Tiêm vắc xin được khuyến cáo cho tất cả mọi người bao gồm trẻ em mới chào đời cho đến người lớn, phụ nữ mang thai và cả những người cao tuổi. Tuy nhiên nhiều người vẵn chưa thực sự hiểu vắc xin là gì và tác dụng phòng bệnh của vắc xin ra sao. Trong bài viết này TCI sẽ giúp bạn tìm hiểu về vắc xin và tác dụng của vắc xin để bạn hiểu hơn về cách phòng bệnh này. Cùng tìm hiểu nhé!
Bạn đang đọc: Vắc xin và tác dụng phòng bệnh của vắc xin
1. Tìm hiểu về vắc xin
1.1. Vắc xin là gì?
Vắc xin là một sản phẩm y tế được sản xuất từ các virus, vi khuẩn gây bệnh hoặc từ độc tố của các virus, vi khuẩn gây bệnh hoặc từ các thành phần tương tự như chúng. Trong quá trình sản xuất các thành phần gây bệnh sẽ được làm yếu hoặc giết chết để chúng không có khả năng gây bệnh khi tiêm chủng. Tuy nhiên khi tiêm vắc xin vào cơ thể, vắc xin vẫn có thể kích thích hệ miễn dịch sản xuất ra các kháng thể để chống lại các tác nhân gây bệnh. Nhờ vào sự kích thích này, cơ thể sẽ có khả năng tự bảo vệ mình khỏi các bệnh truyền nhiễm nếu tiếp xúc với tác nhân gây bệnh trong tương lai.
1.2. Đánh giá tính an toàn và hiệu quả của vắc xin phòng bệnh
Về mặt an toàn:
Vắc xin được coi là rất an toàn. Tất cả các loại vắc xin đều trải qua các thử nghiệm nghiêm ngặt, bao gồm cả các thử nghiệm lâm sàng trước khi được phê duyệt và sử dụng rộng rãi. Các quốc gia chỉ đăng ký và phân phối vắc xin sau khi chúng đáp ứng được các tiêu chuẩn chặt chẽ về chất lượng và an toàn nên người dân có thể hoàn toàn yên tâm khi quyết định tiêm chủng.
Tiêm vắc xin rất an toàn với con người
Về mặt hiệu quả:
Vắc xin đã được chứng minh là một biện pháp hiệu quả để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc tiêm vắc xin đã giúp giảm tỷ lệ tử vong do các bệnh truyền nhiễm xuống thấp hơn rất nhiều so với chưa có vắc xin. Ví dụ như đại dịch Covid 19 vừa qua, nhờ có vắc xin chúng ta đã giảm thiểu khả năng nhiễm bệnh, gặp biến chứng nặng và lây lan bệnh trong cộng đồng, đưa xã hội trở về bình thường.
Đánh giá hiệu quả của vắc xin cũng được thực hiện thông qua các nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng. Các kết quả cho thấy, việc tiêm vắc xin đã giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh và giảm độ nặng của bệnh nếu đã bị nhiễm.
2. Tìm hiểu về tác dụng phòng bệnh của vắc xin
Vắc xin có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa dịch bệnh vì nó giúp cơ thể sản xuất ra các kháng thể phòng bệnh trước khi bị nhiễm bệnh. Điều này giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh khi tiếp xúc với chúng một cách nhanh chóng và hiệu quả. Nếu không có vắc xin, cơ thể sẽ phải đối mặt với các tác nhân gây bệnh mà không có khả năng tự bảo vệ, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh cao hơn và gặp biến chứng nguy hiểm.
Tìm hiểu thêm: Lưu ý về các loại vắcxin cần tiêm cho trẻ dưới 2 tuổi
Vắc xin giúp cơ thể sản xuất ra các kháng thể phòng bệnh trước khi bị nhiễm bệnh
Vắc xin cũng có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của các dịch bệnh. Khi số đông người trong cộng đồng đã được tiêm vắc xin, họ sẽ có khả năng tự bảo vệ khỏi bệnh và không thể truyền nhiễm cho những người khác. Điều này giúp giảm thiểu tối đa sự lây lan của bệnh trong cộng đồng và bảo vệ những người có sức khỏe yếu không thể tiêm vắc xin.
Ngoài ra khi nói đến tác dụng của vắc xin cũng không thể không nhắc đến lợi ích tiết kiệm chi phí điều trị. Khi cơ thể được bảo vệ bởi bắc xin, bạn sẽ không bị nhiễm bệnh hoặc nếu nhiễm bệnh thì biểu hiện cũng rất nhẹ giúp tiết kiệm chi phí thuốc thang và phải nhập viện điều trị.
3. Đối tượng nên tiêm & không nên tiêm vắc xin
Vắc xin là biện pháp phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả, vì thế tất cả mọi người bao gồm trẻ em, người lớn, phụ nữ mang thai, người cao tuổi đều được khuyến cáo nên tiêm đầy đủ các loại vắc xin cần thiết và phù hợp để bảo vệ sức khỏe.
Tuy nhiên có một số trường hợp đặc biệt, đối tượng không nên tiêm vắc xin vì có thể gặp những phản ứng phụ nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nhóm người nên cân nhắc thận trọng khi tiêm vắc xin là:
– Những người từng bị dị ứng với bất cứ thành phần nào có trong vắc xin
– Những người bị sốt cao, bệnh nặng hoặc đang trong giai đoạn hồi phục sau khi mắc bệnh.
– Người thuộc các trường hợp không tiêm chủng/tạm hoãn tiêm chủng khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất cho từng loại vắc xin.
Mọi quyết định về tiêm vắc xin cần được đưa ra bởi bác sĩ tiêm chủng. Trước khi tiêm chủng, người tiêm chủng cần thực hiện khám sàng lọc và tham khảo ý kiến của bác sĩ để nhận chỉ định tiêm chủng phù hợp, an toàn với bạn.
4. Khuyến cáo về tiêm vắc xin cho cộng đồng
Để tác dụng của vắc xin đạt được hiệu quả tối đa, việc tiêm vắc xin cần được thực hiện đúng cách và đầy đủ. Dưới đây là một số khuyến cáo khi thực hiện tiêm vắc xin dành cho mọi người:
– Thực hiện tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch: Mỗi lứa tuổi sẽ cần thực hiện tiêm các loại vắc xin khác nhau và mỗi loại vắc xin sẽ có phác đồ tiêm chủng khác nhau. Bạn cần thực hiện tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để có thể phòng được nhiều loại bệnh nguy hiểm đạt được hiệu quả phòng bệnh tối đa.
>>>>>Xem thêm: Những tác dụng phụ của vắc xin 6 trong 1 cần biết
Thực hiện tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch là quan trọng để đảm bảo tác dụng phòng bệnh của vắc xin
– Tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ trong quá trình tiêm: Trước khi tiêm vắc xin, cần khám sàng lọc với bác sĩ để kiểm tra xem tình trạng sức khỏe bạn có đủ điều kiện để tiêm vắc xin không. Tham khảo ý kiến của bác sĩ và tuân thủ theo chỉ định của họ là cần thiết để đảm bảo an toàn trong tiêm chủng
– Theo dõi các biểu hiện sau tiêm: Sau khi tiêm vắc xin, cần theo dõi các biểu hiện như đau đầu, sốt, đỏ và sưng tại chỗ tiêm… Nếu triệu chứng nặng hoặc kéo dài hoặc xuất hiện các phản ứng phụ nghiêm trọng như tím tái, khó thở, li bì, co giật, phản ứng dị ứng cần liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.
Vắc xin là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm. Việc tiêm vắc xin cần được thực hiện đúng cách và đầy đủ để đạt được tác dụng tối đa. Bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu về các loại vắc xin, nhận tư vấn tiêm chủng và tiêm chủng an toàn vui lòng liên hệ Phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI để được hỗ trợ.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.