Viêm gan B là bệnh lý nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng của cả người lớn và trẻ nhỏ. Dù có cùng cách thức truyền bệnh với HIV nhưng khả năng lây nhiễm của viêm gan B cao gấp 100 lần. Vì vậy việc tiêm phòng viêm gan B từ sớm là cách thức phòng bệnh tốt nhất đối với căn bệnh này. Tuy nhiên, với mỗi một đối tượng thì cách thức tiêm lại có đôi chút khác biệt. Để hiểu rõ hơn, hãy cùng tìm hiểu về vị trí tiêm vắc xin viêm gan B ở người lớn và trẻ nhỏ trong bài viết dưới đây nhé!
Bạn đang đọc: Tìm hiểu về vị trí tiêm vắc xin viêm gan B ở người lớn và trẻ nhỏ
1. Thông tin về vắc xin phòng viêm gan B ở người lớn và trẻ nhỏ
1.1. Công dụng mà vắc xin phòng viêm gan B mang lại
Vắc xin phòng viêm gan B giúp ngăn ngừa bệnh viêm gan B và các hậu quả do viêm gan B gây ra như xơ gan, ung thư gan. Vắc xin được khuyến cáo sử dụng cho tất cả người lớn và trẻ em có nguy cơ tiếp xúc với virus viêm gan B.
Các chuyên gia y tế khuyên tất cả mọi người nên tiêm phòng viêm gan B đầy đủ, đúng lịch để bảo vệ bản thân và người thân chống lại căn bệnh viêm gan B suốt đời.
Tiêm phòng vắc xin viêm gan B cho người lớn và trẻ nhỏ là biện pháp hiệu quả nhất giúp phòng tránh căn bệnh viêm gan B
1.2. Các loại vắc xin phòng vắc xin viêm gan B phổ biến hiện nay
Để tiêm phòng cho trẻ em, các bác sĩ sẽ sử dụng vắc xin phòng viêm gan B là vắc xin đơn giá hoặc vắc xin kết hợp. Cụ thể như sau:
Các loại vắc xin đơn giá:
– Vắc xin Engerix B của công ty GSK sản xuất tại Bỉ.
– Vắc xin Euvax của công ty Sanofi Pasteur – Pháp nhưng được sản xuất tại Hàn Quốc.
– Vắc xin Immunohbs của công ty Kedrion, sản xuất tại Ý.
Các loại vắc xin kết hợp:
– Vắc xin Twinrix được sản xuất bởi công ty GSK tại Bỉ, giúp phòng ngừa viêm gan A và viêm gan B.
– Vắc xin ComBE Five (Ấn Độ) giúp phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm phổ biến gồm: bạch hầu, ho gà, uốn ván, các bệnh viêm màng não mủ, viêm phổi do vi khuẩn HiB và viêm gan B.
– Vắc xin Infanrix Hexa được sản xuất bởi công ty GSK tại Bỉ, giúp phòng ngừa 6 bệnh lý truyền nhiễm ở trẻ bao gồm: bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, các bệnh viêm phổi, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib và viêm gan B.
– Vắc xin Hexaxim sản xuất bởi công ty Sanofi tại Pháp, giúp phòng ngừa 6 bệnh lý truyền nhiễm ở trẻ bao gồm: bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, các bệnh viêm phổi, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib và viêm gan B.
Hiện nay, có 2 loại vắc xin là Twinrix và Heplisav – B được sử dụng cho người lớn từ 18 tuổi trở lên. Ngoài ra, Engerix B và Recombivax HB được chỉ định cho người lớn từ 20 tuổi trở lên.
2. Tìm hiểu về lịch tiêm và vị trí tiêm vắc xin viêm gan B ở người lớn và trẻ nhỏ
2.1. Chỉ định về vị trí tiêm vắc xin viêm gan B
– Với trẻ nhỏ: Thường được chỉ định tiêm vào vùng trước bên đùi.
– Với trẻ lớn hoặc người lớn: Thường được chỉ định tiêm bắp vào vùng cơ delta. Ngoại lệ với những người bệnh bị rối loạn chảy máu hay giảm tiểu cầu có thể tiêm vắc xin viêm gan B dưới da.
Tìm hiểu thêm: Vắc xin BCG của nước nào và thông tin cần biết
Các bác sĩ chỉ định tiêm phòng vắc xin viêm gan B cho trẻ nhỏ vào vùng trước bên đùi.
2.2. Lịch tiêm vắc xin viêm gan B dành cho trẻ nhỏ
Đối với trường hợp mẹ không bị nhiễm virus viêm gan B
Theo thông tư 38/2017/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về lịch tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ cơ bản như sau:
– Mũi sơ sinh được tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh hoặc sớm nhất có thể nếu trẻ bị trì hoãn tiêm.
– Các mũi thứ 2, 3, 4 có thể tiêm với vắc xin phối hợp chứa thành phần viêm gan B khi trẻ đủ 2 tháng tuổi và khoảng cách tối thiểu giữa 2 mũi tiêm là 28 ngày.
– Mũi tiêm nhắc lại sẽ được thực hiện khi trẻ đủ 18 tháng tuổi đối với vắc xin 6 trong 1 (nên hoàn thành trước 24 tháng tuổi).
Đối với trường hợp mẹ bị nhiễm virus viêm gan B
Trong trường hợp mẹ bị nhiễm virus viêm gan B, cần tiêm cùng lúc vắc xin và huyết thanh kháng virus viêm gan B cho trẻ trong vòng 24 giờ sau sinh, tốt nhất là 12 giờ để đảm bảo trẻ không bị lây bệnh từ mẹ.
Trình tự tiêm cho trẻ khi người mẹ mang virus viêm gan B có thể theo phác đồ như sau:
– Mũi sơ sinh tiêm trong vòng 24 giờ, tốt nhất là 12 giờ sau sinh, phối hợp tiêm cùng huyết thanh kháng viêm gan B.
– Mũi thứ 2 được tiêm khi trẻ 1 tháng tuổi.
– Mũi thứ 3 tiêm khi trẻ tròn 2 tháng tuổi.
– Mũi thứ 4 tiêm khi trẻ được 12 tháng.
>>>>>Xem thêm: 4 thông tin cần lưu ý khi thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng lao
Cha mẹ nên cho tiêm tiêm đúng và đủ các mũi theo lịch tiêm để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh tốt nhất
2.4. Lịch tiêm vắc xin viêm gan B dành cho người lớn
Với người lớn muốn tiêm vắc xin viêm gan B, cần thực hiện thêm xét nghiệm trước khi tiêm. Hai xét nghiệm cần làm là xét nghiệm HBsAg và anti – HBs (HBsAb) để biết cơ thể người tiêm đã bị nhiễm bệnh hay đã có kháng thể kháng virus viêm gan B hay chưa.
Nếu kết quả xét nghiệm HBsAg dương tính, nghĩa là người tiêm đã nhiễm virus viêm gan B và việc tiêm ngừa sẽ không còn hiệu quả. Còn nếu kết quả HBsAb dương tính tức là đã có kháng thể kháng virus viêm gan B, khi đó không cần thiết phải tiêm vắc xin nữa. Nếu cả hai xét nghiệm trên đều cho kết quả âm tính, tức là chưa mắc bệnh và cần tiêm vắc xin để phòng bệnh. Phác đồ tiêm viêm gan B dành cho người lớn có thể chọn 1 trong 2 phác đồ sau.
Phác đồ 1:
– Mũi tiêm 1: Mũi bắt đầu.
– Mũi tiêm 2: Tiêm cách mũi đầu tiên 1 tháng.
– Mũi tiêm 3: Tiêm cách liều thứ 2 là 5 tháng (cách liều đầu 6 tháng nếu tiêm đúng lịch).
Phác đồ 2:
– Mũi tiêm 1: Mũi bắt đầu.
– 2 mũi tiêm tiếp theo sẽ thực hiện tiêm liên tiếp cách nhau 1 tháng
– Mũi tiêm 4: Tiêm cách liều thứ 3 là 1 năm.
Nên xét nghiệm HbsAb sau mỗi 5 đến 10 năm và tiêm nhắc lại nếu kết quả xét nghiệm HBsAb dưới 10 mUI/ml.
Trên đây là những lưu y về lịch tiêm và vị trí tiêm vắc xin phòng viêm gan B ở người lớn và trẻ nhỏ. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác liên quan đến việc tiêm phòng vắc xin viêm gan B, quý khách có thể liên hệ ngay đến Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được hỗ trợ sớm nhất!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.