Siêu âm 12 tuần tuổi là mốc quan trọng đặc biệt của thai nhi. Thời điểm này thai nhi đã bắt đầu phát triển vượt trội, đặc biệt là hệ thần kinh, tim thai và các phản xạ cơ bản. Vậy siêu âm mốc 12 tuần mẹ bầu cần lưu ý những chỉ số nào của thai nhi? Hãy cùng tìm hiểu thông tin và lời giải đáp qua bài viết dưới đây của chúng tôi.
Bạn đang đọc: Siêu âm 12 tuần tuổi mẹ bầu cần lưu ý những chỉ số nào?
1. Tìm hiểu về sự phát triển của thai nhi 12 tuần tuổi
Thai nhi từ tuần thứ 10 đến tuần thứ 12 của thai kỳ là thời điểm phát triển nhanh chóng của thai nhi. Trọng lượng lúc này khoảng 50gr và dài khoảng 50mm. Các bộ phận trên cơ thể của trẻ đã hình thành và ngày càng hoàn thiện, bao gồm các bộ phận như: tim, gan, thận, hệ thần kinh…
Đặc biệt, khi thai nhi 12 tuần tuổi, số lượng tế bào thần kinh và khớp thần kinh của trẻ nhân lên nhanh chóng trong bộ não của trẻ. Do đó, giai đoạn từ 12 đến 18 tuần của quá trình mang thai là quãng thời gian quan trọng nhất cho sự phát triển não bộ của thai nhi.
Đáng chú ý là ở giai đoạn này, thai nhi 12 tuần tuổi đã có những phản xạ nhiều hơn đáng kể. Các ngón tay của trẻ đã tách rời, co duỗi và các ngón chân cũng cong lên…
Các chi tiết trên khuôn mặt của trẻ cũng hoàn chỉnh hơn: tai của trẻ bắt đầu di chuyển về phía sau, hai mắt di chuyển lại gần nhau hơn…
Không chỉ có vậy, ruột của thai nhi tuần 12 cũng phát triển vượt trội và tương đối hoàn chỉnh, ruột lúc này đã di chuyển từ bên ngoài cơ thể vào dần khoang bụng. Dinh dưỡng được thai nhi tiếp nhận thông qua dây rốn nối liền với ruột và thận cũng đã bài tiết được nước tiểu.
Siêu âm 12 tuần tuổi là mốc quan trọng đặc biệt trong thai kỳ
2. Siêu âm 12 tuần có chính xác hay không?
Nhiều mẹ bầu lo lắng về độ chính xác khi siêu âm thai 12 tuần tuổi bởi lúc này thai nhi có kích thước rất nhỏ và trọng lượng còn khá nhẹ. Tuy nhiên, việc băn khoăn siêu âm, khám thai 12 tuần có chính xác hay không thì cha mẹ không nên quá lo lắng.
Bởi trên thực tế, từ 12 tuần trở đi, bé yêu đã phát triển tương đối đầy đủ về mặt hình thái và đã có những phản xạ như: gập duỗi thân mình, duỗi các chi…
Đây cũng là một trong 3 mốc siêu âm dị tật rất quan trọng và được các chuyên gia khuyến cáo thực hiện. Bởi trong lần siêu âm này, bác sĩ cũng sẽ đặc biệt kiểm tra và sàng lọc các dị tật thai nhi từ sớm, bao gồm: dị tật não, tim, tiêu hóa, tiết niệu, tứ chi và toàn bộ hình thể…
Tìm hiểu thêm: Giải đáp: Có hay không việc mọc 5 răng khôn?
Từ 12 tuần trở đi, bé yêu đã phát triển tương đối đầy đủ về mặt hình thái và đã có những phản xạ như: gập duỗi thân mình, duỗi các chi…
3. Khi siêu âm thai nhi 12 tuần tuổi cần lưu ý những chỉ số nào?
Cơ thể của thai nhi ở tuần 12 đã có sự phát triển nhanh chóng và vượt bậc. Dưới đây là những thông số quan trọng khi đi siêu âm mốc 12 tuần mà mẹ bầu cần đặc biệt lưu ý:
3.1 Siêu âm 12 tuần cho biết ngày dự kiến sinh
Ngày dự kiến sinh là thông tin vô cùng quan trọng đối với cả thai phụ và thai nhi. Bởi chỉ khi bác sĩ biết được thai nhi trong bụng mẹ được bao nhiêu tuần tuổi, thì mới đánh giá được cân nặng của thai nhi có phù hợp với giai đoạn phát triển của bé hay không, các chỉ số phát triển có bình thường không, có vấn đề gì bất thường không… Do đó, mốc siêu âm mốc 12 tuần sẽ cung cấp chính xác nhất ngày dự kiến sinh cho sản phụ.
3.2 Siêu âm 12 tuần cho biết số lượng thai
Nếu sản phụ mang đa thai, số lượng bánh nhau sẽ là yếu tố quan trọng giúp đánh giá nguy cơ đa thai. Sau 12 tuần, việc xác định số lượng bánh nhau thai đôi khi thiếu chính xác. Do đó, mốc siêu âm 12 tuần là vô cùng quan trọng giúp cho biết số lượng thai một cách rõ ràng và chính xác.
3.3 Phát hiện sớm các dị tật thai nhi
Với sự phát triển vượt bậc của kỹ thuật siêu âm hiện nay, có khoảng 40 đến 50% các trường hợp dị tật thai nhi hoàn toàn có thể được phát hiện ở giai đoạn này. Bác sĩ có thể đánh giá nguy cơ thai mắc các bệnh lý bẩm sinh từ rất sớm.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo thai phụ nên thực hiện siêu âm sớm trong khoảng thời gian thai nhi được 12 đến 13 tuần tuổi.
Đặc biệt ở tuần thai này, việc siêu âm đo độ mờ da gáy cũng sẽ giúp bác sĩ khảo sát các bất thường của nhiễm sắc thể, có thể liên quan đến các bệnh lý nghiêm trọng như: dị dạng tim, dị dạng chi, hội chứng Down, thai nhi bị thoát vị cơ hoành…
3.4 Đánh giá nguy cơ tiền sản giật
Nguy cơ tiền sản giật xảy ra với thai phụ với tỷ lệ khoảng 4.6% và dẫn đến hậu quả là thai nhi chậm phát triển, nguy cơ sinh non, tử vong thai nhi, thậm chí là tử vong mẹ.
Bằng cách đo động mạch tử cung, huyết áp thai phụ và xét nghiệm máu cơ bản, bác sĩ có thể sàng lọc được 75 – 80% các thai phụ có nguy cơ bị tiền sản giật trước khi mang thai đến tuần thứ 34 với tỷ lệ dương tính giả vào khoảng 10%.
Ngoài ra, việc khám thai và siêu âm thai 12 tuần cũng giúp thai nhi sàng lọc được các bệnh lý tiềm ẩn như: bệnh lý tuyến giáp, tan máu bẩm sinh, đái tháo đường… từ đó giúp bác sĩ có thể đánh giá sức khỏe thai kỳ một cách hiệu quả, an toàn nhất.
>>>>>Xem thêm: Cấy que tránh thai có nguy hiểm không?
Mẹ bầu cần tuân thủ thực hiện siêu âm và các xét nghiệm để kiểm tra sức khỏe của bản thân và thai nhi để đảm bảo có một thai kỳ khỏe mạnh và hạnh phúc
Như vậy, có thể thấy, siêu âm 12 tuần là mốc quan trọng trong sự phát triển của thai nhi, do đó mẹ bầu cần tuân thủ thực hiện siêu âm và các xét nghiệm để kiểm tra sức khỏe của bản thân và thai nhi để đảm bảo có một thai kỳ khỏe mạnh và hạnh phúc.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.