Viêm gan B có nguy hiểm không? Người bệnh cần làm gì?

Viêm gan B là bệnh về gan thường gặp, rất dễ lây truyền và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người bệnh. Để hiểu rõ bệnh viêm gan B có nguy hiểm không, cũng như các biện pháp dự phòng biến chứng của bệnh, bạn đọc hãy tham khảo bài viết dưới đây.

Bạn đang đọc: Viêm gan B có nguy hiểm không? Người bệnh cần làm gì?

1. Viêm gan B dễ dàng lây truyền qua nhiều con đường

Virus viêm gan B (HBV) là nguyên nhân gây ra bệnh lý cùng tên này. Ở những người nhiễm loại virus này, tế bào gan bị tấn công sẽ khiến chức năng gan suy giảm. HBV tồn tại trong máu và dịch cơ thể (như tinh dịch, dịch âm đạo) của người nhiễm bệnh.

HBV xâm nhập vào cơ thể thông qua 3 con đường chính như sau:

– Đường máu: Người lành có thể bị nhiễm HBV khi dùng chung bơm kim tiêm, có vết thương hở tiếp xúc với vết thương hoặc máu của người bệnh; dùng chung dụng cụ y, dụng cụ xỏ khuyên, xăm hình khử trùng không tốt. Khả năng lây truyền còn xảy ra khi người lành dùng đồ sinh hoạt cá nhân nhiễm máu người bệnh (bàn chải đánh răng, bấm móng) gây trầy xước, chảy máu.

– Lây truyền từ mẹ sang con: Tỷ lệ lây truyền cao từ 60 – 70% trong 3 tháng cuối thai kỳ. Đặc biệt, nếu không có biện pháp dự phòng bảo vệ bé sau khi sinh (như tiêm vaccine), nguy cơ lây nhiễm có thể lên đến 90%.

– Đường tình dục: Quan hệ tình dục với người bệnh không dùng biện pháp bảo vệ (như bao cao su), xây xước trong quá trình quan hệ, dùng chung dụng cụ tình dục không đảm bảo tiệt trùng.

Viêm gan B có nguy hiểm không? Người bệnh cần làm gì?

Xăm hình, xỏ khuyên, làm móng có thể làm lây truyền viêm gan B nếu dụng cụ không được vệ sinh sạch khuẩn

2. Triệu chứng mắc viêm gan B không rõ ràng

Trước khi tìm hiểu viêm gan B có nguy hiểm không, hãy điểm qua các triệu chứng của bệnh. Nhiều người không nhận ra bản thân đã nhiễm HBV do không gặp phải bất kỳ triệu chứng nào. Số khác lại có những dấu hiệu mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với các bệnh thông thường như cảm cúm.

Nguyên nhân của tình trạng này đến từ khả năng tự hồi phục của gan. Khi viêm gan B đã bộc lộ thành triệu chứng rõ ràng hơn, bệnh đã khiến gan tổn thương nặng nề.

Bạn cần lưu ý một số triệu chứng có thể gặp của viêm gan B gồm:

– Dấu hiệu giống như cảm cúm thông thường: mệt mỏi, sốt, đau nhức cơ thể.

– Chán ăn, tiêu chảy là những triệu chứng thường bị nhầm với rối loạn tiêu hóa.

– Đau bụng vùng gan: đau vùng hạ sườn phải cũng có thể liên quan đến viêm gan B.

– Vàng da, vàng mắt: thường khó nhận ra nếu viêm gan B chưa tiến triển nặng.

Khi bắt gặp các triệu chứng kể trên, nhất là khi chúng lặp đi lặp lại trong thời gian dài, người bệnh cần thăm khám ngay để phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời.

3. Viêm gan B nguy hiểm hay không?

Những biến chứng thường gặp của viêm gan B là suy gan, xơ gan và ung thư gan. Thông tin cụ thể như sau:

3.1. Suy gan do viêm gan B có nguy hiểm không?

Virus viêm gan B sẽ tấn công trực tiếp tế bào gan sau khi đã xâm nhập vào cơ thể. Theo thời gian, chức năng gan sẽ bị suy giảm, đặc biệt là việc đào thải độc tố, lọc máu. Các chất độc tích tụ ngày càng nhiều sẽ ảnh hưởng đến toàn cơ thể người bệnh. Do đó, viêm gan B không chỉ gây hại cho gan mà còn là mối nguy đối với sức khỏe người nhiễm virus.

Người bệnh suy gan có thể đối mặt với các bệnh lý nguy hiểm như não gan (hôn mê gan), rối loạn đông máu. Các bệnh lý này có nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời.

Tìm hiểu thêm: Giá xét nghiệm định lượng viêm gan b bao nhiêu?

Viêm gan B có nguy hiểm không? Người bệnh cần làm gì?

Viêm gan B khiến chức năng gan suy giảm, ảnh hưởng đến các hoạt động của gan

3.2. Xơ gan do viêm gan B có nguy hiểm không?

Biến chứng này xảy ra khi tế bào gan bị viêm, các mô gan tổn thương bị xơ hóa, thay thế bằng các mô sẹo. Xơ gan phát triển qua 4 giai đoạn, giai đoạn càng nặng thì khả năng hồi phục càng kém.

Bệnh có thể khiến chức năng miễn dịch suy giảm, cơ thể dễ bị nhiễm khuẩn. Điều khiến xơ gan càng thêm nguy hiểm là bệnh rất khó phát hiện ở giai đoạn đầu. Biến chứng thường gặp của xơ gan là giãn vỡ tĩnh mạch thực quản, đe dọa đến tính mạng người bệnh.

3.3. Ung thư gan

Viêm gan B mạn tiến triển trong thời gian dài mà không được điều trị có thể chuyển thành ung thư. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nguy cơ ung thư gan ở người bị viêm gan B cao hơn người bình thường 20 lần.

Ung thư gan là bệnh lý đặc biệt nguy hiểm với khả năng tiến triển nhanh, tỷ lệ tử vong cao. Tế bào gan hoại tử do HBV thúc đẩy gan sản sinh tế bào mới. Quá trình này có thể phát sinh các đột biến, xuất hiện các tế bào ác tính.

Viêm gan B có nguy hiểm không? Người bệnh cần làm gì?

>>>>>Xem thêm: Viêm túi mật xơ teo và những điều cần biết

Ung thư gan là biến chứng nguy hiểm nhất của viêm gan B, tiến triển nhanh, khó điều trị, tỷ lệ tử vong cao

4. Cần làm gì khi nhiễm virus viêm gan B?

Sau khi thăm khám phát hiện bệnh, người nhiễm virus cần lưu ý:

– Xây dựng chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất để cơ thể khỏe mạnh. Người bệnh cần tránh các loại thực phẩm gây hại cho gan như: đồ ăn nhiều dầu mỡ, thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn,…

– Không uống rượu bia, không hút thuốc lá vì đây là các tác nhân khiến tổn thương gan trầm trọng hơn.

– Kiểm tra gan mật định kỳ để theo dõi tình trạng của virus, từ đó có biện pháp xử trí kịp thời.

– Tuân thủ và kiên trì với phác đồ điều trị được bác sĩ chỉ định, sử dụng thuốc theo đúng thời gian và liều lượng.

– Thai phụ nhiễm viêm gan B cần có sự tư vấn của bác sĩ để được chăm sóc phù hợp và có phương án dự phòng lây nhiễm cho thai nhi.

– Người bệnh cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa tránh lây lan bệnh cho cộng đồng: không dùng chung kim tiêm, dao cạo râu, bàn chải đánh răng; quan hệ tình dục an toàn, đảm bảo bạn tình đã tiêm vaccine phòng viêm gan B.

Như vậy, trước câu hỏi “bệnh viêm gan B có nguy hiểm không?”, câu trả lời chắc chắn là có. Viêm gan B cần được phát hiện sớm và điều trị hiệu quả đê tránh các biến chứng của bệnh. Giai đoạn sớm của viêm gan B cũng như các bệnh lý khác về gan rất khó phát hiện ở giai đoạn sớm. Do đó, mỗi người cần chủ động thăm khám gan mật định kỳ để bảo vệ tốt nhất sức khỏe lá gan của mình.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *