Một chế độ ăn lành mạnh, khoa học là yếu tố quan trọng giúp người bệnh sỏi túi mật cải thiện tốt tình trạng bệnh, thuyên giảm các triệu chứng. Trong đó, chất béo được coi là “khắc tinh” số một với người bệnh sỏi mật nhưng liệu rằng có cần kiêng hoàn toàn chất béo hay không? Hãy cùng tìm hiểu ngay.
Bạn đang đọc: Bệnh sỏi túi mật có cần kiêng hoàn toàn chất béo không?
1. Tìm hiểu về bệnh sỏi túi mật
1.1. Sỏi túi mật là gì?
Sỏi túi mật là những tinh thể ở dạng rắn, cứng với nhiều kích cỡ khác nhau. Chúng là sản phẩm được kết tinh lại từ các thành phần có trong dịch mật.
Sỏi túi mật thường diễn biến âm thầm, chỉ được tình cờ phát hiện thông qua khám sức khỏe định kỳ hoặc điều trị các bệnh tiêu hóa khác. Trường hợp sỏi làm tắc, viêm đường mật có thể gây ra các cơn đau quặn mật hoặc một số triệu chứng rối loạn tiêu hóa. Khi đó, người bệnh cần chủ động thăm khám để nắm bắt tình trạng bệnh và được hướng dẫn xử lý đúng cách.
1.2. Các loại sỏi túi mật và nguyên nhân hình thành sỏi
Sỏi túi mật bao gồm 2 loại:
– Sỏi cholesterol
– Sỏi sắc tố
Nguyên nhân chính dẫn đến việc tạo sỏi túi mật thường đến từ những rối loạn chuyển hoá. Cụ thể, khi dịch mật chứa nồng độ cholesterol hoặc bilirubin quá cao sẽ là yếu tố tạo điều kiện hình thành sỏi.
– Sỏi cholesterol: Đây là loại sỏi chiếm phần đa số với thành phần chính là cholesterol – một dạng chất béo do gan tổng hợp. Khi cholesterol dung nạp quá nhiều, lượng dịch mật không đủ để hòa tan hết nên dẫn tới tình trạng dư thừa cholesterol. Các cholesterol không tan này sẽ đọng lại tại túi mật, theo thời gian sẽ kết tinh lại và cuối cùng thành thành sỏi.
– Sỏi sắc tố: Bilirubin trong dịch mật là nguyên nhân chính dẫn tới việc hình thành sỏi sắc tố. Một số bệnh khiến gan tạo ra lượng bilirubin nhiều hơn bình thường như xơ gan, nhiễm trùng đường mật, một số bệnh lý về máu. Khi bilirubin ở dư thừa sẽ góp phần tạo sỏi sắc tố.
Sỏi túi mật bao gồm 2 loại chính là sỏi cholesterol và sỏi sắc tố.
2. Giải đáp: Bệnh sỏi túi mật có cần kiêng hoàn toàn chất béo không?
2.1. Chất béo ảnh hưởng như thế nào tới bệnh sỏi túi mật?
Thông thường, các cơn đau do sỏi túi mật gây ra thường xuất hiện sau bữa ăn và sẽ có xu hướng đau nhiều hơn sau những bữa ăn chứa nhiều chất béo.
Giải thích cho tình trạng này là khi cơ thể dung nạp quá nhiều chất béo xấu, đồng nghĩa với việc gan sẽ tổng hợp lượng cholesterol nhiều hơn. Điều này trực tiếp làm tăng nguy cơ tạo sỏi cholesterol và khiến tình trạng bệnh càng thêm trầm trọng.
2.2. Người bệnh sỏi túi mật có cần kiêng hoàn toàn chất béo không?
Chất béo bao gồm các loại chất béo bão hòa và chất béo chưa bão hòa. Trong đó, các loại chất béo bão hòa luôn là yếu tố đầu tiên cần được liệt kê trong danh sách người bị sỏi mật nên ăn kiêng gì. Tuy nhiên, chất béo lại đóng một vai trò quan trọng trong việc việc kích thích thành túi mật co bóp để đẩy dịch mật xuống tới đường tiêu hóa. Chính vì thế, từ bỏ hoàn toàn chất béo là điều không nên mà thay vào đó, người bệnh hãy lựa chọn đúng loại chất béo phù hợp.
– Các loại chất béo cần tránh: Chất béo từ mỡ động vật, đồ ăn chiên rán, đồ ăn nhanh,..
– Các loại chất béo có lợi: Chất béo từ cá hồi, chất béo từ thực vật như dầu oliu, dầu đậu nành, bơ hoặc các loại hạt như hạnh nhân, óc chó, vừng….
Tìm hiểu thêm: Virus viêm gan B có lây qua đường ăn uống không?
Người bệnh có sỏi túi mật hãy lựa chọn loại chất béo phù hợp thay vì kiêng hoàn toàn chất béo.
3. Những lưu ý khác về chế độ ăn cho người bệnh bị sỏi túi mật
Bên cạnh việc kiêng khem chất béo xấu và thay thế bằng các loại chất béo tốt không bão hòa như lưu ý ở trên thì chế độ ăn uống của người bệnh bị sỏi túi mật còn cần lưu ý thêm những điều như sau:
3.1. Thực phẩm nên ăn
– Chất xơ và vitamin
Chất xơ và vitamin là yếu tố quan trọng giúp đề phòng và ngăn ngừa sự hình thành sỏi cholesterol và bùn mật. Người bệnh nên bổ sung thêm các loại rau xanh (khoảng 400 – 500g/ngày), quả mọng có chứa đường fructose dễ hấp thu, các loại ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, bánh mì đen,….
– Sữa ít béo
Những loại sữa ít béo và các chế phẩm từ sữa ít béo bao gồm sữa tươi tách kem, sữa chua, sữa tách béo có tác dụng bổ sung dinh dưỡng tốt mà không sợ làm tăng cholesterol. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể lựa chọn các loại sữa hạt như sữa đậu nành, sữa gạo,… để thay đổi khẩu vị trong thực đơn hằng ngày.
– Chất đạm thực vật
Các loại đạm thực vật từ hạt mè, hạt hướng dương, đậu, các loại rau có màu xanh thẫm,.. có tác dụng chống thoái hóa mỡ tế bào gan. Hạn chế các loại thịt nhất là thịt đỏ như thịt lợn, trâu, bò,.. Nếu muốn dùng thịt, chỉ nên chọn cá hoặc các loại thịt trắng. Lưu ý, nên loại bỏ da và không dùng nước luộc thịt vì chúng sẽ chứa nhiều chất béo không tốt.
>>>>>Xem thêm: Viêm gan siêu vi B được phát hiện bằng cách nào?
Rau củ quả tươi là nguồn thực phẩm giàu chất xơ và vitamin tốt cho người có sỏi túi mật.
3.2. Thực phẩm nên kiêng
– Đồ ăn giàu cholesterol
Cũng giống như chất béo bão hòa, đồ ăn giàu cholesterol cũng được coi là “khắc tinh” hàng đầu của người bệnh có sỏi túi mật. Khi tiêu thụ các loại thực phẩm này (các loại thịt đỏ, lòng đỏ trứng, nội tạng động vật,..) với số lượng nhiều sẽ gây khó tiêu, đầy bụng, đau bụng, ảnh hưởng tới chức năng gan mật, kích thích thành túi mật co bóp mạnh và thậm chí là làm tăng số lượng và kích thước sỏi.
– Sữa béo, đường và tinh bột tinh chế
Những loại thực phẩm từ sữa béo, chứa nhiều đường hay tinh bột tinh chế thường có nhiều chất béo và calo mà người bệnh sỏi túi mật cần hạn chế. Cụ thể là các món tráng miệng, đồ ăn vặt, bánh ngọt, bánh kem, đồ ăn nhẹ như bánh quy, socola….
– Đồ uống có chất kích thích
Rượu, bia, hay thậm chí là cả cà phê, trà, soda cũng chỉ nên tiêu thụ một lượng vừa phải trong chế độ ăn cho người sỏi túi mật. Các chất kích thích trong đồ uống sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến gan, gan dễ nhiễm mỡ, u xơ gan, từ đó là suy yếu chức năng tiết mật của gan.
Bên cạnh một chế độ ăn uống khoa học, chú ý trong việc lựa chọn chất béo phù hợp thì người bệnh sỏi túi mật cũng cần thực hiện một lối sống lành mạnh, vận động điều độ và chủ động thực hiện tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát tình trạng bệnh một cách tốt nhất.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.