4 lưu ý khi tiêm phòng vắc xin 5 trong 1 cho bé

Bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt và các bệnh gây ra bởi vi khuẩn Hib đều là những căn bệnh truyền nhiễm phổ biến và có nguy cơ biến chứng nguy hiểm ở trẻ nhỏ. Hiện nay, biện pháp tối ưu nhất để bảo vệ sức khỏe của bé khỏi những bệnh lý trên là tiêm phòng, cụ thể là tiêm vắc xin 5 trong 1. Tuy nhiên, liệu phụ huynh đã biết 4 lưu ý trước và sau khi thực hiện tiêm vắc xin 5 trong 1 cho bé là gì? Cùng TCI tham khảo ngay dưới đây.

Bạn đang đọc: 4 lưu ý khi tiêm phòng vắc xin 5 trong 1 cho bé

1. Đôi nét về vắc xin 5 trong 1

Vắc xin 5 trong 1 là một loại vắc xin thế hệ mới, có thể phòng cùng lúc 5 loại bệnh khác nhau là ho gà, uốn ván, bạch hầu, bại liệt và các bệnh gây ra bởi vi khuẩn Hib.  Các chuyên gia y tế luôn khuyến khích phụ huynh cho trẻ đi tiêm vắc xin đầy đủ từ những tháng đầu đời để gia tăng khả năng miễn dịch, giảm nguy cơ mắc những bệnh truyền nhiễm kể trên.

Kể từ khi vắc xin 5 trong 1 ra đời, trẻ em không cần phải tiêm quá nhiều mũi vắc xin riêng lẻ mà thay vào đó trẻ chỉ cần tiêm vắc xin tổng hợp là đã đáp ứng miễn dịch phòng bệnh, tiết kiệm thời gian di chuyển cũng như chi phí tiêm chủng. Hai loại vắc xin 5 trong 1 hiện được sử dụng phổ biến ở Việt Nam bao gồm vắc xin ComBe Five và Pentaxim, trong đó:

– Vắc xin ComBe Five sản xuất tại Ấn Độ là loại vắc xin mới được áp dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng và trẻ em sẽ được tiêm miễn phí tại các cơ quan y tế xã, phường. ComBe Five có thành phần tương tự Quinvaxem, được sử dụng rộng rãi tại hơn 43 quốc gia với trên 400 triệu liều. Tại Việt Nam, ComBe Five được cấp phép sử dụng từ tháng 5 năm 2017 thay thế cho vắc xin Quinvaxem.

– Vắc xin Pentaxim sản xuất tại Pháp là vắc xin dịch vụ, được sử dụng rộng rãi bởi có nhiều ưu điểm. Trong đó ưu điểm vượt trội nhất là chứa thành phần ho gà vô bào, giúp hạn chế phản ứng sau tiêm ở trẻ. Đối với trẻ tiêm vắc xin Pentaxim, bác sĩ thường khuyên phụ huynh tiêm bổ sung vắc xin viêm gan B cho trẻ.

4 lưu ý khi tiêm phòng vắc xin 5 trong 1 cho bé

Pentaxim có ưu điểm vượt trội nhất là chứa thành phần ho gà vô bào, giúp hạn chế phản ứng sau tiêm ở trẻ.

2. 4 lưu ý trước, trong và sau khi thực hiện tiêm vắc xin 5 trong 1 cho bé

2.1. Lịch tiêm phòng vắc xin 5 trong 1 cho bé

Tuân thủ đúng lịch tiêm phòng vắc xin 5 trong 1 sẽ giúp bảo vệ sức khỏe trẻ hiệu quả, cải thiện hệ miễn dịch và hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh. Cụ thể. lịch tiêm ngừa được khuyến cáo như sau:

– Mũi cơ bản: Tiêm 3 mũi cho trẻ lần lượt vào thời điểm 2 – 3 – 4 tháng tuổi.

– Mũi nhắc lại: Tiêm 1 mũi khi trẻ được 15 – 24 tháng tuổi, tốt nhất là khi trẻ được 18 tháng tuổi.

Vắc xin 5 trong 1 có thể tiêm cho trẻ từ 2 tháng trở lên và phụ huynh nên theo dõi lịch cũng như cho trẻ đi tiêm phòng càng sớm càng tốt. Việc trì hoãn tiêm chủng có thể khiến bé phải đối mặt với nguy cơ cao bệnh tật, di chứng và ảnh hưởng về sau. Sau khi hoàn thành các mũi tiêm cơ bản, phụ huynh đừng quên cho bé tiêm mũi nhắc lại để duy trì hệ miễn dịch bền vững.

Tìm hiểu thêm: 5 Loại vacxin tiền hôn nhân các cặp đôi sắp cưới nên tiêm

4 lưu ý khi tiêm phòng vắc xin 5 trong 1 cho bé

Tuân thủ đúng lịch tiêm phòng vắc xin 5 trong 1 sẽ giúp bảo vệ sức khỏe trẻ hiệu quả, cải thiện hệ miễn dịch và hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh.

2.2. Những phản ứng sau tiêm thường gặp ở trẻ nhỏ

Trên thực tế, sau khi tiêm vắc xin 5 trong 1 hay bất kỳ loại vắc xin nào, trẻ cũng có thể gặp một vài phản ứng ngoài ý muốn. Các phản ứng thường gặp gồm:

– Sốt nhẹ từ 38 độ đến 38.5 độ C kèm ớn lạnh.

– Trẻ quấy khóc, ăn uống kém hơn bình thường.

– Đau, hơi ngứa, nóng tại vị trí tiêm.

Đây là những phản ứng nhẹ và phụ huynh không cần quá lo lắng. Thông thường chúng sẽ giảm nhẹ và biến mất sau 1-2 ngày và trẻ sinh hoạt lại như thường.

Một số ít trường hợp trẻ xuất hiện những biểu hiện nguy hiểm như sau thì phụ huynh ngay lập tức đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được theo dõi sát sao và xử lý kịp thời, ngăn ngừa các biến chứng xấu:

– Sốt trên 39 độ C, co giật, mệt lả, lừ đừ, gọi không có phản ứng.

– Da tím tái, khó thở, thở nhanh nông, thở rít, rút lõm lồng ngực.

– Phát ban, mẩn đỏ khắp người, nổi sẩn, ngứa, sưng môi và mí mắt.

– Trẻ quấy khóc dữ dội, kéo dài không dỗ được.

– Nôn, tiêu chảy.

– Trẻ bú kém, sốt nhẹ, quấy khóc, phát ban,… kéo dài trên 1 ngày.

2.3. Phương pháp xử trí khi trẻ có phản ứng sau tiêm vắc xin 5 trong 1

Trong trường hợp trẻ gặp những phản ứng thông thường kể trên, phụ huynh có thể tham khảo những phương pháp sau để bé nhanh chóng khỏe lại:

– Để trẻ mặc đồ thoáng mát.

– Duy trì chế độ dinh dưỡng như thường ngày, cho trẻ ăn hoặc bú ít một, nhiều lần trong ngày, không ép trẻ ăn.

– Trẻ trên 6 tháng có thể bổ sung thêm nước hoa quả, cháo sữa. Không cho trẻ ăn, bú ở tư thế nằm, bế trẻ ở tư thế đầu cao khi ăn và sau ăn, uống. Quan sát trẻ từ 15 – 30 phút sau khi ăn uống.

– Nếu trẻ sốt từ 38.5 độ C, phụ huynh cởi bỏ bớt quần áo, chườm hoặc lau nách, bẹn, cổ trẻ bằng khăn nhúng nước ấm và sử dụng thuốc hạ sốt liều lượng theo chỉ định, sau 4-6 giờ cho uống 1 lần nếu vẫn sốt trên 38.5 độ C, không quá 4 lần/24 giờ). Sau lần uống thứ 3 nếu trẻ không đỡ sốt thì phụ huynh cần liên lạc lại với phòng tiêm chủng.

– Không bôi đắp bất kỳ thứ gì lên vết tiêm của trẻ như dầu cao, chanh, khoai tây, lòng trắng trứng,…

2.4. Trường hợp nào phụ huynh nên hoãn tiêm hoặc không tiêm vắc xin 5 trong 1 cho bé?

Các trường hợp trẻ cần tạm hoãn tiêm để hạn chế biến chứng xấu

– Trẻ mắc bệnh cấp tính, đặc biệt là bệnh nhiễm trùng thì phụ huynh nên thông báo trước cho bác sĩ để quyết định bé có nên tiêm phòng tại thời điểm đó hay không.

– Trẻ sốt bằng hoặc trên 37.5 độ C hay thân nhiệt hạ dưới 35.5 độ C cần tạm hoãn lịch tiêm và đợi tới khi sức khỏe ổn định.

– Trẻ mới sử dụng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng ngoại trừ trường hợp trẻ sử dụng globulin miễn dịch để điều trị viêm gan B.

– Trẻ đang điều trị hoặc mới kết thúc điều trị bằng corticoid trong vòng nửa tháng.

– Trẻ nặng dưới 2kg chưa được tiêm vắc xin để đảm bảo sức khỏe, hạn chế những phản ứng nghiêm trọng sau tiêm.

– Các trường hợp hoãn tiêm khác tùy theo hướng dẫn của nhà sản xuất với từng loại vắc xin.

Các trường hợp không thực hiện tiêm phòng

– Trẻ có phản ứng nặng sau lần tiêm trước với vắc xin có cùng thành phần.

– Trẻ có tình trạng suy chức năng như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy thận, tim, gan,…

– Trẻ bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh, nhiễm HIV giai đoạn lâm sàng IV hoặc có biểu hiện suy giảm miễn dịch nặng tuyệt đối không tiêm vắc xin sống.

– Các trường hợp chống chỉ định tiêm khác tùy theo hướng dẫn của nhà sản xuất với từng loại vắc xin.

4 lưu ý khi tiêm phòng vắc xin 5 trong 1 cho bé

>>>>>Xem thêm: Ai nên tiêm vắc xin phòng cúm mùa và những điều quan trọng cần biết

Sau khi thăm khám sàng lọc, bác sĩ sẽ quyết định loại vắc xin phù hợp cho bé hoặc hoãn tiêm nếu cần thiết.

Trên đây là thông tin gửi tới phụ huynh về những lưu ý khi thực hiện tiêm vắc xin 5 trong 1 cho trẻ. Đây là mũi tiêm theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Phụ huynh có thể tham khảo tiêm dịch vụ với vắc xin 6 trong 1 tại Phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI để giúp trẻ phòng được 6 bệnh trong 1 mũi tiêm, giảm số lần tiêm chủng cho trẻ. Nếu phụ huynh có bất kỳ thắc mắc gì hãy liên hệ ngay tới cơ sở tiêm chủng để được giải đáp.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *