Suy hô hấp trẻ sơ sinh là bệnh lý tương đối nặng và có nguy cơ dẫn đến tử vong ở trẻ. Đây cũng là điều mà cha mẹ có con luôn lo lắng. Phát hiện sớm, điều trị kịp thời và theo dõi liên tục là điều mà cha mẹ cần chủ động để bảo vệ con trước bệnh lý nguy hiểm này.
Bạn đang đọc: Cảnh báo hội chứng suy hô hấp trẻ sơ sinh
1. Tìm hiểu về hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh
Suy hô hấp ở trẻ sơ sinh còn được gọi là bệnh màng trong, là bệnh lý đường hô hấp ở trẻ khi sinh ra phổi chưa phát triển đầy đủ. Điều này dẫn đến hiện tượng thiếu hoạt chất tạo tính bề mặt (surfactant), làm diện tích bề mặt phế nang dành cho sự trao đổi khí bị giảm. Khi này, các phế nang bị xẹp lại, khiến phổi mất đi sự co giãn. Nhiều trường hợp khác, phế nang không thể kiểm soát mức giãn nở của mình và bị vỡ, tràn khí ra ngoài trung thất và màng phổi. Khi gặp hội chứng này, dù trẻ cố gắng thế nào thì chức năng hô hấp vẫn rất yếu.
Cẩn trọng trước hội chứng suy hô hấp ở trẻ
1.1. Nhận biết hội chứng suy hô hấp ở trẻ
Hội chứng suy hô hấp ở trẻ dễ bắt gặp và phát hiện ngay sau khi trẻ sinh ra đời, và đôi khi là sau 24h đầu. Trẻ bị suy hô hấp sẽ có biểu hiện thở rên, thở khò khè, thở nhanh gấp, co lõm lồng ngực, tim đập nhanh, khi thở cánh mũi phập phồng, thậm chí trẻ có thể có tình trạng ngưng thở, da mặt tím tái,…
Các triệu chứng của suy hô hấp khá giống với triệu chứng của một số bệnh nhiễm trùng hô hấp khác. Chính vì thế, cha mẹ khi nhận thấy những đặc điểm nghi ngờ bệnh lý của con, nên cho con thăm khám để được chẩn đoán và hỗ trợ kịp thời.
1.2. Vì sao trẻ sơ sinh bị suy hô hấp?
Sinh non là nguyên nhân lớn gây tình trạng suy hô hấp ở trẻ. Thông thường, trẻ đủ 40 tuần tuổi thai được gọi là đủ tháng và sẵn sàng ra đời với đầy đủ các cơ quan và chức năng của các cơ quan trong cơ thể. Khi trẻ bị sinh non, phổi của trẻ chưa được hoàn thiện về mặt cấu trúc và chức năng, do đó không hoạt động bình thường và gây tình trạng suy hô hấp.
Ngoài tình trạng sinh non, suy hô hấp còn có thế xuất hiện ở những trường hợp sau:
– Thai kỳ đủ hoặc gần đủ tháng nhưng mẹ bị tiểu đường thai kỳ và không kiểm soát tốt khi mang thai.
– Trẻ có anh chị ruột cũng bị suy hô hấp.
– Mẹ sinh mổ khi chưa có dấu hiệu chuyển dạ.
– Mẹ mang đa thai.
– Trẻ sau khi sinh bị hạ thân nhiệt hoặc không được ủ ấm.
– Lượng máu cung cấp cho trẻ trong thai kỳ suy giảm, trẻ bị tình trạng giảm tưới máu, thiếu oxy khi sinh.
1.3. Suy hô hấp ở trẻ sơ sinh nguy hiểm như thế nào?
Suy hô hấp ở trẻ sơ sinh là bệnh lý nghiêm trọng. Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp trẻ sơ sinh bị suy hô hấp, diễn tiến nặng sau vài ngày và tử vong. Tuy nhiên, nếu được điều trị kịp thời, trẻ có thể duy trì sự sống.
Dẫu vậy, cũng cần lưu ý rằng, suy hô hấp ở trẻ có nhiều nguy cơ biến chứng. Trẻ có thể bị các vấn đề như mù lòa, máu chảy vào phổi/não, thiểu năng trí tuệ, khí phế thũng mô kẽ, loạn sản phế quản, suy thận,…
Tìm hiểu thêm: Cha mẹ có thể cho trẻ bị chân tay miệng uống thuốc gì an toàn?
Suy hô hấp ở trẻ sơ sinh có nhiều hệ lụy nguy hiểm
2. Phòng ngừa sớm hội chứng suy hô hấp cho trẻ sơ sinh
Tránh những nguyên nhân gây suy hô hấp ở trẻ là điều quan trọng nhất trong việc phòng tránh bệnh lý nhiều nguy hiểm này. Như vậy, cần hạn chế tối đa khả năng sinh non cũng như có những biện pháp phòng ngừa hợp lý cho trẻ:
– Mẹ khi mang bầu cần duy trì mức cân nặng phù hợp theo từng giai đoạn thai kỳ theo khuyến nghị của bác sĩ.
– Cha mẹ nên tiến hành sàng lọc trước sinh và mẹ cần khám thai định kỳ để theo dõi mọi biến đổi của thai nhi.
– Mẹ tránh tiểu đường thai kỳ bằng cách test tiểu đường thường xuyên, hạn chế đồ ngọt, có chế độ dinh dưỡng hợp lý.
– Mẹ nên tránh các môi trường độc hại như khói thuốc, đồ uống có cồn, chất kích thích, đồng thời hạn chế các thuốc kê đơn. Khi có vấn đề về sức khỏe mẹ nên đi khám để có chỉ định thích hợp cho bà bầu, tuyệt đối không tự ý uống thuốc.
– Phụ nữ mang bầu cần kiểm soát tốt các bệnh mạn tính.
– Tiêm phòng trước và trong thai kỳ để bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và bé.
– Trong trường hợp được chẩn đoán sinh non, mẹ cân nhắc tiêm mũi trưởng thành phổi để ngăn ngừa hội chứng suy hô hấp cho con trước khi ra đời.
– Khi con sinh ra, cần tạo môi trường trong lành tốt nhất cho con.
3. Vấn đề điều trị suy hô hấp trẻ sơ sinh
Khi phát hiện trẻ sơ sinh có hội chứng suy hô hấp, các bác sĩ sẽ đưa trẻ đến phòng chăm sóc đặc biệt, áp dụng các biện pháp điều trị tích cực để cải thiện chức năng hô hấp và hạn chế tối đa nguy cơ di chứng và biến chứng.
>>>>>Xem thêm: Cách nhận biết bệnh thủy đậu ở trẻ em nhanh chóng
Điều trị suy hô hấp cho trẻ cần tuân theo chỉ định của bác sĩ
Một số phương pháp áp dụng điều trị cho trẻ sơ sinh bị suy hô hấp:
– Liệu pháp oxy áp dụng với trẻ bị suy hô hấp nhẹ, chưa cần sử dụng đến NCPAP, nhằm giúp đưa oxy từ phổi sang các cơ quan khác để giúp các bộ phận trong cơ thể hoạt động bình thường.
– NCPAP – Thở áp lực dương liên tục qua mũi giúp các túi khí duy trì trạng thái mở khi trao đổi khí, áp dụng cho trẻ có khả năng tự thở.
– Liệu pháp thay thế chất hoạt động bề mặt bằng cách dùng ống thông chuyên dụng đưa chất hoạt động về mặt vào phổi trẻ đồng thời với việc cung cấp oxy cho trẻ thông qua máy thở. Việc thực hiện liệu pháp này khi nào và bao nhiêu lần sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hội chứng.
Có thể nói, suy hô hấp trẻ sơ sinh không đơn giản. Chính vì thế, cha mẹ cần phòng ngừa tốt trước, trong và sau khi sinh để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho con. Thêm nữa, cần xây dựng môi trường lý tưởng cho con, nhất là trong khoảng thời gian đầu đời của bé. Ngoài ra, khi nghi ngờ những dấu hiệu bất thường, hay đưa con đến các cơ sở y tế để thăm khám, điều trị phù hợp, tránh tình trạng bệnh để lâu, sinh biến chứng không kiểm soát.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.