Mỗi năm, hàng triệu trẻ em trên khắp thế giới phải đối mặt với nguy cơ sốt xuất huyết. Trong một số trường hợp, bệnh truyền nhiễm này có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong. Bài viết này của Thu Cúc TCI cung cấp thông tin tổng quát về sốt xuất huyết ở trẻ em, đừng bỏ lỡ bố mẹ nhé!
Bạn đang đọc: Sốt xuất huyết ở trẻ em: Hiểm họa rình rập
1. Sốt xuất huyết ở trẻ em phát sinh do đâu?
Nguyên nhân khiến trẻ sốt xuất huyết là virus dengue. Virus này lây từ người sang người thông qua muỗi Aedes, phổ biến nhất là muỗi Aedes aegypti và Aedes albopictus. Muỗi cái hút máu từ người nhiễm virus dengue cũng nhiễm virus dengue. Khi muỗi này đốt một người, virus dengue được truyền vào máu người đó, gây sốt xuất huyết.
Muỗi Aedes thường hoạt động vào ban ngày, đặc biệt vào sáng sớm và chiều muộn. Môi trường ẩm ướt là điều kiện lý tưởng cho muỗi Aedes phát triển. Vì vậy, các khu vực có nhiều vật dụng chứa nước là nơi thường gặp chúng.
Muỗi cái hút máu từ người nhiễm virus dengue cũng nhiễm virus dengue.
2. Dấu hiệu nhận biết bệnh truyền nhiễm cấp tính sốt xuất huyết ở trẻ em là gì?
Dấu hiệu nhận biết sốt xuất huyết có thể khác nhau tùy thuộc mức độ nghiêm trọng của bệnh truyền nhiễm cấp tính này. Dưới đây là một số dấu hiệu chính để nhận biết sốt xuất huyết:
– Sốt cao đột ngột: Sốt xuất huyết thường gây sốt từ cao đến rất cao, đôi khi lên tới 40 độ C (104 độ F). Sốt xuất hiện đột ngột, có thể kéo dài 2 – 7 ngày. Sốt không giảm bất chấp việc sử dụng các biện pháp hạ sốt thông thường như paracetamol.
– Đau đầu: Đau đầu do sốt xuất huyết thường rất nghiêm trọng, có thể là đau buốt hoặc đau dữ dội. Đau đầu có thể xuất hiện cùng sốt và kéo dài suốt quá trình sốt xuất huyết.
– Đau mắt: Trẻ có thể đau nhức vùng xung quanh mắt, đặc biệt khi di chuyển mắt. Ngoài đau nhức, mắt có thể nhạy cảm với ánh sáng.
– Đau cơ xương khớp: Đau cơ xương khớp do sốt xuất huyết thường cũng rất nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến khả năng di chuyển và sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Đau thường xuất hiện ở các khớp lớn như cổ tay, đầu gối, mắt cá chân; cũng như các cơ chính, bao gồm cơ lưng, bụng và chân.
– Buồn nôn và nôn: Trẻ có thể cảm thấy buồn nôn hoặc nôn, đặc biệt là trong những ngày đầu sốt xuất huyết.
– Phát ban: Phát ban thường xuất hiện từ 3 – 4 ngày sau sốt. Ban xuất hiện trên mặt và thân, trước, sau đó lan ra toàn thân. Ban có thể kèm ngứa.
– Xuất huyết niêm mạc: Xuất huyết niêm mạc có thể bao gồm chảy máu mũi, chảy máu chân răng…. Đôi khi, có thể thấy máu trong nước tiểu hoặc phân.
Tìm hiểu thêm: Viêm tai giữa mạn tính ở trẻ và những điều cần biết
Sốt xuất hiện đột ngột, có thể kéo dài 2 – 7 ngày.
3. Bệnh truyền nhiễm cấp tính sốt xuất huyết ở trẻ em nguy hiểm không?
Sốt xuất huyết có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm; dưới đây là một số biến chứng chính của bệnh truyền nhiễm cấp tính này:
– Hội chứng sốc do sốt xuất huyết (DSS): Đây là biến chứng nghiêm trọng nhất của sốt xuất huyết, xảy ra khi bệnh truyền nhiễm này tiến triển nghiêm trọng, gây suy giảm áp lực tĩnh mạch và tụt huyết áp. Khi sốc do sốt xuất huyết, trẻ có thể có các triệu chứng như da lạnh, tím tái, mạch nhanh và yếu, thở gấp. Nếu không được cấp cứu kịp thời, sốc do sốt xuất huyết có thể dẫn đến tử vong.
– Xuất huyết nội tạng: Giảm tiểu cầu và tổn thương mạch máu có thể gây chảy máu ở nhiều cơ quan như dạ dày, ruột, phổi và não. Xuất huyết nội tạng là một tình trạng y tế khẩn cấp cần được can thiệp ngay lập tức.
– Tổn thương gan: Sốt xuất huyết có thể gây tổn thương gan, dẫn đến tăng men gan và trong trường hợp nặng có thể gây suy gan. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến khả năng đông máu của cơ thể, tăng nguy cơ xuất huyết.
– Suy thận: Sốt xuất huyết có thể gây tổn thương thận do tình trạng mất nước nghiêm trọng và suy tuần hoàn.
– Rối loạn thần kinh: Mặc dù hiếm gặp, nhưng sốt xuất huyết có thể gây các biến chứng về thần kinh như viêm màng não, viêm não hoặc các rối loạn thần kinh khác.
– Rối loạn điện giải và acid-base: Mất nước và xuất huyết có thể gây rối loạn điện giải và acid-base, ảnh hưởng đến hoạt động của cơ thể.
4. Điều trị bệnh truyền nhiễm cấp tính sốt xuất huyết ở trẻ em như thế nào?
Nhận biết sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng để tránh các biến chứng nghiêm trọng. Điều trị sốt xuất huyết chủ yếu là tập trung kiểm soát triệu chứng, quản lý biến chứng, để ngăn chặn bệnh truyền nhiễm cấp tính này tiến triển nghiêm trọng hơn. Hiện tại, không có thuốc đặc hiệu điều trị virus dengue gây sốt xuất huyết.
4.1. Điều trị sốt xuất huyết ở trẻ em trường hợp nặng
Trẻ sốt xuất huyết nặng, có nguy cơ cao biến chứng (trẻ có dấu hiệu suy tuần hoàn, xuất huyết nội tạng, sốc hoặc suy giảm nghiêm trọng các chỉ số sinh tồn…) cần điều trị nội trú. Tại bệnh viện, trẻ có thể cần truyền máu hoặc truyền tiểu cầu, nếu trẻ chảy máu nhiều hoặc giảm tiểu cầu nhiều.
4.2. Điều trị sốt xuất huyết ở trẻ em trường hợp nhẹ
– Hạ sốt giảm đau: Sử dụng paracetamol để hạ sốt giảm đau cho trẻ. Tránh sử dụng aspirin hoặc các NSAIDs khác vì chúng có thể làm tăng nguy cơ biến chứng sốt xuất huyết.
>>>>>Xem thêm: Nguyên nhân và cách điều trị khi trẻ sơ sinh bị viêm đường hô hấp trên
Sử dụng paracetamol để hạ sốt giảm đau cho trẻ.
– Duy trì cân bằng nước và điện giải: Đảm bảo trẻ uống đủ nước, đặc biệt khi trẻ sốt cao và nôn. Trong trường hợp trẻ không thể uống đủ nước, có thể cần truyền tĩnh mạch.
– Theo dõi sát sao các dấu hiệu sốt xuất huyết: Theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu sốt xuất huyết, giúp phát hiện sớm các biến chứng nguy hiểm và kịp thở xử lý. Theo đó, các dấu hiệu cảnh báo biến chứng sốt xuất huyết có thể là bụng đau dữ dội và liên tục, nôn liên tục, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nước tiểu và phân lẫn máu, thở nhanh hoặc khó thở, lạnh run hoặc tím tái,…
Phía trên là toàn bộ thông tin cơ bản về sốt xuất huyết ở trẻ em, bao gồm nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, biến chứng và phương pháp điều trị. Tuy nhiên, chúng chỉ là thông tin tham khảo, giúp bố mẹ nhận biết sớm và bớt hoang mang khi trẻ có dấu hiệu sốt xuất huyết. Bố mẹ không thể sử dụng chúng để điều trị sốt xuất huyết cho trẻ tại nhà. Khi trẻ có dấu hiệu sốt xuất huyết, bố mẹ cho trẻ thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.