Mổ cắt túi mật là một cuộc phẫu thuật nhằm cắt bỏ túi mật có thể thực hiện bằng phương pháp mổ mở hoặc mổ nội soi. Trong đó, phẫu thuật nội soi cắt túi mật được áp dụng phổ biến hơn cả. Những câu hỏi được quan tâm hàng đầu như: Khi nào phải cắt túi mật? Cắt túi mật nội soi liệu có nguy hiểm không? Cắt túi mật có gây ảnh hưởng tới sức khỏe sau này không?,…
Bạn đang đọc: Mổ cắt túi mật nội soi và những câu hỏi được quan tâm hàng đầu
1. Khi nào phải tiến hành mổ cắt túi mật?
Chỉ định cắt túi mật thường được áp dụng với các trường hợp cụ thể sau đây:
– Có sỏi túi mật: Đây là nguyên nhân phổ biến hàng đầu phải cắt túi mật. Các trường hợp sỏi túi mật kèm theo các triệu chứng là các cơn đau quặn mật kéo dài hoặc rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng, sỏi gây tắc, viêm, nhiễm trùng túi mật cùng nguy cơ xuất hiện biến chứng cao.
– Polyp túi mật: Cắt túi mật được chỉ định trên người bệnh có polyp lớn hơn 10mm kèm triệu chứng đau quặn mật mơ hồ tái diễn. Đặc biệt, ở các trường có đồng thời cả sỏi mật và polyp thì yêu cầu phẫu thuật sẽ được thực hiện càng sớm càng tốt.
– Ung thư túi mật: Điều trị ung thư túi mật bằng việc phẫu thuật cắt đi túi mật cùng một phần mô xung quanh. Hoặc cũng có thể lấy đi cả phần hạch lân cận.
Sỏi túi mật, polyp túi mật và ung thư túi mật là những nguyên nhân chính dẫn đến việc phải cắt bỏ túi mật.
2. Phẫu thuật nội soi cắt túi mật có đau không? Có nguy hiểm không?
2.1. Mổ cắt túi mật nội soi có đau không?
Mổ cắt túi mật nội soi thể hiện nhiều ưu điểm nổi bật hơn so với phẫu thuật mổ mở thông thường từ tính chất ít xâm lấn, ít gây ra thương tổn và ít gây đau đớn. Hơn nữa, mổ nội soi được thực hiện dưới gây mê toàn thân và diễn ra nhanh chóng (chưa đầy 1 tiếng đồng hồ), người bệnh hầu như không phải chịu nhiều đau đớn cả trong và sau mổ. Ngay sau mổ có thể đi lại nhẹ nhàng và tự phục vụ những nhu cầu cá nhân cơ bản.
2.2. Mổ cắt túi mật có nguy hiểm không?
Giống như tất các các can thiệp ngoại khoa khác, rủi ro và biến chứng là yếu tố khó tránh khỏi và phẫu thuật cắt túi mật cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, cắt túi mật không phải ca phẫu thuật nguy hiểm, hầu như không gây ra những biến chứng nghiêm trọng và nếu có cũng sẽ được xử lý và dứt điểm nhanh chóng.
Một số biến chứng có thể gặp sau cắt bỏ túi mật:
– Đau ở vết mổ, xuất huyết: Đây là tình trạng thường gặp nhất và sẽ hết sau khoảng 1 tuần điều trị bằng thuốc cùng kết hợp chăm sóc đúng cách tại nhà.
– Hội chứng sau cắt túi mật: Có khoảng 15% người bệnh sau mổ cắt túi mật sẽ gặp phải hội chứng này với các triệu chứng cụ thể như đau bụng, khó tiêu, sốt, tiêu chảy, vàng da, vàng mắt. Hội chứng này sẽ nhanh chóng được cải thiện sau khi cơ thể đã thích nghi với việc không còn túi mật.
– Tổn thương tại ống mật gây rò dịch mật, viêm gan: Đây là biến chứng nguy hiểm nhất nhưng khá hiếm gặp và có thể phòng tránh được nhờ kỹ thuật chuyên nghiệp của bác sĩ.
– Nhiễm trùng. Thường gặp nhất ở mổ hở, với mổ nội soi thì tỷ lệ nhiễm trùng hầu như là không gặp phải.
– Giãn ống mật chủ: Biến chứng xảy ra khi sỏi kích thước lớn di chuyển xuống ống mật chủ hoặc do dịch mật đổ ồ ạt tới ống khi không còn nơi dự trữ gây ra giãn ống mật chủ.
Tìm hiểu thêm: Xơ hóa gan là gì? Các giai đoạn xơ gan
Mổ nội soi cắt túi mật với ưu điểm ít xâm lấn, ít gây đau đớn, hạn chế nguy cơ biến chứng, người bệnh hồi phục nhanh chóng.
3. Sau phẫu thuật bao lâu thì trở lại bình thường?
Thông thường với phẫu thuật nội soi cắt túi mật, người bệnh có thể nhanh chóng được xuất viện sau 2-3 ngày và sớm trở lại cuộc sống sinh hoạt, làm việc bình thường sau khoảng 1 tuần.
Lưu ý, sau phẫu thuật, người bệnh cần được chăm sóc đúng cách bao gồm chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng và hợp lý cùng chế độ vận động điều độ. Việc này nhằm hỗ trợ, cải thiện các triệu chứng rối loạn tiêu hóa thường gặp sau mổ, giúp người bệnh nhanh chóng lấy lại sức và phòng ngừa tốt nguy cơ tái sỏi.
4. Cắt túi mật có ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh sau này không?
Người bệnh hoàn toàn có thể sống, làm việc và sinh hoạt bình thường khi không có túi mật. Tuy nhiên, trong thời gian đầu sau mổ, người bệnh vẫn sẽ thấy đau nhiều ở vùng hạ sườn phải, đây là tình trạng bình thường và sẽ nhanh chóng được cải thiện sau 2-3 tuần.
Bên cạnh đó, phần đông người bệnh sau mổ đều gặp phải các triệu chứng của rối loạn tiêu hóa thoáng quá. Giải thích cho điều này đó là khi không còn túi mật, gan vẫn sản xuất ra dịch mật như thường nhưng không còn nơi dự trữ nên dịch mật được đổ trực tiếp tới đường tiêu hóa. Điều này sẽ gây ra tình trạng thừa hoặc thiếu dịch mật, dẫn tới rối loạn tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu, trướng bụng (khi dịch mật đổ quá ít) hoặc là tiêu chảy kéo dài (khi dịch mật đổ quá nhiều).
Các triệu chứng này cũng sẽ biến mất dần khi cơ thể đã thích ứng với việc không còn túi mật. Người bệnh nên duy trì chế độ ăn khoa học, vận động điều độ để các triệu chứng được cải thiện nhanh hơn, sớm trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.
>>>>>Xem thêm: Trị bệnh gan nhiễm mỡ nên ăn gì và kiêng gì
Sau cắt túi mật, người bệnh cần duy trì chế độ ăn lành mạnh, vận động điều độ và thực hiện thăm khám định kỳ đều đặn.
5. Cắt túi mật sống được bao lâu?
Như đã nói ở trên, người bệnh vẫn có thể sống tốt, sống khỏe mạnh khi không còn túi mật. Không có nghiên cứu nào cho thấy rằng tuổi thọ của người bệnh sau phẫu thuật cắt túi mật sẽ bị ảnh hưởng. Vì thế, bạn đừng nên quá lo lắng về vấn đề này. Thay vào đó, hãy xây dựng lối sống tích cực, ăn uống vận động điều độ và chủ động thực hiện thăm khám định kỳ đều đặn để theo dõi tình trạng sức khỏe một cách tốt nhất.
Trên đây là những câu hỏi cùng giải đáp liên quan tới mổ cắt túi mật nội soi được rất nhiều bạn đọc quan tâm. Đối với những người bệnh đã có chỉ định cắt túi mật cũng không cần quá lo lắng, hãy tìm hiểu và lựa chọn những cơ sở y tế uy tín, đội ngũ bác sĩ ngoại khoa giỏi, trang bị hệ thống máy móc hiện đại, phòng mổ tiêu chuẩn cùng chế độ dịch vụ tốt để đảm bảo ca phẫu thuật sẽ được tiến hành một cách thuận lợi.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.