Cắt túi mật nội soi là phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn đã và đang được áp dụng rộng rãi hiện nay. Phẫu thuật nội soi cắt túi mật không quá phức tạp và mang đến hiệu quả điều trị tốt. Tuy nhiên, người bệnh sẽ cần lưu ý hơn trong quá trình theo dõi và chăm sóc sau mổ để đảm bảo sức khỏe được phục hồi tốt nhất, ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.
Bạn đang đọc: Cắt túi mật nội soi và những điều cần lưu ý sau phẫu thuật?
1. Tìm hiểu về cắt túi mật nội soi
1.1. Cắt túi mật nội soi là gì?
Phẫu thuật nội soi cắt túi mật được tiến hành thông qua một đường rạch nhỏ trên bụng (khoảng 0.3-1cm). Bằng đường rạch này, bác sĩ sẽ đưa vào các ống nội soi đã tích hợp dụng cụ phẫu thuật nhỏ và một camera siêu nhỏ với chức năng chuyển tiếp hình ảnh bên trong ổ bụng tới màn hình video bên ngoài.
Từ hình ảnh của camera, bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ phẫu thuật để tách túi mật ra từ gan và các bộ phận khác, sau đó tiến hành cắt bỏ, đưa túi mật đã cắt ra ngoài, hoàn thành ca phẫu thuật.
Hình ảnh từ camera trong thiết bị nội soi truyền tải phục vụ quá trình thực hiện phẫu thuật nội soi cắt túi mật.
1.2. Ưu điểm khi thực hiện phẫu thuật cắt túi mật nội soi
– Phẫu thuật nội soi ít xâm lấn, toàn bộ quá trình được thực hiện qua vết rạch nhỏ nên ít gây đau đớn, tính thẩm mỹ cao.
– Thời gian tiến hành phẫu thuật nhanh, khoảng 30-60 phút.
– Độ an toàn cao, hạn chế các biến chứng cả trong và sau mổ.
– Rút ngắn thời gian nằm viện, người bệnh có thể được xuất viện sau 2-3 ngày theo dõi sau mổ.
– Quá trình hồi phục diễn ra thuận lợi, người bệnh sẽ sớm trở lại sinh hoạt và làm việc bình thường.
1.3. Chỉ định thực hiện cắt túi mật
Cắt túi mật thường được chỉ định trong các trường hợp sau:
– Người bệnh có sỏi túi mật: Sỏi túi mật là nguyên nhân phổ biến hàng đầu dẫn đến chỉ định cắt bỏ túi mật. Các trường hợp sỏi mật to có thể gây tắc, viêm thậm chí là nhiễm trùng túi mật hoặc nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Khi đó, việc tiến hành cắt túi mật nên được thực hiện càng sớm càng tốt.
– Polyp túi mật: Người bệnh có polyp túi mật lớn trên 10mm, nhất là các trường có đồng thời cả sỏi mật và polyp túi mật thì bác sĩ sẽ chỉ định nên cắt bỏ túi mật sớm hơn.
– Ung thư túi mật: Với trường hợp ung thư túi mật, người bệnh có thể được điều trị bằng việc phẫu thuật cắt đi túi mật cùng một phần mô xung quanh hoặc cũng có thể phải lấy thêm cả phần hạch lân cận.
Tìm hiểu thêm: Viêm gan B lây qua đường nào và cách phòng tránh
Chỉ định cắt túi mật sẽ được bác sĩ đưa ra sau khi tiến hành thăm khám và đánh giá chính xác tình trạng bệnh.
2. Lưu ý trong theo dõi sức khỏe người bệnh sau phẫu thuật
Quá trình theo dõi sức khỏe sau phẫu thuật là vô cùng quan trọng. Các rủi ro hoặc biến chứng sau mổ đều có thể xuất hiện trong khoảng thời gian này. Vì thế, việc theo dõi tốt sẽ nhanh chóng phát hiện và xử lý kịp thời mọi vấn đề phát sinh.
2.1. Theo dõi trong ngày đầu tiên sau mổ
– Ở 2 giờ đầu tiên sau phẫu thuật, người bệnh sẽ được theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu, nhất là những cơn đau bất thường hoặc các dấu hiệu sinh tồn khác.
– Từ 6 đến 8 giờ sau đó, người bệnh có thể được cho ăn và vận động nhẹ nhàng để giúp lưu thông máu, kích thích tăng vận động đường mật nhằm giảm đau, giảm viêm sau mổ. Bên cạnh đó, người bệnh còn được hướng dẫn hít sâu, thở chậm và tập thở bằng cơ bụng để tránh tình trạng ứ dịch ở phổi.
– Trong ngày đầu tiên, người bệnh sẽ được theo dõi liên tục các dấu hiệu biến chứng như chảy máu, nhiễm trùng vết mổ, rò rỉ mật,… Lúc này, người bệnh cần đặc biệt chú ý đến các biểu hiện như sưng, nóng, đỏ, buồn nôn, nôn, sốt,… để có thể nhanh chóng thông báo tới bác sĩ.
2.2. Theo dõi sau khi xuất viện
– Người bệnh có thể được xuất viện sau 2 – 3 ngày, bắt đầu quá trình hồi phục và tự chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, ở tuần đầu tiên, hầu hết người bệnh vẫn thấy bị đau kèm theo một số dấu hiệu rối loạn tiêu hóa như khó tiêu, trướng bụng, đầy hơi hoặc tiêu chảy kéo dài. Điều này xảy ra do cơ thể vẫn chưa kịp thích nghi với việc túi mật đã bị cắt bỏ, nhưng tình trạng này sẽ sớm được cải thiện tốt trong 2 – 3 tuần tiếp theo.
– Trong trường hợp nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào hoặc khi các triệu chứng kéo dài quá lâu thì cần thông báo ngay với bác sĩ điều trị và thực hiện tái khám ngay khi có chỉ định.
>>>>>Xem thêm: Suy thận độ 2 là gì? có thể điều trị hiệu quả
Sau phẫu thuật, người bệnh cần lưu ý theo dõi sức khỏe toàn diện, thông báo ngay với bác sĩ khi có dấu hiệu bất thường xảy ra.
3. Lưu ý trong chế độ chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật
Người bệnh sau cắt túi mật vẫn có thể sinh hoạt và làm việc bình thường mà không bị ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe. Tuy nhiên, để cơ thể sớm thích nghi với việc không còn túi mật, chúng ta cần thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, vận động điều độ và tuân thủ lịch tái khám định kỳ.
3.1. Về chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống đúng cách, đủ dinh dưỡng sẽ vừa giúp người bệnh hồi sức sau phẫu thuật cũng vừa để cải thiện nhanh chóng các triệu chứng tiêu hóa sau khi cắt bỏ túi mật.
Một số lưu ý trong chế độ ăn dành cho người bệnh sau cắt túi mật như sau:
– Xây dựng chế độ ăn đủ chất xơ, uống đủ nước mỗi ngày.
– Hạn chế tối đa chất béo, nhất là các loại chất béo xấu. Tránh các loại đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn chiên rán và đồ ăn nhanh,…
– Nên ăn thành các bữa nhỏ trong ngày, tránh ăn quá no.
– Ăn uống đều đặn, tránh bỏ bữa, nhịn ăn. Không nên cố ăn hay ăn bù vào 1 bữa, đặc biệt là ở bữa tối.
3.2. Vận động điều độ
Trong thời gian hồi phục, vết mổ chưa thực sự lành hẳn thì cần tránh các hoạt động quá sức, không bê vác vật nặng, không thực hiện các bài tập thể dục cường độ cao vì có thể làm rách vết mổ.
Sau khi vết mổ đã lành, hãy duy trì chế độ vận động điều độ bằng việc đi bộ, tập thể thao. Điều này sẽ giúp tăng cường sức khỏe và tốt cho quá trình chuyển hóa nhất là hệ tiêu hóa.
3.3. Tuân thủ lịch tái khám
Người bệnh sau phẫu thuật cần duy trì lịch tái khám theo chỉ định của bác sĩ. Thông thường sẽ cần tái khám đều đặn 6 tháng/lần và thực hiện trong vòng 3 năm đầu.
Trên thực tế, sau cắt túi mật thì sỏi mật vẫn có thể tái phát ở các vị trí khác trên đường mật. Chính vì thế, việc thực hiện thăm khám sẽ giúp phát hiện sớm những bất thường xảy ra và nhanh chóng xử lý kịp thời..
Như vậy, người bệnh không cần quá lo lắng khi thực hiện cắt túi mật nội soi. Điều quan trọng là hãy lựa chọn cho mình cơ sở y tế uy tín với đội ngũ bác sĩ ngoại khoa giàu kinh nghiệm, bệnh viện được trang bị các loại máy móc hiện đại cùng chế độ chăm sóc tận tình sau mổ để ca phẫu thuật được tiến hành thuận lợi, mang tới hiệu quả điều trị tốt nhất.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.