Trong giai đoạn chuẩn bị mang thai và cả trong thai kỳ, việc tiêm phòng vắc xin uốn ván là rất quan trọng đối với mẹ bầu. Có thể nói, tiêm uốn ván cho bà bầu là phương pháp phòng bệnh chủ động, giúp bảo vệ sức khỏe của mẹ lẫn con. Vậy khi tiêm, mẹ bầu cần lưu ý những gì? Hãy cùng theo dõi bài viết để nắm rõ hơn những lưu ý khi tiêm vắc xin uốn ván dành cho mẹ bầu nhé!
Bạn đang đọc: 3 Lưu ý khi tiêm vắc xin uốn ván dành cho mẹ bầu
1. Tại sao tiêm vắc xin uốn ván lại quan trọng với mẹ bầu?
Quay lại thời kỳ trước đây, khi chưa có vắc xin uốn ván, mỗi năm có hàng trăm nghìn trẻ sơ sinh chết do vi khuẩn uốn ván gây nên. Vi khuẩn gây uốn ván có tên gọi là Clostridium Tetani, có khả năng tiết độc tố protein mạnh gây ra các cơn co cứng, đi vào máu và tấn công hệ thần kinh con người.
Kể cả trẻ nhỏ lẫn người trưởng thành khi mắc uốn ván nếu không điều trị kịp thời thì nguy cơ tử vong rất cao. Vi khuẩn này dễ dàng đi vào cơ thể qua vết thương hở, đặc biệt với phụ nữ sinh con, vi khuẩn gây bệnh dễ dàng xâm nhập trong quá trình sinh nở. Khi vi khuẩn thâm nhập vào cơ thể mẹ rất dễ lây truyền sang thai nhi và gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Bên cạnh đó, nhiễm trùng sơ sinh cũng có thể xảy ra khi dụng cụ cắt rốn cho trẻ chưa tiệt trùng hoặc vi khuẩn xâm nhập qua gốc dây rốn chưa lành sau khi sinh.
Chính vì vậy, việc tiêm uốn ván cho bà bầu trước và trong cả thai kỳ là việc rất quan trọng mà thai phụ không nên bỏ lỡ. Trong suốt 9 tháng 10 ngày mang thai là khoảng thời gian vô cùng nhạy cảm đối với thai phụ. Khi đó, hệ miễn dịch của mẹ bầu suy yếu nên rất dễ lây nhiễm bệnh. Trong khi đó, thai nhi không có khả năng tự bảo vệ mà chỉ dựa vào sự bao bọc có được từ mẹ. Nếu mẹ mắc bệnh, thai nhi cũng sẽ chịu tác động xấu, thậm chí đối mặt với việc sinh non, nguy cơ dị tật bẩm sinh, ngừng phát triển, thai chết non…
Tiêm phòng uốn ván là biện pháp an toàn giúp bảo vệ cả mẹ và thai nhi khỏi vi khuẩn uốn ván nguy hiểm
2. Những lưu ý quan trọng khi tiêm vắc xin uốn ván dành cho mẹ bầu
Trước khi tiêm vắc xin phòng uốn ván, mẹ bầu nên đọc những lưu ý sau để có cho mình lịch trình tiêm an toàn, hiệu quả.
2.1. Lưu ý lịch tiêm vắc xin uốn ván cho bà bầu
Thời gian tiêm uốn ván cho bà bầu có thể được tiến hành trước khi mang thai hoặc trong giai đoạn thai kỳ. Thông thường, mẹ bầu nên có 1 mũi vắc xin kết hợp phòng ho gà, bạch hầu, uốn ván. Cụ thể đối với từng loại vắc xin sẽ có lịch tiêm như sau.
2.1.1 Đối với vắc xin kết hợp phòng 3 bệnh ho gà, bạch hầu và uốn ván
Khi tiêm vắc xin phòng kết hợp phòng 3 bệnh ho gà, bạch hầu, uốn ván Adacel (Canada) và Boostrix (Bỉ), trong mỗi thai kỳ, thai phụ chỉ cần tiêm duy nhất 1 mũi, nên tiêm vào thời điểm 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ và tiêm nhắc lại sau mỗi 10 năm.
Tìm hiểu thêm: Tìm hiểu về vắc xin uốn ván là gì và đối tượng nên tiêm phòng sớm
Vắc xin kết hợp phòng 3 bệnh ho gà, bạch hầu, uốn ván Adacel (Canada) và Boostrix (Bỉ) thường chỉ cần tiêm duy nhất 1 mũi, nên tiêm vào thời điểm 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ
2.1.2 Đối với vắc xin hấp phụ VAT (Việt Nam)
Với người chưa tiêm, không rõ tiền sử tiêm vắc xin hoặc chưa tiêm đủ ba mũi vắc xin có chứa thành phần uốn ván liều cơ bản:
– Mũi tiêm 1: Tiêm sớm nhất có thể khi có thai lần đầu.
– Mũi tiêm 2: Tối thiểu 1 tháng sau mũi 1.
– Mũi tiêm 3: Tối thiểu 6 tháng sau mũi 2 hoặc kỳ có thai lần sau.
– Mũi tiêm 4: Tối thiểu 1 năm sau mũi 3 hoặc kỳ có thai lần sau.
– Mũi tiêm 5: Tối thiểu 1 năm sau mũi 4 hoặc kỳ có thai lần sau.
Với người đã tiêm đủ ba mũi vắc xin có chứa thành phần uốn ván liều cơ bản:
– Mũi tiêm 1: Tiêm sớm nhất có thể khi có thai lần đầu.
– Mũi tiêm 2: Tối thiểu 1 tháng sau mũi 1.
– Mũi tiêm 3: Tối thiểu 1 năm sau mũi 2.
Với người đã tiêm đủ ba mũi vắc xin có chứa thành phần uốn ván liều cơ bản và 1 mũi nhắc lại:
– Mũi tiêm 1: Tiêm sớm nhất có thể khi có thai lần đầu.
– Mũi tiêm 2: Tối thiểu 1 năm sau mũi 1.
2.2. Các phản ứng phụ có thể xảy ra sau khi tiêm phòng uốn ván
Giống như các mũi tiêm phòng khác, việc tiêm phòng uốn ván dành cho bà bầu cũng có thể gây một số tác dụng phụ.
Cụ thể tác dụng phụ của vắc xin uốn ván cho bà bầu thường gặp là sưng đau tại vị trí tiêm. Tuy nhiên, các mẹ bầu không nên quá lo lắng vì đây đều là những phản ứng phụ không quá nghiêm trọng, diễn ra trong khoảng thời gian ngắn và không gây ảnh hưởng tới thai nhi. Việc sưng đau sẽ tự biến mất nên các mẹ lưu ý không cần sử dụng thuốc hay chườm đắp vào vị trí tiêm.
>>>>>Xem thêm: Thời gian hoàn thành phác đồ tiêm phòng ung thư cổ tử cung
Sưng đau tại vị trí tiêm là phản ứng phụ thường gặp sau khi tiêm vắc xin nên mẹ bầu không cần quá lo lắng
2.3. Lưu ý sau khi tiêm vắc xin uốn ván cho bà bầu
Sau khi tiêm vắc xin phòng uốn ván, mẹ bầu cần lưu ý một số điều sau để đảm bảo quá trình tiêm chủng được đảm bảo an toàn nhất. Cụ thể như sau:
– Theo dõi tình trạng sức khỏe của bản thân ít nhất 30 phút sau khi tiêm tại cơ sở tiêm chủng. Tốt nhất mẹ bầu nên đi cùng người thân để có thể hỗ trợ và chăm sóc kịp thời nhất. Nếu phát hiện các biểu hiện bất thường như thở gấp hay ngắt quãng, sốc phản vệ, phát ban ngoài da, buồn nôn,… Hãy báo ngay cho nhân viên y tế tại cơ sở tiêm chủng để được hỗ trợ điều trị kịp thời.
– Sau khi tiêm xong, về nhà mẹ bầu cũng cần theo dõi các biểu hiện của cơ thể. Nếu xuất hiện các phản ứng phụ bất thường không có trong mục trên thì nên liên hệ ngay với bác sĩ để theo dõi và xử lý kịp thời. Nếu các phản ứng không có dấu hiệu thuyên giảm, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.
Ngoài ra, các thai phụ cũng nên lưu ý lựa chọn cơ sở tiêm chủng uy tín đã được chứng nhận của Bộ Y tế về tiêm chủng để đảm bảo an toàn trong suốt quá trình tiêm vắc xin.
Trên đây là những lưu ý khi tiêm vắc xin phòng uốn ván dành cho bà bầu. Hy vọng với những thông tin này, mẹ bầu phần nào đã hiểu rõ hơn về vắc xin, từ đó có những quyết định tiêm chủng an toàn và hiệu quả. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, các mẹ có thể liên hệ ngay đến Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được hỗ trợ và giải đáp sớm nhất nhé.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.