Sốt phát ban đỏ ở trẻ em: nguyên nhân và cách điều trị

Sốt phát ban đỏ ở trẻ là một bệnh truyền nhiễm lành tính, xảy ra phổ biến hơn ở bé từ 6 – 36 tháng tuổi. Dù không rất nguy hiểm nhưng trẻ mắc bệnh nên sớm được phát hiện, điều trị kịp thời để hạn chế tình trạng bệnh chuyển biến nặng và giảm khả năng lây lan cho cộng đồng.

1. 4 nguyên nhân gây sốt phát ban đỏ ở trẻ em

Sốt phát ban đỏ ở trẻ em: nguyên nhân và cách điều trị

Virus là nguyên nhân phổ biến gây nên bệnh sốt phát ban ở trẻ em

Theo chuyên gia, “thủ phạm” chính gây nên bệnh bệnh sốt phát ban đỏ ở trẻ em chính là virus. Dưới đây là 4 chủng virus điển hình, phổ biến gây bệnh sốt phát ban cho trẻ:

1.1. Virus sởi

Virus sởi là một trong những nguyên nhân thường gặp gây sốt phát ban ở đối tượng trẻ em. Khi bị virus sởi xâm nhập, cơ thể trẻ sẽ bắt đầu xuất hiện triệu chứng sốt và nổi các vết ban có màu đỏ sau khi cơn sốt đã hạ xuống. Các nốt ban đỏ này thường có dạng sần, xuất hiện trước tiên ở tai rồi lan rộng ra mặt và các phần dưới của cơ thể.

1.2. Virus herpes 6 và 7 – nguyên nhân phổ biến gây sốt phát ban đỏ ở trẻ

Nhiều thống kê cho thấy, đây là 2 loại virus phổ biến nhất gây bệnh sốt phát ban ở trẻ em. Trẻ mắc bệnh do virus herpes 6 và virus herpes 7 có khả năng lây truyền bệnh nhanh chóng cho những người có tiếp xúc gần hay sử dụng chung các vật dụng cá nhân.

1.3. Virus rubella

Dù không phổ biến như virus sởi, virus herpes 6 và 7, nhưng trẻ em vẫn có nguy cơ bị sốt phát ban khi nhiễm phải virus rubella. Với trường hợp này, trẻ mắc bệnh sẽ xuất hiện triệu chứng sốt trong khoảng 3 ngày, sau đó các nốt ban đỏ mới dần xuất hiện trên mặt và lan rộng xuống dưới cơ thể, chân, tay…

Ngoài sốt, lên ban đỏ, trẻ sốt phát ban do virus rubella còn có thể bị sưng hạch ở cổ, hạch tai, đau cơ, đau khớp…

1.4. Vết cắn của côn trùng cũng có thể gây sốt phát ban đỏ ở trẻ

Vết cắn của các côn trùng nhỏ như chấy, rận, bọ chét… cũng có thể là nguyên nhân gây nên bệnh sốt phát ban ở trẻ. Cụ thể, khi bị những côn trùng này cắn, trẻ sẽ bị ngứa và có xu hướng gãi nhiều. Tình trạng này có thể gây ra vết thương ở trên bề mặt da, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây sốt phát ban đi vào máu và phát bệnh. Ngoài ra, một số ít trường hợp dù trẻ không gãi nhưng vẫn bị mắc sốt phát ban do vết cắn của côn trùng.

2. Những triệu chứng thường gặp ở bé bị sốt phát ban

Du mắc bệnh do nguyên nhân nào thì hầu hết trẻ mắc sốt phát ban đề xuất hiện những triệu chứng sau:

– Sốt: Đây là triệu chứng phổ biến ở các bé sốt phát ban. Trẻ có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao > 38 độ C, đồng thời kèm theo những triệu chứng như ho, đau họng, chảy nước mũi…

– Phát ban: Các nốt phát ban thường xuất hiện khoảng 2 – 3 ngày sau, khi tình trạng sốt cao của bé đã hạ sốt. Nốt ban đỏ thường có màu hồng hoặc đỏ, xuất hiện theo từng cụm, li ti và dần lan rộng khắp các vùng cơ thể: ngực, bụng, lưng… Hầu hết trường hợp các nốt ban đỏ sẽ không gây ngứa, kéo dài trong vài ngày thì dần hết nếu trẻ được chăm sóc đúng cách.

– Tiêu chảy, chán ăn, bỏ bú, quấy khóc nhiều… là những triệu chứng ít gặp hơn nhưng vẫn có thể xảy ra ở các bé mắc sốt phát ban.

Sốt phát ban đỏ ở trẻ em: nguyên nhân và cách điều trị

Nổi ban đỏ là triệu chứng phổ biến ở trẻ bị sốt phát ban

3. Một số biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra với trẻ sốt phát ban

Như đã khẳng định, sốt phát ban là một bệnh lý lành tính. Thế nhưng nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời và đúng cách, trẻ mắc bệnh vẫn có thể xảy ra biến chứng nặng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe như: viêm tai giữa, viêm phổi, viêm não, hội chứng Guillain Barre, viêm não… Trong đó, viêm não là biến chứng nặng, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng của trẻ mắc sốt phát ban.

4. Cách điều trị bệnh sốt phát ban ở trẻ an toàn, hiệu quả

4.1. Cho bé sốt phát ban đi khám bác sĩ

Sốt phát ban đỏ ở trẻ em: nguyên nhân và cách điều trị

Trẻ xuất hiện triệu chứng bất thường nên được đưa đi khám bác sĩ chuyên khoa nhi

Khi phát hiện trẻ có nguy cơ sốt phát ban đỏ, cách xử trí tốt nhất là phụ huynh nên cho con đi khám bác sĩ tại cơ sở y tế uy tín. Mục đích để bé được bác sĩ khám, chẩn đoán bệnh về tư vấn phác đồ điều trị phù hợp, ngăn ngừa tối đa nguy cơ biến chứng nặng có thể xảy ra.

Hiện nay, bệnh sốt phát ban đỏ ở trẻ chưa có thuốc đặc trị. Phương pháp điều trị bệnh này chủ yếu hướng đến làm giảm các triệu chứng bé đang gặp phải: hạ sốt, bù nước và điện giải cho bé. Trường hợp trẻ mắc bệnh có dấu hiệu nhiễm trùng hay gặp phải vấn đề liên quan đến vi khuẩn thì sẽ được bác sĩ kê thêm thuốc kháng sinh nếu cần.

4.2. Đảm bảo cho bé uống thuốc đầy đủ và chăm sóc phù hợp

Đa số trẻ mắc sốt phát ban ở mức độ nhẹ sẽ được bác sĩ kê thuốc phù hợp và chỉ định điều trị tại nhà. Việc của phụ huynh cần làm là phối hợp thật tốt với bác sĩ, cho bé uống đủ thuốc và chăm sóc cẩn thận:

– Cho trẻ uống thuốc hạ sốt: Khi trẻ sốt phát ban đỏ có triệu chứng sốt cao >38 độ C, phụ huynh cần cho bé uống thuốc theo liều lượng được bác sĩ chỉ định. Bên cạnh đó, phụ huynh nên cho bé mặc quần áo mỏng nhẹ, dùng khăn mát lau các vùng trán, bẹn, nách… để bé nhanh hạ sốt hơn.

– Cho bé uống bù nước, bù điện giải: Sốt phát ban chính là nguyên nhân khiến cơ thể trẻ bị thiếu hụt nước. Do đó, trong quá trình trẻ mắc bệnh, phụ huynh nên chú ý cho bé uống bù nước và bù điện giải.

– Cho bé uống thuốc trị họ, thông mũi: Nếu trẻ sốt phát ban có triệu chứng ho nhiều, đau họng, phụ huynh có thể hỏi bác sĩ về việc cho bé uống thuốc trị ho. Trường hợp bé bị nghẹt mũi, chảy nước mũi nhiều, mẹ có thể dùng nước muối loãng, khăn mềm để vệ sinh mũi cho con. Cách này sẽ giúp bé dễ thở và cảm thấy thoải mái hơn trong quá trình điều trị bệnh.

– Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng cho bé: Trong quá trình mắc bệnh, trẻ xảy ra tình trạng mệt mỏi, chán ăn là điều rất bình thường. Dù vậy, phụ huynh vẫn cần cho bé ăn uống đầy đủ với chế độ dinh dưỡng cân bằng để bé có thể trạng tốt nhất, sớm đẩy lùi bệnh tật. Phụ huynh nên ưu tiên chế biến thực phẩm dạng lỏng, mềm để bé dễ ăn và tiêu hóa hơn.

– Cho bé nghỉ ngơi trong không gian thoáng đãng và sạch sẽ: Việc được nghỉ ngơi trong một không gian sạch sẽ, thoáng đãng sẽ giúp cơ thể bé được cảm thấy thoải mái, nhanh hồi phục bệnh hơn.

4.3. Cho bé tái khám ngay khi xuất hiện triệu chứng bất thường

Trong quá trình điều trị bệnh sốt phát ban cho trẻ tại nhà, phụ huynh cần chăm sóc và quan sát bé nhiều hơn. Nếu thấy bé xuất hiện những triệu chứng bất thường, bố mẹ nên cho bé tới viện tái khám ngay:

– Bé sốt cao liên tục, đã uống thuốc hạ sốt nhưng vẫn không có dấu hiệu giảm;

– Bé sốt cao > 39 độ C;

– Bé sốt phát ban có biểu hiện lừ đừ, ngủ li bì, khó đánh thức hơn bình thường;

– Bé xuất hiện cơn co giật;

– Bé khó thở hay có biểu hiện thở nhanh, thở gấp;

– Bé có biểu hiện mất nước nghiêm trọng: da khô, khóc không ra nước mắt, tiểu ít…

Như vậy, bài viết trên đây đã giải đáp tới quý độc giải nguyên nhân và cách điều trị bệnh sốt phát ban đỏ ở trẻ em. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào liên quan tới bệnh sốt phát ban ở trẻ, bạn đọc vui lòng liên hệ ngay Thu Cúc TCI để được chuyên gia của chúng tôi hỗ trợ giải đáp chi tiết.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Nguồn bài viết: Benhvienthucuc.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *