Đau bụng là một trong những dấu hiệu điển hình nhận biết bệnh sỏi mật tuy nhiên không phải ai cũng có thể nhận diện đúng những cơn đau bụng sỏi mật này. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu bệnh mang tới nhiều lợi ích, người bệnh sẽ chủ động thăm khám, phát hiện bệnh nhanh chóng và được hướng dẫn xử lý đúng cách.
Bạn đang đọc: Đau bụng sỏi mật nhận biết như thế nào?
1. Tổng quan về sỏi mật
Hiểu một cách đơn giản thì sỏi mật là sự lắng đọng một cách bất thường của dịch mật, tạo thành những hạt cứng, rắn như đá (sỏi viên) hoặc có thể ở dạng nhầy như bùn (sỏi bùn mật).
Trước đây, giun sán được coi là một yếu tố gây bệnh chính nhưng ngày nay nguyên nhân này không còn phổ biến nữa. Hiện nay, bệnh sỏi mật chủ yếu xuất phát từ những rối loạn chuyển hóa làm thay đổi lượng cholesterol, sắc tố mật và muối có trong dịch mật, tạo điều kiện hình thành sỏi. Bên cạnh đó, các đối tượng như phụ nữ mang thai, người béo phì, người bệnh tiểu đường… cũng sẽ có nguy cơ mắc sỏi mật cao hơn bình thường.
Sỏi mật có thể xuất hiện ở bất kỳ ai và bệnh gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh.
2. Nhận biết cơn đau bụng sỏi mật
Những cơn đau bụng do sỏi mật gây ra có thể xuất hiện đột ngột tại vùng thượng vị hoặc vùng hạ sườn bên phải. Cơn đau có thể sẽ lan rộng ra cả vùng lưng, vùng vai bên phải (cơn đau sẽ rõ ràng hơn sau khi ăn, nhất là khi người bệnh ăn đồ ăn nhiều dầu mỡ). Một số trường hợp sỏi mật gây ra các cơn đau dữ dội trong thời gian ngắn hay đau âm ỉ, khó chịu ở vùng mạn sườn phải.
2.1. Nhận biết cơn đau bụng sỏi mật theo từng vị trí
– Đau mạn sườn phải: Cơn đau dữ dội, kéo dài kèm theo các dấu hiệu của rối loạn tiêu hóa như khó tiêu, buồn nôn, nôn, trướng bụng,… cảnh báo tình trạng sỏi bị kẹt tại cổ túi mật hoặc nằm trong túi mật.
– Đau dữ dội từ hạ sườn phải rồi lan sang lưng, bả vai và đến vùng thượng vị: sau đó xuất hiện hiện tượng nóng và rét run. Bên cạnh đó da của người bệnh cũng sẽ chuyển vàng, mắt vàng. Đây có thể là hiện tượng sỏi bị tắc bên trong ống mật chủ do tình trạng ứ mật.
2.2. Dấu hiệu khác nhận biết bệnh bên cạnh cơn đau bụng sỏi mật
– Sốt kèm vã mồ hôi và ớn lạnh: Trong trường hợp nhiễm trùng đường mật, viêm túi mật, có thể sốt cao tới 38 – 39 độ C kèm theo những cơn đau sỏi mật dữ dội, vã mồ hôi, ớn lạnh nhưng cũng có khi chỉ là sốt nhẹ nhưng sẽ kéo dài. Đây là một trong những điểm giúp phân biệt triệu chứng sỏi mật với bệnh dạ dày.
– Vàng da, vàng mắt: Ở mỗi người, mỗi tình trạng cụ thể sẽ có mức độ khác nhau tùy vào mức độ tắc mật. Dấu hiệu này thường đi kèm cùng các triệu chứng như đi ngoài ra phân trắng, ngứa da. Đây cũng là một trong những điểm quan trọng để phân biệt triệu chứng sỏi mật với bệnh dạ dày;
– Rối loạn tiêu hóa: Các cơn đau cấp tính ở túi mật có thể khiến người bệnh buồn nôn và nôn, đầy bụng, khó tiêu, chán ăn, sợ mỡ,.. Tuy nhiên, những dấu hiệu này rất dễ nhầm với bệnh dạ dày – tá tràng và các bệnh đường tiêu hóa khác.
Tìm hiểu thêm: Điểm danh 4 nguyên nhân gây bệnh gan và các phương pháp
Cảnh giác với những cơn đau bụng đột ngột tại vùng thượng vị hoặc vùng hạ sườn bên phải.
3. Làm gì khi bị sỏi mật? Có phải cắt túi mật không?
3.1. Làm gì khi bị sỏi mật?
Bệnh sỏi mật không phải là căn bệnh dễ dàng có thể được chữa khỏi ngay lập tức. Hơn nữa, những dấu hiệu bệnh cũng không thực sự rõ ràng khiến cho người bệnh khó phát hiện bệnh sớm. Hầu hết những trường hợp khi đã xuất hiện triệu chứng thì cũng đồng nghĩa với việc các cơ quan trong hệ tiêu hóa phần nào đã và đang bị tổn thương.
Vậy nên, nếu người bệnh nghi ngờ hoặc phát hiện những dấu hiệu bất thường của bệnh, điển hình là những cơn đau bụng sỏi mật như đã nêu ở trên thì hãy chủ động thăm khám với các bác sĩ chuyên khoa để tìm hiểu chính xác tình trạng bệnh.
Điều trị sỏi mật sớm để ngăn ngừa những biến chứng nghiêm trọng như viêm mủ túi mật, hoại tử túi mật, ung thư túi mật hoặc thậm chí là vỡ túi mật, khi đó, có thể sẽ phải thực hiện phẫu thuật cắt túi mật. Trên hết, bác sĩ sẽ căn cứ vào giai đoạn diễn biến của sỏi và vị trí hình thành sỏi để đưa ra phương án điều trị cụ thể.
>>>>>Xem thêm: Tất tần tật về nóng gan nổi mụn ngứa
Người bệnh sỏi mật cần chủ động thăm khám sớm với bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá chính xác tình trạng bệnh và chỉ định điều trị kịp thời.
3.2. Có phải cắt túi mật không?
Điều trị sỏi túi mật sẽ được thực hiện theo 2 phương án:
Trong trường hợp bệnh được phát hiện sớm, chưa gây ra những biến chứng nặng nề tới các cơ quan thì người bệnh có thể được chỉ định điều trị nội khoa dùng thuốc để giảm thiểu sự phát triển của sỏi mật.
Với những trường hợp bệnh đã trở nặng gây ảnh hưởng hoặc nguy hiểm tới các bộ phận cụ thể, nguy cơ biến chứng cao thậm chí là đe dọa trực tiếp tới tính mạng người bệnh thì có thể cần phải thực hiện các ca phẫu thuật nội soi để lấy sỏi hoặc là cắt túi mật.
4. Phòng ngừa nguy cơ mắc sỏi mật
Bệnh sỏi mật có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào và ở bất kỳ ai, chính vì vậy, việc phòng ngừa bệnh rất cần được quan tâm. Lưu ý một số biện pháp giúp phòng ngừa nguy cơ sỏi mật cũng như giảm thiểu tình trạng biến chứng bằng những cách cụ thể như sau:
– Thiết lập một chế độ ăn uống khoa học (Đặc biệt cần hạn chế đồ ăn chứa quá nhiều dầu mỡ động vật, tránh đồ ăn từ nội tạng động vật,…).
– Tránh xa chất kích thích hoặc đồ uống chứa chất kích thích.
– Tẩy giun định kỳ sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ viêm nhiễm.
– Cố gắng giữ cân nặng luôn ở mức tiêu chuẩn, với những người thừa cân, béo phì cần lên kế hoạch giảm cân ngay.
– Thực hiện thăm khám sức khỏe theo định kỳ tốt nhất là 6 tháng/lần giúp tầm soát và phát hiện sớm các bệnh lý phát triển âm thầm và trong đó có sỏi mật.
Đau bụng sỏi mật là dấu hiệu đầu tiên và rất quan trọng giúp người bệnh nhận biết sự tồn tại của sỏi mật. Đối với người bệnh sỏi mật, việc tiến hành thăm khám và điều trị cần được thực hiện càng sớm càng tốt để ngăn ngừa những biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra, đảm bảo không làm ảnh hưởng tới sức khỏe gây nguy hiểm tới người bệnh.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.