Tiêm phòng trước khi mang thai là cách tốt nhất giúp chị em phụ nữ bảo vệ cho sức khỏe của bản thân và thai nhi. Xuyên suốt thời kỳ mang thai, cơ thể thai phụ dễ bị tác động và tấn công bởi các vi khuẩn, virus gây bệnh. Nếu nhiễm bệnh trong giai đoạn này có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé, đặc biệt là 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ. Vì vậy, việc tiêm phòng sớm trước khi mang thai sẽ giúp chị em có đủ kháng thể để phòng các bệnh lý nguy hiểm. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết lịch tiêm chủng dành cho phụ nữ tiền mang thai trong bài viết dưới đây nhé!
Bạn đang đọc: Tìm hiểu chi tiết lịch tiêm chủng dành cho phụ nữ tiền mang thai
1. Tại sao các mẹ cần tiêm phòng trước khi mang thai?
Tiêm vắc xin trước mang thai (hay còn gọi là tiêm chủng tiền mang thai) mang lại lợi ích cho cả mẹ và thai nhi, cụ thể:
– Đối với mẹ: Giúp bảo vệ mẹ khỏi nhiều bệnh truyền nhiễm như cúm, ho gà, sởi, quai bị, thủy đậu, Rubella,… Từ đó, giúp tránh nguy cơ sảy thai, sinh non hay để lại các dị tật, lây bệnh cho trẻ.
– Đối với thai nhi: Giúp thai nhi thừa hưởng miễn dịch thụ động từ mẹ (qua nhau thai, qua sữa mẹ) ngay sau khi vừa chào đời, tránh nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khi trẻ chưa đủ tuổi tiêm chủng các loại vắc xin. Từ đó, trẻ có thể phát triển đầy đủ và toàn diện về thể chất và tinh thần.
Tiêm phòng trước khi mang thai mang lại lợi ích lớn cho cả mẹ và bé
2. Lịch tiêm chủng dành cho phụ nữ tiền mang thai
2.1. Tổng hợp các loại vắc xin nên tiêm phòng trước khi mang thai
Dưới đây là những loại vắc xin chị em phụ nữ cần tiêm phòng trước khi mang thai, bao gồm:
– Vắc xin 3 trong 1 phòng bạch hầu, ho gà và uốn ván.
– Vắc xin cúm.
– Vắc xin 3 trong 1 phòng quai bị, sởi và Rubella.
– Vắc xin thủy đậu.
– Vắc xin uốn ván hấp phụ.
Ba loại vắc xin phòng cúm, sởi, quai bị, Rubella và thủy đậu là đặc biệt quan trọng để phòng ngừa bệnh cho mẹ và thai nhi, tránh được những dị tật bẩm sinh do các bệnh này gây nên.
Ngoài những loại vắc xin kể trên, mẹ bầu có thể tiêm thêm vắc xin phòng viêm gan B, phế cầu, não mô cầu, HPV,…. nếu chưa từng tiêm và còn đủ thời gian để tiêm phòng.
2.2. Lịch tiêm chủng cụ thể từng loại vắc xin dành cho phụ nữ trước khi mang thai
Để có một thai kỳ khỏe mạnh, nắm rõ lịch tiêm chủng trước khi mang thai là vô cùng quan trọng. Cụ thể lịch tiêm của từng loại vắc xin như sau:
Vắc xin 3 trong 1 phòng ho gà, bạch hầu và uốn ván
Chị em nên tiêm 1 liều vắc xin phòng ho gà, bạch hầu, uốn ván vào bất kỳ thời điểm nào trước khi mang thai và tiêm nhắc lại mỗi 10 năm. Nếu tiêm trong thai kỳ, nên tiêm 1 vắc xin vào 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ.
Vắc xin cúm
Nếu mẹ bầu bị cúm trong quá trình mang thai sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, nguy cơ cao gây dị tật ở thai nhi như sứt môi, hở hàm ếch, sinh non và nhẹ cân. Vì vậy, trước khi mang thai, chị em nên tiêm 1 mũi trước khi mang thai 1 tháng.
Tìm hiểu thêm: Quy định về tiêm chủng: trước và sau tiêm, nguyên tắc khi tiêm
Cúm là bệnh truyền nhiễm dễ mắc trong quá trình mang thai, vì vậy việc tiêm phòng cúm trước khi mnag thai là rất cần thiết
Vắc xin 3 trong 1 phòng quai bị, sởi và Rubella.
Khi có ý định mang thai, chị em phụ nữ có thể tiêm 1 mũi trước khi mang thai ít nhất 3 tháng. Tuy nhiên, để đem lại hiệu quả phòng bệnh tốt nhất, chị em nên tiêm 2 mũi, cách nhau tối thiểu 4 tuần và được hoàn thành trước khi mang thai ít nhất 3 tháng
Vắc xin thủy đậu
Nếu chị em chưa từng bị bệnh thủy đậu thì hãy tiêm vắc xin thủy đậu 3 tháng trước khi mang thai để chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và thai nhi. Tuy nhiên, để đem lại hiệu quả phòng bệnh tốt nhất, chị em nên tiêm 2 mũi, cách nhau tối thiểu 6 đến 8 tuần và được hoàn thành trước khi mang thai ít nhất 3 tháng. Nếu đang mang thai thì tuyệt đối không được tiêm vắc xin này.
Vắc xin uốn ván
Với mẹ bầu mang thai lần đầu, lịch tiêm chủng uốn ván là tiêm 2 mũi cách nhau tối thiểu 4 tuần. Sau đó, với những lần mang thai tiếp theo chỉ cần tiêm nhắc lại 1 mũi.
3. Các câu hỏi thường gặp khi tiêm phòng trước khi mang thai
3.1. Phải làm gì khi lỡ tiêm phòng rồi mới biết mình đang mang thai?
Chỉ có 2 loại vắc xin chị em cần lưu ý tuyệt đối không tiêm khi mang thai là vắc xin ngừa thủy đậu và vắc xin ngừa sởi, quai bị, Rubella. Với các loại vắc xin còn lại trong danh sách kể trên, chị em vẫn có thể tiêm bù trong lúc mang thai nếu chẳng may quên mất lịch tiêm.
Trong trường hợp chị em lỡ tiêm cả hai loại vắc xin ngừa thủy đậu và sởi, quai bị, Rubella rồi mới phát hiện bản thân đang mang thai (thời gian từ lúc tiêm vắc xin đến lúc mang thai chưa được 1 tháng), cần thông báo ngay với bác sĩ để được tư vấn cách chăm sóc thai kỳ tốt nhất.
Lưu ý, không có chỉ định chấm dứt thai kỳ với những trường hợp lỡ tiêm ngừa khi mang thai. Tuy nhiên, chị em cần thăm khám thai thường xuyên để theo dõi chặt chẽ sự phát triển của thai nhi trong thai kỳ.
>>>>>Xem thêm: Vaccine ngừa ung thư cổ tử cung và 3 điều cần biết
Khi gặp bất kỳ vấn đề nào, chị em nên tham khảo tư vấn của bác sĩ chuyên môn
3.2. Nếu bỏ lỡ lịch tiêm chủng tiền mang thai có làm sao không?
Theo khuyến cáo của bác sĩ, việc tiêm đúng phác đồ, tiêm đúng lịch và đủ mũi sẽ đem đến hiệu quả phòng bệnh tối ưu nhất, vì khi đó vắc xin sẽ phát huy được tối đa hiệu quả phòng bệnh. Tuy nhiên, vì lý do bất khả kháng khiến việc tiêm phòng bị chậm trễ, chị em nên tham khảo tư vấn của bác sĩ và tiêm bù sớm nhất có thể để đảm bảo hoàn thành lịch tiêm chủng đúng hạn.
Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé khi quên tiêm một số mũi trước khi mang thai, chị em nên lưu ý một số điều sau:
– Bảo đảm chế độ ăn uống, dinh dưỡng đầy đủ, lành mạnh.
– Nghỉ ngơi và hoạt động thể chất, thể thao hợp lý.
– Hạn chế tiếp xúc với đám đông, đặc biệt trong giai đoạn có dịch và mang khẩu trang mỗi khi đi ra ngoài.
– Vệ sinh cơ thể, răng miệng, đường hô hấp hàng ngày để tăng sức đề kháng của cơ thể, hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh.
Trên đây là những thông tin về lịch tiêm chủng và lưu ý khi tiêm phòng tiền mang thai dành cho chị em. Mong rằng chị em đã có cho mình những thông tin hữu ích để chuẩn bị cho hành trình thai sản của bản thân.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.