Viêm gan siêu vi B lây qua đường nào – Phòng ngừa ra sao?

Viêm gan siêu vi B hiện đang là một vấn đề lớn đối với sức khỏe toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Thể mạn tính của bệnh là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến xơ gan, suy gan, ung thư gan. Biết được viêm gan siêu vi B lây qua đường nào sẽ giúp bạn phòng tránh hiệu quả nguy cơ mắc bệnh.

Bạn đang đọc: Viêm gan siêu vi B lây qua đường nào – Phòng ngừa ra sao?

1. Giai đoạn phát triển của viêm gan siêu vi B và các triệu chứng

Viêm gan siêu vi B có hai thể là viêm gan siêu vi B cấp tính và viêm gan siêu vi B mạn tính.

Viêm gan siêu vi B lây qua đường nào – Phòng ngừa ra sao?

Viêm gan B là bệnh lý nguy hiểm, có khả năng gây ra các biến chứng như xơ gan, ung thư gan

1.1. Viêm gan siêu vi B cấp tính

Ở thể này, virus viêm gan B (HBV) tồn tại trong cơ thể người bệnh trong vòng 6 tháng kể từ khi phơi nhiễm. Đa số người bệnh hoàn toàn không có triệu chứng hoặc không có dấu hiệu vàng da (chiếm 70% trường hợp).

30% trường hợp có vàng da và một số triệu chứng khác như:

– Mệt mỏi, suy nhược, đau đầu, sốt nhẹ.

– Buồn nôn, chán ăn, gan lớn gây đau hạ sườn phải.

– Khi tình trạng vàng da ngày càng nặng, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như: nước tiểu sẫm màu, phân bạc màu.

Số ít người bệnh viêm gan B cấp có thể gặp tình trạng thay đổi tri giác, phù não (tỷ lệ 0.1% – 0.5%). Ngoài ra, một số triệu chứng khác có thể gặp phải là: rối loạn đông máu, suy đa tạng, hội chứng gan thận, xuất huyết tiêu hóa, rối loạn nhịp tim, phù toàn thân, nhiễm trùng,… Đây là những biến chứng nguy hiểm với nguy cơ tử vong cao.

Hầu hết người bệnh viêm gan siêu vi B cấp sẽ tự phục hồi sau 4 – 8 tuần kể từ khi có triệu chứng đầu tiên. Sau 2 – 4 tuần, triệu chứng vàng da sẽ giảm dần.

1.2. Viêm gan siêu vi B mạn tính

Bệnh lý này gặp phải ở những người nhiễm HBV kéo dài trên 6 tháng. Đa số trường hợp đều không có triệu chứng lâm sàng, hoặc chỉ có những triệu chứng không đặc hiệu như: mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, đau khớp,…

Viêm gan B mạn có khả năng tiến triển thành xơ gan và ung thư gan. Người bệnh xơ gan có thể gặp các triệu chứng như: phù, vàng da, sao mạch, tăng áp tĩnh mạch cửa (giãn tĩnh mạch thực quản, lách to, báng bụng…). Biến chứng ung thư gan do viêm gan B có thể không qua giai đoạn xơ gan.

2. Con đường lây truyền viêm gan siêu vi B

Virus viêm gan B tồn tại trong máu và dịch tiết cơ thể của người nhiễm bệnh. Có thể chia đường lây nhiễm của bệnh thành 2 nhóm là: (vertical contamination) và đường lây nhiễm theo chiều ngang (horizontal contamination)

2.1. Viêm gan siêu vi B lây qua đường nào – Lây nhiễm theo chiều dọc

Đường lây nhiễm theo chiều dọc chính là lây nhiễm HBV từ mẹ sang con. Đây là kiểu lây truyền quan trọng nhất, đặc biệt phổ biến ở những nước châu Á. Sự lây truyền virus xảy ra mạnh mẽ trong thời kỳ chu sinh của phụ nữ mang thai, từ tuần 28 của thai kỳ đến ngày thứ 7 sau sinh.

Nồng độ HBV DNA ở thai phụ quyết định mức độ lây truyền virus. HBV DNA của mẹ thấp hơn 10 mũ 5 copies/ml thường không có khả năng lây nhiễm virus cho con. Nếu HBV DNA của mẹ từ 10 mũ 9 copies/ml đến 10 mũ 10 copies/ml, tỷ lệ lây nhiễm cho con là 50%.

Ngoài ra, tình trạng HBeAg của mẹ vào 3 tháng cuối thai kỳ cũng ảnh hưởng đến mức độ lây nhiễm. Nguy cơ nhiễm HBV ở trẻ lên đến 95% nếu mẹ có HBeAg (+) và không được điều trị dự phòng miễn dịch. Trong khi đó, nếu mẹ có HBeAg (-) thì tỷ lệ lây nhiễm cho con là 32%.

Tìm hiểu thêm: Bệnh viêm gan siêu vi C có nguy hiểm không?

Viêm gan siêu vi B lây qua đường nào – Phòng ngừa ra sao?

Viêm gan siêu vi B lây truyền từ mẹ sang con, nguy cơ tăng cao nếu không có biện pháp điều trị dự phòng

2.2. Viêm gan siêu vi B lây qua đường nào – Lây nhiễm theo chiều ngang

Trong máu người bệnh viêm gan B có lượng virus cao. Do đó, hình thức lây nhiễm theo chiều ngang quan trọng nhất là tiếp xúc trực tiếp với máu và các vật phẩm của máu. Nguy cơ lây nhiễm xảy ra khi:

– Người lành dùng chung bơm kim tiêm với người bệnh, trong trường hợp chích thuốc, xăm, xỏ lỗ trên cơ thể, châm cứu,…

– Nhận máu chứa virus HBV, vết thương hở tiếp xúc với máu của người nhiễm virus.

– Dùng chung dao cạo râu, bàn chải đánh răng, bấm móng có dính máu hoặc dịch của người nhiễm virus viêm gan B.

HBV còn được tìm thấy trong tinh dịch và dịch âm đạo (nồng độ thấp hơn 100 lần so với trong huyết tương). Viêm gan siêu vi B có thể lây truyền qua đường tình dục, khi quan hệ gây trầy xước hoặc dùng chung dụng cụ tình dục không được khử trùng.

Virus viêm gan B cũng có mặt ở các dịch khác như dịch màng phổi, màng bụng, dịch não tủy,… Vì vậy khả năng lây nhiễm HBV qua các dịch này là rất thấp. Viêm gan siêu vi B không lây truyền qua thức ăn, nước uống và tiếp xúc thông thường.

Viêm gan siêu vi B lây qua đường nào – Phòng ngừa ra sao?

>>>>>Xem thêm: Bị sỏi mật có nguy hiểm không? Có phải cắt túi mật không?

Dùng chung kim tiêm và các dụng cụ sinh hoạt cá nhân với người bệnh có thể làm lây truyền virus viêm gan B

3. Cách điều trị viêm gan siêu vi B

Trong vòng 12 tiếng sau khi phơi nhiễm virus viêm gan B, việc tiêm huyết thành miễn dịch có thể phòng tránh sự xâm nhập của HBV. Người phơi nhiễm sẽ có thể bị nhiễm viêm gan B nếu không được tiêm huyết thanh kịp thời.

Giai đoạn cấp tính của viêm gan B thường có thể tự khỏi mà không cần chữa trị. Người bệnh cần có chế độ ăn cung cấp đủ calo và chất dinh dưỡng, cũng như sinh hoạt – nghỉ ngơi điều độ. Người bệnh cần tránh tiếp xúc thân mật với người khác trong khoảng thời gian này để tránh lây truyền virus.

Khi viêm gan B tiến triển mạn tính, mục đích điều trị là làm giảm nguy cơ biến chứng (xơ gan, ung thư gan) và ngăn ngừa lây lan cho người khác. Người bệnh có thể được chỉ định dùng các loại thuốc điều hòa miễn dịch, thuốc kháng virus. Việc dùng thuốc có thể kéo dài trong nhiều năm, thậm chí suốt đời. Ghép gan là phương pháp có thể được chỉ định khi gan đã bị virus hủy hoại quá nghiêm trọng.

4. Phòng ngừa lây truyền viêm gan siêu vi B như thế nào?

Để bảo vệ bản thân và những người xung quanh khỏi sự xâm nhập tấn công của HBV, mỗi người cần:

– Chủng ngừa vắc-xin viêm gan B càng sớm càng tốt cho bản thân và các thành viên trong gia đình.

– Băng kín các vết thương hở, tránh tiếp xúc với máu của người khác.

– Cẩn trọng khi truyền máu và thực hiện các thủ thuật y khoa, xăm hình, châm cứu, xỏ khuyên,…

– Không dùng chung kim tiêm và các dụng cụ có thể tiếp xúc với máu hoặc dịch tiết của người khác (như bàn chải đánh răng, dao cạo,…).

– Không chạm trực tiếp vào máu hoặc dịch tiết của bất kỳ người nào khi không có dụng cụ bảo hộ.

– Trẻ em có mẹ nhiễm viêm gan B cần được thực hiện các biện pháp điều trị dự phòng sau khi sinh để tránh lây nhiễm virus.

– Phụ nữ khi mang thai nhiễm viêm gan B cần thăm khám với bác sĩ Gan mật để được tư vấn hướng xử trí phù hợp, đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.

Viêm gan B có thể diễn tiến thành xơ gan và ung thư gan đe dọa tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Sau khi nắm được viêm gan siêu vi B lây qua đường nào, hãy thực hiện các biện pháp phòng tránh nói trên để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm bệnh.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *