IUI và IVF là thuật ngữ về phương pháp hỗ trợ hiếm muộn, vô sinh hiện đại, tiên tiến được áp dụng phổ biến hiện nay. Vậy chi tiết IUI và IVF là gì? Chúng khác nhau như thế nào và ưu nhược điểm của từng phương pháp ra sao? Bạn sẽ được giải đáp mọi thắc mắc với bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: IUI và IVF là gì? Tìm hiểu sự khác nhau của hai phương pháp này
1. IUI và IVF là gì?
Hiện nay vẫn nhiều người nhầm lẫn về hai phương pháp này với nhau trong khi chúng lại hoàn toàn khác nhau về bản chất, quy trình thực hiện và ưu, nhược điểm.
– IUI là phương pháp thụ tinh bằng cách bơm những tinh trùng có chất lượng tốt nhất vào buồng tử cung ở thời điểm rụng trứng, được áp dụng trong điều kiện người vợ phải có ít nhất 1 trong 2 vòi trứng thông, buồng trứng vẫn hoạt động bình thường và tinh dịch của nam giới tương đối tốt (có thể bất thường ở mức độ nhẹ nhưng cần đạt tối thiểu 1 triệu tinh trùng di động/1ml ).
– IVF là phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm bằng việc kết hợp trứng và tinh trùng bên ngoài cơ thể cho đến khi hình thành phôi thai thì sẽ chuyển lại vào buồng tử cung. IVF áp dụng trong điều kiện nữ giới có tử cung và buồng trứng bình thường, đòi hỏi phải được thực hiện tại các bệnh viện lớn uy tín với đủ các trang thiết bị tân tiến.
Trong khi IUI được thực hiện bằng cách bơm tinh trùng vào buồng tử cung thì IVF sẽ thực hiện bằng cách thụ tinh nhân tạo trong ống nghiệm
2. Đối tượng áp dụng của các phương pháp
2.1 Đối tượng áp dụng của IUI
Phương pháp IUI được áp dụng với những trường hợp sau:
– Vô sinh không rõ nguyên nhân.
– Chất nhầy ở cổ tử cung không thuận lợi (đặc quánh hoặc có kháng thể kháng tinh trùng).
– Lạc nội mạc tử cung nhẹ.
– Rối loạn phóng noãn.
– Rụng trứng không đều.
– Tinh trùng không đủ chất lượng cho quá trình thụ tinh.
– Rối loạn xuất tinh, xuất tinh ngược.
– Rối loạn chức năng cương cứng của dương vật.
Tinh trùng không đủ chất lượng cần phải can thiệp bằng phương pháp IUI để rút ngắn quãng đường đến với trứng.
2.2 Đối tượng áp dụng của IVF
– Ống dẫn trứng bị tổn thương hoặc bị tắc nghẽn.
– Rối loạn rụng trứng.
– Lạc nội mạc tử cung.
– U xơ tử cung.
– Rối loạn phóng noãn.
– Suy giảm chức năng hoặc sản xuất tinh trùng.
– Tinh trùng bất thường (di chuyển yếu, hình dạng và kích thước không bình thường…).
– Vô sinh không rõ nguyên nhân.
– Chuẩn bị điều trị ung thư đặc biệt là xạ trị.
– Buồng trứng đa nang.
– Tử cung không thích hợp để mang thai như tử cung hai sừng, tử cung đôi, tử cung có vách ngăn,…
2.3 Tỷ lệ thành công khi thực hiện IUI và IVF
Rất khó để xác định được tỷ lệ thành công cụ thể của 2 phương pháp này vì nó phụ thuộc vào chất lượng trứng, tinh trùng và độ tuổi của nữ giới.
– Ở phương pháp IUI, tỷ lệ thành công sẽ khoảng 15 – 20%, khi sử dụng thuốc kích thích noãn có thể lên đến 26%.
– Ở phương pháp IVF, với phụ nữ dưới 35 tuổi thì tỷ lệ thành công trên mỗi chu kỳ sẽ là khoảng 40 – 50%. Nhưng đến độ tuổi 42 thì tỷ lệ này chỉ ở mức 4%.
3. Quy trình thực hiện các phương pháp
Điểm chung của hai phương pháp hỗ trợ sinh sản IUI và IVF đều là kích trứng và tăng số lượng nang noãn. Trong khi IUI thực hiện uống hoặc tiêm thuốc kích trứng để đạt số lý tưởng lên 2 – 3 nang noãn thì IVF lại dùng liều cao hơn để tạo thành nhiều phôi.
– Với IUI, sau khi nang noãn đã chín và đạt tiêu chuẩn, bác sĩ sẽ đưa tinh trùng vào bên trong tử cung của nữ giới. Điều này sẽ giúp tăng số lượng đáng kể tinh trùng tại điểm nối của tử cung và ống dẫn trứng – quãng đường tinh trùng phải bơi để gặp trứng. Do đó, tỷ lệ thụ thai sẽ cao hơn.
– Với IVF, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân dùng thuốc kích trứng trong khoảng 10 ngày, sau đó sẽ tiến hành hút trứng ra khỏi buồng trứng. Sau đó trứng sẽ được kết hợp với tinh trùng và thụ thai trong phòng thí nghiệm trong điều kiện phù hợp. Sau khi được đánh giá đã đạt tiêu chuẩn, phôi thai này được chuyển lại vào tử cung của phụ nữ và quá trình mang thai sẽ diễn ra bình thường. Tuy nhiên vẫn cần theo dõi thường xuyên để đảm bảo không có biến chứng bất thường.
Tìm hiểu thêm: Phương pháp xét nghiệm các bệnh lây qua đường tình dục?
IVF được thực hiện khi trứng kết hợp với tinh trùng ở bên tròng phòng thí nghiệm với những điều kiện môi trường phù hợp.
4. Ưu và nhược điểm của 2 phương pháp
4.1 Phương pháp IUI
Ưu điểm:
– Quá trình thực hiện không phức tạp và thời gian nhanh chóng.
– Không gây quá nhiều áp lực lên cơ thể.
– Ít dùng đến thuốc và chi phí điều trị thấp, chỉ khoảng 5 – 10 triệu đồng.
Nhược điểm:
– Do khó kiểm soát số lượng tinh trùng đưa vào nên nguy cơ đa thai cao (sinh ba hoặc nhiều hơn).
– Tinh trùng cần phải có mức độ di động nhất định để có thể bơi vào trứng.
4.2 Phương pháp IVF
Ưu điểm:
– Tỷ lệ thành công tương đối cao (nhất là với những trường hợp sử dụng iui nhiều nhưng vẫn thất bại).
– Có thể thụ thai với những trường hợp khó hơn IUI: Tổn thương vòi trứng, lạc nội mạc tử cung trên trung bình, tinh trùng ít, di động kém và dị dạng,…
Nhược điểm:
– Nguy cơ sẽ gây nên khiếm khuyết gene, đa thai, sinh non, trẻ nhẹ cân….
– Chi phí điều trị tương đối cao (khoảng 70 – 100 triệu đồng).
5. Làm sao để biết mình nên thực hiện IUI và IVF?
Cần lưu ý rằng IUI và IVF sẽ được thực hiện sau cùng sau khi các bác sĩ thấy rằng cơ thể của cả nam giới và nữ giới không mắc những bệnh lý nào ảnh hưởng đến khả năng sinh con mà có khả năng chữa trị được.
>>>>>Xem thêm: Lý giải nguyên nhân gây hở chân răng sứ
Hãy lựa chọn những bệnh viện uy tín để được giải thích rõ IUI và IVF là gì và khuyến cáo sử dụng phương pháp phù hợp.
Việc sử dụng phương pháp nào sẽ hoàn toàn theo lời khuyên của bác sĩ dựa vào tình trạng của trứng, tinh trùng cũng như độ tuổi của nữ giới. Vì vậy hãy lựa chọn những bệnh viện uy tín, có trang thiết bị tiên tiến và hiện đại để được các bác sĩ có chuyên môn thăm khám và khuyến cáo sử dụng phương pháp phù hợp.
Mong rằng bài viết trên của chúng tôi cung cấp những thông tin chi tiết cho câu hỏi “IUI và IVF là gì”. Con cái được coi là kết tinh của tình yêu thương và là cầu nối của hạnh phúc gia đình vì vậy cha mẹ nào cũng khát khao có được “báu vật” ấy. Với sự xuất hiện của 2 phương pháp hỗ trợ sinh sản IUI và IVF, niềm hy vọng về một gia đình trọn vẹn sẽ ngày một lớn dần và mong rằng với sự phát triển của khoa học công nghệ thì việc vô sinh hiếm muộn sẽ được cải thiện đáng kể trong tương lai.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.