Tư vấn lịch tiêm chủng uốn ván cho các mẹ bầu

Uốn ván là một trong những căn bệnh nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cũng như tính mạng của mẹ và bé trong bụng. Để có thể bảo vệ sức khỏe của mẹ và bé thì tiêm chủng uốn ván là mũi tiêm quan trọng giúp phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

1. Tại sao mẹ bầu nên tiêm phòng uốn ván?

Uốn ván là bệnh lý gây nguy hiểm trực tiếp tới người mắc bệnh do trực khuẩn Clostridium. Vi khuẩn này có thể dễ dàng đi vào trong cơ thể qua vết thương hở. Khi tấn công vào trong cơ thể chúng sẽ sản xuất ra loại độc tố tetanospasmin đi vào máu và tấn công tới hệ thần kinh.

Tỷ lệ tử vong khi người bệnh mắc uốn ván rất cao, trong đó tỷ lệ này ở trẻ sơ sinh lên tới gần 95%. Trực khuẩn uốn ván có mặt ở khắp mọi nơi trong môi trường sống và có sinh tồn rất mạnh. Kể cả trong nhiệt độ cao khi đun sôi trực khuẩn này vẫn có thể tồn tại. Do đó, tiêm phòng vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và bé.

Phụ nữ mang thai là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh uốn ván qua vết thương hở nhất là giai đoạn chuyển dạ. Qua đó trực khuẩn có thể xâm nhập qua đường sinh dục và phụ nữ có thể gặp tình trạng uốn ván tử cung.

Tình trạng nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh xảy ra qua việc tiếp xúc giữa cuống rốn không lành với vi khuẩn uốn ván. Các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện trong 2 tuần sau khi sinh và có những biểu hiện như cứng khớp, đau cơ…

Tiêm chủng uốn ván cho mẹ bầu là hoạt động quan trọng trong thời gian thai kỳ – thời kỳ nhạy cảm nhất. Khi hệ miễn dịch bị yếu đi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, virus, trực khuẩn có thể xâm nhập và gây ra các bệnh lý nguy hiểm. Có thể thấy rằng trẻ sơ sinh không có khả năng tự tạo hệ miễn dịch cho mình nên dễ chịu các tác động xấu, thậm chí đối mặt với nguy cơ dị tật bẩm sinh, sinh non, không phát triển hoặc thai lưu… Do vậy, tiêm vacxin phòng uốn ván cho bà bầu không chỉ bảo vệ sức khỏe của mẹ, đảm bảo thai kỳ an toàn mà còn giúp trẻ được sinh ra khỏe mạnh.

Tư vấn lịch tiêm chủng uốn ván cho các mẹ bầu

Tiêm vacxin phòng uốn ván giúp bảo vệ sức khỏe của mẹ và đảm bảo sự phát triển bình thường của thai nhi

2. Lịch tiêm phòng tiêm chủng uốn ván cho phụ nữ mang thai

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mọi phụ nữ ở độ tuổi sinh sản cần thực hiện tiêm đầy đủ các mũi uốn ván. Tiêm phòng đầy đủ sẽ tạo ra những kháng thể cần thiết để bảo vệ sức khỏe của mẹ và bé.

2.1. Tiêm chủng uốn ván với phụ nữ mang thai lần đầu

Đối với phụ nữ mang thai lần đầu, trước đó chưa thực hiện tiêm chủng uốn ván thì nên tiêm đủ 2 mũi vắc xin theo lịch sau:

– Mũi tiêm thứ 1: Tiêm khi thai kỳ khoảng hơn 20 tuần tuổi, không nên tiêm trước thời gian này vì có thể gây ảnh hưởng tới thai.

– Mũi tiêm thứ 2: Tiêm sau mũi thứ nhất 1 tháng và trước thời gian dự sinh 1 tháng. Không nên tiêm 2 mũi quá gần nhau vì có thể giảm hiệu quả miễn dịch hoặc tiêm quá muộn khiến cơ thể chưa kịp hoàn thiện miễn dịch.

– Mũi tiêm thứ 3: Tiêm sau mũi thứ 2 ít nhất 6 tháng hoặc trong lần mang thai tiếp theo.

– Mũi tiêm thứ 4: Tiêm sau lần 3 ít nhất 1 năm.

– Mũi tiêm thứ 5: Sau mũi tiêm thứ 4 ít nhất 1 năm.

2.2. Tiêm chủng uốn ván với phụ nữ mang thai lần thứ hai

Đối với phụ nữ mang thai lần hai đã tiêm đủ các mũi tiêm vacxin uốn ván như sau:

– Tiêm 1 mũi khi thai kỳ đủ 24 tuần. Lưu ý, khoảng cách mang thai giữa 2 lần dưới 5 năm và lần mang thai đầu đã tiêm đủ 2 mũi.

– Tiêm mũi 2 như lịch mang thai lần đầu. Lưu ý khoảng cách giữa 2 lần mang thai trên 5 năm hoặc lần mang thai đầu chỉ tiêm 1 mũi.

2.3. Các loại vacxin uốn ván cho phụ nữ mang thai

Hiện nay, các loại tiêm vacxin uốn ván được cấp phép tiêm cho phụ nữ mang thai gồm:

– Vacxin Adacel (Canada).

– Vacxin phòng Ho gà – Bạch hầu – Uốn ván.

– Vacxin hấp thụ VAT.

Tư vấn lịch tiêm chủng uốn ván cho các mẹ bầu

Phụ nữ mang thai cần tiêm đầy đủ các mũi theo đúng lịch tiêm phòng

3. Một số lưu ý khi mẹ bầu thực hiện tiêm chủng uốn ván

– Cũng giống với tiêm các loại vacxin thông thường, sau khi tiêm phòng uốn ván mẹ bầu có thể gặp phải một số tác dụng phụ như: Sốt nhẹ (đây chỉ là tác dụng phụ thường gặp sau khi tiêm chủng nên không cần quá lo lắng); Sau khi tiêm vắc xin uốn ván phụ nữ mang thai sẽ cảm thấy khó chịu, mệt mỏi nhiều. Lúc này cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước cam/chanh để tăng cường sức đề kháng; Tiêm vacxin uốn ván có thể gặp phải trường hợp bắp tay bị sưng, mẩn đỏ, nổi cục cứng, đau khi sờ… các biểu hiện này sẽ tự khỏi sau ít nhất từ 6 – 8 tiếng hoặc trong vòng 3 – 4 ngày

– Vacxin cần có thời gian để cơ thể tạo kháng thể nên sau tiêm mẹ bầu cần hạn chế vận động mạnh, không làm tổn thương hoặc nhiễm trùng vết tiêm để vacxin phát huy hiệu quả tốt nhất.

– Nếu phụ nữ mang thai có xuất hiện những triệu chứng như: Chân tay lạnh, da xanh tái, tiêu chảy, tim đập nhanh, khó thở cần tới cơ sở y tế để điều trị sớm tránh tình trạng sốc phản vệ sau tiêm.

– Đối với phụ nữ có dự định mang thai được khuyến khích thực hiện tiêm vacxin uốn ván trước để chuẩn bị, tạo hệ miễn dịch tốt nhất nhằm bảo vệ sức khỏe của mẹ và bé.

Tư vấn lịch tiêm chủng uốn ván cho các mẹ bầu

Sau khi tiêm vacxin phòng uốn ván cơ thể thường xuất hiện các phản ứng phụ nhẹ nên mẹ bầu không nên quá lo lắng

Vì vậy, tiêm phòng uốn ván trong giai đoạn thai kỳ giúp cơ thể mẹ tránh lây nhiễm và mắc bệnh uốn ván khi chuyển dạ. Đồng thời giúp trẻ hạn chế đối đa những nguy cơ nhiễm uốn ván sau sinh.

Trên đây là bài viết chia sẻ một số thông tin cần lưu ý về việc tiêm vacxin uốn ván cho mẹ bầu. Hy vọng những thông tin này đã giúp các bạn có lộ trình chăm sóc sức khỏe thật an toàn. Nếu còn câu hỏi nào cần được giải đáp, hãy liên hệ ngay tới Hệ thống y tế Thu Cúc TCI để nhận tư vấn sớm và chi tiết nhất!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Nguồn bài viết: Benhvienthucuc.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *