Bệnh lý ung thư cổ tử cung là một bệnh nguy hiểm ở phụ nữ, chiếm vị trí thứ tư trong danh sách các loại ung thư thường gặp ở nữ giới (theo thống kê của WHO năm 2014). Việt Nam cũng không nằm ngoài tình trạng này, với tỷ lệ tử vong do ung thư cổ tử cung khá cao. Tuy nhiên, tiêm vaccine ngừa ung thư cổ tử cung và kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp bệnh có thể được phòng ngừa, điều trị hiệu quả.
Bạn đang đọc: Vaccine ngừa ung thư cổ tử cung và 3 điều cần biết
1. Tìm hiểu nguyên nhân gây ra ung thư cổ tử cung ở nữ giới
Nguyên nhân chính gây ra ung thư cổ tử cung là do virus human papillomavirus (HPV). HPV là một loại virus lây truyền qua đường tình dục rất phổ biến, với hơn 100 loại đã được xác định. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 15 – 20 loại HPV gây ra các bệnh lý liên quan đến ung thư.
Các loại HPV có thể gây ra các u nhú sinh dục, trong khi một số loại khác lại có thể gây ra ung thư, bao gồm ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, ung thư âm đạo, ung thư dương vật và ung thư vòm họng.
Đại đa số các trường hợp ung thư cổ tử cung được phát hiện có liên quan đến HPV. Đặc điểm của các căn bệnh ung thư là để càng lâu thì càng khó điều trị nên trẻ em gái từ 9 tuổi nên được tiêm vaccine để bảo vệ cơ thể trước khi có khả năng nhiễm loại virus này.
Nguyên nhân chính gây ra ung thư cổ tử cung là do virus human papillomavirus (HPV)
2. Những điều nên biết khi sử dụng vaccine ngừa ung thư cổ tử cung
2.1. Khái niệm vaccine ngừa ung thư cổ tử cung
Đây là loại vaccine giúp phòng ngừa ung thư cổ tử cung và các bệnh lý khác ở bộ phận sinh dục do virus HPV gây ra (gồm mụn cóc sinh dục, ung thư âm đạo, ung thư hậu môn, ung thư âm hộ và ung thư dương vật).
Vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung là một biện pháp phòng ngừa hiệu quả để bảo vệ sức khỏe của phụ nữ. Bằng cách tiêm vắc xin, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ được kích thích để sản xuất các kháng thể chống lại HPV, giúp bảo vệ cơ thể khỏi những biến chứng do HPV gây ra, bao gồm cả ung thư cổ tử cung.
2.2. Độ tuổi và đối tượng tiêm vaccine ngừa ung thư cổ tử cung
Ở nước ta, vaccine phòng ung thư cổ tử cung được khuyến cáo nên tiêm cho trẻ em gái và nữ giới trong độ tuổi từ 9 – 26, với các trường hợp dù đã quan hệ. Lời khuyên là nên tiêm vacxin trước khi quan hệ, vacxin sẽ có hiệu quả tối ưu trước khi cơ thể tiếp xúc với virus HPV.
Vacxin này thường được chống chỉ định với những đối tượng như:
– Quá mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào có trong vacxin.
– Có tiền sử phản ứng dị ứng nghiêm trọng với lần tiêm vacxin trước (nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi tiêm).
– Phụ nữ đang mang thai.
– Người mắc bệnh cấp tính (nên đợi tới khi bệnh khỏi hẳn rồi mới tiêm vacxin phòng ung thư cổ tử cung).
Tìm hiểu thêm: Cách xử trí sốc phản vệ sau khi tiêm vacxin
Tiêm phòng vacxin ung thư cổ tử cung được đánh giá có độ an toàn và hiệu quả cao
3. Điều nên lưu ý sau khi tiêm vaccine
3.1. Các phản ứng phụ có thể xảy ra sau khi tiêm
Đối với bất kỳ một loại vacxin nào dù có tốt và hiệu quả tới đâu cũng có khả năng gây ra nhiều tác dụng phụ ngoài ý muốn. Bởi tiêm vacxin có bản chất là đưa vacxin bị bất hoạt vào cơ thể nên sẽ có phản ứng chống lại những chất này. Một số tác dụng phụ thường xảy ra sau khi tiêm vacxin ngừa ung thư cổ tử cung gồm:
– Đau, sưng, đỏ tại vị trí tiêm: Đây là một trong những tác dụng phụ phổ biến, xảy ra ở khoảng 80% người được tiêm vacxin. Các triệu chứng thường xuất hiện trong vòng 24 giờ sau tiêm và tự khỏi sau một vài ngày.
– Mệt mỏi, đau đầu, đau nhức cơ, buồn nôn và nôn: Những triệu chứng này thường nhẹ và có thể tự khỏi sau một vài ngày mà không cần can thiệp điều trị.
– Phản ứng dị ứng: Phản ứng nghiêm trọng (khó thở, sưng mặt, luowci hoặc họng, sốc phản vệ) sau khi tiêm vacxin ngừa ung thư cổ tử cung rất hiếm gặp.
Tuy nhiên các phản ứng phụ sau tiêm rất hiếm khi xảy ra nên không cần quá lo lắng khi tiêm.
3.2. Biện pháp bảo vệ để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh
Sau khi thực hiện tiêm phòng vacxin đầy đủ thì để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh, nữ giới nên thực hiện các biện pháp như:
– Giữ vệ sinh vùng kín, tránh tình trạng ẩm ướt tạo điều kiện cho nấm mốc, viêm nhiễm.
– Thay băng vệ sinh sạch sẽ vào mỗi chu kỳ kinh nguyệt và vệ sinh sạch sẽ, hạn chế tối đa việc quan hệ trong thời gian này để tránh vi khuẩn có cơ hội xâm nhập.
– Đời sống tinh thần là một trong những yếu tố quan trọng mà nữ giới cần lưu ý. Luôn giữ trạng thái vui vẻ, giảm thiểu tình trạng căng thẳng, không hút thuốc và lạm dụng các chất kích thích như rượu bia.
– Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể và luyện tập thể dục thể thao hàng ngày.
– Đối với nữ giới đã có gia đình, từ 21 tuổi trở lên hoặc đã hoạt động tình dục cần thực hiện thăm khám sức khỏe định kỳ hàng năm, trong đó có thực hiện xét nghiệm tế bào học và HPV nhằm phát hiện kịp thời các bệnh lý về phụ khoa và ung thư cổ tử cung.
>>>>>Xem thêm: 4 thông tin về vacxin lao phổi mà bạn nên biết
Chủ động tiêm phòng và thăm khám định kỳ giúp bảo vệ sức khỏe của nữ giới
Tiêm phòng vacxin ung thư cổ tử cung vẫn có tác dụng đối với những người đã từng quan hệ, thậm chí là đã từng nhiễm virus HPV. Bởi thực tế virus HPV rất dễ rất dễ tái nhiễm, sau khi cơ thể đào thải vẫn có thể nhiễm lại virus. Miễn dịch tự nhiên của cơ thể không đủ để phòng sự tái nhiễm, nhưng vacxin thì có thể làm tốt điều này. Không những vậy, HPV có nhiều chủng loại khác nhau nên việc đã nhiễm virus trước đây vẫn nên tiêm phòng đầy đủ để phòng tránh lây nhiễm những chủng loại khác.
Tiêm phòng ung thư cổ tử cung là một biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa các bệnh lý liên quan tới virus HPV, đặc biệt là ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tốt, việc tiêm chủng vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung cần được thực hiện đúng lịch và đầy đủ theo khuyến cáo của bác sĩ. Nếu còn điều gì thắc mắc về loại vacxin này, hãy liên hệ ngay tới Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để nhận tư vấn sớm!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.