Lồng ruột – bệnh tiêu hoá ở trẻ em cần cấp cứu kịp thời

Lồng ruột là bệnh tiêu hoá ở trẻ em có mức độ nguy hiểm cao. Cần cấp cứu kịp thời nếu không có thể gây nhiễm trùng, nhiễm độc, thậm chí là tử vong.

Bạn đang đọc: Lồng ruột – bệnh tiêu hoá ở trẻ em cần cấp cứu kịp thời

1. Lồng ruột là gì?

Đây là bệnh tiêu hóa ở trẻ em có mức độ nguy hiểm cao, thường gặp ở trẻ từ 6 tháng đến 18 tháng, ít gặp ở trẻ sơ sinh. Xảy ra khi đoạn ruột trên chui vào đoạn ruột dưới, gây tình trạng tắc ruột, viêm, thiếu máu và hoại tử ruột. Bệnh cũng có thể xảy ra ở những trẻ lớn hơn hoặc thanh thiếu niên. Người lớn cũng có thể bị lồng ruột nhưng ít gặp.

Lồng ruột gồm nhiều loại:

– Lồng đoạn hồi – manh tràng (phổ biến nhất)

– Lồng đoạn hồi – manh – đại tràng

– Lồng đoạn đại – đại tràng (ít gặp)

Khi bị lồng ruột, phần ruột bị mắc kẹt lâu dần sẽ không nhận được máu, gây thiếu máu cục bộ. Nếu không được xử trí kịp thời có thể gây hoại tử, nhiễm trùng, nhiễm độc, thậm chí là thủng ruột.

Lồng ruột – bệnh tiêu hoá ở trẻ em cần cấp cứu kịp thời

Hình ảnh minh hoạ các quai ruột lồng vào nhau trong bệnh lý lồng ruột

2. Nguyên nhân gây lồng ruột?

Chưa xác định chính xác được nguyên nhân gây ra bệnh lồng ruột. Có tới 90% trường hợp trẻ bị lồng ruột là không rõ nguyên nhân. Phần lớn bệnh tiêu hóa ở trẻ em này là do 2 tác nhân chính sau đây gây ra:

2.1. Rối loạn nguyên phát gây lồng ruột – bệnh tiêu hoá ở trẻ em

– Sau một tình trạng viêm hô hấp, viêm ruột (hay gặp nguyên nhân do nhiễm Adenovirus).

– Quá phát mảng Payer.

2.2. Do rối loạn thứ phát (hay gặp ở trẻ lớn)

Các bất thường có sẵn tại ruột của trẻ gây ra, bao gồm:

– Túi thừa Meckel

– Polyp

– Nang ruột đôi

– Hội chứng Peutz-Jeghers.

3. Triệu chứng phát hiện trẻ bị lồng ruột?

– Trẻ đột ngột khóc thét từng cơn, co gối vào ngực kèm theo nôn ói, bỏ bú. Do cơn đau bụng đột ngột, dữ dội xảy ra khi đoạn ruột bị lồng vào nhau.

– Triệu chứng: sốt cao, hôn mê, bụng chướng, tụt huyết áp, nhịp tim nhanh…

– Phân nhầy máu: thường xuất hiện ở giai đoạn sau.

– Vào viện muộn có thể xuất hiện hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc.

– Hội chứng tắc ruột: nôn mửa dữ dội, bí trung đại tiện, chướng bụng…

– Khi khám bụng thấy bụng chướng, có thể sờ được khối lồng phần bụng dưới bên phải.

4. Khi nghi ngờ, cần làm thêm xét nghiệm gì?

Sau khi xem xét tiền sử và các triệu chứng của trẻ, để chẩn đoán chính xác bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện một số xét nghiệm sau:

4.1. Xét nghiệm máu

Có thể có bất thường do tình trạng nhiễm trùng như tăng bạch cầu, tăng CRP…

4.2. Siêu âm phát hiện lồng ruột – bệnh tiêu hoá ở trẻ em

Là phương tiện chẩn đoán hình ảnh có độ nhạy và độ đặc hiệu đạt khá cao. Giúp phát hiện tình trạng lồng ruột, đoạn ruột bị lồng vào nhau, không xâm lấn, thực hiện nhanh chóng, giúp đánh giá, sàng lọc nhanh trong chẩn đoán lồng ruột. Ngoài ra, siêu âm còn cho thấy hình ảnh khối lồng như bánh sandwich ở mặt cắt ngang và hình ảnh bia bắn ở mặt cắt dọc. Siêu âm doopler còn giúp xác định tình trạng đoạn ruột bị thiếu máu nuôi.

4.3. Chụp X quang bụng không chuẩn bị

Giúp chẩn đoán các biến chứng với hình ảnh tắc nghẽn hoặc thủng ruột như: mức hơi dịch, ruột căng phồng lên, liềm hơi… Tuy có thể có hình ảnh khối lồng là 2 hình tròn đồng tâm chồng lên nhau nhưng lại không rõ ràng để chẩn đoán chính xác.

4.4. Chụp cắt lớp vi tính ổ bụng

Được thực hiện nếu siêu âm chưa chắc chắn và còn nghi ngờ. Tuy nhiên chụp cắt lớp vi tính làm cho trẻ tiếp xúc với lượng bức xạ lớn và cần tiêm thuốc cản quang tĩnh mạch.

4.5. Chụp X quang đại tràng cản quang

Dung dịch chất lỏng có chứa Baryte được đưa vào đại tràng của trẻ như một loại thuốc sổ, sau khi chụp X quang sẽ có hình ảnh càng cua hay cắt cụt của khối lồng. Trong một số trường hợp, khối lồng có thể vô tình được tháo ra khi thực hiện thủ thuật này. Tuy nhiên, không được phép thực hiện thủ thuật này đối với trẻ đến muộn sau 24h và trẻ đã có biến chứng viêm phúc mạc, nhiễm trùng nhiễm độc….

5. Xử trí lồng ruột – bệnh tiêu hóa ở trẻ em cần cấp cứu kịp thời

Trẻ bị lồng ruột cần được điều trị càng sớm, càng tốt, ngay khi xác định chẩn đoán cần can thiệp ngay. Hầu hết những trẻ vào viện sớm, trong vòng 24 giờ đầu kể từ khi phát hiện triệu chứng đều được điều trị thuận lợi và thành công. Trong khi càng vào viện chậm trễ thì càng tăng nguy cơ, phải can thiệp phẫu thuật và chịu các biến chứng phẫu thuật sau đó.

Điều trị sẽ phụ thuộc vào độ tuổi, triệu chứng và mức độ nặng của trẻ. Sau khi được chẩn đoán, bác sĩ sẽ điều trị bằng cách cố gắng đẩy ruột trở lại vị trí ban đầu như dùng bơm hơi/baryte qua hậu môn, nếu thất bại trẻ có thể sẽ phải phẫu thuật.

5.1. Tháo lồng bằng hơi/baryte

Tỷ lệ thành công là khá cao và ít biến chứng trong các phương pháp điều trị lồng ruột ở trẻ em.

– Trẻ sẽ được đặt một ống nhỏ mềm vào trực tràng và đẩy không khí hoặc dung dịch baryte qua ống này. Áp lực của không khí và baryte sẽ giúp tháo phần ruột bị lồng ra. Cả không khí và baryte đều khá an toàn cho trẻ, vì vậy thường được sử dụng phổ biến, trong đó tháo lồng bằng hơi phổ biến nhất. Ngoài ra, còn một số dung dịch khác cũng có thể sử dụng để tháo lồng như: nước muối sinh lý, dung dịch Ringer…

– Tuy nhiên, không thực hiện tháo lồng bằng phương pháp này đối với những bệnh nhân vào viện muộn hay đã có biến chứng.

– Ở một số trẻ, lồng ruột có thể có thể tái phát, nhất là trong 72 giờ sau khi tháo lồng và cần phải được lặp lại thủ thuật.

Tìm hiểu thêm: Giải đáp: Bé bị tay chân miệng uống thuốc gì?

Lồng ruột – bệnh tiêu hoá ở trẻ em cần cấp cứu kịp thời

Nội soi xử trí lồng ruột cấp ở trẻ em

5.2. Phẫu thuật

Tùy vào tình trạng của đoạn ruột bị lồng mà tháo lồng hay phải cắt bỏ phần ruột đó. Cân nhắc phẫu thuật bệnh tiêu hoá ở trẻ em đối với những trường hợp sau:

– Tháo lồng bằng hơi/baryte thất bại.

– Trường hợp trẻ đến muộn sau 48h, tình trạng xấu, có sốc hoặc đã có biến chứng thủng ruột, tắc ruột…

– Mục đích phẫu thuật vừa tháo lồng vừa giải quyết các nguyên nhân cơ học gây ra lồng ruột ở trẻ như polyp, túi thừa Meckel…

Lồng ruột – bệnh tiêu hoá ở trẻ em cần cấp cứu kịp thời

>>>>>Xem thêm: Viêm phế quản co thắt ở trẻ em và cách điều trị

Hình minh hoạ tháo đoạn ruột bị lồng vào nhau

6. Theo dõi sau tháo lồng/phẫu thuật

Sau khi tháo lồng thành công, trẻ sẽ hết kích thích, vui chơi bình thường, bú tốt, không nôn, đi cầu phân vàng.

Trong vòng 12h đầu tiên sau khi tháo lồng bằng hơi/baryte, trẻ sẽ phải nhịn ăn uống, sau khi ruột hồi phục. Trẻ có thể bú hoặc uống sữa, nếu trẻ dung nạp tốt. Có thể cho bé ăn trở lại với lượng thức ăn nhỏ, sau đó tăng dần.

Sau phẫu thuật, trẻ sẽ được tiêm thuốc giảm đau và nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch. Chưa được ăn uống gì ngay để dạ dày và ruột được nghỉ ngơi.

Cần báo với bác sĩ ngay nếu trẻ lặp lại những triệu chứng của lồng ruột trước đó hay có bất kỳ bất thường nào sau tháo lồng như:

– Sốt cao.

– Vết mổ đỏ, sung, nóng, chảy dịch bất thường.

– Màu sắc phân bất thường.

– Đau bụng, nôn mửa.

Lồng ruột là một trong những bệnh tiêu hóa ở trẻ em cần được phát hiện và điều trị kịp thời. Hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi có các dấu hiệu bất thường, đảm bảo an toàn cho trẻ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *