Xét nghiệm sàng lọc trước sinh hiện nay được xem là biện pháp tối ưu giúp mẹ bầu loại bỏ những lo âu về việc con có nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh không. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về những xét nghiệm này qua bài viết dưới đây nhé.
Bạn đang đọc: Điểm mặt 5 xét nghiệm sàng lọc trước sinh quan trọng!
1. Ý nghĩa của các xét nghiệm sàng lọc trước sinh?
1.1. Giải nghĩa xét nghiệm sàng lọc trước sinh?
Xét nghiệm sàng lọc trước sinh là những xét nghiệm giúp bác sĩ chẩn đoán nguy cơ mắc dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Việc chẩn đoán và phát hiện sớm những bất thường ở thai nhi sẽ giúp bác sĩ có phương án chăm sóc, điều trị kịp thời.
Xét nghiệm sàng lọc trước sinh là những xét nghiệm giúp bác sĩ chẩn đoán nguy cơ mắc dị tật bẩm sinh ở thai nhi
1.2. Những mẹ bầu nào cần thực hiện xét nghiệm này?
Sàng lọc trước sinh là một bước rất quan trọng trong thai kỳ mà mẹ bầu không nên bỏ qua. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tất cả phụ nữ mang thai đều cần phải thực hiện xét nghiệm sàng lọc. Đặc biệt, những phụ nữ có các đặc điểm sau thì càng phải làm xét nghiệm này:
- Mang bầu ở tuổi 35.
- Đã từng sảy thai hoặc thai chết lưu không rõ nguyên nhân.
- Đã từng sinh con có dị tật bẩm sinh hoặc chết yểu do dị tật bẩm sinh.
- Thường xuyên căng thẳng hoặc làm việc trong môi trường có hóa chất độc hại.
- Hay sử dụng các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá, cà phê…
- Mắc các bệnh cảm cúm, quai bị, thủy đậu, sởi, rubella… và sử dụng các loại thuốc kháng sinh trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
- Bố hoặc mẹ mắc bệnh di truyền hoặc có người thân cận huyết mắc dị tật, các bệnh lý di truyền.
- Kết quả xét nghiệm sàng lọc trước đó có những bất thường về di truyền.
Thai phụ ở độ tuổi từ 35 trở lên có nguy cơ cao sinh con mắc dị tật bẩm sinh nên cần phải thực hiện đầy đủ các xét nghiệm sàng lọc
2. Các xét nghiệm sàng lọc quan trọng
2.1. NIPT – Xét nghiệm sàng lọc trước sinh không xâm lấn
Xét nghiệm NIPT (NIPT Test – Non-Invasive Prenatal) là một xét nghiệm giúp phân tích các đoạn ADN nhỏ đang di chuyển trong máu của mẹ bầu. Khi mẹ mang bầu đến khoảng tuần 9 – 10 của thai kỳ thì không nên bỏ qua xét nghiệm này. NIPT là phương pháp sàng lọc cho phép thực hiện phân tích các đoạn cfADN (các đoạn ADN tự do) trong máu mẹ giúp phát hiện sớm các thường di truyền ở cả mẹ và thai nhi. Đây là một xét nghiệm không xâm lấn và tất nhiên là cũng không gây hại cho thai nhi.
Mục đích của NIPT chính là để tìm kiếm các nhiễm sắc thể bị thừa hoặc thiếu một bản sao. Từ đó, NIPT giúp bác sĩ dự đoán sớm nhất có thể nguy cơ mắc các hội chứng Down, Edward, Patau… ở thai nhi.
Tuy nhiên, NIPT chỉ có thể dự đoán nguy cơ chứ không thể đưa ra khẳng định chắc chắn về việc thai nhi có mắc bệnh di truyền hay không. Bên cạnh đó, kết quả xét nghiệm NIPT còn phụ thuộc vào mức độ rối loạn nhiễm sắc thể. Do đó, vẫn có những trường hợp mà kết quả xét nghiệm NIPT báo dương tính giả, hoặc âm tính giả.
2.2. Double test – Một trong những xét nghiệm quan trọng nhất
Đây là một trong những xét nghiệm sàng lọc đầu tiên, nên thực hiện vào khoảng tuần 11 – 13 của thai kỳ. Bác sĩ sẽ lấy máu của thai phụ để phân tích và đánh giá hai loại dấu ấn (marker). Song song quá trình xét nghiệm máu, bác sĩ cũng sẽ chỉ định mẹ nên siêu âm đo độ mờ da gáy.
Từ những thông tin thu được ở cả hai phương pháp trên, bác sĩ có thể sẽ tìm thấy thai nhi có nguy cơ gặp phải vấn đề về nhiễm sắc thể như hội chứng Down (Trisomy 21). Trong trường hợp các chỉ số xét nghiệm Double test cho thấy bé có nguy cơ cao mắc dị tật bẩm sinh, thì mẹ bầu nên thực hiện thêm xét nghiệm Triple test để có kết quả chính xác hơn.
Tìm hiểu thêm: Nhổ răng khi niềng răng có ảnh hưởng gì không?
Double test chính là một trong những xét nghiệm sàng lọc quan trọng nhất
2.3. Triple test
Thời điểm lý tưởng để thực hiện xét nghiệm này là khoảng từ tuần 16 – 18 của thai kỳ. Xét nghiệm Triple test giúp đánh giá nguy cơ:
- Dị tật ống thần kinh, bao gồm các bất thường về não và tủy sống của em bé. Cụ thể là các tật nứt đốt sống và thiếu não ở thai nhi.
- Các bất thường về nhiễm sắc thể: Triple test có khả năng phát hiện được 75 – 80% các trường hợp thai nhi có nguy cơ mắc các hội chứng Down, Edward, Patau.
Tuy không có khả năng xác định chính xác thai nhi có mắc dị tật bẩm sinh hay không nhưng Triple test và Double test đều giúp mẹ biết được bé có nguy cơ hay không. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính (thai nhi có nguy cơ mắc dị tật) thì bác sĩ sẽ khuyên bạn nên làm thêm các phương pháp sàng lọc khác, như:
- Chọc ối: Giúp kiểm tra nhiễm sắc thể của thai nhi.
- Siêu âm: Giúp quan sát và phát hiện các bất thường ở thai nhi.
2.4. Chọc ối
Xét nghiệm chọc ối là phương pháp sàng lọc khác hoàn toàn phương pháp siêu âm và xét nghiệm máu. Nếu siêu âm và xét nghiệm máu chỉ giúp bác sĩ phỏng đoán nguy cơ mắc dị tật thì xét nghiệm chọc ối hoàn toàn giúp bác sĩ đưa ra những chẩn đoán.
Để thực hiện xét nghiệm này, bác sĩ sẽ dùng một cây kim nhỏ, đưa qua thành bụng để vào tử cung thai phụ, dưới sự hướng dẫn của thiết bị siêu âm. Cây kim này sẽ giúp bác sĩ lấy từ bọc ối ra một lượng nhỏ nước ối và đem đi xét nghiệm. Do quá trình phải nuôi cấy các tế bào để xác định nhiễm sắc thể của tế bào dịch ối sau nuôi cấy nên thường mất 2 – 3 tuần mới có kết quả.
Xét nghiệm chọc ối hoàn toàn giúp bác sĩ đưa ra những chẩn đoán về nguy cơ mắc các bất thường về di truyền ở thai nhi
Xét nghiệm chọc ối sẽ giúp bác sĩ tìm ra những biểu hiện về bất thường gen. Ngoài những bất thường về nhiễm sắc thể, xét nghiệm này còn giúp bác sĩ phát hiện ra:
- Bệnh hồng cầu hình liềm
- Xơ nang
- Loạn dưỡng cơ
- Bệnh Tay-Sachs
- Các dị tật ống thần kinh (nứt đốt sống và không não)
2.5. Xét nghiệm sinh thiết gai rau
Giống như chọc ối, sinh thiết gai rau là một xét nghiệm có khả năng chẩn đoán được nhiều bệnh. Để thực hiện xét nghiệm này, bác sĩ sẽ lấy một mẫu nhỏ các tế bào từ nhau thai và đem đi phân tích.
Quy trình để bác sĩ lấy được những tế bào đó: Bác sĩ thực hiện siêu âm để xác định vị trí nhau thai. Sau đó sẽ dùng một cây kim, đưa qua âm đạo hoặc thành bụng vào bánh nhau và lấy các tế bào đó.
Việc tiến hành sinh thiết gai nhau cũng giúp bác sĩ xác định bộ nhiễm sắc thể của thai nhi. Vì thế, xét nghiệm này sẽ giúp các mẹ bầu biết được nguy cơ con yêu có mắc các bệnh lý về di truyền hay không.
>>>>>Xem thêm: Tắc tia sữa dẫn đến áp xe có nguy hiểm? Cách điều trị hiệu quả
Sàng lọc trước sinh là một bước rất quan trọng trong thai kỳ mà mẹ bầu không nên bỏ qua.
Có thể nói, không phải xét nghiệm nào cũng sẽ cho ra kết quả chính xác. Vì vậy, các mẹ bầu vẫn nên thực hiện khám thai đầy đủ, theo các mốc bác sĩ dặn. Đặc biệt, các mẹ hoàn toàn có thể xin ý kiến của bác sĩ chuyên khoa về những nguy cơ, lợi ích và hạn chế mà các xét nghiệm này mang lại. Từ đó có thể để ra những lựa chọn phương pháp phù hợp nhất cho mình.
Hy vọng, bài viết trên đây sẽ giúp các mẹ bầu có thêm thông tin về những xét nghiệm này!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.