Siêu âm tuần 22 là một trong những mốc siêu âm quan trọng mẹ không thể bỏ qua giúp mẹ tầm soát những dị tật thai nhi và những bất thường về bánh rau, nước ối ngay từ giai đoạn sớm.
Bạn đang đọc: Siêu âm tuần 22 – Thời điểm vàng khảo sát dị tật thai nhi
1. Vai trò của siêu âm thai tuần 22
Siêu âm tuần 22 có ý nghĩa quan trọng trong theo dõi sức khỏe thai kỳ
22 tuần tuổi được cho là cột mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của thai nhi. Ở thời điểm này, thai nhi gần như đã hoàn thiện về hình thái. Trong quá trình siêu âm, mẹ có thể nhìn thấy chi tiết từng bộ phận trên cơ thể con. Những cử động của bé trong bụng mẹ cũng được quan sát một cách dễ dàng.
Ở 22 tuần tuổi, bên cạnh hoàn thiện về hình thái thai nhi cũng bắt đầu biểu hiện những cảm xúc của mình khi cảm nhận được những sự vật xung quanh. Chính vì thế, trong mỗi lần siêu âm, mẹ có thể bắt gặp những biểu cảm hết sức đáng yêu của con.
Ngoài việc theo dõi sự phát triển của thai nhi, siêu âm tuần 22 còn có vai trò hết sức quan trọng trong tầm soát những dị tật và những bất thường liên quan tới bánh rau, nước ối,… để có những hướng xử lý kịp thời nhất, hạn chế tối đa những tác động xấu tới con trong tương lai.
2. Các thông tin thu được thông qua siêu âm tuần 22
Thông qua siêu âm, mẹ sẽ biết được nhiều thông tin liên quan tới sự phát triển của bé.
2.1. Siêu âm tuần 22 kiểm tra các bộ phận ngoài
– Gương mặt của bé: Nếu như ở các mốc siêu âm khác, mẹ có thể chưa nhìn rõ gương mặt con thì ở mốc siêu âm này gương mặt có thể quan sát rõ các chi tiết mắt, mũi, tai, môi,.. Cũng chính thời điểm này khi quan sát gương mặt con bác sĩ sẽ phát hiện những dị tật bất thường nếu có như hở hàm ếch, sứt môi.
Tìm hiểu thêm: Tại sao mang thai tháng đầu vẫn có kinh nguyệt?
Mẹ bầu thực hiện siêu âm 5D tại bệnh viện ĐKQT Thu Cúc
– Tay và chân của thai nhi: Bác sĩ sẽ quan sát về số lượng ngón chân, ngón tay của thai nhi có bất thường hay không. Bên cạnh đó, chiều dài chân và tay cũng được kiểm tra để chắc chắn bé không bị chiều dài tay hoặc chân ngắn bất thường. Trong trường hợp chiều dài chân tay ngắn bất thường, mẹ sẽ được chỉ định làm các xét nghiệm sàng lọc hội chứng Down trước khi bác sĩ đưa ra kết luận cuối cung.
– Kiểm tra cột sống: Trong quá trình siêu âm, cột sống của bé cũng được kiểm tra để phát hiện nguy cơ dị tật nếu có. Một trong những dị tật phổ biến ở thai nhi là chẻ đôi đốt sống thể hở. Dị tật này thường đi kèm với những bất thường liên quan tới chức năng và cấu trúc của não bộ. Trong trường hợp trẻ có cột sống bình thường, các đốt sống được liên kết với nhau và ở đốt sống cuối cùng bé sẽ có da bao bọc.
2.2. Siêu âm tuần 22 kiểm tra các bộ phận bên trong
>>>>>Xem thêm: Triệu chứng ung thư tuyến giáp giai đoạn sớm
Ảnh màu siêu âm 5D tại bệnh viện ĐKQT Thu Cúc
Ngoài theo dõi các đặc điểm, bộ phận bên ngoài của trẻ thì thông qua siêu âm, bác sĩ còn đánh giá được sự phát triển của trẻ thông qua việc kiểm tra các bộ phận bên trong
– Não bộ của trẻ: Lúc này, não bộ của trẻ đã hoàn thiện. Từ hình ảnh siêu âm, các cấu trúc và các bất thường ở não bộ sẽ được phát hiện. Các vấn đề cần kiểm tra gồm có: các nang đám rối mạch (nếu có), vách trong suốt, đồi thị, đường giữa, tiểu não và bể lớn. Trong trường hợp não bộ có những tổn thương hay những bất thường, bác sĩ sẽ làm xét nghiệm chuyên sâu để kết luận nguyên nhân chính xác. Bên cạnh đó, nếu phát hiện các đám rối mạch mạc, mẹ bầu sẽ cần theo dõi thêm để loại trừ các nguy cơ liên quan tới các hội chứng gây ra do rối loạn nhiễm sắc thể.
– Khu vực cổ, ngực và tim của thai nhi: Các khối u vùng cổ (các nang bạch huyết), cấu trúc và hình dạng kích thước ngực, tim, phổi được quan sát thông qua các hình ảnh siêu âm. Ở thời điểm này, bác sĩ sẽ đo được nhịp tim thai dao động từ 120 – 160 lần/ phút. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ kiểm tra xem trẻ có bị thoát vị cơ hoành hay không.
– Bộ phận bài tiết: thận, bàng quang: Chức năng bài tiết dần được hoàn thiện ngay trong thai kỳ. Khi trong bụng mẹ, bé sẽ nuốt nước ối. Nước ối được bài tiết qua thận và bàng quang đẩy ra ngoài. Bằng những hình ảnh siêu âm, bàng quang và bể thận sẽ được kiểm tra có bị giãn hay không.
2.3. Những chỉ số quan trọng trong siêu âm ở tuần 22
Ở mỗi thời điểm, các chỉ số dưới đây sẽ có giá trị khác nhau. Các bác sĩ sẽ xác định và so sánh với tiêu chuẩn, là cơ sở để đánh giá sức khỏe thai nhi.
– Chỉ số HC (Head circumference ): vòng đầu.
– Chỉ số BPD (Biparietal diameter): đường kính lưỡng đỉnh.
– Chỉ số AC (Abdominal circumference): vòng bụng.
– Chỉ số FL (Femur length): chiều dài xương đùi.
– Chỉ số EFW (Estimated Fetal Weight): cân nặng thai nhi ước tính.
2.4. Các chỉ số siêu âm khác ở tuần 22
Ngoài các vấn đề được kiểm tra thông qua siêu âm được đề cập bên trên thì ở tuần 22, bác sĩ còn kiểm tra các thông tin quan trọng sau đây
– Dây rốn thai nhi: Dây rốn là bộ phận giúp vận chuyển chất dinh dưỡng từ mẹ vào bé. Trẻ có thể gặp các vấn đề liên quan tới dây rốn như dây rốn quấn cổ, dây rốn thắt nút. Các vấn đề dây rốn là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ bị thiếu chất dinh dưỡng, thậm chí là suy thai.
– Bánh rau: Đánh giá bánh rau có bình thường hay không, vị trí của bánh rau so với lỗ tử cung để phòng ngừa nguy cơ bong nhau non hay những bất lợi cho thai nhi trong quá trình sinh.
– Nước ối: Việc kiểm tra nước ối giúp bác sĩ phát hiện mẹ có đủ lượng ối hay không. Trong trường hợp mẹ bầu dư ối hay thiểu ối, nước ối đục đều cần được theo dõi và xử lý kịp thời để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra.
– Các vấn đề về tử cung: Chiều dài cổ tử cung của mẹ là một trong những yếu tố quan trọng giúp đánh giá những nguy cơ sinh non có thể xảy ra. Ngoài ra, với mẹ bầu có những khối u ở tử cung (u xơ tử cung) thì việc theo dõi sự phát triển của các khối u là hết sức quan trọng. Hầu hết các khối u đều gia tăng kích thước trong thai kỳ. Trong nhiều trường hợp, khối u trong tử cung của mẹ chiếm chỗ của thai nhi, đồng thời là nguyên nhân về các vấn đề sinh non.
Trên đây là những thông tin quan trọng về siêu âm tuần 22. Các mốc siêu âm nói riêng và mốc khám thai nói chung đều mang những ý nghĩa vô cùng quan trọng với sự phát triển của trẻ. Mẹ bầu nên thực hiện khám thai định kỳ một cách đầy đủ. Bên cạnh đó, hãy lựa chọn địa chỉ thăm khám uy tín để theo dõi xuyên suốt sức khỏe thai kỳ của mình. Chúc các mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.