuật là sự lựa chọn cuối cùng có thể điều trị triệt để.
Răng viêm quanh cuống nếu được phát hiện và điều trị sớm sẽ đem lại kết quả tốt nhất và tránh được các nguy cơ biến chứng nghiêm trọng. Do đó để điều trị triệt để và có hiệu quả nhanh chóng, người bệnh không chỉ nên đi khám ngay khi thấy dấu hiệu mà còn cần lựa chọn cơ sở nha khoa uy tín có bác sĩ chuyên môn giỏi, tay nghề cao và trông gian vô khuẩn để có kết quả như mong đợi.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.