Nhận biết các triệu chứng thủy đậu ở trẻ nhỏ

Triệu chứng thủy đậu ở trẻ sẽ dần xuất hiện và ngày càng rõ ràng theo từng giai đoạn bé mắc bệnh. Việc nhận biết các triệu chứng của bệnh thủy đậu có ý nghĩa rất quan trọng. Nhờ đó, người chăm sóc có thể phát hiện sớm bệnh ở trẻ, cho bé điều trị kịp thời và hạn chế tối đa biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

1. Vì sao trẻ nhỏ lại mắc bệnh thủy đậu?

Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó trẻ từ 6 tháng – 7 tuổi đối tượng mắc bệnh phổ biến nhất. Bệnh thủy đậu dễ lây nhiễm qua đường hô hấp và thủ phạm chính bởi virus Varicella Zoster.

Nhận biết các triệu chứng thủy đậu ở trẻ nhỏ

Trẻ nhỏ mắc thủy đậu do lây nhiễm virus Varicella Zoster

Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng người chính là ổ chứa bệnh thủy đậu duy nhất. Do đó, trẻ chỉ có thể lây bệnh thủy đậu do hai con đường:

– Tiếp xúc trực tiếp với người đã mắc bệnh. Với trường hợp này, trẻ đã tiếp xúc trực tiếp với giọt nước bọt của người bệnh thông qua nói chuyện hay đứng gần lúc người bệnh ho, hắt hơi; hoặc trẻ có tiếp xúc trực tiếp với các tổn thương da và niêm mạc của người bệnh.

– Tiếp xúc gián tiếp với người đã mắc bệnh. Với trường hợp này, trẻ có thể đã tiếp xúc với các đồ vật bị dính giọt bắn hay dịch từ mụn nước của người mắc thủy. Do đó, bé đã bị virus tấn công và mắc bệnh.

2. Các triệu chứng thủy đậu phổ biến ở trẻ

Các triệu chứng thủy đậu ở trẻ sẽ dần xuất hiện theo từng giai đoạn bé mắc bệnh. Càng ở giai đoạn sau thì triệu chứng bệnh càng rõ ràng, dễ nhận biết hơn.

2.1. Triệu chứng thủy đậu giai đoạn ủ bệnh

Ủ bệnh là giai đoạn đầu tiên bé mắc thủy đậu phải trải qua. Giai đoạn này có thể sẽ kéo dài từ 10 -14 ngày. Trong giai đoạn này, trẻ mắc thủy đậu hầu hết đều không xuất hiện triệu chứng nào khác thường. Do đó, bố mẹ hay người chăm sóc rất khó phát hiện con có bất thường về sức khỏe.

2.2. Triệu chứng thủy đậu ở trẻ giai đoạn khởi phát

Khởi phát là giai đoạn thứ hai bé mắc thủy đậu sẽ phải trải qua. Ở giai đoạn này, các triệu chứng thủy đậu sẽ dần xuất hiện. Bố mẹ và người chăm sóc nếu quan tâm, để ý con thật kỹ thì có thể phát hiện bệnh của trẻ.

Thông thường, giai đoạn khởi phát chỉ kéo dài từ 1-2 ngày. Trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng gồm:

– Bé không sốt hoặc có thể sốt nhẹ;

– Bé cảm thấy mệt mỏi, đau mỏi cơ khớp, không chịu chơi và quấy khóc nhiều hơn bình thường;

– Một số ít trường hợp trẻ sẽ sốt cao 39 – 40 độ C kèm theo biểu hiện trằn trọc, mê sảng, co giật, viêm họng, viêm xuất tiết đường hô hấp trên;

– Trẻ mắc thủy đậu bắt đầu xuất hiện nốt ban đỏ.

Nhận biết các triệu chứng thủy đậu ở trẻ nhỏ

Cuối giai đoạn khởi phát, trẻ thủy đậu sẽ nổi các nốt ban đỏ trên da

2.3. Triệu chứng mắc thủy đậu giai đoạn toàn phát

Ở giai đoạn thứ ba là toàn phát, triệu chứng thủy đậu ở trẻ sẽ xuất hiện nhiều và rõ rệt hơn:

– Các nốt ban đỏ trên da trẻ xuất hiện ngày càng nhiều, lan rộng khắp cơ thể và chuyển thành mụn nước với kích thước to dần. Mụn nước có thể còn mọc ở các bị trí khó chịu như mí mắt, niêm mạc miệng hay cơ quan sinh dục của trẻ;

– Trẻ cảm thấy ngứa nhiều ở các nốt mụn nước;

– Trẻ có thể bị sốt cao, cảm thấy mệt mỏi, đau cơ, đau đầu và có biểu hiện buồn nôn.

Thời kỳ toàn phát là một trong những giai giai bé mắc thủy đậu dễ biến chứng trở nặng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Lý do là bởi các nốt mụn nước gây ngứa nhiều, bé rất dễ nảy sinh hành động gãi khiến mụn nước vỡ ra gây nhiễm trùng da và nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, trẻ mắc thủy đậu thời kì này cần được phát hiện và hỗ trợ điều trị bệnh càng sớm càng tốt.

2.4. Triệu chứng mắc thủy đậu giai đoạn hồi phục

Giai đoạn phục hồi thường kéo dài 1 – 2 tuần. Đây là giai đoạn mà các nốt mụn nước của trẻ dần khô và lành lại. Song đây cũng là giai đoạn trẻ dễ bị bội nhiễm. Lý do là bởi nếu không được chăm sóc tốt, mụn nước chưa kịp khô lại đã vỡ ra, chảy dịch gây nhiễm trùng da. Hệ quả nặng hơn sẽ để lại sẹo lõm vĩnh viễn trên da bé.

3. Trẻ mắc thủy đậu có thể gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm

Dù bệnh thủy đậu là một bệnh lành tính, nhưng nếu không được chăm sóc cẩn thận và vệ sinh sạch sẽ, nó có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là một số biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra khi trẻ mắc bệnh thủy đậu:

– Nhiễm khuẩn da, mô mềm, xương khớp hay nhiễm trùng máu. Biến chứng này thường xuất phát từ hành động dùng tay gãi nốt mụn nước của trẻ do quá ngứa.  Hành động này khiến nốt mụn nước bị vỡ ra, có thể còn chảy máu bên trong dẫn đến nhiễm trùng, lở loét ở các vết mụn nước. Do đó, từ giai đoạn toàn phát đến khi bé khỏi hẳn, bố mẹ cần chăm sóc thật tốt, không đê bé gãi nốt mụn nước.

Nhận biết các triệu chứng thủy đậu ở trẻ nhỏ

Không để trẻ gãi vào các nốt thủy đậu vì có thể gây biến chứng nhiễm trùng

– Viêm não, viêm màng não là những biến chứng nguy hiểm nhất có thể xảy ra với trẻ mắc thủy đậu. Biến chứng này thường thường xảy ra sau khoảng 1 tuần từ khi cơ thể bé xuất hiện mụn nước. Biểu hiện của biến chứng viêm não, viêm màng não ở trẻ là sốt cao, hôn mê, co giật, rối loạn thị giác. Nếu không được điều trị kịp thời, biến chứng này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của bé.

– Viêm thận, viêm cầu thận cấp là biến chứng hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra với trẻ mắc thủy đậu. Nếu mắc biến chứng này, trẻ sẽ có biểu hiện như tiểu ra máu hay suy thận.

– Viêm tai giữa, viêm thanh quản là biến chứng có thể xảy ra nếu các nốt mụn nước quanh khu vực này bị lở loét, nhiễm trùng. Do đó, bố mẹ cần bảo vệ con thật tốt, không để bé có hành động gây tổn thương vùng nhạy cảm này.

Ngoài ra, phụ nữ mang thai mắc thủy đậu trong 3 tháng đầu thai kỳ có nguy cơ bị sảy thai hay thai nhi mắc dị tật. Do đó, các mẹ bầu cũng cần hết sức lưu ý bảo vệ chính mình khỏi bệnh thủy đậu để không làm ảnh hưởng tới bé trong bụng.

4. Hướng dẫn xử trí an toàn, hiệu quả khi phát hiện trẻ mắc thủy đậu

Nhận biết các triệu chứng thủy đậu ở trẻ nhỏ

Trẻ xuất hiện triệu chứng nghi mắc thủy đậu nên được đi khám bác sĩ sớm

Bệnh thủy đậu có thời gian ủ bệnh khá lâu, triệu chứng thủy đậu ở trẻ thì xuất hiện từ từ, phải đến giai đoạn toàn phát mới rõ rệt. Do đó, ngay khi phát hiện bé có dấu hiệu nghi mắc thủy đậu, bố mẹ hãy cho con đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Sau thăm khám, bé sẽ được xác định tình trạng bệnh, lên phác đồ điều trị phù hợp. Đồng thời, bác sĩ cũng tư vấn cho bố mẹ cách chăm sóc bé mắc thủy đậu tại nhà tốt nhất.

Hầu hết trường hợp trẻ mắc thủy đậu sau khi khám bệnh đều sẽ được bác sĩ chỉ định tại nhà. Ngoài việc cho bé uống thuốc đúng chỉ định của bác sĩ, chăm sóc và vệ sinh cho trẻ đúng cách, bố mẹ cũng nên sát sao theo dõi con. Ngay khi trẻ mắc thủy đậu xuất hiện triệu chứng bất thường như lờ đờ, mệt mỏi, co giật, hôn mê hay xuất huyết ở nốt rạ, bố mẹ hãy cho bé đến Thu Cúc TCI hay cơ sở y tế uy tín gần nhà để bé được bác sĩ thăm khám và hỗ trợ điều trị kịp thời nhé.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Nguồn bài viết: Benhvienthucuc.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *