Uốn ván là bệnh lý nguy hiểm và có khả năng gây tử vong cao. Cho đến hiện nay không có phương pháp nào chữa uốn ván mà chỉ có thuốc để kiểm soát triệu chứng. Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh chính là tiêm phòng vắc xin đầy đủ theo thời gian tiêm uốn ván khuyến cáo.
Bạn đang đọc: Thời gian tiêm uốn ván theo khuyến cáo
1. Vắc xin uốn ván có cần thiết không?
Uốn ván là một bệnh lý nghiêm trọng gây ra bởi vi khuẩn Clostridium tetani. Các bào tử của vi khuẩn này sống trong đất, bụi, nước bọt và phân. Khi vết cắt hoặc vết thương hở trên cơ thể tiếp xúc với bào tử, vi khuẩn Clostridium tetani sẽ xâm nhập và gây ảnh hưởng đến cơ bắp và dây thần kinh. Thông thường, một người sẽ dễ bị uốn cán nếu dẫm lên móng tay bẩn, mảnh thủy tinh hoặc mảnh gỗ sắc đâm xuyên qua da.
Nhìn chung, các vết thương do bị đâm thủng dễ gây uốn ván nhất bởi chúng hẹp và sâu. Không giống như vết cắt khi oxy có thể giúp diệt bào tử vi khuẩn, vết thương thủng sâu và hẹp không cho phép oxy tiếp cận nhiều. Ngoài ra một số nguyên nhân có thể khiến bạn bị uốn ván là:
– Kim tiêm nhiễm bẩn.
– Vết thương với mô chết, ví dụ như bỏng.
– Vết thương không được làm sạch đúng quy trình.
Uốn ván không lây từ người sang người và các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện sau từ vài ngày đến vài tháng sau khi tiếp xúc với vi khuẩn. Hầu hết triệu chứng xuất hiện sau 14 ngày tiếp xúc như:
– Đau đầu.
– Cứng khớp hàm, cổ, vai, có thể dần lan sang các bộ phận khác của cơ thể.
– Khó nuốt.
– Khó thở.
– Co giật.
Cho đến hiện nay không có phương pháp nào chữa uốn ván mà chỉ có thuốc để kiểm soát triệu chứng.
Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh chính là tiêm phòng vắc xin uốn ván đầy đủ.
2. Thời gian tiêm uốn ván theo khuyến cáo cho mọi đối tượng
Lịch khuyến cáo tiêm phòng vắc xin uốn ván dưới đây giúp phòng bệnh và đảm bảo sức khỏe của mọi người. Hãy tuân thủ đúng và đủ số mũi tiêm để đạt hiệu quả tốt nhất.
2.1. Thời gian tiêm uốn ván đối với trẻ em
Đối với trẻ em, vắc xin ngừa uốn ván thường được sử dụng dưới dạng vắc xin phối hợp để có thể phòng ngừa cùng lúc nhiều bệnh lý khác nhau, từ đó giảm số lượng mũi tiêm, giảm đau cho trẻ cũng như tiết kiệm thời gian tiêm phòng. Cho dù là vắc xin nào cũng cần đảm bảo trẻ tiêm đủ liệu trình và thời gian quy định để duy trì miễn dịch trong cơ thể.
Theo lịch tiêm chủng tiêu chuẩn tại Việt Nam, trẻ em sẽ được tiêm uốn ván lần đầu khi được 2 tháng tuổi. Đây là một trong những tiêm đầu đời vô cùng quan trọng cho trẻ và loại vắc xin sử dụng thường xuyên nhất là vắc xin 6 trong 1 Hexaxim hoặc Infanrix Hexa với lịch tiêm 3 mũi cơ bản khi trẻ được 2 – 3 – 4 tháng tuổi, mũi nhắc lại tiêm cách mũi 3 tối thiểu 6 tháng. Ngoài ra phụ huynh có thể cân nhắc lựa chọn cho trẻ các loại vắc xin 5 trong 1, 4 trong 1 và 3 trong 1. Mỗi loại vắc xin sẽ có sự khác biệt nhỏ trong lịch tiêm phòng, phụ huynh hãy tham khảo kĩ trước khi lựa chọn cho trẻ.
Tìm hiểu thêm: Phác đồ tiêm mũi tiêm viêm gan B cho trẻ sơ sinh
Đối với trẻ em, vắc xin ngừa uốn ván thường được sử dụng dưới dạng vắc xin phối hợp, thường là vắc xin 6 trong 1 để phòng cùng lúc nhiều bệnh lý.
2.2. Thời gian tiêm uốn ván đối với người lớn
Đối với người chưa từng tiêm vắc xin uốn ván
Lịch tiêm khuyến cáo như sau:
– Mũi 1: Tiêm lần đầu.
– Mũi 2: Thực hiện tiêm sau mũi 1 từ 4 tuần.
– Mũi 3: Thực hiện tiêm sau mũi 2 từ 6 tuần.
– Mũi 4: Thực hiện tiêm sau mũi 3 từ 1 năm.
– Mũi 5: Thực hiện tiêm sau mũi 4 từ 1 năm.
Đối với phụ nữ có thai
Phụ nữ trước và trong thai kỳ cần thực hiện tiêm ngừa uốn ván để chủ động phòng bệnh, tạo miễn dịch thụ động cho thai nhi và giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm trong quá trình mang thai và sinh nở khi cả trẻ và mẹ đều phải tiếp xúc với các dụng cụ y tế.
Đối với phụ nữ trong lần mang thai đầu tiên được khuyến cáo tiêm 2 mũi vắc xin, mũi 1 tiêm sớm khi phát hiện có thai, thường rơi vào 3 tháng giữa thai kỳ, mũi 2 tiêm cách mũi 1 từ 1 tháng và phải tiêm trước ngày dự sinh ít nhất 30 ngày.
Đối với phụ nữ mang thai từ lần thứ 2 trở đi cần tiêm 1 mũi vắc xin uốn ván trước ngày dự sinh từ 30 ngày.
>>>>>Xem thêm: Giải đáp dị ứng kháng sinh có nên tiêm vacxin không
Sử dụng vắc xin uốn ván đơn hoặc vắc xin kết hợp bạch hầu – ho gà – uốn ván trong giai đoạn tiền mang thai và sử dụng vắc xin uốn ván đơn khi mang thai.
Đối với người bị thương
Tất cả các vết thương trầy xước, rách da đều tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn uốn ván xâm nhập. Những loại vết thương có nguy cơ cao nhiễm uốn ván cần được tiêm phòng khẩn cấp gồm vết thương nặng do tai nạn giao thông, vết thương do các vật nhọn như đinh, cành cây,… gây ra.
Ngoài ra, những vết thương có nguy cơ nhiễm trùng thấp hơn như vết bỏng, trầy xước nhẹ, những vết thương hở không quá sâu và không nhiễm bẩn cũng cần được sơ cứu nhanh chóng và đúng cách để hạn chế nguy cơ uốn ván. Và để đảm bảo an toàn, những vết thương này cũng cần tiêm phòng bởi một khi bệnh đã khởi phát thì gần như các biện pháp điều trị đều đã quá muộn.
Thời gian ủ bệnh uốn ván kéo dài từ 3-21 ngày, trung bình rơi vào khoảng 7-8 ngày do đó sau khi bị thương, người bệnh cần bình tĩnh để xử lý. Hãy rửa sạch vết thương dưới vòi nước sạch, có thể sử dụng oxy già để loại bỏ toàn bộ chất bẩn và dị vật đang bám ở vết thương rồi rửa sạch lại bằng xà phòng. Việc sơ cứu đúng cách có thể ngăn chặn quá trình xâm nhập của vi khuẩn trong khoảng 4 tiếng. Băng bó sạch sẽ và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để tiêm phòng uốn ván.
Thời điểm tốt nhất để tiêm phòng sau khi bị thương là trong vòng 24 giờ, tuy nhiên không có nghĩa là sau đó bạn không thể tiêm vắc xin nữa. Vắc xin uốn ván vẫn có thể tiêm sau 24 giờ nhưng tác dụng bảo vệ sẽ không bằng. Sử dụng vắc xin uốn ván đơn để tiêm phòng.
3. Lưu ý khi sử dụng vắc xin uốn ván
Vắc xin uốn ván không cung cấp kháng thể tạo miễn dịch suốt đời. Tác dụng của vắc xin thường kéo dài trong 10 năm. Do đó, các chuyên gia y tế thường khuyên mọi người tiêm nhắc lại mỗi thập kỷ. Bắc sĩ có thể yêu cầu bạn tiêm lại sớm hơn nếu nghi ngờ bạn đã tiếp xúc với các bào tử gây bệnh, ví dụ như bạn giẫm lên một chiếc đinh gỉ hay có vết vắt sâu bị nhiễm khuẩn.
Một số trường hợp không nên thực hiện tiêm phòng uốn ván gồm:
– Từng xuất hiện phản ứng nghiêm trọng trong lần tiêm trước.
– Mắc Guillain – Barre.
Biến chứng do tiêm uốn ván là cực kỳ hiếm, cũng như bản thân căn bệnh có nhiều rủi ro hơn so với vắc xin. Tuy nhiên sau tiêm, bạn vẫn có thể gặp phải một vài phản ứng phụ nhẹ sau:
– Sốt.
– Trẻ quấy khóc.
– Vết tiêm sưng đau.
– Buồn nôn.
– Mệt mỏi.
– Đau đầu.
– Nhức mỏi cơ thể.
Ngoài ra một số phản ứng phụ cực kỳ hiếm gặp cần có sự can thiệp y tế chuyên nghiệp gồm:
– Khó thở.
– Co giật.
– Li bì.
Tóm lại, uốn ván là căn bệnh nguy hiểm và có khả năng tử vong cao. Tuy nhiên bệnh có thể ngăn ngừa bằng cách tuân thủ lịch tiêm chủng khuyến cáo. Nếu bạn nghi ngờ bản thân đã tiếp xúc với vi khuẩn uốn ván, hãy đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.