Với những đối tượng chưa được tiêm phòng bệnh thủy đậu, khả nặng nhiễm bệnh và bị biến chứng nặng là rất cao. Ai cũng có thể nhiễm bệnh nhưng trẻ em là trường hợp có nguy cơ cao vì khả năng miễn dịch còn kém. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin về mũi tiêm cho bé phòng bệnh thủy đậu.
Bạn đang đọc: Mũi tiêm cho bé phòng bệnh thủy đậu: thông tin và lưu ý khi tiêm
1. Đôi nét về căn bệnh thủy đậu ở trẻ em
Virus Varicella Zoster là nguyên nhân chính gây nên căn bệnh thủy đậu. Mặc dù ai cũng có thể mắc bệnh thủy đậu nhưng trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao hơn nhiều. Bệnh lây lan qua đường hô hấp, cụ thể là thông qua các giọt bắt khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Bệnh có thời gian ủ là 10 đến 15 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng nên khả năng lây lan càng nhanh hơn do người bệnh không biết nên đi lại, tiếp xúc với nhiều người.
Ở giai đoạn ủ bệnh, thường không có bất kỳ biểu hiện nào cho thấy virus đã xâm nhập vào cơ thể. Đến giai đoạn khởi phát, những triệu chứng như sốt, nhức đầu, mệt mỏi, uể oải bắt đầu xuất hiện. Khi này những ban nhỏ với đường kính chỉ vài milimet đã hiện rõ lên trên da tại các vùng như lưng, bụng, ngực và mặt. Sau đó ban đỏ sẽ lan ra các phần còn lại trên cơ thể. Ban này tiến triển thành dạng sẩn trên da, sờ vào có cảm giác lộm cộm.
Bệnh thủy đậu có thể lành tính cũng có thể xảy ra biến chứng tùy trường hợp.
Sau đó các mụn nước này có thể trở thành các mụn nước chứa nước dịch trong. Mụn nước hóa mủ và vỡ ra có thể gây ra bội nhiễm nếu không được giữ gìn cẩn thận. Nếu được điều trị đúng cách, các mụn nước có thể tự vỡ ra và khô dần sau từ 5 đến 10 ngày. Nhưng nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng như viêm phổi, viêm não, nhiễm trùng máu,…
Trẻ nếu mắc thủy đậu cần được nghỉ học tại nhà để chăm sóc và ngăn không cho bệnh lây lan sang các bạn hoặc những người tiếp xúc. Cha mẹ cần cho trẻ mặc đồ thoáng mát, thấm mồ hôi tốt. Không gian phòng ốc cần thoáng đãng nhưng kín gió, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ. Không cần kiêng tắm rửa mà ngược lại cần vệ sinh cơ thể cho trẻ hàng ngày bằng nước ấm và xà phòng để diệt khuẩn. Nếu các nốt mụn nước bị vỡ ra cần được bôi su bạc hoặc xanh methylen đồng thời cho trẻ súc miệng hàng ngày với nước muối. Ngăn không cho trẻ gãi vì có thể gây nhiễm trùng trên da.
Bệnh thủy đậu nếu biết cách điều trị thì không quá nguy hiểm, nhưng vẫn có những trường hợp bị biến chứng khó lường. Chính vì vậy, tốt nhất cha mẹ nên thực hiện mũi tiêm cho bé phòng bệnh thủy đậu.
2. Mũi tiêm cho bé để phòng bệnh thủy đậu
2.1 Thông tin về mũi tiêm cho bé khỏi căn bệnh thủy đậu
Vắc xin thủy đậu được điều chế từ virus Varicella Zoster nhưng đã được làm giảm độc lực thông qua bức xạ hoặc xử lý nhiệt nhằm triệt tiêu khả năng gây bệnh khi được đưa vào cơ thể.
Virus đã được giảm độc lực, hay còn gọi là kháng nguyên, khi đi vào cơ thể sẽ được hệ miễn dịch nhận dạng và ghi nhớ. Tiếp theo, hệ miễn dịch sẽ sản xuất ra các kháng thể để tiêu diệt các tác nhân này. Khi đó trong cơ thể sẽ tồn tại một lượng kháng thể có sẵn, đồng thời kích hoạt khả năng sản sinh ra các kháng thể này khi virus thật sự xâm nhập trong tương lai và tiêu diệt chúng.
Tìm hiểu thêm: Giải đáp thắc mắc: Tiêm vắc xin viêm gan B cho bà bầu
Nên cho trẻ đi tiêm mũi thủy đậu để bảo vệ con khỏi căn bệnh này.
Lượng kháng thể này có được thông qua việc tiêm chủng hoặc sau lần mắc bệnh thật sự sẽ tồn tại lâu dài trong máu, giúp người tiêm có được sự bảo vệ khỏi căn bệnh thủy đậu. Cũng có trường hợp khả năng miễn dịch bị kém đi do lượng kháng thể giảm dần theo thời gian.
Thai nhi trong bụng mẹ có thể nhận được miễn dịch này thông qua máu của mẹ truyền đến nhưng sẽ giảm dần khi trẻ ra đời và lớn lên. Chính vì vậy, trẻ em khi đến độ tuổi cần tiêm chủng thủy đậu phải được tiến hành tiêm ngay.
2.2 Mũi tiêm cho bé phòng bệnh thủy đậu cần tiêm khi nào?
Thông thường mũi thủy đậu cần được tiêm trong khoảng thời gian khi trẻ đủ 9 tháng đến 12 tháng tuổi tùy vào loại vắc xin và cần được tiêm 2 mũi để đảm bảo hiệu quả của miễn dịch.
Có 2 loại vắc xin thủy đậu phổ biến dành cho trẻ đó là Varilrix và Varivax đều được điều chế từ virus sống giảm độc lực.
– Vắc xin Varilrix:
Vắc xin là sản phẩm của công ty Dược Glaxosmithkline GSK của Bỉ, đây là một công ty nổi tiếng, “cha đẻ” của rất nhiều loại vắc xin đang được lưu hành trên toàn thế giới.
Varilrix dành cho đối tượng trẻ em từ 9 tháng tuổi trở lên và người lớn. Đốivới trẻ em, lịch tiêm là:
+ Tiêm mũi 1 khi đủ 9 tháng tuổi
+ Tiêm mũi 2 cách mũi 1 từ 3 đến 6 tháng
Liều dùng 0,5ml và tiêm dưới da
– Vắc xin Varivax là chế phẩm của công ty MSD của Mỹ dành cho đối tượng trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên và người lớn với lịch tiêm là:
+ Tiêm mũi 1 khi đủ 12 tháng
+ Mũi 2 cách mũi 1 từ 4 năm khi trẻ được 4 đến 6 tuổi
Lưu ý:
Nếu trẻ bắt đầu tiêm từ lúc 9 tháng tuổi thì có thể tiêm nhắc mũi 3 khi được 4 đến 6 tuổi. Nếu trẻ trên 1 tuổi mới bắt đầu tiêm thì mũi 2 tiêm sau đó 4 năm, khi trẻ chuẩn bị đi học lớp 1.
Vắc xin phòng thủy đậu được chỉ định để tiêm dục phòng cho những người nhạy cảm bị phơi nhiễm thủy đậu trong vòng 3 đến 5 ngày sau khi tiếp xúc.
>>>>>Xem thêm: Ăn sáng trước khi tiêm uốn ván – Những lưu ý khi đi tiêm phòng
Liên hệ với bác sĩ để được tư vấn về loại vắc xin thủy đậu nên tiêm cho trẻ.
Có thể tiêm đồng thời cùng các vắc xin phòng sởi, quai bị, rubella của cùng nhà sản xuất nhưng khác vị trí. Nếu không tiêm cùng một thời điểm thì cần tiêm cách ít nhất 1 tháng.
Vắc xin phòng bệnh Thủy đậu có thể thay thế nhau ở các lần tiêm nhắc lại.
Có thể chủ động thời gian tiêm chủng bệnh thủy đậu nhưng nên tiêm vào thời điểm trước dịch bệnh thủy đậu khoảng 1 tháng. Vì vắc xin cần thời gian để kịp sản sinh ra kháng thể (khoảng 1 đến 2 tuần). Thời điểm tốt nhất nên đưa trẻ đi tiêm phòng thủy đậu là vào khoảng tháng 2 đến tháng 6 hàng năm. Đây là thời điểm có nhiều ca bệnh thủy đậu xuất hiện.
Trẻ em sau khi tiêm nhắc lại vào 4-6 tuổi, lứa tuổi chuẩn bị đi học lớp 1 thì lượng kháng thể đã tương đối đầy đủ để bảo vệ trẻ khỏi bệnh thủy đậu. Tuy nhiên, lượng kháng thể có thể giảm dần theo thời gian cho đến khi trưởng thành. Khi đó, có thể cân nhắc tiêm nhắc lại để bổ sung thêm 1 mũi phòng bệnh nếu cảm thấy có nguy cơ cao. Viên tiêm mũi bổ sung hay không cần bàn bạc và hỏi ý kiến của bác sĩ để được tư vấn một cách chính xác nhất.
Trên đây là những thông tin về mũi tiêm cho bé nhằm phòng bệnh thủy đậu. Nếu cần tư vấn hoặc giải đáp bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến tiêm chủng, hãy liên hệ với Phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI bạn nhé.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.