Viêm túi mật là tình trạng túi mật sưng viêm với dấu hiệu là những cơn đau từ âm ỉ cho đến dữ dội. Một phác đồ điều trị viêm túi mật hiệu quả sẽ chấm dứt được những đau đớn, ngăn chặn kịp thời các biến chứng nguy hiểm và phục hồi sức khỏe toàn diện cho bệnh nhân.
Bạn đang đọc: Phác đồ điều trị viêm túi mật bạn cần biết
1. Định nghĩa viêm túi mật
Viêm túi mật được định nghĩa là tình trạng túi mật bị sưng viêm, với biểu hiện là thành túi mật bị dày lên, lâu dần túi mật không thể thực hiện trọn vẹn được chức năng của mình. Phần lớn các ca viêm túi mật đều do sỏi hình thành ở túi mật gây nên, theo thống kê tỉ lệ này là 90%.
Viêm túi mật cũng phân loại thành viêm túi mật cấp tính và viêm túi mật mạn tính.
– Viêm túi mật cấp tính chỉ tình trạng cơn đau xuất hiện khi sỏi làm tắc nghẽn ống túi mật, bệnh nhân đau quặn bụng phải, cơn đau kéo dài nhiều giờ và có thể gặp biến chứng nếu không cấp cứu kịp thời. Những biến chứng có thể gặp đó là vỡ mật, dịch mật tràn gây viêm phúc mạc, viêm nhiễm ổ bụng…
– Viêm túi mật mạn tính không có triệu chứng rõ ràng, thường biểu hiện qua sự chán ăn, mệt mỏi, chướng bụng… và người bệnh nhanh chóng bỏ qua các dấu hiệu này. Viêm túi mật mạn tính không phải là trường hợp cấp cứu nhưng có thể tái phát cơn đau cấp tính gây nguy hiểm.
Viêm túi mật được định nghĩa là tình trạng túi mật bị sưng viêm, với biểu hiện là thành túi mật bị dày lên
2. Phác đồ điều trị viêm túi mật hiệu quả
2.1. Phác đồ điều trị viêm túi mật giai đoạn đầu
Giai đoạn đầu của điều trị, bác sĩ sẽ dùng thuốc để giảm bớt cơn đau của bệnh nhân, chờ tình trạng ổn định hơn để chuyển đến điều trị ở giai đoạn 2.
Nguyên tắc điều trị nội khoa (dùng thuốc) bao gồm:
– Bệnh nhân cần nhịn ăn và có thể đặt thông mũi – dạ dày nhằm giảm bớt áp lực lên túi mật và tụy.
– Bổ sung dinh dưỡng bằng cách truyền dịch
– Sử dụng các loại thuốc giảm đau, chống viêm
– Sử dụng các loại kháng sinh, cô bóp hoặc thuốc ức chế giao cảm…
– Các chỉ số bạch cầu, các triệu chứng sốt, nôn… cần được theo dõi hàng giờ để kịp thời phát hiện những diễn tiến bất thường.
Nếu tình trạng viêm túi mật nhẹ, qua cơn đau không gây nguy hiểm thì có thể uống thuốc kháng sinh để điều trị mà không mổ. Tuy nhiên điều trị bằng thuốc thì viêm túi mật có thể tái phát sau này. Sau khi tình trạng viêm ổn định trở lại, bác sĩ có thể có chỉ định cắt, tuy nhiên cắt bỏ túi mật hay không còn phụ thuộc vào mong muốn và yêu cầu của bệnh nhân.
Tình trạng nghiêm trọng hơn, nếu xuất hiện biến chứng, bắt buộc phải mổ cấp cứu thì chuyển sang giai đoạn 2.
Tìm hiểu thêm: Túi mật có polyp có nguy hiểm không và những điều cần biết
Phác đồ điều trị viêm túi mật giai đoạn đầu thường dùng thuốc để ổn định tình trạng bệnh
2.2. Phác đồ điều trị viêm túi mật giai đoạn 2
Bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị ngoại khoa (phẫu thuật cắt bỏ túi mật) trong vòng 72h kể từ khi bệnh nhân nhập viện và điều trị ổn định bằng thuốc. Trong trường hợp bệnh nhân xuất hiện biến chứng, bác sĩ thường có chỉ định mổ mở gấp để giải quyết biến chứng.
Hiện nay, mổ mở và mổ nội soi là 2 cách để bác sĩ thực hiện loại bỏ hoàn toàn túi mật bị viêm. Tuy nhiên mổ nội soi đang chiếm ưu thế lớn nhờ vào các đặc trưng như vết rạch nhỏ, giảm đau, phục hồi nhanh chóng và hầu như không để lại sẹo. Bệnh nhân điều trị nội ổn định sẽ có chỉ định cắt bỏ. Các xét nghiệm lâm sàng sẽ giúp bác sĩ xác định bệnh nhân đủ điều kiện mổ nội soi hay mổ mở, từ đó đưa ra lựa chọn cho bệnh nhân.
Việc cắt bỏ hoàn toàn túi mật không ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân về lâu dài. Vì cơ thể người có thể không có túi mật mà vẫn sinh hoạt bình thường, dịch mật sẽ được chuyển qua ruột non. Sau khi cắt bỏ, bệnh nhân sẽ có thể gặp phải các dấu hiệu như đau bụng, tiêu chảy nhẹ… Nếu kéo dài cần liên lạc với bác sĩ chuyên khoa để được chỉ định các loại thuốc điều trị. Tuân thủ điều trị kết hợp với chế độ ăn uống, luyện tập lành mạnh sẽ giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe toàn diện.
>>>>>Xem thêm: Các phương pháp nội soi không đau là gì?
Phác đồ điều trị viêm túi mật giai đoạn 2 là phẫu thuật cắt bỏ túi mật
3. Viêm túi mật không điều trị nguy hiểm như thế nào?
Viêm túi mật cần thiết phải điều trị vì những nguy hiểm do biến chứng gây ra. Đặc biệt, viêm túi mật cấp là tình trạng cấp cứu không thể xử trí tại nhà. Nếu có các dấu hiệu nghi ngờ như đau bụng mạn sườn phải kéo dài dai dẳng, đi kèm sốt, vàng da, tiêu chảy… bạn nên đến ngay bệnh viện để được xử trí kịp thời tránh những hậu quả nặng nề do chậm trễ điều trị.
Những biến chứng như thủng mật, dịch tràn ổ bụng, nhiễm trùng ổ bụng có thể khiến người bệnh kiệt sức, thậm chí là tử vong nếu không sớm can thiệp. Trường hợp ít nguy hiểm hơn là viêm túi mật mạn tính vì trường hợp này người bệnh chỉ mệt mỏi, chán ăn dài ngày. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng có một tỉ lệ nhỏ viêm túi mật mạn tính làm tăng nguy cơ mắc ung thư túi mật. Do đó, người bệnh cần có phác đồ điều trị viêm túi mật hiệu quả thay vì ôm bệnh trong người.
Người bệnh cần biết rằng, tất cả các bệnh nhân có triệu chứng viêm túi mật cấp cần được nhập viện nhanh chóng nhất, sau đó được theo dõi, điều trị tại khoa Ngoại. Phẫu thuật cắt bỏ cũng là giải pháp duy nhất để chấm dứt tái phát viêm túi mật, điều trị nội khoa cho dù hiệu quả cũng không thể dứt điểm được hoàn toàn bệnh. Phác đồ điều trị viêm túi mật cần được tư vấn bởi các bác sĩ chuyên môn giàu kinh nghiệm chứ không nên làm theo bất cứ các phương pháp dân gian hay truyền miệng nào.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.