Hầu hết các trường hợp tay chân miệng nhẹ đều có thể tự khỏi. Tuy nhiên, vẫn có một số ít trường hợp tay chân miệng biến chứng, đe dọa tính mạng trẻ. Vậy, bé bị tay chân miệng uống thuốc gì để hạn chế biến chứng và nhanh chóng hồi phục. Trong bài viết sau, Thu Cúc TCI xin chia sẻ với bố mẹ hướng dẫn cơ bản của bác sĩ nhi khoa về cách dùng thuốc điều trị tay chân miệng đúng cách.
Bạn đang đọc: Giải đáp: Bé bị tay chân miệng uống thuốc gì?
1. Tay chân miệng và thông tin quan trọng bố mẹ phải biết
1.1. Nguyên nhân tay chân miệng
Tay chân miệng là một hội chứng lâm sàng, gây ra bởi một nhóm các virus đường ruột (Enterovirus), điển hình như: Virus Coxsackievirus A16 (nhóm A16) và Enterovirus 71 (EV71). Trong đó, virus Coxsackievirus A16 là phổ biến nhất; tay chân miệng do Coxsackievirus A16 hầu hết là triệu chứng nhẹ, ít biến chứng và thường tự khỏi. Enterovirus 71 gây tay chân miệng triệu chứng nặng hơn và nhiều biến chứng hơn.
Tay chân miệng rất dễ lây do Enterovirus có thể “di chuyển” rất dễ từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch tiết đường hô hấp (dịch mũi, dịch họng,…) và dịch tiết đường tiêu hóa (phân,…).
1.2. Dấu hiệu nhận biết bệnh truyền nhiễm cấp tính tay chân miệng
Khi mắc tay chân miệng trẻ thường: Sốt, thường chỉ dưới 38.5 độ C; đau miệng, đau họng; xuất hiện các triệu chứng tại chỗ như tổn thương niêm mạc miệng (các loét miệng đường kính 2 – 3mm, nằm ở môi, lợi, lưỡi, má trong), tổn thương da (phỏng nước nằm ở lòng bàn tay, mông, đầu gối, lòng bàn chân); ăn kém; quấy khóc;…
Sốt là một biểu hiện của tay chân miệng ở trẻ.
1.3. Biến chứng tay chân miệng
Nguyên nhân của hầu hết các trường hợp tay chân miệng là Virus Coxsackievirus A16. Và với nguyên nhân này, hầu hết các trường hợp tay chân miệng là nhẹ. Tuy nhiên, vẫn có một số ít trường hợp tay chân miệng biến chứng, đe dọa tính mạng trẻ. Các biến chứng này bao gồm: Rối loạn nước – điện giải do nôn, trớ hoặc do không ăn uống được; biến chứng thần kinh (viêm màng não vô khuẩn, viêm não); loét giác mạc; viêm cơ tim; liệt mềm; sau khi mắc tay chân miệng, trẻ có thể mất một số móng tay hoặc móng chân.
2. Giải đáp chi tiết: Bé bị tay chân miệng uống thuốc gì?
Điều trị tay chân miệng chủ yếu là điều trị hỗ trợ hay điều trị triệu chứng. Trong quá trình đó, trẻ có biến chứng cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
2.1. Hướng dẫn dùng thuốc điều trị tay chân miệng đúng cách
– Thuốc hạ sốt, giảm đau: Bố mẹ cho trẻ uống Paracetamol hoặc Ibuprofen để hạ sốt, giảm đau nếu trẻ sốt cao và đau nhiều. Bố mẹ tuyệt đối không dùng Aspirin cho trẻ vì thuốc này có thể dẫn đến hội chứng Reye, gây bệnh lý nguy hiểm ở não và gan, có nguy cơ làm trẻ tử vong. Ở đây mục đích dùng thuốc có thể là giảm đau, nên dù trẻ không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ, vẫn có thể sử dụng. Liều dùng giảm đau tương tự liều dùng hạ sốt, tức Paracetamol 10 – 15 mg/kg, lặp lại mỗi 4 – 6 giờ, không quá 5 lần/24h; Ibuprofen 10mg/kg, lặp lại mỗi 6 – 8 giờ.
Tìm hiểu thêm: Xét nghiệm cúm A: Chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời
Bố mẹ cho trẻ uống Paracetamol hoặc Ibuprofen để hạ sốt, giảm đau.
– Thuốc kháng sinh: Dùng trong trường hợp trẻ tay chân miệng có bội nhiễm.
– Thuốc kháng Histamin đường uống: Dùng trong trường hợp trẻ tay chân miệng ngứa nhiều.
Tuy nhiên, các thuốc kháng sinh và kháng histamin đường uống bố mẹ chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, bố mẹ không cho trẻ uống thuốc kháng virus như acyclovir, vì chúng không có hiệu quả trong điều trị Enterovirus.
Bên cạnh dùng thuốc thì bố mẹ cũng cần bù nước, bù điện giải cho trẻ. Để làm được việc đó, bố mẹ có thể cho trẻ uống dung dịch Oresol. Lưu ý, việc pha và sử dụng dung dịch Oresol cần tuân thủ một số nguyên tắc như sau:
– Nguyên tắc pha: Pha dung dịch Oresol chính xác theo hướng dẫn của nhà sản xuất được in trên bao bì. Điều đó đồng nghĩa với việc bố mẹ phải tuân thủ đúng tỷ lệ nước – Oresol, không ước lượng. Dùng nước lọc, không dùng các dung dịch khác như sữa, nước trái cây,… để pha. Không đun sôi dung dịch sau pha. Dung dịch này cũng không được thêm đường hay bất cứ gia vị nào khác.
– Nguyên tắc sử dụng: Trẻ dưới 2 tuổi uống 50 – 100ml sau sốt, ngày uống 2 – 3 lần. Trẻ từ 2 đến 10 tuổi uống 100 – 200ml sau sốt, ngày uống 2 – 3 lần. Trẻ trên 10 tuổi uống đến hết khát. Hoặc bố mẹ có thể tính toán lượng dung dịch Oresol phù hợp với từng trẻ theo công thức sau: Lượng dung dịch Oresol (ml)/4 giờ = cân nặng của trẻ (kg) x 75ml.
– Một số nguyên tắc khác: Trẻ dưới 2 tuổi nên uống Oresol từng thìa. Trẻ trên 2 tuổi có thể uống từng ngụm. Ngưng cho trẻ uống nếu trẻ nôn và thử lại sau khoảng 10 phút. Nếu mi mắt trẻ sưng hoặc trẻ nôn nhiều, ngưng hẳn và tham khảo ý kiến chuyên gia. Bỏ dung dịch Oresol đã pha quá 24 giờ, không bảo quản lạnh.
2.1. Dấu hiệu cho thấy cần cho trẻ tay chân miệng nhập viện
Nên cho trẻ nhập viện ngay khi có các triệu chứng: Sốt kéo dài 2 ngày hoặc sốt trên 39 độ C, đáp ứng kém với thuốc hạ sốt; quấy khóc nhiều vô cớ, không thể dỗ nín; ngủ gà; nôn nhiều, ăn hoặc bú rất kém; giật mình lúc ngủ hoặc rùng mình, run người lúc thức; đi lại loạng choạng hoặc ngồi không vững; khó thở hoặc thở bất thường.
>>>>>Xem thêm: Dính dây thắng lưỡi và hệ lụy không thể chủ quan
Khi trẻ quấy khóc nhiều, không dỗ được, bố mẹ nên cho trẻ nhập viện.
Phía trên là câu trả lời cho câu hỏi bé bị tay chân miệng uống thuốc gì. Theo đó, bé bị tay chân miệng để hạ sốt, giảm đau có thể uống Paracetamol hoặc Ibuprofen. Bé cũng có thể uống thuốc kháng sinh nếu bội nhiễm và thuốc kháng Histamin nếu ngứa nhiều. Tuy nhiên, hai thuốc này trẻ chỉ được uống khi có chỉ định của chuyên gia. Ngoài thuốc, trẻ tay chân miệng cũng nên uống dung dịch Oresol để bù nước, bù điện giải. Tương tự như thuốc, dung dịch Oresol uống sai cách cũng có thể gây hại cho trẻ. Chính vì vậy, bố mẹ cần tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn sử dụng dung dịch Oresol của nhà sản xuất hoặc chuyên gia.
Hy vọng rằng với chúng, bố mẹ sẽ chăm sóc trẻ tay chân miệng hiệu quả, giúp trẻ nhanh chóng hồi phục. Để biết thêm các thông tin khác liên quan đến điều trị tay chân miệng, liên hệ ngay Thu Cúc TCI, bố mẹ nhé!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.