Vacxin BCG là một loại vắc-xin sống giảm độc lực được sử dụng để phòng ngừa bệnh lao, đặc biệt là bệnh lao phổi ở trẻ em. Vậy phác đồ tiêm vacxin BCG như thế nào, có lưu ý gì khi tiêm? Cùng TCI tìm hiểu dưới đây.
Bạn đang đọc: Vacxin BCG: Công dụng, phác đồ và lưu ý tiêm
1. Tìm hiểu chung về bệnh lao
1.1. Nguyên nhân
Bệnh lao là một căn bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn mang tên Mycobacterium tuberculosis gây ra. Bệnh có thể lây từ người sang người qua đường không khí. Khi người bệnh lao ho, hắt hơi, khạc nhổ, họ sẽ phát tán vi khuẩn lao vào không khí. Nếu người lành hít phải những giọt bắn chứa vi khuẩn lao, họ có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh.
Theo các nghiên cứu chỉ ra, cứ mười người nhiễm vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis thì có một người phát triển thành bệnh. Theo đó khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn lao sẽ không hoạt động luôn mà chờ đến khi hệ thống miễn dịch của cơ thể yếu đi, không còn đủ sức chống lại để bùng thành bệnh. Điều này đồng nghĩa với việc thời gian ủ bệnh của mỗi người là khác nhau. Một khi vi khuẩn lao đã hoạt động thì không chỉ phổi mà chúng có thể xâm nhập vào các bộ phận khác của cơ thể như thận, cột sống và não thông qua đường máu hoặc hạch bạch huyết. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh lao có thể gây tử vong.
Vacxin BCG được khuyến cáo sử dụng để phòng lao, đặc biệt là bệnh lao phổi ở trẻ em.
1.2. Yếu tố gia tăng nguy cơ mắc lao
Bất kỳ ai cũng có thể mắc bênh lao, tuy nhiên một số yếu tố nhất định có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Những yếu tố này là:
– Hệ thống miễn dịch yếu
Sức đề kháng cao là một yếu tố quan trọng giúp cơ thể chống lại vi khuẩn lao. Ngược lại nếu sức đề kháng của bạn thấp, cơ thể sẽ dễ bị vi khuẩn lao tấn công và gây bệnh. Một số bệnh lý và các loại thuốc gây ra tình trạng suy giảm hệ thống miễn dịch có thể kể đến HIV/AIDS, tiểu đường, bệnh thận nặng, một số bệnh ung thư và quá trình điều trị ung thư, corticoid, suy dinh dưỡng.
– Đi du lịch hay sống ở khu vực có tỉ lệ cao mắc bệnh lao
Người dân sống hoặc đi du lịch thường xuyên đến các khu vực có tỷ lệ mắc bệnh lao và lao kháng thuốc cao, chẳng hạn như Châu Phi, Đông Âu, Châu Á, Nga, Mỹ Latinh và các đảo Caribbean, có nguy cơ mắc bệnh lao cao hơn.
– Nghèo đói hoặc lạm dụng chất kích thích
Các nước có điều kiện kinh tế – xã hội kém phát triển thường có tỷ lệ mắc bệnh lao cao. Ngoài ra lạm dụng ma túy, rượu bia, thuốc lá làm suy giảm hệ miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị nhiễm bệnh lao và gia tăng nguy cơ tử vong do bệnh.
– Môi trường sống
Sống hoặc làm việc tại các địa phương như bệnh viện, trạm y tế, phòng khám, nhà tù, nhà tạm trú, bệnh viện tâm thần hoặc viện dưỡng lão,… làm gia tăng nguy cơ phơi nhiễm với vi khuẩn lao.
1.3. Triệu chứng
Triệu chứng của bệnh lao thường xuất hiện sau 2-6 tuần kể từ khi tiếp xúc với vi khuẩn lao. Các triệu chứng thường gặp có thể kể đến:
– Ho khan kéo dài hơn 2 tuần.
– Sốt nhẹ.
– Ra mồ hôi về đêm.
– Mệt mỏi.
– Sụt cân bất thường.
– Đau ngực.
Nếu bệnh kéo dài và không dược điều trị phù hợp có thể gây ra các biến chứng như viêm màng não lao gây tử vong, viêm phổi lao gây suy hô hấp, viêm màng ngoài tim lao, viêm xương/khớp lao ảnh hưởng đến xương khớp bệnh nhân.
2. Những chỉ định và lưu ý khi sử dụng vacxin BCG
Vacxin BCG là một loại vắc-xin sống giảm độc lực được sử dụng để phòng ngừa bệnh lao, đặc biệt là bệnh lao phổi ở trẻ em. Vacxin cũng có hiệu quả trong việc ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng của bệnh lao, chẳng hạn như lao màng não và lao màng ngoài tim.
2.1. Chỉ định sử dụng vacxin BCG
Bản chất của vacxin phòng lao BCG là vi khuẩn sống giảm độc lực.
Vacxin được chỉ định tiêm phòng cho trẻ em với liều tiêm gồm 1 mũi duy nhất trong tháng đầu tiên sau sinh.
Cách dùng: Tiêm trong da với liều 0.1ml/ liều.
Tìm hiểu thêm: Có nên tiêm phế cầu? Những điều bạn cần biết khi tiêm vắc xin phế cầu
Vacxin BCG được chỉ định tiêm phòng cho trẻ em với liều tiêm gồm 1 mũi duy nhất trong tháng đầu tiên sau sinh.
2.2. Lưu ý khi sử dụng vacxin BCG
Một số lưu ý khi sử dụng vacxin BCG gồm:
– Tiêm càng sớm càng tốt cho trẻ trong tháng đầu tiên sau sinh.
– Nếu trẻ tiêm muộn sau 1 tháng cần thử phản ứng Mantoux. Nếu phản ứng Mantoux âm tính thì có thể thực hiện tiêm phòng lao. Nếu phản ứng Mantoux dương tính đồng nghĩa với trẻ đã nhiễm lao, không được tiêm.
Hoãn tiêm chủng đối với các trường hợp sau:
– Trẻ có cân nặng dưới 2000g.
– Trẻ sinh non có tuổi thai dưới 34 tuần (sẽ tiêm vacxin BCG khi trẻ bằng hoặc trên 34 tuần tuổi, tính cả tuổi thai và tuổi từ lúc sinh ra).
– Trẻ bị vàng da bệnh lý hoặc sinh lý có nồng độ bilirubin trên 7mg/dl.
Chống chỉ định tiêm phòng với trẻ sinh ra có mẹ nhiễm HIV mà không được điều tri dự phòng lây truyền từ mẹ sang con.
>>>>>Xem thêm: Giải đáp thắc mắc về tiêm vắc xin uốn ván cho bà bầu
Phụ huynh nên cho trẻ tiêm phòng lao càng sớm càng tốt trong tháng đầu sau sinh.
3. Phản ứng phụ cần quan tâm sau tiêm vacxin BCG
Trẻ em thường có phản ứng tại vị trí tiêm gồm mọc mụn mủ, sưng, đau, đỏ trong 2-3 tuần sau tiêm. Sau khoảng 1 tháng rưỡi mụn mủ tự vỡ, loét ra tạo thành vét sẹo 3 – 5mm. Quá trình này đồng nghĩa với cơ thể trẻ đã miễn dịch với vi khuẩn lao. Khoảng 1-2% trẻ xuất hiện áp xe hoặc viêm hạch vùng nách, cổ trái hoặc dưới đòn.
Một số lưu ý khi chăm sóc sau tiêm phòng lao cho trẻ gồm:
– Cho trẻ bú mẹ nhiều hơn, bế và quan sát trẻ thường xuyên tuy nhiên không đè/chạm vào chỗ tiêm.
– Nếu trẻ bị đau dai dẳng có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ để sử dụng thuốc giảm đau phù hợp.
– Phần đa trường hợp viêm hạch bạch huyết có thể tự lành, tuy nhiên nếu tổn thương dính vào da hoặc bị rò rỉ phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.
– Bầm tím, chảy máu do tiểu cầu giảm thường nhẹ và tự khỏi. Tuy nhiên trong trường hợp nặng cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị với steroid và truyền khối tiểu cầu.
Ngoài ra phụ huynh cần cho trẻ gặp bác sĩ ngay nếu xuất hiện các biểu hiện bất thường như sốt cao trên 39 độ C sau 24 giờ tiêm chủng và không đáp ứng với thuốc hạ sốt, quấy khóc kéo dài, li bì, nôn trớ, co giật, bỏ bú, phát ban, thở nhanh, tím môi và chi, da lạnh hoặc bất kỳ biểu hiện nào khác khiến phụ huynh lo lắng.
Trên đây là những thông tin về bệnh lao và vacxin BCG. Nếu bạn cần tư vấn thêm về vacxin lao hoặc các vấn đề khác về tiêm chủng, hãy liên hệ TCI để được hỗ trợ.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.