Độ tuổi sinh con tốt nhất là vấn đề nhiều chị em quan tâm sau khi kết hôn. Nhiều chị em sẵn sàng có con từ rất sớm, cũng có chị em lựa chọn đón thiên thần của mình muộn hơn để ổn định về kinh tế. Vậy độ tuổi sinh con tốt nhất của phụ nữ là khi nào? Những vấn đề mẹ thường gặp khi mang thai ở các độ tuổi khác nhau là gì? Cùng BV Thu Cúc tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Độ tuổi sinh con tốt nhất của phụ nữ
Độ tuổi sinh con tốt nhất của phụ nữ
Theo WHO, độ tuổi sinh sản tốt nhất của phụ nữ là từ 20 đến 35 tuổi.
Độ tuổi sinh con tốt nhất của phụ nữ là độ tuổi mà cơ thể chị em đã phát triển toàn diện nhất để đảm nhận thiên chức làm mẹ. Thêm vào đó, thời điểm sinh con sẽ trở nên hoàn hảo hơn khi người mẹ được trang bị sẵn sàng về tâm lý, kiến thức, tinh thần, trách nhiệm và có kinh tế ổn định cho việc có thêm thành viên mới.
Tuy mỗi người có một quan điểm khác nhau về độ tuổi sinh con tốt nhất của phụ nữ, nhưng xét trên góc độ y học, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng độ tuổi sinh con tốt nhất là từ 24 đến 35 tuổi.
Trong độ tuổi từ 20 đến 24 tuổi, người phụ nữ có khả năng thụ thai cao nhất. Từ độ tuổi 25 đến 35, phụ nữ lại ổn định hơn về mặt kinh tế, tài chính và tâm lý. Nhìn chung, theo khuyến cáo từ tổ chức Y tế Thế giới WHO thì phụ nữ nên sinh con trong khoảng từ 20 đến 35 tuổi. Mỗi lần sinh nên cách nhau ít nhất là 2 năm để đảm bảo cho sức khỏe cả mẹ và bé.
Khả năng sinh sản của phụ nữ thay đổi theo độ tuổi
Khả năng sinh sản của phụ nữ càng giảm khi tuổi đời tăng lên. Xét về mặt sinh học, người phụ nữ khi sinh ra sẽ có khoảng hơn 1 triệu noãn (hay còn gọi là trứng chưa trưởng thành) trong cơ thể. Lượng noãn này sẽ phát triển thành trứng có khả năng thụ tinh tạo nên thai nhi. Tuy nhiên, không phải noãn nào cũng có thể tạo thành trứng trưởng thành và có khả năng thụ tinh. Lượng noãn này sẽ giảm dần theo độ tuổi và tỷ lệ xuất hiện các noãn bất thường cũng tăng lên làm giảm khả năng mang thai hoặc làm gia tăng các bệnh lý bẩm sinh ở trẻ khi người phụ nữ nhiều tuổi.
Các nghiên cứu cho thấy, ở người phụ nữ trẻ tuổi, trứng có chất lượng tốt hơn, tỷ lệ mang thai, đa thai cũng cao hơn. Người phụ nữ từ sau 30 tuổi bắt đầu suy giảm về khả năng thụ thai. Từ 35 tuổi, buồng trứng suy giảm nhanh về số lượng và chất lượng. Từ 40 tuổi, người mẹ khó có thể mang thai tự nhiên và tỷ lệ xuất hiện những dị tật, hội chứng bệnh ở thai nhi cũng gia tăng,… Ngày nay nhờ tiến bộ về y học, phụ nữ lớn tuổi vẫn có khả năng mang thai và sinh con khỏe mạnh, tuy nhiên các bác sĩ vẫn khuyến khích chị em nên sinh từ 20 tới 35 tuổi.
Khả năng sinh sản của chị em giảm theo độ tuổi
Vì sao không nên sinh con quá sớm?
Khi sinh con quá sớm, cụ thể là trước 20 tuổi, người mẹ sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ sẩy thai, sinh non hoặc thai yếu. Vào độ tuổi này, cơ thể mẹ chưa phát triển hoàn thiện để sẵn sàng cho việc mang thai. Về sinh lý, khung xương chậu của mẹ chưa nở, quá trình sinh nở thường rất dễ bị sang chấn, vì vậy người mẹ nguy cơ lớn phải sinh mổ.
Về mặt tâm lý, nhiều bà mẹ trẻ chưa đầy đủ nhận thức hay chuẩn bị tâm lý chưa tốt, khó vượt qua những rào cản tâm lý khi có con, rất dễ cảm thấy chán nản, mệt mỏi, stress và có tỷ lệ trầm cảm sau sinh cao.
Về kinh tế, người mẹ có thể chưa có kinh tế vững để đầy đủ điều kiện nuôi con. Do mang thai khi tuổi đời còn trẻ, cơ hội học tập và nghề nghiệp của người mẹ có thể bị hạn chế đáng kể.
Tại sao nên sinh con trước 35 tuổi?
Sinh con trong độ tuổi khuyến nghị từ 20 đến 35 tuổi là độ tuổi tốt nhất cho cả mẹ và bé. Giai đoạn này, người mẹ có trứng tốt nhất, tỷ lệ gặp các bệnh di truyền do rối loạn NST cũng là thấp nhất, mẹ bầu ít gặp các nguy cơ khi mang thai như tăng huyết áp, tiền sản giật, sinh non, sinh nhẹ cân,…Chính vì vậy con sinh ra trong độ tuổi này cũng có sức khỏe tốt nhất.
Ở độ tuổi này, người phụ nữ cũng phát triển toàn diện về thể chất, tâm lý và kinh tế, điều kiện tốt nhất để làm mẹ.
Độ tuổi 20 – 35 là độ tuổi người mẹ có sự chuẩn bị tốt nhất về sức khỏe, tâm lý, kinh tế,.. cho việc mang thai.
Sinh con muộn có những nguy cơ gì?
Sinh con muộn từ sau tuổi 35 làm gia tăng những điều kiện không thuận lợi cho cả mẹ và thai nhi. Số lượng trứng của người mẹ giảm đáng kể từ sau 35 tuổi, các đột biến về NST cũng gia tăng. Theo các nghiên cứu, nếu ở độ tuổi 25, tỷ lệ xuất hiện các đột biến gen ở thai nhi chỉ khoảng 1/1250 thì tỷ lệ này tăng lên khoảng 1/400 ở phụ nữ 35 tuổi và khoảng 1/109 khi người mẹ từ tuổi 40. Chính vì vậy, các hội chứng về rối loạn NST cũng gia tăng ở em bé khi mẹ ngoài độ tuổi này như hội chứng Down, hội chứng Edwards,…
Ngoài ra, có rất nhiều nguy cơ có thể xảy ra với mẹ bầu khi mang thai sau 35 tuổi như: dễ gặp phải biến chứng tiền sản giật, tỷ lệ sảy thai, sinh non, thai ngoài tử cung lớn,…
Tìm hiểu thêm: Sự nguy hiểm của việc chụp X quang khi mang thai 4 tuần
Mang thai sau 35 tuổi tiềm ẩn nhiều nguy cơ tới sự phát triển thai nhi
Phụ nữ dù ở độ tuổi nào cũng còn hy vọng…
Tuổi tác thể hiện những giai đoạn thuận lợi và ít thuận lợi để mang thai của phụ nữ. Tuy nhiên đây không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến khả năng làm mẹ. Trên thực tế có rất nhiều yếu tố như môi trường, lối sống, di truyền,… cũng ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến khả năng này.
Nhiều chị em sống trong môi trường không ô nhiễm và duy trì lối sống tích cực vẫn có sức khỏe sinh sản tốt dù ngoài tuổi 35. Chính vì vậy các chị em cần tự chăm sóc bản thân mình với một lối sống khoa học, tích cực và lạc quan nhất. Bên cạnh đó, y học phát triển có nhiều phương pháp giúp chúng ta can thiệp tốt hơn về sinh sản, giúp cho nhiều chị em sinh muộn có nhiều cơ hội được làm mẹ hơn.
Chính vì thế, dù ở độ tuổi nào, chị em vẫn luôn còn hy vọng được làm mẹ.
Trước khi mang thai cần chuẩn bị gì?
Để việc mang thai được thuận lợi và có một thai kỳ khỏe mạnh, trước khi mang thai, vợ chồng đều đều nên chuẩn bị những điều dưới đây:
Lên lịch khám tiền sản
Khám tiền sản ở cả vợ và chồng giúp bác sĩ hiểu rõ tiền sử bệnh lý ở cả hai người cũng như các thành viên trong gia đình, các loại thuốc đang sử dụng nếu có.
Đặc biệt với chị em gặp các bệnh lý về tiểu đường, hen suyễn, cao huyết áp,… cần được thăm khám và kiểm soát tốt trước khi mang thai. Đồng thời chị em sẽ cũng sẽ được đưa ra lời khuyên cần đi làm xét nghiệm máu và xét nghiệm tế bào tử cung để phát hiện các bệnh phụ khoa nếu có.
Khám tiền sản là việc làm cần thiết trước khi có kế hoạch mang thai
Sàng lọc di truyền
Sàng lọc di truyền trước sinh giúp kiểm tra các nguy cơ dị tật hoặc bệnh di truyền tiềm ẩn có thể di truyền sang bé để có các định hướng mang thai hay theo dõi trong thời gian thai kỳ
Hạn chế môi trường ô nhiễm độc hại
Môi trường ô nhiễm độc hại, đặc biệt là môi trường có chất phóng xạ, môi trường nhiều các loại hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc tẩy phải hết sức cẩn thận. Nên tránh sống và làm việc tại những môi trường này hoặc bắt buộc phải bảo hộ đầy đủ khi tiếp xúc để tránh gây ra những nguy cơ ảnh hưởng tới khả năng sinh sản hoặc sức khỏe thai nhi sau này. Trong môi trường độc hại, các tác nhân xấu có thể xâm nhập vào cơ thể khiến người mẹ bị vô sinh hoặc gây ra những đột biến, bệnh lý nguy hiểm cho con.
Gặp nha sĩ
Trước khi mang thai, chị em cần đến gặp nha sĩ bởi khi mang thai chị em rất dễ gặp các vấn đề về nha khoa do nồng độ progesterone và estrogen tăng ảnh hưởng đến nướu răng.
Mẹ bầu gặp các vấn đề về răng lợi sẽ có nguy cơ sảy thai cao gấp 2 – 3 lần mẹ bầu bình thường.
Kiểm soát cân nặng
Trước khi mang thai, chị em nên duy trì mức cân nặng hợp lý để tránh tình trạng béo phì hoặc thiếu cân khi mang thai. Dựa vào chỉ số BMI, mẹ chị em sẽ xác định được cân nặng đã phù hợp hay chưa để điều chỉnh.
BMI= cân nặng/ (chiều cao x chiều cao) (đơn vị cân nặng: kg, chiều cao: mét)
Chỉ số BMI bình thường là từ 18 đến 24,9.
Chuẩn bị chế độ ăn dinh dưỡng và hạn chế ăn cá
Nếu thích ăn cá, chị em cần cẩn thận lựa chọn, tránh các loại cá chứa thủy ngân như cá kiếm, cá thu, cá ngừ đóng hộp, cá ngừ,… Tuy chúng rất giàu omega-3 cần thiết cho não và mắt nhưng lượng thủy nhân có thể gây ảnh hưởng tới thai nhi. Thay vào đó, hãy chọn một chế độ ăn dinh dưỡng hợp lý cho cả vợ chồng để tăng khả năng thụ thai: vợ nên ăn nhiều trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt; chồng nên ăn thực phẩm giàu kẽm và vitamin A, E.
Chế độ ăn hợp lý giúp chị em chuẩn bị sức khỏe sinh sản tốt, tăng khả năng thụ thai
Bổ sung axit Folic
Axit folic rất quan trọng với cơ thể người mẹ bởi giúp giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh khi mang thai. Khi khám tiền sản, bác sĩ sẽ khuyên bạn liều lượng phù hợp với cơ thể
Không sử dụng chất kích thích
Tất cả các chất kích thích như rượu, thuốc lá, ma túy đều có thể đẩy đến nguy cơ sảy thai, sinh non trong thai kỳ.
Với người đàn ông, khi hút thuốc chất lượng và số lượng tinh trùng giảm gây giảm khả năng thụ thai.
Hạn chế các sản phẩm chứa cafein
Chị em không nên sử dụng các sản phẩm chứa cafein như cà phê khi có ý định mang thai. Sử dụng caffeine quá 200ml mỗi ngày sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe sinh sản
Ngưng thuốc tránh thai
Ngưng sử dụng thuốc tránh thai giúp chị em có thể thụ thai một cách dễ dàng.
Chuẩn bị kinh tế
Vấn đề kinh tế là vấn đề các cặp vợ chồng không thể bỏ qua khi có kế hoạch sinh con. Kinh tế vững sẽ làm giảm gánh nặng khi chị em mang bầu, và cả sau khi sinh em bé
Khi nào nên khám sức khỏe sinh sản?
Khám sức khỏe sinh sản là một cách để kiểm tra sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ được khuyến cáo nên thực hiện từ 20 tuổi nhằm đảm bảo khỏe sinh sản.
>>>>>Xem thêm: Chuyên gia giải đáp: Có cần làm Triple Test không?
Khám sức khỏe sinh sản là việc cần thiết ở cả nam và nữ từ sau 20 tuổi
Khám sức khỏe sinh sản ở nữ giới
Khám sức khỏe sinh sản ở nữ giới bao gồm khám/ kiểm tra phụ khoa lâm sàng (tiền sử sinh sản, sức khỏe, thực hiện siêu âm bụng/ siêu âm đầu dò,…); khám cận lâm sàng (phân tích nước tiểu, mẫu máu, dịch tiết âm đạo,…) và đưa ra các chuẩn đoán
Khám sức khỏe sinh sản ở nam giới
Khám sức khỏe ở nam giới bao gồm: kiểm tra cơ quan sinh dục; thực hiện siêu âm tinh hoàn, ổ bụng, sàng lọc bệnh lây nhiễm; đánh giá về tinh trùng, thực hiện các xét nghiệm phân tích máu, nước tiểu, dịch niệu đạo,…. để đưa ra các chuẩn đoán
Sản phụ khoa – Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.