Theo thống kê, có tới 20-30% người Việt Nam bị gan nhiễm mỡ, nghĩa là cứ 10 người thì 2 – 3 người mắc căn bệnh này. Bên cạnh đó, có tới 10-25% bệnh nhân gan nhiễm mỡ có thể dẫn đến xơ gan và có khoảng 4% sẽ bị ung thư gan. Bạn đã biết điều trị gan nhiễm mỡ hiện nay chưa có phác đồ nào cụ thể mà chủ yếu là điều trị bằng cách làm giảm yếu tố nguy cơ. Chính vì vậy chế độ dinh dưỡng đóng vai trò mật thiết trong việc điều trị gan nhiễm mỡ. Vậy gan nhiễm mỡ nên ăn gì? Thực phẩm nào tốt để cải thiện tình trạng bệnh sẽ được chúng tôi liệt kê trong bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Gan nhiễm mỡ nên ăn gì để cải thiện bệnh
1. Tổng quan về bệnh gan nhiễm mỡ
1.1 Bệnh gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ được biết đến là một tình trạng trong gan có lượng mỡ bị tích tụ quá nhiều so với tiêu chuẩn. Đối với người bình thường gan khỏe mạnh, lượng mỡ chỉ chiếm 2-4%. Trong khi đó ở bệnh nhân gan nhiễm mỡ sẽ có lượng mỡ trong gan vượt quá 5% trọng lượng gan. Việc lượng mỡ trong gan lớn hơn đồng nghĩa với việc tình trạng bệnh đang ở giai đoạn nặng hơn.
– Gan nhiễm mỡ cấp độ 1: Lượng mỡ chiếm từ 5-10% trọng lượng gan. Đây là giai đoạn gan nhiễm mỡ mức độ nhẹ, chất béo bắt đầu tích tụ.
– Gan nhiễm mỡ cấp độ 2: Lượng mỡ ở mức từ 10-25% trọng lượng gan. Là mức độ gan nhiễm mỡ vừa, các tế bào bị tổn thương gây viêm viêm, và hình thành sẹo.
– Gan nhiễm mỡ cấp độ 3: Lượng mỡ vượt quá 30% trọng lượng gan, là mức độ nặng của bệnh, mô sẹo đã thay thế các tế bào gan. Vậy nên bệnh đã rất khó điều trị và phục hồi, dễ dẫn đến các nguy cơ xơ gan, ung thư gan…
Người mắc bệnh gan nhiễm mỡ có lượng mỡ trong gan tối thiểu trong khoảng 5-10%
1.2 Nguyên nhân gây nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ
Có 2 nhóm nguyên nhân chính gây ra bệnh gan nhiễm mỡ là gan nhiễm mỡ do rượu và gan nhiễm mỡ không do rượu.
– Gan nhiễm mỡ do rượu: Rượu bia là nguyên nhân phổ biến dẫn đến mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Khi rượu được tiêu thụ với lượng lớn sẽ tăng khả năng huy động mỡ từ mô dự trữ, làm tăng ức chế quá trình oxy hóa axit béo và quá trình tổng hợp glucose dẫn đến tình trạng tích tụ mỡ trong gan.
Ngoài ra gan đóng vai trò chính trong việc lọc rượu bia khi nạp vào cơ thể. Gan sẽ bị suy yếu và các tế bào gan bị phá hủy khi quá trình lọc rượu quá tải, các chất độc không được đào thải.
– Gan nhiễm mỡ không do rượu: Thường do rối loạn chuyển hóa mỡ không kịp, lượng mỡ thừa sẽ tích tụ trong gan hình thành nên bệnh.
Nhiều nghiên cứu tại Việt Nam đã chỉ ra, có khoảng 75% người béo phì và tiểu đường type 2 mắc bệnh lý gan nhiễm mỡ. Trước đây, bệnh thường gặp ở người lớn tuổi, tuy nhiên hiện nay độ tuổi mắc bệnh đã trẻ hóa hơn nhiều. Cụ thể là nhiều trẻ em mới 15-16 tuổi đã mắc bệnh gan nhiễm mỡ do béo phì, thừa cân. Trong đó có khoảng 50% trẻ bị béo phì mắc gan nhiễm mỡ.
Tuy nhiên đây không phải bệnh của người béo phì mà ngay cả người gầy cũng mắc gan nhiễm mỡ, do đó bạn cũng không nên chủ quan.
Không chỉ do các vấn đề về bệnh lý béo phì, tiểu đường, máu nhiễm mỡ, mà còn một số nguyên nhân xuất phát từ việc sụt cân quá nhanh, tác dụng phụ của một số loại thuốc…
2. Bệnh nhân gan nhiễm mỡ nên ăn gì để đạt được hiệu quả điều trị
Với gan nhiễm mỡ, sẽ không có các loại thuốc điều trị bệnh trực tiếp hay áp dụng các phương pháp như phẫu thuật. Nhưng bệnh có thể cải thiện nếu người bệnh thay đổi lối sống lành mạnh để làm giảm bớt yếu tố nguy cơ. Một trong số đó phải kể đến chế độ ăn uống khoa học, nạp nhiều thực phẩm tốt cho gan để tình trạng bệnh được cải thiện nhanh chóng hơn. Ở đây, chúng tôi có một số lời khuyên cho các bạn về một số loại thực phẩm nên sử dụng trong chế độ dinh dưỡng như sau:
2.1 Gan nhiễm mỡ nên ăn gì – Axit béo omega 3, chất béo không bão hòa
Người bệnh nên kiêng mỡ động vật, bởi khi nạp vào cơ thể quá nhiều mỡ động vật sẽ tạo gánh nặng trong quá trình đào thải ở gan. Thay vào đó nên sử dụng các loại chất béo không bão hòa có tác dụng làm giảm cholesterol. Một số loại thực phẩm nên dùng là dầu thực vật, quả óc chó, hạt lanh, quả bơ,..
Axit béo Omega-3 có trong cá ngừ, cá hồi, cá thu, nhộng tằm…có tác dụng làm giảm nồng độ triglyceride trong máu. Đây là một trong những yếu tố gây nên bệnh gan nhiễm mỡ.
Tìm hiểu thêm: Khám gan ở đâu? bệnh viện Thu Cúc
Thực phẩm chứa chất béo không bão hòa rất tốt cho quá trình điều trị gan nhiễm mỡ
2.2 Thực phẩm nhiều vitamin và chất chống oxy hóa
Một số loại vitamin có tác dụng rất tốt trong quá trình điều trị mỡ trong gan cao.
– Vitamin E là chất chống oxy hóa có khả năng giúp giảm viêm tại gan, tránh tích tụ mỡ trong gan.
– Vitamin C là chất chống oxy hóa, nếu kết hợp với vitamin E sẽ hỗ trợ quá trình điều trị hiệu quả bệnh gan nhiễm mỡ.
– Vitamin D trong cơ thể thấp có thể khiến gan của bạn đang mắc bệnh trở nặng hơn.
– Vitamin B3 có khả năng làm giảm mức chất béo trung tính trong máu
Các thực phẩm chứa chất chống oxy hóa sẽ làm giảm chất béo trong máu, thực phẩm chứa vitamin giúp gan sản xuất glutathione tác động tích cực lên quá trình giải độc của gan.
Bạn có thể bổ sung các thực phẩm chứa vitamin, chất chống oxy hóa bằng các loại rau củ quả tươi đặc biệt là sản phẩm hữu cơ: Bông cải xanh, bông atiso, chuối, táo, cam, quýt, mâm xôi, việt quất, dâu tây, bưởi…
2.3 Gan nhiễm mỡ nên ăn gì – Bổ sung chất xơ vào chế độ ăn
Bởi lượng mỡ trong gan cao nên chắc chắn người bệnh cần bổ sung nhóm thực phẩm giàu chất xơ. Với mục đích để cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ nhờ khả năng làm giảm lượng cholesterol xấu trong máu, đồng thời thúc đẩy quá trình tiêu hóa, làm hạn chế tối đa sự tồn đọng của chất độc trong cơ thể. Bệnh nhân có thể tham khảo và đưa vào thực đơn của mình các thực phẩm sau:
– Chất xơ hòa tan giúp làm giảm cholesterol và đường trong máu: Có trong nấm hương, đậu Hà Lan, cà chua, rau ngót, diếp cá, bưởi, cam, quýt, ớt vàng…
– Chất xơ không hòa tan thúc đẩy quá trình tiêu hóa, chuyển hóa chất thải có trong gan: Lá sen, rau cần, ngô, ngũ cốc nguyên hạt…
2.4 Một số loại thực phẩm khác người mắc gan nhiễm mỡ nên sử dụng
– Protein & sữa: Thực phẩm chứa protein phù hợp cho người mắc gan nhiễm mỡ gồm thịt nạc: Thịt gia cầm (nên ăn phần thịt ức, các phần thịt khác có thể sử dụng bằng cách loại bỏ mỡ và da), cá, hải sơn, đậu nành, trứng, các loại đậu… Các thực phẩm này sẽ giúp duy trì cân nặng, giảm cân hoặc giảm mỡ nhưng vẫn đảm bảo năng lượng cho cơ thể.
Các loại sữa nên sử dụng là sữa không đường, sữa không béo, sữa hạt, sữa chua,…
– Một số loại đồ uống như atiso, trà lá sen, nụ vối.. có tác dụng làm mát, thanh lọc cơ thể giúp chống tích tụ mỡ trong gan.
3. 3 lưu ý về các thực phẩm không nên ăn giúp quá trình điều trị hiệu quả
Ngoài những thực phẩm bạn nên bổ sung để điều trị cải thiện tình trạng bệnh, bạn cũng cần lưu ý tránh và hạn chế ăn một số loại thức ăn sau để không làm gia tăng lượng mỡ trong gan:
– Nói không và tránh xa các loại đồ uống có cồn – đây là yếu tố bắt buộc đối với bệnh nhân mắc gan nhiễm mỡ nói chung. Việc tiếp tục sử dụng rượu bia trong khi mắc bệnh sẽ làm gia tăng triệu chứng bệnh trở nặng, có thể dẫn đến xơ gan, ung thư gan và nguy cơ tử vong.
– Hạn chế chất béo, mỡ động vật, gia vị cay nóng, thực phẩm chứa hàm lượng cholesterol cao, thịt đỏ. Các thực phẩm này khiến gan không thể bài tiết mỡ, dẫn đến tích tụ và ngày càng gây nguy hiểm hơn.
– Hạn chế các loại hoa quả chứa hàm lượng đường fructose cao, sẽ dễ gây ra các bệnh béo phì, tiểu đường, gan nhiễm mỡ.
Nhìn chung, để cải thiện được bệnh gan nhiễm mỡ, thực đơn của người bệnh cần được theo dõi sát sao, và phải kiên trì bám sát thì việc kiểm soát và ngăn ngừa lượng mỡ thừa có trong gan mới có hiệu quả.
>>>>>Xem thêm: 5 biến chứng nguy hiểm của bệnh xơ gan bạn cần biết
Bệnh nhân mắc gan nhiễm mỡ tuyệt đối không uống rượu bia sẽ làm tình trạng bệnh nặng hơn
4. Kiểm soát gan nhiễm mỡ bằng chế độ sinh hoạt khoa học
Bên cạnh việc áp dụng chế độ ăn uống theo nguyên tắc, bạn cũng cần có chế độ luyện tập thể dục thể thao để để nâng cao sức đề kháng và tăng khả năng chuyển hóa ở gan.
Nếu bạn mắc gan nhiễm mỡ do béo phì hoặc do thói quen ăn uống, thì tập thể dục thể thao để giảm cân là điều không thể thiếu. Việc luyện tập hàng ngày sẽ giúp kiểm soát lượng mỡ dư thừa trong cơ thể đồng thời làm giảm đáng kể lượng chất béo tích tụ trong gan, tăng cường hệ thống miễn dịch. Tuy nhiên cần lưu ý không giảm cân nhanh, giảm cân không khoa học làm chức năng gan thêm suy yếu.
Bệnh nhân gan nhiễm mỡ cần đến các cơ sở y tế khám chẩn đoán bệnh, để bác sĩ tư vấn xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp. Ngoài ra người bệnh cần tuân thủ các chỉ dẫn của bác sĩ để nhanh chóng cải thiện tình trạng bệnh. Đặc biệt khi mắc gan nhiễm mỡ bạn cũng cần kiểm tra sức khỏe định kỳ theo yêu cầu để đánh giá được các chỉ số trong gan. Nếu trường hợp phát hiện những biến chứng của bệnh sẽ có phương pháp xử lý kịp thời.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.