Tùy vào độ tuổi của trẻ mà vị trí tiêm các loại vacxin sẽ được khuyến cáo khác nhau. Bên cạnh đó, hầu hết vacxin hiện nay bào chế cho trẻ đều dưới dạng tiêm bắp. Do đó một số vị trí tiêm phòng quen thuộc của trẻ có thể nằm ở đùi, cánh tay hoặc vùng sau ngoài mông.
Bạn đang đọc: Giải đáp vị trí tiêm các loại vacxin cho trẻ
1. Vị trí tiêm các loại vacxin cơ bản cho trẻ em
Hiện nay hầu hết vacxin được bào chế dưới dạng tiêm bắp nên vị trí tiêm chủng cho trẻ thường được lựa chọn dựa trên các cơ nằm phía dưới da. Những cơ phù hợp để tiêm thường là cơ lớn, ít có cấu trúc mạch thần kinh để hạn chế tối đa biến chứng và phản ứng phụ sau tiêm. Đồng thời các chuyên gia y tế cũng ưu tiên tiêm vacxin vào vùng cơ nằm gần cụm hạch bạch huyết bởi đây là vị trí chứa nhiều tế bào miễn dịch đóng vai trò nhận diện kháng nguyên có trong vacxin và kích hoạt phản ứng miễn dịch tạo kháng thể.
Cụ thể, 3 vị trí tiêm vacxin thường gặp nhất cho trẻ em như sau.
1.1. Vị trí tiêm các loại vacxin: Vùng đùi
Trên thực tế, việc tiêm phòng có thể thực hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, miễn là không tiếp xúc đến động mạch và các dây thần kinh. Ngoài ra vị trí tiêm thường được xác định tại những nơi chứa nhiều mô để tránh chạm tới xương. Đáp ứng những yêu cầu trên, vị trí thích hợp nhất để tiêm phòng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi chính là vùng cơ đùi lớn phía ngoài.
Để xác định vị trí tiêm, bác sĩ thường chia mặt trước đùi thành 3 phần theo chiều dọc và vị trí tiêm chủng sẽ nằm ở phần giữa phía bên ngoài. Khi thực hiện tiêm, phụ huynh có thể ôm hoặc để trẻ nằm trên bàn khám. Nếu ôm, phụ huynh nên để trẻ ngồi nghiêng và đặt tay bên trong của con phía sau lưng mình. Một tay phụ huynh giữ tay còn lại của trẻ, một tay dùng để cố định đùi. Nếu nằm, phụ huynh để con nằm ngửa hướng chân về bác sĩ. Phụ huynh hãy đứng cạnh và giữ yên chân tay của con để tránh việc trẻ giãy khi tiêm.
Đa số vacxin chỉ cần tiêm dưới da nhưng sẽ có một vài loại yêu cầu tiêm chính xác vào cơ bởi chúng sẽ phát huy tác dụng tốt nhất ở một lớp mô nhất định. Phụ huynh không cần quá lo lắng nếu trẻ quấy khóc khiến mũi tiêm không chính xác. Việc tiêm sai lớp mô không gây nguy hiểm sức khỏe nhưng tác dụng của vacxin sẽ bị ảnh hưởng.
Trong một số trường hợp trẻ bị dị tật ở chân, chàm,… bác sĩ có thể xem xét tiêm ở các vị trí thay thế như đùi còn lại, cánh tay hoặc vùng sau ngoài mông.
Vùng cơ đùi lớn phía ngoài là vị trí thích hợp để tiêm phòng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi.
1.2. Vị trí tiêm các loại vacxin: Cánh tay
Cơ delta tại cánh tay là vị trí tiêm vacxin thường được lựa chọn cho trẻ trên 1 tuổi và người lớn. Khác với trẻ sơ sinh, từ 1 tuổi trở đi cơ delta trên cánh tay đã phát triển đủ lớn để tiến hành tiêm vacxin. Bên cạnh đó việc tiêm ở cánh tay thuận tiện hơn ở đùi bởi vết tiêm ở đùi có thể khiến trẻ đau nhức và khó chịu khi đi lại.
Đối với trẻ đã có thể tự ngồi một mình thì việc tiêm ở cơ delta cánh tay khá đơn giản. Tuy nhiên với trẻ còn nhỏ, phụ huynh có thể ở bên cạnh giữ con ngồi yên hoặc cho trẻ ngồi trên đùi trong quá trình tiêm. Phụ huynh hãy nghe hướng dẫn từ bác sĩ để có tư thế phù hợp nhất.
Tìm hiểu thêm: Chích ngừa Rotavirus: Những điều bạn cần biết
Đối với trẻ lớn, tiêm ở cánh tay thuận tiện hơn ở đùi bởi vết tiêm ở đùi có thể khiến trẻ đau nhức và khó chịu khi đi lại.
1.3. Vị trí tiêm các loại vacxin: Vùng sau ngoài mông
Vị trí cơ vùng ngoài sau mông thường được lựa chọn khi tiêm chủng cho trẻ trên 7 tháng tuổi và người lớn. Đây cũng là vị trí thường được lựa chọn để thay thế nếu không thể thực hiện tiêm vacxin ở đùi hoặc cánh tay cho trẻ. Vị trí này cũng phù hợp khi trẻ cần tiêm nhiều loại vacxin một lần.
Khi thực hiện tiêm, trẻ cần được giữ nằm sấp, chân hạ xuống để lộ một phần mông về phía bác sĩ. Để xác định đúng vị trí tiêm, bác sĩ sẽ đặt ngón tay lên khu vực xương chậu của trẻ sao cho ngón tay song song với thân và hướng về đầu. Giữ yên 3 ngón tay, di chuyển ngón cái và ngón trỏ tạo thành hình chữ V. Vị trí tiêm nằm giữa chữ V này.
Ngoài kĩ thuật tiêm bắp, 3 vị trí trên cũng được lựa chọn để tiêm trong da hoặc dưới da.
2. Lưu ý trong quá trình thực hiện tiêm bắp cho trẻ
2.1. Tiêm bắp có gây đau không?
Theo bác sĩ, tiêm bắp có gây đau đớn hay không phụ thuộc vào một số yếu tố như:
– Vị trí tiêm.
– Tốc độ thực hiện thao tác tiêm, rút kim.
– Loại kim tiêm được sử dụng.
– Loại vacxin được sử dụng.
– Liều lượng vacxin.
2.2. Quy trình thực hiện tiêm bắp cho trẻ
Quá trình tiêm bắp an toàn được tiến hành theo trình tự sau:
– Bác sĩ tiến hành sát khuẩn, rửa tay và đeo găng tay y tế.
– Xác định vị trí tiêm.
– Sử dụng cồn 70% làm sạch vị trí tiêm và để khô trong 30 giây.
– Lấy vacxin theo liều lượng được chỉ định.
– Giữ kim tiêm thẳng góc tay thuận, đưa kim vào vị trí tiêm một góc 90 độ với độ sâu khoảng một nửa hoặc 2 phần 3 mũi tiêm.
– Rút nhẹ pit tông để kiểm tra kim tiêm có đâm vào mạch máu không. Nếu chảy máu cần rút kim ra, ngược lại tiến hành đẩy pit tông để bơm vacxin vào cơ thể.
– Rút nhanh kim tiêm ra và vứt vào thùng rác chuyên dụng.
– Sử dụng băng gạc hoặc bông gòn sạch để đề nhẹ vào vị trí tiêm.
>>>>>Xem thêm: Giải đáp câu hỏi chị em có nên tiêm vacxin HPV
Phụ huynh nên lựa chọn những phòng tiêm uy tín để đảm bảo quá trình tiêm chủng an toàn cho con.
2.3. Biến cố có thể xảy ra khi tiêm bắp cho trẻ
Một vài biến cố có thể xảy ra trong quá trình tiêm bắp gồm:
– Gãy, cong kim tiêm.
Tình trạng này xảy ra khi người tiêm thực hiện sai kĩ thuật hoặc trẻ giãy giụa, cử động mạnh trong quá trình tiêm.
– Đâm vào dây thần kinh.
Tình trạng này xảy ra chủ yếu do người tiêm thực hiện sai kĩ thuật như xác định sai vị trí tiêm hoặc chọn sai góc đâm kim.
– Áp xe nhiễm khuẩn.
Nguyên nhân chủ yếu do quá trình vô khuẩn khi tiêm không đảm bảo.
– Sốc phản vệ.
Trường hợp rất hiếm gặp sau tiêm khi trẻ gặp phải các tình trạng sốc phản vệ như ngứa, nổi mề đay, huyết áp mất ổn định, đau đầu, tiểu tiện không tự chủ,… Khi tình huống này xảy ra, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để tiếp nhận chăm sóc y tế chuyên nghiệp.
Nhìn chung, phần lớn biến cố sau tiêm đều có thể được phòng tránh thông qua việc lựa chọn những phòng tiêm minh bạch, uy tín, đảm bảo tuân thủ quy trình tiêm chủng của Bộ Y tế như bảo quản vacxin, sát khuẩn, thao tác tiêm,… Đối với tình trạng sốc phản vệ, cách phòng ngừa hiệu quả là tiến hành khám lâm sàng trước tiêm cho trẻ đồng thời theo dõi trạng thái sức khỏe sau tiêm tại chỗ theo quy định.
Trên đây là những thông tin về các vị trí tiêm phòng phổ biến cho trẻ nhỏ. Phụ huynh đừng quên cho trẻ thực hiện tiêm chủng theo đúng phác đồ được khuyến cáo để đảm bảo sức khỏe toàn diện, bảo vệ trẻ khỏi những bệnh lý nguy hiểm. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào khác, hãy liên hệ Thu Cúc TCI để được giải đáp.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.