Những năm gần đây, tỷ lệ người mắc sỏi túi mật ở Việt Nam tăng lên đáng kể. Theo đó, những thông tin về loại bệnh lý này cũng được đông đảo bạn đọc quan tâm như sỏi túi mật gồm những loại nào? Sỏi trong túi mật có tự hết không? Có phải cắt túi mật không?,…
Bạn đang đọc: Sỏi trong túi mật có tự hết không? Có phải cắt túi mật không?
1. Sỏi túi mật là gì?
Hiểu một cách đơn giản, sỏi mật là những tinh thể ở dạng rắn và cứng được kết tinh lại từ các thành phần trong dịch mật.
Sỏi túi mật thường có xu hướng diễn biến âm thầm nên rất khó nhận biết bệnh từ sớm. Chỉ khi sỏi phát triển gây tắc nghẽn lưu thông dịch mật, dẫn đến những triệu chứng cụ thể và điển hình là những cơn đau quặn mật. Lúc này, người bệnh cần chủ động thăm khám sớm để tìm hướng xử lý đúng cách, kịp thời.
Sỏi hình thành bên trong túi mật có thể gây tắc nghẽn quá trình lưu thông dịch mật và ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh.
1.1. Các loại sỏi trong túi mật?
Sỏi túi mật được chia thành 2 loại chính là sỏi cholesterol và sỏi sắc tố.
– Sỏi cholesterol: Loại sỏi này được tạo ra chủ yếu từ thành phần cholesterol trong dịch mật. Sỏi cholesterol có tỷ lệ mắc phải ở nữ giới cao hơn nam giới rất nhiều và thường gặp ở những đối tượng như người béo phì, người có thói quen ăn uống theo phong cách phương Tây, người lạm dụng thuốc tránh thai estrogen.
– Sỏi sắc tố: Loại sỏi này ít phổ biến hơn sỏi cholesterol và thường gặp ở những người bệnh bị xơ gan, nhiễm khuẩn đường mật, người đã cắt đoạn hồi tràng (là phần cuối của ruột non) hay các bệnh lý về máu,..
1.2. Nguyên nhân dẫn tới việc hình thành sỏi trong túi mật
Nguyên nhân chính dẫn đến việc hình thành sỏi trong túi mật thường đến từ những rối loạn trong chuyển hoá. Khi dịch mật có nồng độ cholesterol hoặc bilirubin ở ngưỡng quá cao sẽ dẫn đến việc hình thành sỏi cholesterol và sỏi sắc tố tương ứng. Cụ thể như sau:
– Sỏi cholesterol: Thông thường, gan sẽ bài tiết đủ dịch mật để hòa tan hết lượng cholesterol được sản sinh ra. Nhưng khi cholesterol dung nạp quá nhiều, dịch mật không đủ để hòa tan hết và dẫn tới tình trạng dư thừa cholesterol. Khi đó, các cholesterol không tan này sẽ đọng lại túi mật, theo thời gian hình thành nên các tinh thể và cuối cùng tạo thành sỏi.
– Sỏi sắc tố: Nguyên nhân chính dẫn tới hình thành sỏi sắc tố là do mật chứa quá nhiều bilirubin. Một số bệnh làm gan tạo ra lượng bilirubin quá mức như xơ gan, nhiễm trùng đường mật và một số bệnh lý về máu. Khi bilirubin dư thừa sẽ góp phần hình thành sỏi sắc tố.
Bên cạnh đó, chức năng tống xuất mật của túi mật diễn ra bất thường cũng là nguyên nhân tạo sỏi. Nếu túi mật không thể tống xuất hoàn toàn hoặc thường xuyên, dịch mật có thể trở nên cô đặc lại và góp phần vào việc hình thành sỏi. Trường hợp này thường gặp ở người hay nhịn ăn, bỏ bữa, ăn uống thất thường hoặc người bệnh phải tiến hành nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch dài ngày.
2. Sỏi trong túi mật có tự hết không?
Sỏi túi mật một khi đã hình thành sẽ không tự đào thải ra ngoài hoặc biến mất. Càng để lâu, sỏi sẽ ngày một phát triển và tăng lên cả về kích thước cũng như số lượng. Chỉ khi can thiệp điều trị đúng cách mới có thể loại bỏ được sỏi hoàn toàn.
Thông thường, với những sỏi cholesterol nhỏ không triệu chứng có thể được chỉ định điều trị nội khoa bằng các loại thuốc tan sỏi với thành phần tương tự như acid mật. Điều trị sỏi túi mật bằng thuốc có thể cần duy trì từ 3 tháng đến 2 năm tùy vào từng tình trạng bệnh cụ thể.
Với các trường hợp sỏi túi mật gây tắc nghẽn, viêm đường mật dẫn tới các triệu chứng nghiêm trọng cùng nguy cơ biến chứng như viêm túi mật cấp, viêm tụy, tắc ruột thậm chí là ung thư túi mật thì cần phải tiến hành cắt túi mật càng sớm càng tốt. Phẫu thuật cắt túi mật cũng đồng nghĩa với việc đã loại bỏ hoàn toàn phần sỏi túi mật trong đó.
Tìm hiểu thêm: Bị gan nhiễm mỡ có nguy hiểm không, cách điều trị
Sỏi túi mật không thể tự hết, chỉ có điều trị đúng cách mới có thể loại bỏ được sỏi.
3. Người bệnh sỏi túi mật có phải cắt túi mật không?
Như đã nói ở trên, không phải trường hợp sỏi túi mật nào cũng cần phải cắt bỏ túi mật. Trên hết, người bệnh cần tiến hành thăm khám trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá chính xác tính chất, tình trạng của sỏi mật. Từ đó mới có thể kết luận có cần thực hiện phẫu thuật hay không.
Thông thường, các trường hợp có sỏi túi mật cần thực hiện cắt túi mật bao gồm:
– Sỏi túi mật có kích thước lớn (lớn hơn 25mm) gây ra tắc nghẽn quá trình lưu thông dịch mật.
– Sỏi túi mật kèm theo các triệu chứng mà điển hình là những cơn đau quặn mật kéo dài cùng nguy cơ biến chứng cao như viêm túi mật, nhiễm trùng, tắc ruột, viêm tụy, ung thư túi mật,…
– Trường hợp túi mật có nhiều sỏi (thể tích sỏi chiếm hơn ⅔ tổng thể tích túi mật) hoặc sỏi túi mật đi kèm polyp túi mật có kích thước lớn hơn 10mm.
>>>>>Xem thêm: Xét nghiệm viêm gan B uy tín ở đâu Hà Nội?
Các trường hợp sỏi túi mật gây ra triệu chứng hoặc nguy cơ biến chứng cao thì cần cắt bỏ túi mật.
Phẫu thuật nội soi cắt túi mật
Phẫu thuật nội soi cắt túi mật được coi là phương pháp phẫu thuật tiêu chuẩn được áp dụng rộng rãi hiện nay với nhiều ưu thế như ít xâm lấn, ít gây đau đớn, ngăn ngừa biến chứng trong và sau mổ, rút ngắn thời gian nằm viện, người bệnh sớm hồi phục và nhanh chóng trở lại sinh hoạt bình thường.
Người bệnh khi đã có chỉ định phẫu thuật cắt túi mật, hãy tìm hiểu thật kỹ và lựa chọn những cơ sở y tế uy tín với độ ngũ bác sĩ ngoại khoa giỏi, được trang bị máy móc hiện đại, hệ thống phòng mổ tiêu chuẩn cùng chế độ dịch vụ tốt để đảm bảo ca phẫu thuật được tiến hành thuận lợi và mang đến hiệu quả điều trị cao nhất.
Như vậy, sỏi trong túi mật sẽ không tự biến mất, chỉ có điều trị đúng cách mới có thể hết sỏi. Trong các trường hợp cụ thể, người bệnh cần tiến hành thăm khám trực tiếp để có phương án điều trị đúng cách, nhanh chóng dứt điểm sỏi túi mật để hạn chế nguy cơ biến chứng có thể xảy ra.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.