Bệnh truyền nhiễm viêm gan C do Hepatitis C virus – HCV gây ra. Đây là bệnh lý tiến triển thầm lặng, dẫn đến những hậu quả hết sức nặng nề, đe dọa đến tính mạng. Bệnh viêm gan C gồm thể cấp tính và mạn tính, có khả năng phát triển thành xơ gan, suy gan và ung thư gan.
Bạn đang đọc: Bệnh viêm gan C – Sát nhân thầm lặng không thể chủ quan
1. Triệu chứng bệnh viêm gan C không rõ ràng
Thời kỳ ủ bệnh của HCV khá dài, sau khoảng 7 – 8 tuần sau khi xâm nhập vào cơ thể chúng mới bắt đầu khởi phát. Đa số trường hợp viêm gan C cấp tính không có hoặc ít có các triệu chứng đặc hiệu. Các trường hợp mạn tính cũng thường không có triệu chứng gì. Các triệu chứng chỉ trở nên rõ rệt ở những người bệnh xơ gan hoặc ung thư gan.
Các biểu hiện của bệnh thường gồm:
– Mệt mỏi, nhức đầu, suy nhược, thường bị nhầm lẫn với cảm cúm.
– Rối loạn tiêu hóa như đau bụng, chán ăn, đầy bụng.
– Đau tức vùng gan hạ sườn phải: Người bệnh sẽ thấy đau tức, khó chịu khi ấn vào kẽ liên sườn 11 – 12 bên phải. Nguyên nhân là bởi gan sưng khi bị viêm, khiến màng ngoài gan bị căng ra.
– Gan bị viêm làm ảnh hưởng đến đường dẫn mật, khiến sắc tố mật ứ trệ gây hiện tượng vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu.
– Một số biểu hiện ngoài gan như: viêm khớp, đau khớp, tóc dễ gãy rụng,…
Tuy nhiên, triệu chứng đau vùng gan và vàng da đôi khi chỉ ở mức độ nhẹ. Người bệnh dễ bỏ qua dù gan đã trong thời kỳ viêm rất nặng.
Triệu chứng viêm gan C thường mờ nhạt, khó phát hiện, có thể tiến triển thầm lặng thành mạn tính
2. Virus viêm gan C lây qua nhiều con đường
Viêm gan C lây truyền từ người nhiễm virus sang người lành theo 3 con đường gồm đường máu, đường từ mẹ sang con qua nhau thai khi sinh, đường tình dục. Trong đó, nguy cơ lây nhiễm HCV cao nhất ở đường máu. Tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con và lây qua đường tình dục ở mức thấp.
Như vậy, người lành có thể nhiễm virus viêm gan C qua:
– Nhận máu hoặc chế phẩm máu chứa virus viêm gan C.
– Dùng chung kim tiêm nhiễm virus gây bệnh.
– Vết thương hở tiếp xúc với máu của người bệnh do dùng chung dao cạo râu, bàn chải đánh răng, bông băng vệ sinh, bấm móng,…
– Thăm khám nha khoa, phẫu thuật, xăm mình, châm cứu, bấm lỗ tai với dụng cụ không đảm bảo vô khuẩn.
– Quan hệ tình dục với người bệnh có nguy cơ cao gây chảy máu, xây xát, giao hợp lúc hành kinh.
– Truyền từ mẹ sang con (tỷ lệ thấp, hiếm gặp).
Ngoài ra, nhiều người nhiễm viêm gan C nhưng không rõ nguyên nhân, chiếm khoảng 30 – 40% trường hợp. Do triệu chứng của bệnh không rõ ràng, hầu hết người bệnh không phát hiện bản thân nhiễm bệnh. Từ đó, viêm gan C có thể vô tình lây lan trong cộng đồng. Việt Nam hiện là nước có số lượng người nhiễm virus viêm gan C cao.
3. Hệ lụy của bệnh viêm gan C
Viêm gan C cấp có thể tự khỏi sau 6 – 8 tuần mà không cần điều trị thuốc, chiếm tỉ lệ khoảng 15 – 30%. Các trường hợp còn lại sẽ trở thành người lành mang virus viêm gan C, hoặc viêm gan C mạn tính.
Thống kê cho thấy khoảng từ 30 – 60% trường hợp viêm gan C tiến triển mạn tính. Đáng lo ngại nhất là, viêm gan C mạn tính có thể biến chứng xơ gan hoặc ung thư gan. Tỷ lệ biến chứng của bệnh cao hơn so với viêm gan B, khoảng 10 – 20% biến chứng xơ gan và khoảng 5% biến chứng ung thư. Bệnh có đặc điểm nổi bật là tiến triển thầm lặng qua 10 – 30 năm, thường khó kịp thời chẩn đoán và điều trị.
3.1. Bệnh viêm gan C cấp
Giai đoạn cấp của bệnh thường kéo dài 6 tháng sau khi nhiễm HCV. Người bệnh hiếm khi xuất hiện triệu chứng, nhưng thực tế tổn thương gan vẫn đang xảy ra. Khoảng 15% đến 30% người bệnh có khả năng loại bỏ virus mà không cần điều trị. Sự hiện diện của kháng thể chống HCV trong máu chính là dấu hiệu duy nhất cho thấy họ đã từng mắc bệnh.
Kháng thể này cho biết một người đã nhiễm viêm gan C cấp ở một thời điểm nào đó. Tìm thấy kháng thể HCV không có nghĩa làm bạn đang mắc bệnh. Để biết virus viêm gan C đang có trong cơ thể hay không, bạn cần thực hiện xét nghiệm PCR máu. Phần lớn người bệnh không thể loại bỏ hết virus trong giai đoạn cấp tính, bệnh sau đó chuyển sang giai đoạn mạn tính.
Tìm hiểu thêm: Khám gan ở bệnh viện nào tốt?
Viêm gan C có tỷ lệ phát triển thành mạn tính rất cao (30% – 60%), dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như xơ gan, ung thư gan
3.2. Viêm gan C mạn tính
Viêm gan C mạn là tình trạng virus tồn tại trong gan và máu trên 6 tháng. Nếu không điều trị, khả năng khỏi bệnh là rất hiếm. Đây là giai đoạn gan bắt đầu có những tổn thương nặng hơn. Đa số người bệnh không có triệu chứng và không cảm thấy bệnh, số khác có thể bắt gặp các triệu chứng như: mệt mỏi, ốm yếu, đau cơ, đau khớp, khó tập trung, chán nản hoặc lo lắng.
Virus sinh có thể sinh sôi trong gan trong nhiều năm mà không gây ra triệu chứng rõ rệt. Chúng gây viêm gan, tăng men gan dẫn đến tổn thương gan, xơ hóa lan rộng và dẫn đến xơ gan.
3.3. Xơ gan
Tổn thương gan trong nhiều năm do HCV có khả năng hình thành mô sẹo, gây xơ gan. Virus viêm gan C tấn công tế bào gan khỏe mạnh, tạo nên những mô sợi và các vết sẹo. Quá trình này thường mất một thời gian dài, khoảng 20 đến 30 năm. Tuy nhiên, nhiều trường hợp viêm gan C mạn bị xơ gan sau 10 năm hay ngắn hơn.
Biến chứng xơ gan chiếm khoảng 20% trường hợp mắc viêm gan C. Người bệnh xơ gan giai đoạn đầu thường không có biểu hiện hoặc chỉ có những triệu chứng không rõ ràng như: chán ăn, mệt mỏi, đau nhẹ vùng hạ sườn phải.
Khi mô xơ đã xâm lấn và thay thế mô gan bình thường, các chức năng quan trọng của gan như tiêu hóa và giải đọc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Xơ gan gây ứ trệ máu trong các tĩnh mạch của hệ thống tiêu hóa do các mô xơ sẹo làm chậm dòng chảy của máu qua gan. Tăng áp tĩnh mạch cửa là một biến chứng thường gặp của bệnh. Phương pháp duy nhất để điều trị xơ gan nặng là ghép gan.
Nguy cơ xơ gan không phụ thuộc vào hàm lượng HCV trong cơ thể người bệnh. Bệnh tiến triển nhanh hơn ở người cao tuổi; người sử dụng rượu bia, thuốc lá; đồng nhiễm viêm gan B hoặc HIV; người béo phì; mắc bệnh tiểu đường
3.4. Suy gan do bệnh viêm gan C
Nguy cơ suy gan là rất cao ở những người bệnh xơ gan không được điều trị đúng cách. Viêm gan C tiến triển xơ gan, các mô sẹo tiếp tục phát triển làm suy giảm chức năng gan nghiêm trọng. Các dấu hiệu của suy gan gồm vàng da, vàng mắt; sưng phù chân tay; cổ trướng; đi tiểu giảm; tính cách thay đổi.
Giống với xơ gan, suy gan cũng là biến chứng nguy hiểm của viêm gan C. Điều trị kháng virus là việc đặc biệt cần thiết để phòng tránh các biến chứng này. Ghép gan cũng là phương pháp được khuyến khích sử dụng với người bệnh suy gan.
3.5. Ung thư gan
Đây là biến chứng muộn và nguy hiểm nhất của viêm gan C, cũng như các bệnh lý về gan nói chung. Nguy cơ ung thư ở người nhiễm HCV cao gấp 12 lần so với những người không nhiễm virus. Bệnh lý ung thư này phổ biến nhất ở những người bệnh xơ gan.
>>>>>Xem thêm: Bệnh viêm gan B có chữa được không?
Nguy cơ ung thư gan do viêm gan C tăng cao ở những người thừa cân, béo phì, uống nhiều rượu bia, hút thuốc, nhiễm HIV, hàm lượng sắt trong máu cao
3.6. Các biến chứng khác
Bên cạnh tấn công và hủy hoại gan, virus viêm gan C còn ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Kháng thể được tạo ra để chống lại HCV có thể gây ra những phản ứng làm tổn thương thận; tổn thương dây thần kinh gây tê, ngứa; đau khớp; da mẩn đỏ, loét. Thêm vào đó, người mắc viêm gan C có nguy cơ cao mắc các bệnh lý như trầm cảm, đái tháo đường,…
Bệnh viêm gan C là sát nhân thầm lặng với quá trình tiến triển âm thầm và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Lối sống lành mạnh, thói quen thăm khám và xét nghiệm gan mật định kỳ là việc cần thiết giúp kiểm soát, ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.