Có tới 80% các trường hợp mắc sỏi túi mật là dạng sỏi cholesterol. Sỏi cholesterol túi mật có thành phần chính là cholesterol và phương pháp điều trị được áp dụng phổ biến đối với loại sỏi này là điều trị bằng thuốc hoặc chỉ định cắt túi mật.
Bạn đang đọc: Sỏi cholesterol túi mật được điều trị như thế nào?
1. Sỏi cholesterol túi mật là gì?
Sỏi cholesterol là loại sỏi túi mật phổ biến nhất, thường có màu vàng. Đúng như tên gọi của nó, sỏi cholesterol có thành phần chính là cholesterol – một dạng chất béo có trong dịch mật do gan tạo ra.
1.1. Quá trình tạo sỏi cholesterol túi mật
Sỏi cholesterol được hình thành khi dịch mật có quá nhiều cholesterol dư thừa không được hòa tan. Có 3 nguyên nhân gây ra tình trạng cholesterol bị lắng đọng là gan sản xuất ra quá nhiều cholesterol, thiếu acid mật hoặc do dịch mật bị ứ trệ.
Bình thường, cholesterol trong dịch mật sẽ được hòa tan hết bởi acid mật và lecithin. Nhưng khi gan sản sinh ra quá nhiều cholesterol hoặc lượng acid mật và lecithin không đủ thì một lượng cholesterol dư thừa sẽ không thể được hòa tan.
Cholesterol không tan này sẽ lắng đọng và dính lại với nhau, tạo thành các tinh thể cholesterol nhỏ (sỏi bùn túi mật). Theo thời gian, những tinh thể sẽ tăng lên về kích thước và cuối cùng kết tụ với nhau tạo thành sỏi viên (sỏi cholesterol trong túi mật).
Sỏi cholesterol được hình thành từ lượng cholesterol không được hòa tan và tích đọng lại trong túi mật.
1.2. Triệu chứng nhận biết sự xuất hiện của sỏi
Sỏi mật nói chung và sỏi cholesterol nói riêng thường có xu hướng phát triển âm thầm không triệu chứng. Hầu hết các trường hợp bệnh chỉ được tình cờ phát hiện trong quá trình thực hiện khám tổng quát hay thực hiện đánh giá chức năng tiêu hóa – gan, mật.
Chỉ khi sỏi phát triển kích thước lớn, tổng thể tích sỏi tăng lên hoặc sỏi gây tắc nghẽn ống mật dẫn tới cản trở sự co bóp túi mật. Khi đó, bệnh mới biểu hiện rõ những triệu chứng ra ngoài, điển hình như sau:
– Cơn đau ở phần trên bên phải của bụng, đau đột ngột và tăng nhanh về mức độ đau;
– Cơn đau ở trung tâm bụng (ở ngay dưới xương ức);
– Đau lưng giữa xương bả vai;
– Đau ở vai phải;
– Buồn nôn hoặc nôn mửa;
– Cơn đau sỏi mật có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ, có thể đau dữ dội hoặc không.
Trong trường hợp gặp phải những triệu chứng nghiêm trọng sau đây thì cần nhanh chóng được hỗ trợ y tế ngay:
– Đau bụng dữ dội, đau đến mức không thể ngồi yên;
– Vàng da và tròng trắng mắt;
– Sốt cao kèm ớn lạnh.
1.3. Đối tượng nào có nguy cơ cao tạo sỏi cholesterol túi mật?
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc sỏi mật nói chung và sỏi cholesterol bao gồm:
– Tỷ lệ nữ giới mắc sỏi cholesterol thường cao hơn nam giới rất nhiều;
– Người từ 40 tuổi trở lên;
– Người thừa cân hoặc béo phì;
– Ít vận động;
– Phụ nữ có thai;
– Người có chế độ ăn nhiều chất béo (nhất là ăn nhiều chất béo xấu);
– Ăn nhiều đồ ăn có lượng cholesterol cao;
– Ăn ít chất xơ;
– Gia đình đã có thành viên mắc sỏi mật, sỏi cholesterol;
– Người bị tiểu đường;
– Người bệnh có các vấn đề về rối loạn máu như thiếu máu hồng cầu hình liềm, bệnh bạch cầu;
– Giảm cân quá nhanh;
– Lạm dụng thuốc tránh thai;
– Bị bệnh về gan.
2. Sỏi cholesterol có gây nguy hiểm không?
Sỏi túi mật cũng như sỏi cholesterol chỉ gây nguy hiểm khi sỏi ảnh hưởng tới quá trình lưu thông dịch mật, gây tắc nghẽn dẫn tới tình trạng viêm, nhiễm trùng cùng nguy cơ cao xảy ra biến chứng, cụ thể như sau:
Những biến chứng có thể gặp phải do sỏi cholesterol túi mật gây ra:
– Viêm túi mật: Đây là loại biến chứng thường gặp nhất. Sỏi làm đầy túi mật khiến mật bị ứ đọng, dòng chảy mật không được lưu thông hoặc sỏi cọ sát vào thành túi mật dẫn tới viêm túi mật. Viêm túi mật cấp gây ra những cơn đau đột ngột và mức độ vô cùng nghiêm trọng cần được xử lý kịp thời ngay.
– Tắc nghẽn ống mật: Sỏi cholesterol mắc kẹt tại ống dẫn mật và chặn đường mật chảy từ gan tới túi mật hoặc từ túi mật tới ruột non dẫn đến viêm, nhiễm trùng ống mật. Biểu hiện rõ gặp nhất là những cơn đau quặn mật và triệu chứng vàng da, vàng mắt.
– Tắc nghẽn ống tụy: Sỏi mật làm tắc nghẽn tại ống tụy có thể dẫn đến viêm tụy. Hậu quả là những cơn đau bụng dữ dội và liên tục, cần phải tiến hành cấp cứu ngay lập tức.
– Ung thư túi mật: Sỏi túi mật là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới ung thư túi mật. Tuy nhiên, trường hợp ung thư túi mật cũng rất hiếm.
Tìm hiểu thêm: Các triệu chứng của xơ gan giai đoạn cuối
Nhiều trường hợp sỏi gây ra những biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh.
3. Phương pháp điều trị sỏi cholesterol túi mật được áp dụng
Thông thường, với sỏi mật cholesterol không gây ra triệu chứng thì hầu như chưa cần can thiệp bất kỳ phương pháp điều trị nào. Các trường hợp sỏi gây đau, kèm theo các biểu hiện của rối loạn tiêu hóa hoặc sỏi có nguy cơ biến chứng cao thì cần được tiến hành điều trị càng sớm càng tốt.
Tùy theo triệu chứng, mức độ ảnh hưởng của sỏi, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp điều trị nội khoa hoặc phải phẫu thuật cắt túi mật.
3.1. Điều trị nội khoa bằng thuốc
Điều trị sỏi cholesterol có thể sử dụng các loại thuốc tan sỏi với vai trò như acid mật. Các loại thuốc này có khả năng đánh tan các viên sỏi mật nhỏ nhưng sẽ mất nhiều thời gian hơn để xử lý những viên sỏi lớn hơn. Người bệnh có thể cần duy trì điều trị từ vài tháng hoặc nhiều năm.
Một lưu ý rằng, sử dụng thuốc lâu dài có thể tạo gánh nặng lên gan, chính vì vậy, người bệnh chỉ tiến hành điều trị nội khoa khi có chỉ định từ bác sĩ, tuân thủ tuyệt đối các hướng dẫn và thực hiện tái khám định kỳ để được đánh giá chi tiết hiệu quả của thuốc.
Bên cạnh việc dùng thuốc, người bệnh sỏi mật cần xây dựng chế độ ăn đủ dinh dưỡng và hợp lý cùng chế độ vận động điều độ nhằm hỗ trợ tốt nhất quá trình điều trị.
>>>>>Xem thêm: 10 biểu hiện bệnh ung thư gan mà bạn cần chú ý
Thuốc có tác dụng đánh tan sỏi cholesterol với vai trò như một acid mật.
3.2. Điều trị ngoại khoa: Cắt túi mật
Phẫu thuật cắt túi mật được chỉ định trong các trường hợp có sỏi túi mật cụ thể như sau:
– Sỏi kích thước lớn, lớn trên 2cm.
– Thể tích sỏi cholesterol chiếm hơn 2/3 tổng thể tích túi mật.
– Sỏi túi mật gây ra triệu chứng tái phát nhiều lần cùng nguy cơ xuất hiện biến chứng nghiêm trọng.
– Một số trường hợp viêm túi mật mạn tính.
– Trường hợp người bệnh có cả sỏi mật và polyp túi mật với kích thước lớn trên 10mm.
Phẫu thuật cắt túi mật thường được thực hiện theo 2 phương pháp chính:
– Mổ nội soi: Đây là phương pháp được áp dụng rộng rãi hơn cả với những ưu điểm là ít xâm lấn, ít gây đau đớn, hạn chế biến chứng, hiệu quả tốt, người bệnh sớm hồi phục và đảm bảo tính thẩm mỹ.
– Mổ mở: Bác sĩ sẽ thực hiện vết cắt lớn trên bụng, đi đến vị trí của túi mật và tiến hành cắt bỏ. Phương pháp này được chỉ định khi người bệnh đáp ứng được các yêu cầu về thể trạng sức khỏe hoặc các trường hợp không thể tiến hành mổ nội soi như ở người bệnh béo phì, người bệnh có các bệnh lý phức tạp về gan,…
Sỏi cholesterol túi mật nói riêng và sỏi túi mật nói chung đều tiềm ẩn những nguy cơ gây hại tới sức khỏe nhất định nên tuyệt đối không được chủ quan. Với người bệnh có sỏi, cần tiến hành thăm khám định kỳ đều đặn và duy trì chế độ ăn uống khoa học, lối sống lành mạnh để kiểm soát tốt nhất quá trình diễn biến của sỏi, tránh những rủi ro có thể xảy ra.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.