Tiền sản giật là một trong những tai biến sản khoa nguy hiểm thường xảy ra sau tuần thứ 21 của thai kỳ, làm tăng nguy cơ sinh non, thai chết lưu cũng như suy dinh dưỡng ở trẻ sau này. Theo số liệu thống kê thì tiền sản giật xảy ra ở 2 – 8% trong số các phụ nữ mang thai. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nguyên nhân và cách xử trí tiền sản giật sao cho an toàn qua bài viết bên dưới đây nhé!
Bạn đang đọc: Nguyên nhân và cách xử trí tiền sản giật hiệu quả
1. Nguyên nhân của tiền sản giật ở phụ nữ mang thai
Tiền sản giật là một trong những hội chứng nguy hiểm, đe dọa tới sức khỏe của cả mẹ bầu lẫn thai nhi được đặc trưng bởi 3 dấu hiệu: huyết áp cao, protein niệu và tổn thương ở cơ quan gan thận. Hiện tượng này xảy ra là do nhiễm độc thai nghén và thường phát triển vào nửa sau của thai kỳ. Tình trạng này xuất hiện nhiều ở những mẹ bầu mắc phải những căn bệnh liên quan như bệnh basedow, bệnh thận, bệnh tiểu đường,… có thể khiến mẹ bị tổn thương gan, thận, chảy máu và làm thai nhi suy thai, chậm phát triển, thậm chí chết trong tử cung.
Tùy vào mức độ nặng nhẹ mà tiền sản giật sẽ biểu hiện thành những dấu hiệu bất thường như thở gấp, huyết áp tăng đột ngột, co giật,… Tuy nhiên, trên thực tế thì không phải mẹ bầu nào cũng nắm rõ tất cả các nguy hiểm của biến chứng thai kỳ này.
Tiền sản giật là tai biến sản khoa nguy hiểm mẹ bầu phải chú ý
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tình trạng tiền sản giật có thể bắt nguồn từ nhau thai. Đây là cơ quan nuôi dưỡng em bé trong bụng mẹ phát triển trong suốt cả thai kỳ. Ở những tháng đầu của thai kỳ, các mạch máu sẽ phát triển để đưa một lượng máu cần thiết tới nhau thai, giúp nuôi dưỡng phôi thai lớn lên.
Tuy nhiên, ở những mẹ bầu mắc chứng tiền sản giật, các mạch máu này lại phát triển không đầy đủ. Thông thường, chúng sẽ hẹp hơn mạch máu bình thường, khiến lượng máu truyền tới nhau thai cũng giảm dần. Nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng này có thể là do lượng máu tới tử cung không đủ, mạch máu bị tổn thương, do gen hoặc mắc các bệnh về hệ thống miễn dịch.
2. Biến chứng nguy hiểm của tiền sản giật cho mẹ và thai nhi
2.1. Thai nhi phát triển chậm
Tiền sản giật ảnh hưởng tới các động mạch mang máu tới nhau thai. Khi nhau thai không nhận được đủ lượng máu cần thiết thì thai nhi sẽ không được cung cấp đủ oxy, máu và chất dinh dưỡng. Đây là nguyên nhân hàng đầu khiến em bé trong bụng mẹ chậm phát triển, bị suy dinh dưỡng và nhẹ cân vào lúc chào đời.
2.2. Sinh non
Nếu ở mức độ nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định mẹ nên sinh sớm để tránh nguy hiểm cho cả hai mẹ con. Tuy nhiên, sinh non sẽ khiến em bé có nguy cơ cao mắc phải những vấn đề về sức khỏe như suy giảm hệ hô hấp, hệ miễn dịch,… Vì vậy, những mẹ bầu mắc phải căn bệnh tiền sản giật khi mang thai cần phải đi khám thường xuyên để bác sĩ xác định được rõ thời điểm sinh nở tốt nhất.
2.3. Rau bong non
Căn bệnh này làm tăng nguy cơ vỡ nhau thai – hiện tượng nhau thai tách ra khỏi thành trong của tử cung trước sinh. Nhau thai bị vỡ có thể gây ra tình trạng chảy máu nặng, đe dọa tới tính mạng của cả hai mẹ con.
2.4. Hội chứng HELLP
Hội chứng HELLP là tình trạng tan máu, men gan cao và số lượng tiểu cầu thấp. Đây là biến chứng vô cùng nguy hiểm của tiền sản giật, xuất hiện ở khoảng 4 – 12% các mẹ bầu, có khả năng đe dọa tới tính mạng của cả hai mẹ con.
Các dấu hiệu của hội chứng HELLP gồm buồn nôn và nôn, đau bụng trên bên phải, đau đầu. Đây là biến chứng đặc biệt nguy hiểm vì nó gây tổn thương nghiêm trọng tới một số hệ thống cơ quan khác.
Tìm hiểu thêm: Thực hư chuyện cấy ghép implant giá rẻ nhất
Tiền sản giật gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm
2.5. Sản giật
Nếu không được kiểm soát kịp thời, tiền sản giật với co giật có khả năng gây ra biến chứng sản giật. Đây được xem là một trong những tai biến sản khoa vô cùng nguy hiểm, đe dọa tới tính mạng của mẹ và bé. Do đó, ngay khi xuất hiện những triệu chứng của tiền sản giật như đau bụng, động kinh, bất tỉnh,… bác sĩ sẽ can thiệp ngay bất kể mẹ đang mang thai ở tuần thứ bao nhiêu của thai kỳ.
2.6. Gây tổn thương các cơ quan khác
Tiền sản giật có thể gây tổn thương gan, thận, phổi, mắt, tim và đột quỵ hoặc chấn thương não. Mức độ gây tổn thương cho cơ quan phụ còn tùy thuộc vào độ nghiêm trọng của tiền sản giật.
2.7. Bệnh tim mạch
Bệnh tiền sản giật làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới tim mạch cho sản phụ trong tương lai. Để giảm thiểu tối đa rủi ro này, sau khi sinh em bé, các mẹ hãy cố gắng duy trì cân nặng ở mức lý tưởng, ăn nhiều rau quả và trái cây, tập thể dục thể thao thường xuyên và không hút thuốc lá.
3. Cách xử trí tiền sản giật ở mẹ bầu an toàn
3.1. Xảy ra trong thời kỳ mang thai
Cách điều trị dứt điểm là để mẹ bầu sinh nở càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ trao đổi với mẹ bầu về thời điểm sinh em bé dựa trên tuần thai và tình trạng phát triển của thai nhi cũng như mức độ nghiêm trọng của tiền sản giật.
– Nếu em bé trong bụng mẹ phát triển tốt đủ 37 tuần hoặc hơn, các bác sĩ sẽ chỉ định mẹ sinh ngay để căn bệnh tiền sản giật không diễn biến tồi tệ hơn nữa.
– Nếu em bé trong bụng mẹ dưới 37 tuần và tiền sản giật diễn biến chưa quá nghiêm trọng, các bác sĩ sẽ theo dõi sát sao cho tới khi thai nhi phát triển đủ để ca sinh nở diễn ra an toàn.
Với những mẹ bầu mắc chứng tiền sản giật ở mức độ nhẹ và không có nguy cơ gây ra biến chứng nghiêm trọng, các bác sĩ sẽ xử trí tiền sản giật bằng cách:
– Khuyên mẹ nên nghỉ ngơi nhiều hơn và nằm nghiêng về bên trái.
– Theo dõi chặt chẽ, sát sao bằng máy đo nhịp tim thai và siêu âm thai thường xuyên.
– Xét nghiệm nước tiểu và máu thường xuyên
Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ khuyên mẹ nên ở lại bệnh viện để được theo dõi cẩn thận và sát sao hơn. Tại đây, các bác sĩ sẽ:
– Cho mẹ uống thuốc giúp hạ huyết áp, co giật và phòng tránh các vấn đề sức khỏe khác.
– Tiêm thuốc để phòng ngừa co giật liên quan tới sản giật.
>>>>>Xem thêm: Đẻ mổ bị đau bụng bao lâu mới hết?
Để biết cách xử trí tiền sản giật phù hợp, mẹ bầu nên đi khám thai thường xuyên
3.2. Xảy ra trong giai đoạn chuyển dạ và sau sinh
– Trong trường hợp tiền sản giật, sản giật và hội chứng HELLP xảy ra trong thời điểm chuyển dạ hoặc sau khi sinh, các triệu chứng sẽ xuất hiện trong vòng 48 giờ và muộn nhất là khoảng 6 tuần sau khi sinh.
– Lúc này, mẹ sẽ được kiểm tra huyết áp và theo dõi cẩn thận sau khi xuất viện. Trong trường hợp mẹ gặp phải bất cứ dấu hiệu tiền sản giật hoặc HELLP nào, như đau bụng dữ dội, đau đầu dữ dội hoặc thay đổi thị lực thì hãy nhanh chóng quay trở lại bệnh viện.
Hy vọng với bài viết trên đây, các mẹ bầu đã nắm rõ nguyên nhân và biến chứng nguy hiểm của căn bệnh tiền sản giật, từ đó, biết cách xử trí tiền sản giật phù hợp nhất.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.