U gan là bệnh gì, u gan có nguy hiểm không, u gan có phải là ung thư gan không là những câu hỏi mà nhiều người quan tâm và thắc mắc. Bài viết sau đây của chúng tôi sẽ giải đáp những nỗi lo lắng mà bạn đọc đang gặp phải.
Bạn đang đọc: U gan có nguy hiểm không và những điều cần biết
1. Thông tin chung về u gan
Để trả lời cho câu hỏi u gan có gây nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh hay không, bạn cần hiểu được u gan là gì, có những loại u gan nào. U gan gồm hai dạng là u gan lành tính và u gan ác tính.
1.1 U gan lành tính – nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết
U gan lành tính thường chỉ cố định tại vị trí khởi phát, không có khả năng di chuyển, lan rộng và xâm lấn. U gan lành tính đa số đều phát triển khá chậm và gần như không gây biến chứng cho người bệnh.
Khối u gan lành tính bao gồm u tuyến tế bào gan, u máu, u mỡ, nang gan, u tuyến tế bào gan, u tuyến dạng nang, tăng sản thể nốt khu trú…
Phần lớn người bệnh u gan lành tính không có triệu chứng rõ ràng, đa số được phát hiện tình cờ qua siêu âm hoặc khám bệnh. Dấu hiệu nhận biết rõ nhất là khi các khối u lành tính đủ lớn và gần da, bạn có thể sờ hoặc cảm nhận thấy được.
1.2 U gan ác tính – nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết
U gan ác tính được biết đến với tên gọi khác là ung thư gan nguyên phát, bệnh xuất phát từ các tế bào gan ác tính có thay đổi bất thường về hình thái và chức năng. U gan ác tính có các tế bào ác tính hay ung thư có khả năng phát triển, lan rộng và di căn đến bộ phận khác.
Nguyên nhân hình thành ung thư gan nguyên phát là do:
– Bệnh nhân mắc các bệnh xơ gan do rượu, xơ gan do nhiễm virus viêm gan B, virus viêm gan C, xơ gan do nhiễm sắt
– Bệnh nhân mắc viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C mạn tính
– Người mắc béo phì, người mắc gan nhiễm mỡ không do rượu, tiểu đường loại 2…
– Một số nguyên nhân khác là do thói quen uống nhiều rượu bia quá nhiều, nhiễm độc tố aflatoxin, sử dụng thuốc tránh thai kéo dài,…
U gan ác tính sẽ có dấu hiệu nhận biết rõ ràng hơn u gan lành tính, đặc biệt là khi ở trong giai đoạn tiến triển như: Vàng mắt, vàng da, đau bụng dữ dội phần bên phải, bụng phình to, giảm sụt cân nhanh chóng, cơ thể mệt mỏi, chán ăn, ăn nhanh no…
U gan ác tính được biết đến với tên gọi khác là ung thư gan nguyên phát
2. Mức độ nguy hiểm của u gan lành tính và ác tính
2.1 U gan có nguy hiểm không – mức độ nguy hiểm u gan lành tính
U gan lành tính không gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh bởi không gây ảnh hưởng đến tế bào khác, không có khả năng di căn. Người bệnh có thể hoàn toàn yên tâm mà không cần quá lo lắng khi biết rằng mình loại u này.
Bên cạnh đó bạn nên có chế độ ăn hợp lý, hạn chế nạp các thực phẩm không an toàn cho sức khỏe. Phối kết hợp hoạt động thể chất để nâng cao sức khỏe cơ thể, đặc biệt giúp gan có thể hoạt động tốt nhất.
Bạn cũng nên kiểm tra sức khỏe định kỳ, thực hiện tốt lời khuyên của bác sĩ để có một thể trạng sức khỏe ổn định nhất.
Tìm hiểu thêm: Nguyên tắc điều trị sán lá gan nhỏ bạn cần nắm vững
U nang gan là một dạng u gan lành tính không gây nguy hiểm đến tính mạng
2.2 U gan có nguy hiểm không – mức độ nguy hiểm u gan ác tính
Trái lại với u gan lành tính chỉ là những khối u tự phát, tốc độ phát triển chậm, không di căn và không gây nguy hiểm cho người bệnh, thì u gan ác tính ngược lại. U gan ác tính còn được biết đến là ung thư gan nguyên phát có tốc độ phát triển nhanh nếu không được điều trị kịp thời. Người bệnh sẽ gặp nhiều biến chứng như suy gan, suy thận, di căn tới những cơ quan khác trên cơ thể, làm suy yếu sức khỏe tổng quát.
Ngoài ra, ung thư gan nguyên phát là căn bệnh nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao. Nếu bệnh nhân được phát hiện trong giai đoạn sớm, kích thước khối u vẫn còn nhỏ, có khả năng sống trên 5 năm lên đến 80% sau điều trị.
Tuy nhiên đại đa số người bệnh phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn nặng, gặp khó khăn trong điều trị, cơ hội sống thấp. Việc điều trị cho bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối mục đích là làm giảm triệu chứng, kéo dài thêm thời gian sống. Thời gian sống trên 5 năm của bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối chỉ còn 3%.
3. Điều trị u gan như thế nào?
3.1 Điều trị u gan lành tính
Phần lớn người bệnh u gan lành tính có biểu hiệu nhận biết rất mờ nhạt, và không rõ ràng, khối u chậm phát triển và ít ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Chính vì vậy không bắt buộc phải điều trị, tuy nhiên người bệnh cần phối kết hợp chế độ sinh hoạt, ăn uống khoa học để làm giảm tối đa sự phát triển của khối u.
Ngoài ra, do sự phát triển nhanh hay chậm của khối u là tùy vào mỗi bệnh nhân, nên người bệnh vẫn cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên để phòng tránh và có biện pháp xử lý để cải thiện sức khỏe gan.
Trong một số trường hợp, khối u gan lành tính sẽ được bác sĩ chỉ định dùng thuốc để thuyên giảm đau và ngưng sự phát triển. Hoặc can thiệp phẫu thuật cắt bỏ để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Theo nhiều nghiên cứu, có khoảng 15% các trường hợp u gan lành tính có triệu chứng, khả năng tăng kích thước nhanh hoặc có nguy cơ diễn biến ác tính và cần can thiệp điều trị phẫu thuật. Do đó người bệnh không nên chủ quan mà cần nghe theo hướng dẫn của bác sĩ.
>>>>>Xem thêm: Điều trị viêm gan C như thế nào để có hiệu quả?
Bệnh nhân đến thăm khám sức khỏe gan định kỳ tại Thu Cúc TCI
3.2 Các phương pháp điều trị u gan ác tính
Điều trị ung thư gan gây ra do khối u ác tính bằng phương pháp phẫu thuật vẫn đang là phương pháp chính để cắt bỏ hoàn toàn tế bào ung thư, loại bỏ chúng ra ngoài cơ thể để ngăn chặn tối đa sự phát triển. Tuy nhiên phẫu thuật ung thư gan vẫn còn hạn chế, bởi chỉ áp dụng cho bệnh nhân ung thư trong giai đoạn sớm.
Ngoài ra nếu phẫu thuật còn sót lại các tế bào ung thư bác sĩ sẽ chỉ định thêm các biện pháp khác để tiêu diệt hoàn toàn, tránh tái phát.
Trong trường hợp không thể tiến hành phẫu thuật, bác sĩ sẽ dựa trên tình trạng sức khỏe, giai đoạn bệnh, tình trạng khối u.. để đưa ra phác đồ điều trị triệt để nhất. Một trong những phương pháp có thể kể đến là: Xạ trị ung thư gan, hóa trị, liệu pháp miễn dịch, nút mạch điều trị ung thư gan,…
Vậy mức độ nguy hiểm của u gan là tùy thuộc vào loại u nào. Chính vì vậy bạn cần nên đi thăm khám tại các cơ sở y tế nếu cơ thể có dấu hiệu bất thường để được chẩn đoán chính xác u lành tính hay ác tính. Từ đó bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên hoặc phương pháp điều trị tùy vào từng loại bệnh. Ngoài ra để luôn bảo vệ bản thân, hạn chế tối đa nguy cơ mắc ung thư, hoặc gia tăng tỷ lệ điều trị thành công, bạn cần quan tâm đến tầm soát sức khỏe định kỳ.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.