Bệnh viêm gan B cần được phát hiện sớm và điều trị tích cực để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là danh sách các loại thuốc điều trị viêm gan B thế hệ mới được ứng dụng phổ biến hiện nay. Lưu ý rằng các loại thuốc điều trị viêm gan B được nhắc đến trong bài chỉ mang tính chất tham khảo, người bệnh bắt buộc phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng.
Bạn đang đọc: Thuốc điều trị viêm gan B thế hệ mới phổ biến
1. Tổng quan thuốc điều trị viêm gan B
Viêm gan B cấp tính chủ yếu được điều trị triệu chứng giúp chống lại tình trạng nhiễm trùng. Còn với viêm gan B mạn tính, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc hoặc ghép gan để điều trị.
Thuốc điều trị viêm gan B thường gặp hàng đầu gồm thuốc peginterferon alfa-2a và thuốc kháng virus (NAs). Peginterferon alfa-2a kích thích hệ thống miễn dịch tấn công và kiểm soát HBV. Thuốc được sử dụng trong 48 tuần bằng cách tiêm 1 lần/tuần.
Thuốc kháng virus viêm gan B được áp dụng với trường hợp hệ thống miễn dịch không thể tự kiểm soát HBV, đồng thời có bằng chứng về tổn thương gan đang diễn ra. Nhóm thuốc này bào chế dưới dạng viên nén nên dễ sử dụng hơn.
Thuốc kháng virus giúp kiểm soát sự sao chép của HBV và ngăn chặn chúng gây hại cho gan. Virus có thể không được loại thải hoàn toàn sau khi dùng thuốc. Do đó, một số trường hợp nhất định sẽ phải dùng thuốc điều trị trong thời gian dài, thậm chí suốt đời.
Điều trị viêm gan B bằng thuốc kháng virus có thể kéo dài nhiều năm hoặc suốt đời
2. Thuốc điều trị viêm gan B cho người lớn
Hiện nay có 4 loại thuốc mới và được chấp thuận trong điều trị viêm gan B cho người lớn. Đây đều là các thuốc viên nén, uống trong thời gian dài hoặc đôi khi là suốt đời. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thuốc Interferons điều hòa miễn dịch như Pegylated Interferon (Pegasys) và Interferon Alpha (Intron A).
2.1. Tenofovir disoproxil fumarate (TDF) – Thuốc điều trị viêm gan B thế hệ mới
Liều dùng của thuốc là uống 300mg/ngày. Riêng với người suy thận, liều dùng cần điều chỉnh theo mức lọc cầu thận. Các tác dụng phụ có thể có của thuốc gồm: bệnh thận, nhiễm toan lactic, hội chứng Fanconi, hội chứng loãng xương.
Tenofovir disoproxil fumarate có thể được chỉ định cho phụ nữ có thai, trẻ từ đủ 3 tuổi và đồng nhiễm HBV/HIV.
2.2. Entecavir (ETV)
Người bệnh uống 0.5 mg/ngày hoặc 1mg/ngày (nếu từng sử dụng lamivudine hoặc có xơ gan mất bù). Liều dùng được điều chỉnh đối với người có suy thận theo mức lọc cầu thận. Nhiễm toan lactic là tác dụng phụ khi dùng ETV.
Tìm hiểu thêm: Phẫu thuật cắt gan và những lưu ý
Baraclude Entecavir là thuốc điều trị viêm gan B được ứng dụng rộng rãi
2.3. Tenofovir alafenamide (TAF)
Người bệnh dùng TAF với liều lượng 25mg/ngày. Người bệnh suy thận (nhẹ, vừa, nặng) hoặc chạy thận không cần điều chỉnh liều dùng của thuốc.
Tenofovir alafenamide chưa khuyến cáo đối với phụ nữ mang thai. Thuốc là lựa chọn ưu tiên với những người trên 60 tuổi, suy thận, chạy thận nhân tạo, loãng xương. TAF có thể gây tác dụng phụ nhiễm toan lactic, không chỉ định cho trường hợp xơ gan mất bù.
2.4. Peginterferon alfa-2a
Loại thuốc này được xem xét chỉ định cho người bệnh muốn điều trị trong thời gian ngắn hạn, không muốn điều trị dài hạn bằng NAs. Ngoài ra, người bệnh đồng nhiễm viêm gan D hoặc có tải lượng virus thấp và ALT cao cũng có thể được chỉ định dùng Peginterferon alfa-2a.
Liều dùng cho người lớn là 180 microgram/tuần. Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp phải khi dùng thuốc là mệt mỏi, giả cúm, rối loạn miễn dịch, giảm bạch cầu, chán ăn và sụt cân, rối loạn tâm thần.
3. Thuốc điều trị viêm gan B cho trẻ em
Hầu hết trẻ em nhiễm virus viêm gan B vẫn phát triển khỏe mạnh tương tự những trẻ khác mà không có bất kỳ giới hạn thể chất nào. Tuy nhiên, trẻ cần được thăm khám và theo dõi thường xuyên bởi bác sĩ chuyên khoa Nhi 2 lần mỗi năm hoặc theo chỉ định của bác sĩ.
Khi được chỉ định điều trị, trẻ em nhiễm viêm gan B thường dùng các loại thuốc sau đây:
3.1. Tenofovir disoproxil fumarate – TDF
TDF được chỉ định cho trẻ từ đủ 12 tuổi trở lên và cân nặng đạt tối thiểu 35kg. Liều dùng của trẻ em giống với người lớn là 300mg/ngày.
Thuốc có các tác dụng phụ đã nói ở trên gồm: bệnh thận, nhiễm toan lactic, hội chứng Fanconi, hội chứng loãng xương. Trẻ cần được theo dõi thật sát sao khi sử dụng thuốc điều trị.
>>>>>Xem thêm: Nguyên nhân ung thư gan và cách điều trị
TDF được chỉ định trong điều trị viêm gan B ở người lớn, trẻ em và cả phụ nữ có thai
3.2. Entecavir (ETV) – Thuốc điều trị viêm gan B thế hệ mới
Loại thuốc này được chỉ định cho trẻ từ đủ 2 tuổi trở lên. Liều uống ETV được tính theo cân nặng, cụ thể:
– Liều 0.15mg/ngày (3mL) với trẻ 10 – 11kg.
– Liều 0.2mg/ngày (4mL) với trẻ 11 – 14kg.
– Liều 0.25mg/ngày (5mL) với trẻ 14 – 17kg.
– Liều 0.3mg/ngày 6(mL) với trẻ 17 – 20kg.
– Liều 0.35mg/ngày (7mL) với trẻ 20 – 23kg.
– Liều 0.4mg/ngày (8mL) với trẻ 23 – 26kg.
– Liều 0.45mg/ngày (9mL) với trẻ 26 – 30kg.
– Liều 0.5mg/ngày (10mL dung dịch uống hoặc 1 viên 0.5mg) với trẻ trên 30kg.
Thuốc có tác dụng phụ là gây nhiễm toan lactic, cần cẩn trọng theo dõi trẻ khi dùng thuốc.
3.3. Tenofovir alafenamide (TAF)
Trẻ từ 12 tuổi trở lên có thể được chỉ định thuốc TAF với liều dùng như người lớn 25mg/ngày. Tác dụng phụ của thuốc là gây nhiễm toan lactic.
3.4. Peginterferon alfa-2b
Trẻ em từ đủ 1 tuổi trở lên muốn điều trị viêm gan B trong ngắn hạn được xem xét chỉ định Peginterferon alfa-2b. Trẻ dùng thuốc với liều 6 triệu đơn vị/m2 x 3 lần/tuần.
Tương tự như người lớn, trẻ em có thể đối mặt với các tác dụng phụ của thuốc như: các triệu chứng giả cúm, mệt mỏi, giảm bạch cầu, chán ăn và sụt cân.
4. Lưu ý về việc sử dụng thuốc điều trị viêm gan B
Điều trị thuốc có thể không cần thiết cho tất cả người mắc viêm gan B. Một số trường hợp mắc viêm gan B mạn không phát sinh biến chứng nghiêm trọng, có thể sống tích cực mà không cần điều trị. Cũng có trường hợp gan bị tổn thương nghiêm trọng, đòi hỏi phải ghép gan.
Các loại thuốc điều trị viêm gan B có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng lâu dài. Người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ các chỉ định của bác sĩ về loại thuốc, liều dùng để đảm bảo an toàn, điều trị hiệu quả.
Người bệnh có thể cần dùng thuốc điều trị trong thời gian dài. Do đó, thăm khám với bác sĩ chuyên khoa gan định kỳ mỗi năm là rất cần thiết. Người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm thường xuyên để đánh giá hoạt động của HBV. Các kiểm tra thường gặp là: khám chức năng gan mật – tiêu hóa, xét nghiệm vi sinh trong máu, xét nghiệm men gan trong huyết thanh, xét nghiệm máu sàng lọc ung thư gan, chẩn đoán hình ảnh gan (siêu âm, CT scan…).
Bài viết đã nêu rõ các loại thuốc điều trị viêm gan B thế hệ mới phổ biến hiện nay. Nhìn chung, việc điều trị này giúp ngăn chặn sự tăng sinh và hoạt động của HBV, phòng ngừa nguy cơ tổn thương gan, các biến chứng đồng thời dự phòng lây truyền mầm bệnh cho những người xung quanh. Người bệnh không tự ý sử dụng các loại thuốc trên để điều trị, thay vào đó cần có sự tư vấn và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.