Dù bản chất là lành tính, bệnh tay chân miệng ở trẻ em vẫn có thể biến chứng đến viêm phổi, suy hô hấp, viêm cơ tim, viêm não,…, thậm chí đe dọa tính mạng trẻ. Trong bài viết sau, Thu Cúc TCI xin chia sẻ với bố mẹ 6 đặc điểm làm gia tăng mức độ nguy hiểm của tay chân miệng đối với trẻ, đọc ngay bố mẹ nhé!
Bạn đang đọc: Bệnh tay chân miệng ở trẻ em: 6 đặc điểm nguy hiểm
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính phát sinh do virus Enterovirus, có biểu hiện đặc trưng là sốt, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu dưới dạng phỏng nước. Hầu hết các ca tay chân miệng đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh truyền nhiễm cấp tính này có thể diễn biến nhanh, nặng, gây biến chứng nặng nề. Dưới đây là 6 đặc điểm làm gia tăng mức độ nguy hiểm của tay chân miệng đối với trẻ, đọc ngay để đề phòng:
1. Trẻ chưa có ý thức tự bảo vệ bản thân trước tay chân miệng
Trẻ chưa có ý thức bảo vệ bản thân trước tay chân miệng. Khi vui chơi, trẻ hoạt động theo bản năng là chủ yếu và không phân biệt được đâu là yếu tố có hại và đâu là yếu tố không, để đề phòng. Ví dụ như trẻ có thể ngậm mút tay, ngậm mút đồ chơi không ngần ngại. Bởi thế, tay chân miệng trở nên rất nguy hiểm với trẻ.
Trẻ có thể ngậm mút tay, ngậm mút đồ chơi không ngần ngại.
2. Tay chân miệng thường tấn công trẻ có sức đề kháng yếu
Trẻ dưới 5 tuổi là “nạn nhân hoàn hảo” của tay chân miệng. Trẻ càng nhỏ, triệu chứng tay chân miệng càng nghiêm trọng. Lý do trẻ dưới 5 tuổi dễ mắc tay chân miệng hơn so với bình thường là bởi hệ thống miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện.
3. Không phải trẻ tay chân miệng nào cũng có triệu chứng
Thông thường, khi mắc tay chân miệng, trẻ sẽ có các biểu hiện sớm là sốt (38 – 38,5 độ C), đau họng, sổ mũi. Sau đó, trẻ sẽ xuất hiện các phỏng nước ở niêm mạc miệng, thường là ở mặt trong má, lợi, mặt bên của lưỡi. Các phỏng nước này có kích thước 2 – 3mm. Chúng dập vỡ rất nhanh tạo thành các vết loét, đau, rát. Ngoài niêm mạc miệng thì phỏng nước còn xuất hiện ở lòng bàn tay, mông, đầu gối, lòng bàn chân nữa.
Bởi thế, nhiều phụ huynh cho rằng khi mắc tay chân miệng trẻ nhất định phải có các biểu hiện trên. Tuy nhiên, một số trường hợp tay chân miệng không điển hình, tổn thương da ở trẻ chỉ tồn tại dưới dạng ban đỏ. Biểu hiện không rõ ràng này khiến phụ huynh nhầm lẫn tay chân miệng với các bệnh khác và do đó, tay chân miệng chỉ được phát hiện khi đã biến chứng.
Tìm hiểu thêm: Thiếu máu bẩm sinh ở trẻ em có điều trị được không?
Trường hợp tay chân miệng không điển hình, tổn thương da ở trẻ chỉ tồn tại dưới dạng ban đỏ.
4. Biểu hiện bệnh tay chân miệng ở trẻ em dễ nhầm lẫn
Trong một số trường hợp, bố mẹ nhầm lẫn tay chân miệng với các vấn đề khác, dẫn đến nhận biết muộn. Cụ thể, trẻ sốt, chảy nước bọt do loét miệng không nuốt được, phụ huynh lại nhầm lẫn với mọc răng. Trẻ xuất hiện phỏng nước vùng mông, phụ huynh lại nhầm lẫn với hăm tã. Trẻ phát ban ở rìa ngón tay, rìa ngón chân, phụ huynh lại nhầm lẫn với muỗi đốt,… Chịnh vì vậy, khi trẻ có các biểu hiện trên, bố mẹ tuyệt đối không chủ quan, đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín gần nhất càng sớm càng tốt
5. Bệnh tay chân miệng ở trẻ em chưa có vắc xin và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu
Hiện tại, tay chân miệng chưa có vắc xin cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Điều trị tay chân miệng chỉ là điều trị hỗ trợ hay điều trị triệu chứng, tức bố mẹ chỉ có thể hạ sốt, giảm đau, bù nước và điện giải cho trẻ, giúp trẻ nhanh chóng tự vượt qua tay chân miệng. Chính vì vậy, phát hiện muộn và chăm sóc sai có thể khiến tay chân miệng diễn biến nặng và biến chứng.
6. Phụ huynh có nhiều định kiến sai lầm về tay chân miệng
Ở Việt Nam, phụ huynh vẫn còn nhiều định kiến sai lầm về tay chân miệng như: Tay chân miệng chỉ tấn công trẻ dưới 5 tuổi, tay chân miệng chỉ xuất hiện vào khoảng giao mùa.
Thực tế, cả trẻ trên 5 tuổi và người trường thành đều cũng có thể mắc tay chân miệng. Tay chân miệng cũng có thể xuất hiện bất cứ thời điểm nào trong năm chứ không chỉ vào những khoảng giao mùa.
Khi trẻ mắc tay chân miệng, bố mẹ thường chủ quan, cho rằng đây là bệnh lành tính, trẻ quấy khóc, khó ngủ là bình thường. Thực tế, bố mẹ không nên chủ quan khi thấy trẻ ngủ không ngon, giật mình, khóc quấy hoặc trẻ ngủ li bì,…. Bởi đây có thể là dấu hiệu tay chân miệng biến chứng đến viêm màng não, viêm não và trẻ có nguy cơ tử vong cao.
Tóm lại, tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính phát sinh do virus, thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh truyền nhiễm cấp tính này dễ nhầm lẫn và có thể diễn tiến nhanh, dẫn đến tử vong chỉ trong một vài ngày. Hiện chưa có vaccine, cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu tay chân miệng. Chính vì vậy, để dự phòng tay chân miệng, bố mẹ cần rửa tay cho trẻ thường xuyên bằng xà phòng; không cho trẻ ngậm mút tay, ngậm mút đồ chơi;… Tại nhà và trường học, bố mẹ và thầy cô giáo cần thường xuyên vệ sinh bề mặt vật dụng sinh hoạt và học tập của trẻ bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường khác;….
>>>>>Xem thêm: Mách phụ huynh cách chữa đi ngoài cho trẻ tại nhà
Để dự phòng tay chân miệng, bố mẹ cần tập thói quen rửa tay thường xuyên cho trẻ.
Phía trên là 6 đặc điểm làm gia tăng mức độ nguy hiểm của tay chân miệng đối với trẻ. Để biết thêm các thông tin khác về tay chân miệng, liên hệ Thu Cúc TCI, bố mẹ nhé!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.